Doanh nghiệp thủy sản khát vốn
Xây nhà máy ồ ạt dẫn đến mất cân đối cung cầu, nay lâm vào cảnh khát vốn, nợ nần chồng chất, không tiền trả lương công nhân… nhiều đại gia thủy sản đang điêu đứng.
Công ty Trường Nguyên đã được cho thuê 5 năm để chủ cũ lấy tiền trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Ảnh: Duy Khang
Hàng chục nhà máy chế biến thủy sản mọc lên ở miền Tây mấy năm qua. Trong đó Cà Mau là nơi “ nóng” nhất với 34 nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu có tổng công suất khoảng 300.000 tấn nguyên liệu một năm. Đặc thù của tỉnh cực Nam Tổ quốc là nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến thay vì nuôi tôm công nghiệp như Bạc Liêu, Sóc Trăng. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), mỗi năm nông dân tỉnh này thu hoạch khoảng 130.000 tấn tôm nên không đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho hàng chục nhà máy thủy sản công suất lớn.
Thiếu nguyên liệu nên xảy ra tình trạng phá giá, tranh mua giữa các doanh nghiệp để tồn tại. Người bán cũng chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua chất lượng tôm nguyên liệu, dẫn tới cảnh đối tác trả lại những kiện hàng trị giá tiền tỷ, đẩy doanh nghiệp vào cảnh khốn khó.
Đến nay chỉ có 40% nhà máy thủy sản ở Cà Mau hoạt động hiệu quả do tạm ổn về tiềm lực tài chính. Số còn lại có một nửa cực kỳ khó khăn, đứng bên vực phá sản vì thiếu nguyên liệu, nhà máy hoạt động cầm chừng, lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng.
Giám đốc Công ty Thiên Mả cho biết cuối tháng này sẽ đóng cửa nhà máy Thiên Mã 3 vì không còn tiền trả lương 700 công nhân. Ảnh: Duy Khang
Thư ký CASEP Lý Văn Thuận cho biết đã có 4 doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau đổi chủ do kinh doanh kém hiệu quả là Công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải, Công ty cổ phần Thực phẩm Đại Dương, Công ty TNHH Ngọc Châu và Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Minh Châu. Trong đó, Công ty Đại Dương và Việt Hải đều có vốn điều lệ 120 tỷ đồng được một doanh nhân quê Hải Phòng nắm quyền điều hành nhưng sau khi đổi chủ vẫn chưa có dấu hiệu hồi sinh.
Tại Cần Thơ, ngoài Công ty cổ phần Thủy sản Bình An được đổi chủ vì kinh doanh thua lỗ, hiện nay Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã cũng đang điêu đứng với khoản nợ khoảng 560 tỷ đồng đang mất khả năng chi trả. Hiện hai nhà máy chế biến thủy sản của Thiên Mã đóng cửa vì thiếu vốn. Nhà máy còn lại là Thiên Mã 3 đang hoạt động với hình thức nhận gia công 40-50 tấn nguyên liệu mỗi ngày để duy trì công việc cho khoảng 700 công nhân.
Video đang HOT
Theo ông Phan Bá Tòng (Giám đốc Công ty Thiên Mã), nếu xảy ra tình huống xấu nhất thì công ty này mất cân đối khoảng 100 tỷ đồng. Vì vậy, Thiên Mã đang liên hệ với Công ty Mua bán nợ (Bộ Tài chính) để tái cơ cấu theo cách của Thủy sản Bình An. Mới đây, một đơn vị của Bộ Công an đã đến Công ty Thiên Mã làm việc để nắm lại tình hình nợ nần.
“Dự kiến cuối tháng này tôi đóng cửa nhà máy Thiên Mã 3 vì hết vốn để bù lỗ. Nhà máy nghỉ hoạt động đồng nghĩa với 700 công nhân mất việc nhưng mỗi tháng phải trả lương khoảng 1 tỷ đồng thì không biết lấy đâu ra tiền”, ông Tòng cho biết thêm.
Công ty Vĩnh Nguyên của ông chủ trẻ Lê Tùng Huy cũng đang khát vốn. Ảnh: Duy Khang
Tại khu công nghiệp Trà Nóc 1 (TP Cần Thơ), Công ty TNHH Thủy sản Trường Nguyên và Vĩnh Nguyên của ông chủ trẻ Lê Tùng Huy cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Ông Huy đã cho một doanh nghiệp cùng ngành thuê Công ty Trường Nguyên thời hạn 5 năm để khỏi phải trả lương hàng trăm công nhân, chi phí điện nước và hàng tháng được đối tác đồng gánh phần lãi ngân hàng.
