Doanh nghiệp sẽ phá sản nếu gói cứu trợ chưa được giải ngân trong tháng 4
Trao đổi với DĐDN, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nếu trong tháng 4/2020 không nhận được tiền hỗ trợ, thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải phá sản.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng doanh nghiệp đang rất cần nguồn tiền trợ cấp từ Chính phủ.
- Ông đánh giá như thế nào về các gói cứu trợ mà Chính phủ Việt Nam đang tung ra trong thời gian qua?
Hiện nay, Chính phủ đã công bố 3 gói cứu trợ chính là gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, gói tài khóa 180.000 tỷ đồng và gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, tổng cộng khoảng 542.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% GDP của Việt Nam. Đây được xem là mức hỗ trợ vừa phải đối với nền kinh tế, nếu so với gói cứu trợ 2.200 tỷ USD của Mỹ hiện đang tương đương với khoảng 10% GDP của Mỹ.
Hiện mới chỉ có gói hỗ trợ tín dụng trị giá 300.000 tỷ đồng đang được giao cho các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai. Nhưng đây không phải gói của Chính phủ mà Chính phủ giao cho NHTM tham gia, nghĩa là gói 300.000 tỷ đồng được các NHTM dùng vốn của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, chứ không phải tiền của ngân sách.
Việc các ngân hàng phân bổ gói cứu trợ này ra sao là tùy vào các kế hoạch của họ, bởi họ không phải cơ quan hỗ trợ của Chính phủ. Do vậy, gói tín dụng này có quy mô lớn, nhưng lại rất giới hạn trên thực tế. Do đó, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói tín dụng này, do các ngân hàng dùng cho rất nhiều mục đích khác nhau như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất… nhưng tất cả các biện pháp đó chủ yếu dành cho các khách hàng của họ, đặc biệt là những khách hàng còn có khả năng trả nợ. Còn đối với những khách hàng mới, hiện các ngân hàng cũng không thể cho vay được, do các doanh nghiệp này đang có rủi ro cao không trả được nợ.
Tôi thấy rằng, về số lượng, các gói cứu trợ của Việt Nam đã khá đủ, nhưng cần triển khai giải ngân ngày để cứu doanh nghiệp, nếu không, doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động ngay. Và hiện tại theo con số thống kê của VCCI, trong quý 1/2020, đã có 35.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản. Con số này, theo tôi, đến nay phải lớn hơn nhiều.
Điều này cho thấy thực trạng rất ảm đạm của các doanh nghiệp khi thị trường đóng cửa. Còn những doanh nghiệp đang hoạt động đều trong tình trạng chật vật, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
- Theo ông, cần có giải pháp cấp bách nào để giúp doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, đặc biệt là các DNNVV?
Theo tôi, hiện nay các doanh nghiệp nói chung và DNNVV không thể trông chờ vào ngân hàng. Bởi để vay được từ ngân hàng, cần phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, mà như tôi đã nói ở trên, hiện ngân hàng không thể cho vay rộng rãi được.
Video đang HOT
Theo tôi, có 3 việc mà Nhà nước cần thực hiện ngay để cứu doanh nghiệp. Thứ nhất, Bộ Tài chính có thể đưa ra một phương pháp nào đó để chuyển ngay tiền hỗ trợ đến tận tay các hộ kinh doanh, các DNNVV đang lao đao. Thu nhập của doanh nghiệp đã xuống mức rất thấp, trong khi tất cả các chi phí thuê mặt bằng, lương người lao động, thuế phí, nợ trả ngân hàng đang cần được thanh toán. Chẳng hạn như Mỹ có cách đơn giản là phát hành séc Chính phủ tới từng công người…
Thứ hai, có thể sử dụng hệ thống ngân hàng, bằng cách Chính phủ ủy thác cho ngân hàng một số tiền của Chính phủ để từ ngân hàng chuyển tới người dân qua chuyển khoản.
