Doanh nghiệp vận tải trong ‘bão giá’ xăng dầu: Cận kề phá sản
Lãnh đạo một số doanh nghiệp vận tải cho biết đang bên bờ vực phá sản do bị bóp nghẹt bởi dịch COVID-19 trước đó và nay là giá xăng dầu tăng cao.
Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng Vận tải Bắc Nam cho biết, trước đây mỗi ngày đơn vị vận chuyển trên 100 tấn hàng hóa. Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và giá xăng dầu leo thang, nên nay mỗi ngày hãng chỉ vận chuyển khoảng 40 – 50 tấn hàng, tức giảm khoảng 50% khối lượng.
“Doanh nghiệp vận tải như chúng tôi đang hết sức khó khăn. Nhiên liệu tăng làm tăng chi phí, kéo giảm doanh thu và lợi nhuận. Với mức giá xăng dầu như hiện nay, kinh doanh may lắm chỉ cầm hòa, nếu tiếp tục tăng thì chắc chắn thua lỗ, nguy cơ phá sản cận kề”, ông Quýnh nói.
Ông Đỗ Văn Bằng, đại diện thương hiệu xe khách Sao Việt cho rằng đây là thời điểm ngành vận tải hành khách cơ hàn nhất, rất cần được nhà nước hỗ trợ.
Ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết xăng dầu chiếm khoảng 40 – 50% chi phí vận tải, trong thời gian qua giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên rất nhiều, thu không đủ bù chi.
“Xăng dầu liên tục tăng cao thời gian qua khiến các doanh nghiệp vận tải điêu đứng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản nếu không sớm có giải pháp hạ nhiệt”, ông Bằng nói.
Tương tự, ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bắc Kỳ Logistics cho biết, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh logistics. Với mức giá xăng dầu như hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh chỉ mong… cầm hòa.
“Chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng 30 – 35% trong chi phí hoạt động của doanh nghiệp logistics. Xăng dầu tăng giá liên tục khiến cả doanh nghiệp logistics và đối tác lo lắng. Bởi khi giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển tăng, giá cước cùng phải điều chỉnh nếu không doanh nghiệp logistics sẽ lỗ nặng do thu không đủ bù chi”, ông Nam chia sẻ.
Video đang HOT
Trong khi đó, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cho biết đang lo lắng bởi giá nhiên liệu tăng sẽ làm tăng cước vận tải. Khi cước vận chuyển tăng sẽ tác động trực tiếp tới các khâu khai thác, vận chuyển nguyên liệu, lưu thông hàng hóa và bán sản phẩm.
“Chúng tôi chưa có kế hoạch tăng giá bán sản phẩm mà tiếp tục nghe ngóng thị trường để có chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Thực tế, việc kinh doanh đang khó khăn, nhưng không thể lập tức tăng giá bán sản phẩm. Bởi trong tình hình hiện nay hầu hết vẫn còn đang khó khăn do sức mua trên thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện, lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp vẫn ở mức cao”, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cho biết.
Chưa tìm ra lối thoát
Theo ông Nguyễn Văn Quýnh, trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao, đơn vị vận tải bắt buộc phải điều chỉnh lại giá cước nếu không sẽ lỗ và không thể tồn tại được. Tuy nhiên, do quy trình tăng giá cước cần được các cơ quan quản lý vận tải, thuế… cho phép chứ không phải muốn tăng là được.
“Chúng tôi tính nát nước nát cái mà chưa có phương án khả dĩ. Tăng giá cước vận chuyển thì đối tác kêu vì ai cũng khổ như nhau. Nhưng không tăng thì chỉ còn cách gánh lỗ”, ông Quýnh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Bằng cho biết hãng xe Sao Việt đang tìm mọi cách để tăng doanh thu, giảm chi phí, nhằm đối phó với tình trạng giá xăng dầu tăng cao. “Vẫn biết giá xăng dầu tăng cao do giá thế giới leo thang. Nhưng cứ kéo dài thế này, doanh nghiệp hết cửa sống. Trước mắt, doanh nghiệp chỉ có biện pháp khắc phục tạm thời là giảm, dồn chuyến để tiết kiệm tối đa chi phí”, ông Bằng nói.
