Doanh nghiệp ứng phó với đại dịch COVID-19 – Bài cuối: Giữ vững tâm thế ‘cánh diều trước gió’
Với tâm thế chủ động, nỗ lực của từng doanh nghiệp và niềm tin vào sự đồng hành của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh sẵn sàng vượt qua những khó khăn trước mắt, chủ động nắm bắt những cơ hội mới mở ra sau dịch COVID-19.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. Ảnh minh họa: Quang Nhựt/TTXVN
Cơ hội tái cấu trúc
Trong bối cảnh hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần “ tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Cụ thể là tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng. Đối với các tập đoàn lớn có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường. Đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.
Cùng với đó, các doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng, tham gia đề án phát triển Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP Hồ Chí Minh…
Những diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, Tập đoàn tập trung vào tái cấu trúc hệ thống quản lý, tái cấu trúc nguồn nhân lực và tái cấu trúc về tài chính; trong đó, việc tái cấu trúc nguồn nhân lực được thực hiện theo phương châm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thêm việc làm hữu ích cho toàn thể thành viên trong thời kỳ khủng hoảng, hướng đến mục tiêu không có một nhân tố tích cực nào phải bị cho nghỉ việc vì không bố trí được việc làm. Đồng thời, nâng cao năng lực tài chính và tái cấu trúc nguồn tài chính với mục tiêu sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh ổn định.
Với sự chủ động của mình, trong bối cảnh rất khó khăn, nhiều công ty phải giảm quy mô hoạt động, giảm lương nhân viên, cắt giảm nhân sự, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long vẫn chưa phải cắt giảm nhân viên nào để giảm chi phí.
Ngược lại, mọi kế hoạch tuyển dụng các nhân sự tài năng và tâm huyết vẫn đang diễn để đáp ứng kế hoạch mở rộng và phát triển kinh doanh cho năm 2021-2022.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long cho rằng, việc gìn giữ con người giống hệt như những gì công ty đã trải qua trong cuộc khủng hoảng 5 năm liên tục 2008-2012. Trong 5 năm này đã có lúc những nhà lãnh đạo cao cấp từ chối nhận lương nhưng vẫn không cắt giảm một nhân viên nào bởi công ty luôn tin rằng con người, đặc biệt là những nhân tài là tài sản quý giá nhất của một doanh nghiệp.
Nhấn mạnh yếu tố nhân lực, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng trong thời gian này vì nguồn cung lao động đang dồi dào hơn và ứng viên khi nhận việc sẽ có nhiều thời gian để hòa nhập với công ty và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh qua đi. Do đó, bên cạnh duy trì và tạo động lực cho đội ngũ hiện tại, các công ty cũng cần xây dựng ngay kế hoạch tuyển dụng để đảm bảo nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Video đang HOT
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, rõ ràng, khi hết dịch bệnh, doanh nghiệp vừa phải đương đầu với bài toán phục hồi, vừa phải lo chi trả các khoản nợ, thuế, bảo hiểm xã hội… đã được giãn nộp, doanh nghiệp nào không có tiềm lực mạnh và hiệu quả kinh doanh cao thì đến khi hết dịch sẽ không thể chịu nổi áp lực kép đó. Khủng hoảng sau dịch COVID -19 là sự sàng lọc khốc liệt, tái sắp xếp thị phần, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực và doanh nghiệp có hiệu quả bền vững.
Biến nguy thành cơ
Với góc nhìn lạc quan trước tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, dù dịch vẫn còn nhưng các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng cần phải vận hành trở lại và có sự kiểm soát phòng dịch tốt nhất. Nếu không vận hành thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao, khó khăn chồng chất khó khăn. Khi tình hình dịch bệnh được khống chế, các Chính phủ cho phép đi lại giao thương bình thường thì hoạt động kinh tế sẽ khôi phục và trỗi dậy mạnh mẽ.
Dưới góc độ chính sách hỗ trợ, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi dịch bệnh có xu hướng giảm rõ nét, cũng là lúc Chính phủ nên triển khai giai đoạn 2 của gói kích thích kinh tế. Với mục tiêu chính là kích thích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Theo đó, gói kích thích kinh tế nên nhằm vào hỗ trợ một phần lãi vay, giảm thuế cho các dự án đầu tư tư nhân có tiềm năng phát triển và tạo nhiều công ăn việc làm trong tương lai. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu hoạt động các tổ chức tín dụng theo hướng ưu tiên cho vay sản xuất và các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ mới.
Nhấn mạnh việc đầu tư dài hạn của doanh nghiệp sau dịch bệnh cần được định hướng ngay từ lúc này, Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, cho rằng: Các dự án đầu tư mới cần hướng đến đạt tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết hội nhập về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động.