Thứ ba, các doanh nghiệp có thể sử dụng cơ chế của các Quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện các quỹ này đã có mặt tại các địa phương nhưng đáng tiếc hoạt động chưa hiệu quả. Tại Mỹ, cũng có mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng (SBA) để hỗ trợ các doanh nghiệp trong gói 2.200 tỷ USD. Họ bảo lãnh cho các ngân hàng để các ngân hàng cho vay các DNNVV, thì Việt Nam cũng có thể sử dụng cơ chế đó để các ngân hàng yên tâm cho vay.
Tuy nhiên, hiện nay cần tổ chức lại Quỹ bảo lãnh tín dụng của mỗi địa phương với nguồn vốn do từng địa phương quy định cho phù hợp. Bởi vì nguồn vốn của quỹ thì ít, mà xét đơn bảo lãnh khó khăn không khác gì ngân hàng, do quỹ bảo lãnh phải kinh doanh sao cho bảo toàn vốn do Chính phủ giao.
Bên cạnh những giải pháp trên, cũng có thể áp dụng các biện pháp khác như giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp trong khoảng ít nhất 1 năm. Ngoài ra, có thể dùng các quỹ tín dụng nhân dân để cho các hộ nông dân, doanh nghiệp tại địa phương được vay.
- Một trong những yếu tố quan trọng để triển khai nhanh gói cứu trợ của Chính phủ là dữ liệu doanh nghiệp, tuy nhiên hiện nay nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa đăng ký kinh doanh. Vậy ông có đề xuất gì để củng cố nguồn dữ liệu này để có thể sử dụng hiệu quả thời điểm hiện tại và tương lai?
Hiện đã có những dữ liệu doanh nghiệp từ VCCI, Bộ Công thương, nhưng không đầy đủ, đây chỉ là một phần trong các đơn vị kinh doanh trên toàn quốc. Trong số các DNNVV và hộ kinh doanh thì số lượng hộ kinh doanh rất lớn, trong khi đó nhiều hộ không đăng ký hoạt động. Và hiện rất nhiều hộ kinh doanh đang chênh vênh trước đại dịch, nhưng chúng ta không có dữ liệu về điều đó.
Tôi cho rằng, cần mở một chương trình đăng ký, mở các văn phòng tại thành phố lớn để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh, thời gian hoạt động. Và cùng với đó cần có bộ tiêu chí để sàng lọc những hộ kinh doanh, doanh nghiệp có hoạt động thực sự, từ đó cấp cho họ một số tiền tức thời để vượt qua khó khăn hiện nay.
Dĩ nhiên, sẽ có vấn đề nếu không thận trọng, sẽ tạo ra tình trạng tham nhũng, những đối tượng không nằm trong diện hỗ trợ lại nhận được tiền, và bản thân các hộ kinh doanh cũng có thể lợi dụng để khai khống các cơ sở đang kinh doanh để trục lợi nhiều hơn. Cho nên cần một bộ sàng lọc rõ ràng để trợ giúp số tiền thực sự đến tay những người có nhu cầu.
- Thưa ông, nếu không kịp thời cứu doanh nghiệp thoát khỏi đại dịch này, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế?
Vấn đề đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam là cứu vớt các doanh nghiệp ngay bây giờ. Bây giờ cần cứu họ thoát khỏi tình trạng phá sản. Nội trong tháng 4 này, tiền phải đến tận tay doanh nghiệp, nếu ngoài tháng 4 sẽ có rất nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Khi rất nhiều doanh nghiệp rời khỏi thị trường, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch khi thiếu hụt nguồn lao động sản xuất để tái tạo lại nền kinh tế mạnh mẽ, nhanh chóng
Đây là thiệt hại không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn tác động rất lớn đến nền kinh tế, nếu chúng ta không ra tay cứu doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Long
MB dành tiếp 45.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng các doanh nghiệp lớn
Thời gian qua, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã triển khai các gói tín dụng theo chỉ đạo của Chính Phủ và NHNN nhằm chia sẻ, giúp sức các doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ đại dịch Covid-19. Tiếp theo gói 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và gói 20.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất dành cho các doanh nghiệp vừa vả nhỏ (SME), MB chính thức triển khai gói tín dụng đồng hành cùng doanh nghiệp lớn và rất lớn (CIB).