Đại diện nhà xe Tuấn Nhung (chuyên tuyến Gia Lâm – Yên Bái) thậm chí đã quyết định “chạy xe ngẫu hứng” chứ không xếp “lốt” hàng ngày như trước. Tức là hôm nào có khách đặt, đủ để chạy xe không bị lỗ thì nhà xe này mới chạy, nếu không thì để xe “đắp chiếu”.
“Chi phí cho một chiếc xe giường nằm chạy tuyến như chúng tôi mỗi ngày hết khoảng 5-6 triệu đồng. Xăng dầu tăng giá, khách lại vắng, nên có chạy thì cũng chỉ thu về được 1,5 – 2 triệu đồng, lỗ 3-4 triệu đồng thì thà không chạy còn sống, chứ chạy thì chỉ có chết”, chủ nhà xe này nói.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bắc Kỳ Logistics cũng cho hay liên tục tìm nhiều giải pháp giảm chi phí, như tổ chức lại hoạt động kinh doanh, tiết kiệm mọi khoản chi phí ít cần thiết… nhưng việc tăng giá xăng, dầu cao như vừa qua đang đẩy thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhằm giảm sức nóng của giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng trong bối cảnh hiện nay, có thể xem xét phương án trợ giá xăng dầu cho người dân. Việc hỗ trợ trực tiếp giúp người dân giảm được phần nào chi phí xăng dầu, nhưng quan trọng hơn là thể hiện được sự quan tâm, hỗ trợ người dân của Chính phủ lúc giá cả tăng cao.
“Trường hợp giảm thuế nhập khẩu và tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường mà giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng, trong khi chưa thể giảm ngay được thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, thì có thể kết hợp với việc trợ giá xăng dầu cho người dân như nhiều nước đã thực hiện”, ông Lạng nói.
Về nguồn kinh phí thực hiện, chuyên gia cho rằng có thể trích một phần từ nguồn thu dầu thô để hỗ trợ trực tiếp (trợ giá) cho người dân. Bên cạnh giải pháp cấp bách nàyông Lạng cho rằng về lâu dài cần khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng, điều kiện của Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường…
Đồng quan điểm, chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá Bộ Tài chính nhìn nhận giá xăng dầu tăng kỷ lục đang tác động rất lớn đến hoạt động và giá thành vận tải trong nước. Ông Long cho rằng để có thể ổn định và hạn chế tác động của giá xăng dầu tăng trong hoạt động vận tải, nhà nước có thể trích một khoản kinh phí để có thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
“Xăng dầu là chi phí đầu vào của hầu hết ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ nên khi xăng tăng có tác động rất lớn đến mặt bằng giá cả thị trường. Trong khi giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh, các giải pháp giảm thêm thuế phí chưa thể thực hiện ngay được. Nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp để duy trì cuộc sống và hồi phục kinh tế sau dịch. Tuy nhiên, việc trợ giá xăng dầu là một giải pháp khó thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại”, ông Long nói.
Giá xăng dầu leo thang, các hãng bay tốn thêm hàng nghìn tỷ đồng
Thời gian qua, giá nhiên liệu bay Jet A1 tăng mạnh, từ mức gần 73 USD/thùng năm 2021 lên hơn 100 USD/thùng. Thêm nữa, chiến sự Nga - Ukraine cũng đẩy giá dầu thô tiếp tục tăng nhanh, có lúc lên tới 138 USD/thùng.
Doanh nghiệp hàng không gặp nhiều khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao.