Do vậy, cần ưu tiên kích cầu thông qua các gói hỗ trợ tín dụng cho các dự án sản xuất nguyên liệu thay thế nhập khẩu, ứng dụng công nghệ mới trong quy trình sản xuất, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, gói kích cầu tập trung vào đầu tư cho các dự án cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp, xem đây là một cách để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long, chia sẻ: Nam Long tin rằng “trong nguy luôn có cơ”, chỉ cần bạn không dừng lại. Đây có thể là bước dừng bên ngoài nhưng lại là một cuộc chạy đua bên trong mỗi doanh nghiệp, là một cơ hội để bạn luyện tập sức bền, khả năng sáng tạo, linh hoạt và ứng phó trước khó khăn. Thương trường không dễ dàng, và sau mỗi lần luyện tập là một lần ta tạo thêm đề kháng cho doanh nghiệp trước những biến cố mới.
Dưới góc nhìn rộng hơn trong bối cảnh dịch COVID-19, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là bước tiến quang trọng trong tiến trình hội nhập của Việt Nam, do đó doanh nghiệp nên nắm vững những nội dung liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, phân tích SWOT (mạnh – yếu – cơ hội – thách thức). Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghiên cứu thị trường EU để tận dựng cơ hội tham gia chuỗi giá trị, tiến tới hợp tác dài hạn ổn định với những quốc gia trong khu vực này.
Điển hình, EVFTA mang lại cơ hội lớn đối với nhóm nông sản, lâm sản, thủy sản nhiệt đới Việt Nam như gạo, đường, thịt gia súc, gia cầm, trái cây, cao su, tiêu, điều, cà phê, đồ gỗ… do được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, ngành nông nghiệp Việt Nam phải chuyển hướng sang canh tác bền vững, đạt chứng nhận quốc tế; có sự phối hợp và kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà phân phối tại EU, từ đó làm gia tăng giá trị hàng nông sản xuất khẩu.
Dưới góc độ địa phương, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, để phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù của Thành phố để đưa kinh tế, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn vượt qua khó khăn, trong đó tập trung hỗ trợ sản xuất – kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19.
“Chống dịch mỗi người dân là một chiến sỹ nhưng phục hồi kinh tế, phục vụ mục tiêu kép thì thì mỗi doanh nghiệp, mỗi doanh nhân là một chiến sỹ”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Tuy còn rất nhiều khó khăn đang còn ở phía trước, nhưng rất nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh luôn tin tưởng rằng với tinh thần “Cánh diều ngược gió”, biến trở lực thành động lực, biến thử thách thành cơ hội, cùng với thái độ tích cực, tinh thần chủ động và truyền thống đoàn kết vượt khó, nhất định cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ vượt qua “sóng to gió cả” để tiến lên mạnh mẽ hơn sau khủng hoảng.
Doanh nghiệp ứng phó với đại dịch COVID-19 - Bài 2: Chèo lái doanh nghiệp vượt khó
Nhiều bài toán khó được đặt ra cho doanh nghiệp trước bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành khắp toàn cầu.
Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm mọi cách để sống chung với dịch, vượt qua khó khăn. Với tinh thần "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau", cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đang cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu May Phương Nam (quận Gò Vấp - TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Tương hỗ vượt khó
Hiện nay, dưới tác động nghiệm trọng của dịch COVID-19 lên kinh tế toàn cầu và Việt Nam, đã đặt ra rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp nhất là những ngành dịch vụ; trong đó có mảng bán lẻ.
Để duy trì hoạt động kinh doanh, nhà bán lẻ không chỉ chia sẻ khó khăn với đối tác là khách thuê mặt bằng tại cửa hàng và Trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, mà còn triển khai liên tục hoạt động giảm giá, khuyến mãi hàng hóa.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Central Retail tại Việt Nam cho biết, công ty đang xem xét từng trường hợp để đánh giá mức độ bị ảnh hưởng nhằm quyết định mức giảm tốt nhất và theo tỷ lệ hỗ trợ phù hợp nhất đối với từng đối tác. Chính sách này của doanh nghiệp không chỉ giúp đối tác giảm bớt gánh nặng chi phí, mà còn có thể tập trung nguồn lực để đảm bảo duy trì kinh doanh trong giai đoạn rất thách thức này.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết đang thực hiện một số chính sách hỗ trợ khách hàng như miễn phí phí quản lý 2 năm kể từ thời điểm thông báo bàn giao nhà; áp dụng chính sách chiết khâu đặc biệt 1% trực tiếp trên giá trị hợp đồng cho các căn hộ diện tích 80 m2 trơ lên. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết, các khách hàng đã mua cac san phâm cua tâp đoan cung được giãn, gia han thời gian trả nợ. Nam Long cũng tích cực làm việc với các ngân hàng lớn để mang đến những gói vay lãi suất cố định trong nhiều năm hoặc ân hạn nợ gốc để hỗ trợ thêm cho tài chính của khách hàng.
Để đồng hành và chia sẻ các khó khăn với các doanh nghiệp, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã có các gói chính sách hỗ trợ khác nhau cho các khách hàng bị ảnh hưởng nặng hoặc bị đóng cửa do dịch COVID-19 như gói miễn 100% tiền thuê mặt bằng, miễn phí đường truyền internet từ 1 - 2 tháng cho từng đối tượng.