Rất nhiều ngành nghề quan trọng của nền kinh tế bị "đóng băng" bởi đại dịch COVID-19. Gần 35.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giải thể, phá sản chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020.
Kể cả những "ông lớn" của ngành hàng không cũng không tránh khỏi thiệt hại nặng nề. Nếu dịch bệnh kéo dài đến quý IV năm nay thì ước lỗ của hãng Vietnam Airlines lên đến gần 20.000 tỷ đồng.
Do đó, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp "đầu tầu" của các ngành kinh tế là điều vô cùng cần thiết và ý nghĩa giai đoạn này.
Gói tín dụng dành cho các doanh nghiệp lớn của MB gồm 2 phần chính.Thứ nhất là gói "Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp CIB" có tổng giá trị tối đa 17.000 tỷ đồng, hướng đến việc hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng đang có dư nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi Covid.
Gói này sẽ được giải ngân thông qua phối kết hợp linh động các hình thức gồm giảm lãi suất 0,5% -1% áp dụng đến thời điểm 30/9/2020; gia hạn lịch trả nợ gốc/lãi và điều chỉnh các điều kiện quản lý tín dụng phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sụt giảm do ảnh hưởng của Covid trong các ngành nghề/lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp của Covid như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; xuất nhập khẩu; du lịch, hàng không, hàng tiêu dùng... Là đối tượng được hưởng gói hỗ trợ này.
Để được hỗ trợ, doanh nghiệp cần chốt được kết quả quý I/2020 đồng thời dự kiến được mức độ ảnh hưởng trong thời gian kế tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên cơ sở thông tin từ doanh nghiệp, MB sẽ thẩm định và có giải pháp phù hợp để hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp để trụ vững qua đại dịch.
Gói thứ hai có giá trị 28.000 tỷ đồng, ưu đãi giải ngân mới hỗ trợ, kích thích doanh nghiệp phục hồi kinh doanh trong và sau Covid 19.
Trong đó, MB dành 5.000 tỷ đồng áp dụng mức lãi suất cực thấp (4,8-5%), kỳ hạn tối đa 4 tháng giải ngân cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực: điện, logistic, thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng, công nghiệp cơ khí, dệt mày, da giày...
Cùng với đó là các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt, không phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc thuộc Top 10 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh hiện hữu.
23.000 tỷ đồng sẽ được MB hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng áp dụng lãi suất linh hoạt: giảm 0,3% - 0,5% so với lãi suất hiện tại, dao động ở mức 5,4%-6.0% và kỳ hạn tối đa 6 tháng.
Nếu như gói 5000 tỷ đồng tập trung hỗ trợ cho nhóm khách hàng có ngành nghề kinh doanh mà MB tập trung phát triển, thì gói 23.000 tỷ đồng này áp dụng mở rộng cho hầu hết các ngành nghề kinh doanh của khách hàng, có hoạt động kinh doanh tốt, không phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn, đồng thời đây là gói MB dành ưu tiên cho các khách hàng truyền thống, khách hàng định hướng lựa chọn MB là ngân hàng thân thiết, lâu dài.
Với tổng cộng 45.000 tỷ đồng MB dành hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp lớn và rất lớn, Ngân hàng kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp lớn cùng cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng đến mục tiêu tăng trưởng trở lại trong tương lai gần; góp phần vào việc phục hồi nền kinh tế nước nhà.
Thảo Nguyên
Dịch Corona hoành hành, chuỗi rạp phim lớn nhất tại Mỹ sắp phá sản? Nếu Nếu Hoa Kỳ ban hành lệnh đóng cửa đến tháng 8, và gần như chắc chắn điều này sẽ xảy ra, thì AMC sẽ không còn cách nào khác ngoài việc tuyên bố phá sản Hiện tại, tình hình đang vô cùng tồi tệ với chuỗi rạp AMC, một trong những thương hiệu lớn nhất tại Mỹ. Tất cả các rạp chiếu...