Theo ông Huy, công ty còn lại là Vĩnh Nguyên muốn hoạt động hiệu qủa phải cần vốn nhưng vay tiền ngân hàng vào thời điểm này không dễ. Đó là chưa kể khoảng nợ trên 100 tỷ, mỗi tháng ông Huy phải trả lãi trên 1 tỷ đồng và lương công nhân, chi phí điện nước.
Một chuyên gia kinh tế nhận định không riêng gì Cần Thơ hay Cà Mau mà quy hoạch thủy sản của cả miền Tây thời gian qua thiếu sự quản lý chặt chẽ từ phía chính quyền địa phương và các ngành chức năng dẫn đến mất cân đối giữa vùng nuôi, nhà máy và thị trường. Nhiều doanh nhân không có kinh nghiệm trong ngành thủy sản cũng vay tiền đào ao nuôi tôm cá, xây nhà máy khi thấy nông dân nuôi tôm trúng mùa, bán được giá cao. Gặp năm thất mùa tôm cá, nhà máy không đủ nguyên liệu phải sản xuất cầm chừng trong khi lãi suất ngân hàng tăng nên chi phí đầu vào quá cao, không cạnh tranh được với nhiều nước lãi suất ngân hàng thấp như Thái Lan, Ấn Độ…
“Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản hiện nay chỉ có ‘một đồng vốn nhưng đến bốn đồng vay’ nên sản xuất không có lãi. Nhà nước nên có chính sách đột phá về vốn để doanh nghiệp thủy có điều kiện tiếp cận vốn vay. Lãi suất ngân hàng cần xuống thấp hơn nữa để sản phẩm từ tôm, cá của Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với thị trường thế giới”, Thư ký CASEP nêu quan điểm.
Theo VNE
Doanh nghiệp thủy sản kêu cứu
Hơn 50% đơn vị phá sản, nguồn nguyên liệu nội địa hạn chế, áp lực sắp bị tước ân hạn nộp thuế nhập khẩu 275 ngày khiến hàng loạt doanh nghiệp thủy sản đồng thanh kêu cứu.
Chiều 15/10, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức lấy ý kiến "Dự thảo quy định ân hạn nộp thuế nhập khẩu khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng". Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết khi đón nhận thông tin Dự thảo Luật quản lý thuế, trong đó đề xuất sửa đổi thời hạn nộp thuế đối với hàng nhập khẩu, ai nấy đều hoang mang.
Theo đó, hàng hóa là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu phải nộp tiền thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng hóa hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Nếu dự thảo này được áp dụng, chính sách ân hạn nộp thuế nhập khẩu thủy sản 275 ngày cũng bị vô hiệu, đồng nghĩa với việc chi phí đội lên 5-10%.
Tổng giám đốc Công ty Hải Vương, Nguyễn Xuân Nam chia sẻ: "Tôi hết sức buồn khi đọc dự thảo quy định ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Làm thế này doanh nghiệp thủy sản sẽ chết trước".
Theo ông Nam, cơ quan soạn thảo chưa sâu sát thực tế của ngành thủy sản Việt Nam. Do điều kiện tự nhiên 6 tháng mưa bão không thể đánh bắt, nửa năm công nhân không có việc làm, kinh doanh bấp bênh, thường xuyên thua lỗ. Để tồn tại, doanh nghiệp phải mày mò nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để bù đắp vào nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt.
Ông Nam phân tích, một tờ khai nhập khẩu từ lúc mở đến khi hoàn tất đã mất 7-8 tháng, thuận lợi mất trung bình 5,5 tháng. Chỉ tính thuế trong thời gian này doanh nghiệp đã mất không ít chi phí vốn. Nếu bỏ ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày, doanh nghiệp mất chủ động trong sản xuất, vòng quay vốn lưu động kém hiệu quả, đàm phán quốc tế kém linh hoạt dẫn đến tăng rủi ro.
Công nhân đóng gói thủy sản. Ảnh: VASEP
Phó tổng giám đốc kinh doanh Tập đoàn thủy sản Minh Phúc, Nguyễn Tấn An cho hay: "Bỏ ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày thì khó khăn sẽ chồng chất vì nhập khẩu nguyên liệu là chuyện sống còn của thủy sản Việt Nam".