Trước tình thế khó khăn, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp đã rà soát điều chỉnh ngân sách hoạt động, cắt giảm một số hoạt động, dự án chưa cần thiết để tăng cường vốn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân viên đưa ra sáng kiến và các giải pháp tiết kiệm chi phí. Doanh nghiệp phải sử dụng vốn tự có để duy trì, tìm huy động nguồn vốn mới từ người thân. Doanh nghiệp cũng làm việc với ngân hàng về việc giảm lãi suất cho vay nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp... Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thêm nhà cung cấp mới từ nội địa, xin gia hạn thời gian giao hàng cho khách, chấp nhận mua hàng với giá cao hơn hoặc hàng thay thế tương đương. Một số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động và việc làm cho người lao động.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) đã chuyển sang hỗ trợ trực tuyến cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, mặc dù thay đổi hình thức tổ chức nhưng nội dung hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, giới thiệu đối tác và tìm kiếm thị trường không có gì thay đổi. Theo đó, các nhân viên ITPC vẫn liên tục cập nhật thông tin sản phẩm, thị trường, ngành hàng thông qua cổng thông tin thương mại của thành phố và các tài khoản mạng xã hội chính thức của đơn vị. Bên cạnh đó, ITPC cũng kết nối với tham tán thương mại Việt Nam tại các nước và các tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ doanh nghiệp nắm chắc thông tin về nhu cầu của từng thị trường, từ đó có kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đẩy chuyển đổi số hóa rất nhiều và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Điển hình doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ... đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.
Là một trong những doanh nghiệp triển khai số hóa từ rất sớm, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết, xu hướng số hóa là một xu hướng phát triển tất yếu của thế giới. Từ năm 2008, công ty đã xây dựng những phòng họp "smart" với các thiết bị kết nối và làm việc online. Công ty có khoảng 50% cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hay đối tác chiến lược cũng ở nước ngoài rất nhiều nên việc làm hay họp online cũng đã khá quen thuộc. Riêng việc xây dựng hệ thống bán hàng online cũng đã được Nam Long triển khai cách đây 3 năm.
Chia sẻ một trong nội dung thực hiện tái cấu trúc quản lý của công ty, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cho biết, việc tái cấu trúc hệ thống quản lý nhằm cho phép đại đa số thành viên có thể làm việc trên internet không nhất thiết phải tập trung tại trụ sở. Mặt khác, áp dụng tối đa các hệ thống internet hiện có phục cho việc họp trực tuyến; áp dụng chữ ký số để thông qua các bước xử lý công việc theo quy trình kể cả phê duyệt các hồ sơ thanh toán mà không cần phải in ấn.
"Cách làm việc này sẽ tiếp tục duy trì lâu dài như là một trong những biện pháp nâng cao trình độ quản lý, cải thiện chất lượng và năng suất lao động, tăng cường tính kỷ luật và hiệu quả tương tác giữa các cá nhân, đơn vị trên diện rộng", ông Lê Viết Hải nhấn mạnh.
Trong hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư hiện nay, ông Nguyễn Tuấn cho biết, ITPC đã đẩy mạnh việc giới thiệu, kết nối cung cầu qua kênh trực tuyến, online để doanh nghiệp trao đổi thông tin và thiết lập quan hệ hợp tác với nhau. Trong 3 tháng qua, thành viên nhóm "ITPC - Kết nối doanh nghiệp" đã thông tin cho nhau hàng trăm nhu cầu tìm nguyên liệu sản xuất, nguồn hàng xuất khẩu, nguồn hàng cung ứng trong nước, dịch vụ logistics, cho đến những thông tin mới cập nhật về quy định xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của Việt Nam và các nước trong hoàn cảnh dịch COVID-19 ở nhiều nước. Từ những thông tin đó, nhiều doanh nghiệp đã có cơ hội trở thành đối tác của nhau.
Theo nghiên cứu vừa được công bố cuối tháng 3/2020 của Navigos Group Việt Nam, nhu tăng nhân sự tại các công ty công nghệ hiện nay đang gia tăng; trong đó 3 lĩnh vực đang thiếu hụt nhân sự là phát triển website toàn diện chiếm 49% nhu cầu tuyển dụng, Java & Java script chiếm 27% và kiến trúc hạ tầng chiếm 22%. Theo Navigos Group Việt Nam, nhu cầu sử dụng công nghệ cao đã được nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp ghi nhận, phát triển kế hoạch ứng dụng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho thị trường lao động mảng công nghệ thông tin.
Nhận thức được xu hướng tất yếu phải số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp không ít rào cản, khó khăn nhất định. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, rào cản khá lớn đến từ thói quen của người mua nhà Việt Nam là luôn muốn xem nhà thật và cần nhân viên tư vấn trực tiếp vì giá trị tài sản lớn nên phải "tai nghe, mắt thấy, tay sờ".
Ở khía cạnh khác, bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kết nối nhân tài (Talentnet) lưu ý, chuyển đổi số là xu hướng quản trị đối ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp vẫn là giải pháp quản lý rủi ro về chi phí hoạt động trong và hậu mùa dịch.
Tp.HCM: Sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản Sau Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TPHCM với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, UBND TPHCM vừa chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm đề xuất giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, đối với các vướng mắc liên quan đến sự bất cập, xung đột...