Doanh nghiệp Trung Quốc không chịu tiêu tiền
Nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh tay của chính quyền, các công ty Trung Quốc đang “ngập” trong nguồn tiền có chi phí rẻ hơn bao giờ hết. Vấn đề là, doanh nghiệp Đại lục không muốn tiêu tiền.
Giới chức Trung Quốc đang đau đầu bởi các công ty nội địa từ chối sử dụng nguồn tiền với lãi suất thấp để thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thay vì xây các tòa nhà, công xưởng mới hay thuê thêm nhân viên, doanh nghiệp Đại lục lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng hoặc gửi tiền ra nước ngoài qua hoạt động mua tài sản xuyên biên giới.
Tình trạng này thường được gọi là “bẫy thanh khoản”. Theo đó, nhằm kích thích tăng trưởng, ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng và đầu tư, dẫn tới tăng tổng cầu. Tuy nhiên, nếu việc giảm lãi suất là liên tục và xuống thấp quá mức thì mọi người chuyển sang giữ tiền mặt, thay vì gửi ngân hàng hay mua chứng khoán. Hậu quả là đầu tư tư nhân khó có thể được thúc đẩy vì ngân hàng không huy động được tiền gửi để cho vay và chứng khoán không bán được nên doanh nghiệp cũng không huy động được vốn. Khi đó, chính sách tiền tệ trở nên bất lực trong việc thúc đẩy đầu tư tư nhân và trong kích thích tổng cầu.
“Các công ty Trung Quốc với nguồn tiền mặt dồi dào đang tìm kiếm các khoản đầu tư tại nước ngoài, giống như những gì các công ty Nhật Bản từng làm vào cuối những năm 1980, một phần bởi sức mạnh của đồng yên Nhật thay đổi sau Thỏa ước Plaza”, các nhà kinh tế học, dẫn đầu bởi Raymond Yeung tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd viết trong báo cáo mới được công bố.
Hai thước đo nguồn cung tiền tại Trung Quốc tiếp tục diễn biến theo hướng trái chiều trong tháng 6/2016. M1, đo nguồn tiền đang lưu thông và tiền gửi ngân hàng, tăng 24,6% trong tháng 6 so với cùng thời gian năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong 6 năm. M2, là thước đo mở rộng, bao gồm cả tiền gửi tiết kiệm của người dân, tăng 11,8%, không đổi so với tháng trước đó và thấp hơn con số mục tiêu 13% mà chính phủ Trung Quốc đặt ra.
Sự ngược hướng này cho thấy động cơ chính thúc đẩy đà tăng của M1 kể từ giữa năm 2015 là nhu cầu gửi tiền của các công ty Đại lục.
Thực tế, việc trạng thái tài chính khỏe mạnh thường dẫn tới việc số nợ của các công ty tăng lên, nhưng bối cảnh hiện tại ngược lại. Mối lo ngại lớn nhất bây giờ là doanh nghiệp Trung Quốc không sử dụng tiền phục vụ cho việc mở rộng năng lực sản xuất.
Các số liệu đầu tư yếu kém đã tô đậm hơn tình trạng này. Đầu tư tư nhân tại Trung Quốc giảm 2,8% trong 6 tháng kết thúc vào tháng 6/2016, từ mức trung bình khoảng hơn 20% cách đây 2 năm.
“Tôi không biết phải đầu tư vào cái gì. Khá nhiều lĩnh vực công nghiệp khác mà chúng tôi từng đầu tư đều mang lại lợi nhuận quá thấp, thậm chí thua lỗ. Tôi không còn dám đầu tư nữa”, Zheng Zhe, Chủ tịch của Gulifa Group, nhà sản xuất các thiết bị năng lượng tại tỉnh Chiết Giang trả lời tờ China News Service.
Video đang HOT
Các nhà chính sách Trung Quốc tất nhiên đang lo lắng về tình trạng này. Sheng Songcheng, người đứng đầu bộ phận thống kê và phân tích tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo về dấu hiệu của “bẫy thanh khoản”.
Theo ông Sheng, cần bổ sung thêm các chính sách nới lỏng tiền tệ, dù thâm hụt tài chính có thể tăng lên mức 5% GDP trong năm tài chính 2016, so với mức mục tiêu là 3%, cùng với việc cắt giảm thuế để thay đổi tình trạng này.
Một giải pháp khác, theo Larry Hu, nhà kinh tế học Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd là thay đổi tâm lý lo lắng bằng cách cổ vũ tinh thần của các doanh nghiệp.
Tất nhiên, nói dễ hơn làm.
Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Mỹ đánh giá kịch bản xung đột quân sự Trung Quốc đại lục và Đài Loan
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho thấy cuộc chiến giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan nếu nổ ra sẽ vô cùng khốc liệt, có thể gây khủng hoảng kéo dài.
Các binh sĩ Trung Quốc trong một cuộc diễn tập. Ảnh: China. com
Hôm 1/7, một tàu chiến Đài Loan hoạt động ở gần cảng nhà đã bất ngờ phóng đi quả tên lửa diệt hạm siêu thanh Hùng Phong III hướng về phía Trung Quốc đại lục, do thao tác nhầm của nhân viên bảo dưỡng vũ khí. Các thủy thủ trên tàu đã không thể kích hoạt chế độ tự hủy của tên lửa, khiến nó bay khoảng 75 km và lao vào một tàu cá Đài Loan, làm một người chết, ba người bị thương.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự, tình hình có thể phức tạp hơn rất nhiều nếu quả tên lửa đó bay hết tầm và tiến vào vùng biển của Trung Quốc đại lục, thậm chí có thể đẩy hai bên vào tình thế đối đầu. Bắc Kinh đã thể hiện thái độ tức giận khi yêu cầu Đài Loan giải thích rõ ràng về vụ việc.
Năm ngoái, cơ quan quân sự Đài Loan đã đệ trình bản báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc cho các nghị sĩ, trong đó vạch ra nhiều kịch bản quân đội Trung Quốc (PLA) có thể tấn công hòn đảo này, theoDiplomat.
Theo báo cáo, Trung Quốc đại lục có thể phát động tấn công vào đảo Đài Loan theo 6 kịch bản: Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập hay có những bước đi tương tự; nếu Đài Loan sở hữu vũ khí hạt nhân; nếu quân đội nước ngoài được triển khai ở Đài Loan; nếu có bạo loạn hay bất ổn nội bộ nghiêm trọng trên hòn đảo; nếu thế lực nước ngoài can thiệp vào tình hình Đài Loan; và nếu Đài Loan trì hoãn các cuộc đàm phán xuyên eo biển về quá trình thống nhất.
Năm 2015, Bắc Kinh cũng đã thông qua luật chống ly khai, trong đó tuyên bố Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất với Đài Loan nếu cần thiết, khi "khả năng thống nhất hòa bình đã hết".
Một báo cáo có tựa đề "Diễn biến quân sự và an ninh liên quan tới Đài Loan" của Lầu Năm Góc gửi tới Quốc hội năm 2014 cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc phát động một chiến dịch quân sự tấn công vào Đài Loan, dù thừa nhận rằng nguy cơ này trong thời điểm hiện nay là khá thấp.
Theo báo cáo của quân đội Mỹ, một khi Trung Quốc cảm thấy cần phải sử dụng vũ lực để tấn công Đài Loan, đầu tiên họ sẽ áp dụng chiến lược phong tỏa. "Các tài liệu của PLA mô tả những biện pháp thay thế khả dĩ cho hình thức tấn công đổ bộ thông thường, chẳng hạn như phong tỏa đường không, tấn công bằng tên lửa, và rải thủy lôi để ép đối phương đầu hàng", báo cáo viết.
Theo đó, Trung Quốc có thể buộc các tàu hàng trên đường tới Đài Loan phải chuyển hướng sang các cảng ở lục địa hoặc "tuyên bố tập trận, bắn thử tên lửa để phong tỏa các tuyến hàng hải tới cảng Đài Loan", một phương pháp từng được quân đội Trung Quốc áp dụng hồi giữa thập niên 1990.
"Trung Quốc hiện nay không thể thực hiện việc phong tỏa quân sự toàn diện với Đài Loan, nhưng khả năng này sẽ gia tăng đáng kể trong 5-10 năm tới", báo cáo nhấn mạnh.
Ngoài hoạt động phong tỏa, Trung Quốc có thể sử dụng hình thức tác chiến phi đối xứng với Đài Loan, chẳng hạn như các chiến dịch tấn công quy mô nhỏ, hoạt động tình báo, tấn công mạng nhằm phá vỡ mạng lưới xã hội Đài Loan. "Một chiến dịch như vậy có thể gồm những cuộc tấn công hạn chế hoặc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng kinh tế, quân sự, chính trị của Đài Loan, nhằm gieo rắc sợ hãi và hủy hoại lòng tin của dân chúng vào nhà lãnh đạo hòn đảo".