Một số nhà phân tích dự báo giá dầu thô sẽ nhanh chóng đạt ngưỡng 150 USD/thùng, vượt mức giá kỷ lục 147 USD/thùng năm 2008. Trong trường hợp này giá nhiên liệu bay Jet A1 sẽ tăng lên mức hơn 160 USD/thùng, thậm chí có thể lên đến 200 USD/thùng. Việc giá nhiên liệu tăng mạnh khiến doanh nghiệp hàng không nhận thêm cú giáng sau khi đã lao đao trong thời gian dài vì dịch bệnh COVID-19.
Chia sẻ với VTC News, đại diện Vietnam Airlines cho biết việc giá nhiên liệu bay Jet A1 trung bình đầu tháng 3 đạt trên 130 USD/thùng khiến chi phí nhiên liệu của hãng tăng mạnh.
"Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng và nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ đồng", lãnh đạo Vietnam Airlines nói.
Tương tự, đại diện Bamboo Airways cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải hàng không nên việc giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng lớn tới giá thành và chi phí sản xuất kinh doanh của tất cả các hãng bay, trong đó có Bamboo Airways.
"Đây là là điều bất lợi cho toàn ngành giao thông vận tải nói chung khi đang trên đà phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu cũng giống như dịch bệnh, đều là các yếu tố khách quan bất khả kháng và đòi hỏi các doanh nghiệp linh hoạt ứng biến, thích nghi. Chúng tôi đã và đang nghiên cứu, triển khai các phương án khai thác linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế để vừa có thể tiết kiệm chi phí, mặt khác giảm tác động ô nhiễm môi trường", đại diện Bamboo Airways nói.
Hiện Bamboo Airways sử dụng đội tàu bay thế hệ mới như Boeing 787-9 Dreamliner, Airbus A321neo, Embraer...hiện đại với tuổi đời bình quân thấp, được thiết kế tiết kiệm nhiên liệu. Đồng thời, đội tàu đa dạng chủng loại, với các tầm bay và tải trọng khác nhau cho phép Bamboo Airways linh hoạt điều chỉnh kế hoạch khai thác phù hợp với từng chặng bay, qua đó tối ưu hóa nhiên liệu tiêu hao.
Chính phủ cũng vừa ban hành nghị quyết số 31 để thông qua dự án nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 theo đề xuất của Bộ Tài chính. Đây là đề xuất rất được mong đợi.
"Chúng tôi tin tưởng các những giải pháp tích cực, cơ chế phù hợp, điều chỉnh kịp thời của Chính phủ sẽ góp phần giảm bớt áp lực, trợ giúp cho các doanh nghiệp hàng không hồi phục sau dịch", đại diện hãng bay nói thêm.
Về khả năng tăng vé máy bay, phía Bamboo Airways cho hay giá vé phụ thuộc vào cung cầu thị trường và nhiều yếu tố khách quan. Hãng đã xây dựng bộ quyền lợi nhóm giá vé với 8 nhóm giá. Mỗi nhóm giá tương ứng với các bộ quyền lợi khác nhau như số cân hành lý, suất ăn; quyền đổi tên, đổi hành trình, thời gian bay); quyền chọn chỗ, ưu tiên check-in, sử dụng phòng chờ thương gia; tích lũy điểm trong chương trình khách hàng thân thiết Bamboo Club...
Tùy theo nhu cầu của bản thân, mỗi hành khách có thể lựa chọn hạng vé với các quyền lợi đi kèm phù hợp, đồng thời loại bỏ các dịch vụ không cần thiết, để tối ưu trải nghiệm và chi phí.
Giá xăng tăng cao kỷ lục, doanh nghiệp vận tải gặp 'ác mộng' Xăng dầu tăng giá mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp gây sức ép khủng khiếp lên doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực vận tải. Trong kỳ điều chỉnh mới nhất, giá mỗi lít xăng A95 đã chạm 25.320 đồng, xăng E5 cao nhất là 24.570 đồng, giá các loại dầu cũng tăng mạnh. Việc giá nguyên liệu...