Ông cho biết, năm 2011-2012, nguồn nguyên liệu tôm trong nước đang bị hạn chế do dịch bệnh lan trên diện rộng, dựa vào nguồn lực trong nước chỉ xuất khẩu được 20% chỉ tiêu. Để đảm bảo đơn hàng, bắt buộc phải nhập khẩu nguyên liệu.
Theo ông An, hơn 50% doanh nghiệp sản xuất tôm xuất khẩu ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã ngừng hoạt động. 30% còn lại chết lâm sàn. 20% doanh nghiệp còn hoạt động cầm cự nhưng không hiệu quả. "Thời gian ân hạn nộp thuế nhập khẩu 275 ngày vẫn chưa đủ để vượt bão. Tôi kiến nghị ân hạn 365 ngày mới kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó", ông nói.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty Highland Dragon, Nguyễn Phạm Thanh bày tỏ: "Tôi bàng hoàng khi hay tin chính sách ân hạn thuế 275 ngày sẽ không còn hiệu lực. Nếu điều này trở thành sự thật thì sớm muộn gì doanh nghiệp thủy sản cũng nguy nan".
Highland Dragon đại diện cho 4 doanh nghiệp sản xuất cá ngừ đại dương hàng năm nhập khẩu 25.000 tấn cá ngừ, chiếm 80% nguồn nguyên liệu, tạo việc làm cho 2.000 lao động Việt Nam. Trước thông tin bất lợi này, ông Thanh lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dừng hợp tác vì môi trường kinh doanh không ổn định, thiếu tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Công nhân chế biến cá. Ảnh: Bidifisco
Còn Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình Định, Cao Thị Kim Lan bộc bạch, công ty bà lệ thuộc 70% nguồn nguyên liệu cá ngừ nhập khẩu do việc đánh bắt xa bờ trong nước chỉ làm được theo mùa vụ 6-7 tháng một năm. "Trước đây doanh nghiệp sống được là nhờ chính sách ân hạn thuế 275 ngày. Nay kinh tế khó khăn, lại bỏ ân hạn thì gánh nặng càng lớn", bà Lan lo lắng.
Cùng đồng cảm, Giám đốc Công ty thủy sản Hải Long Nha Trang, Nguyễn Thị Thế Yến than: "Tôi lo không biết doanh nghiệp mình sẽ tồn tại được trong bao lâu, 1.000 công nhân của chúng tôi sẽ đi về đâu nếu bỏ ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày".
Dự báo của VASEP, nếu bỏ chính sách ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ bị suy giảm. Phí bảo lãnh ngân hàng thu của doanh nghiệp là 2-3% một năm trong tổng tiền thuế nhập khẩu. Cộng thêm lãi suất cho vay, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm sẽ bị đội thêm 5-10% nữa.
Phó chủ tịch VASEP, Nguyễn Hữu Dũng phân tích, chính sách ân hạn thuế nhập khẩu đã giúp ích rất lớn cho sự phát triển của ngành thủy sản. Song vì một số ít đơn vị lợi dụng việc này để trốn thuế nên mới có dự thảo quy định ân hạn nộp thuế nhập khẩu ra đời. "Nếu cần cơ quan quản lý có thể phân ra hai luồng xanh (ưu đãi), đỏ (kiểm soát chặt) để có chính sách ân hạn thuế nhập khẩu phù hợp và công bằng", ông đề xuất.
Phó Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, Dương Phương Thảo cho biết, đề xuất của VASEP đã được chuyển đến cơ quan chủ trì xây dựng luật nhưng quan điểm gắn chính sách ân hạn thuế nhập khẩu với việc bảo lãnh của tổ chức tín dụng vẫn được bảo lưu. Bà Thảo cho rằng, để thuyết phục cơ quan làm luật thay đổi quan điểm, doanh nghiệp và hiệp hội cần cung cấp thêm các số liệu và chứng cứ đề cập tính cấp bách của tình thế. "Vụ xuất nhập khẩu sẽ tăng cường công tác trao đổi nhằm mang lại kết quả sớm nhất", bà nói.
Theo VNE
Doanh nghiệp thủy sản "lo" vì kiến nghị bỏ ân hạn thuế Tại hội thảo lấy ý kiến "Dự thảo quy định ân hạn nộp thuế nhập khẩu khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng" diễn ra chiều 15.10 ở TP.HCM do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức, Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng cho biết rất nhiều doanh nghiệp thủy sản gặp khó...