Tương quan lực lượng quân sự giữa Đài Loan (màu xanh) và Trung Quốc đại lục (màu đỏ) năm 2013. Đồ họa: IHS
Ở quy mô lớn hơn, Trung Quốc có thể tàn phá mọi thứ trên đảo Đài Loan bằng giàn tên lửa 1.600 quả đặt trên bờ eo biển của mình. Toàn bộ đảo Đài Loan nằm trọn trong tầm bắn của các tên lửa phòng không, tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Trung Quốc, chẳng hạn như HQ-9, DF-15, DF-16... Những tên lửa này có khả năng tấn công chính xác, sức công phá mạnh, và có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay của Đài Loan.
Những cuộc tấn công liên tiếp bằng tên lửa như vậy sẽ "làm suy yếu hệ thống phòng thủ, vô hiệu hóa khả năng lãnh đạo, hoặc bẻ gãy ý chí chiến đấu của người dân Đài Loan", báo cáo cho biết.
Cấp độ cuối cùng là một cuộc tấn công đổ bộ toàn diện. Các học giả quân sự Trung Quốc đã đề xuất nhiều phương án tấn công đổ bộ lên đảo Đài Loan. Một tài liệu có tựa đề "Chiến dịch Đổ bộ Đảo Liên quân" vẽ ra viễn cảnh về một trận chiến "dựa trên các chiến dịch được điều phối về hậu cần, yểm trợ không quân, hải quân, và tác chiến điện tử" diễn ra trên bờ biển Đài Loan.
Trong chiến dịch đổ bộ này, Trung Quốc có lợi thế về quân số lớn hơn rất nhiều so với Đài Loan, khi họ có tới 400.000 quân đồn trú quanh eo biển, trong khi quân đội thường trực của Đài Loan chỉ có 130.000 người.
J. Michael Cole, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Trung Quốc, Đại học Nottingham, cho rằng quân đội Đài Loan không thể hy vọng đánh bại được PLA trên chiến trường truyền thống, trong khi họ không hề có sự đảm bảo rằng các đồng minh như Mỹ hay Nhật Bản sẽ đứng về phía mình. Bởi vậy, chiến lược phòng thủ tốt nhất của Đài Loan hiện nay là đảm bảo Trung Quốc sẽ không phát động chiến dịch tấn công từ đầu.
Nói cách khác, Đài Loan cần phải khiến các lãnh đạo Bắc Kinh và PLA phải suy xét thật kỹ trước khi hành động, tăng cường năng lực chống tấn công đổ bộ thông qua kết hợp các phương tiện trên không và trên biển, các loại tên lửa chống tăng, pháo binh, các đơn vị đặc nhiệm cơ động, cũng như lực lượng dự bị được huấn luyện và trang bị tốt.
Pháo binh Đài Loan diễn tập bắn đạn thật. Ảnh: CNA
Về phương diện chính trị, một mặt Đài Loan phải chuẩn bị các phương án chống chiến tranh tâm lý từ phía Trung Quốc, đồng thời phải tìm cách thuyết phục Bắc Kinh tin rằng các đồng minh như Mỹ hoặc Nhật Bản sẽ nhanh chóng hành động nếu PLA phát động tấn công. Hòn đảo này cũng có thể kêu gọi cộng đồng quốc tế có tiếng nói mạnh mẽ phản đối phương án "thống nhất" bằng vũ lực mà Bắc Kinh thực hiện khi chiến sự nổ ra.
Báo cáo của Lầu Năm Góc dự đoán rằng chiến sự nếu nổ ra giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ ở Đông Á. Trung Quốc sẽ phải tính toán đến sức ép khủng khiếp từ cộng đồng quốc tế nếu họ châm ngòi cuộc chiến, bởi vậy cuộc xung đột này rất khó có thể xảy ra trong tương lai gần.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh, điều đó không đồng nghĩa với việc một trận chiến trên eo biển Đài Loan không thể xảy ra, và những hậu quả thảm khốc của nó sẽ đủ để khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải lo lắng.
Trí Dũng
Theo VNE
Trung Quốc yêu cầu Đài Loan giải thích vụ phóng nhầm tên lửa Bắc Kinh cho rằng Đài Bắc cần lý giải một cách có trách nhiệm về vụ lỡ phóng tên lửa ra eo biển Đài Loan và coi đây là một vấn đề "nghiêm trọng". Các nhà điều tra ở Cao Hùng thu thập bằng chứng trên tàu cá trúng tên lửa. Ảnh:CNA Zhang Zhijun, lãnh đạo Văn phòng các vấn đề Đài Loan...