Doanh nghiệp ỡm ờ đòi trả dự án: Bệnh hờn dỗi
Kinh doanh không có lãi thì xin trả lại Bộ, phải chăng, vẫn còn những uẩn khúc đang bị che giấu?
Càng ngày dư luận càng thấy khó hiểu về những động thái nửa ỡm ờ, nửa hờn dỗi của các nhà đầu tư dự án giao thông theo hình thức hợp tác công tư PPP. Sau những đánh tiếng, dậm dọa, hờn dỗi của nhiều nhà đầu tư BOT, một “ngôi sao” mới đã xuất hiện.
Trong một động thái mới nhất, Công ty TNHH thu phí tự động VETC, doanh nghiệp được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ định cung cấp công nghệ thu phí không dừng cho 44 trạm thu phí, đã đề nghị Bộ GTVT cho phép dừng thực hiện Hợp đồng dự án BOO (Xây dựng – Vận hành – Kinh doanh) và kiến nghị Bộ chuyển giao dự án cho nhà đầu tư khác.
Lý do được đưa ra rất đơn giản: Lỗ. Cách nay 4 tháng, VETC cũng đã một lần đề xuất với Bộ GTVT về việc chấm dứt hợp đồng và được hứa hẹn, Bộ GTVT sẽ hoàn thành ký kết hợp đồng với các nhà đầu tư BOT trước 30/8/2019. Tuy nhiên, tới thời điểm đề xuất lần 2, vẫn còn 33/44 trạm chưa ký hợp đồng/phụ lục hợp đồng.
Bộ GTVT không đồng ý với đề xuất của VETC nhưng chưa rõ những thắc mắc của VETC sẽ được giải quyết thế nào? Ảnh báo Đấu thầu
VETC ước tính, nếu đến hết năm 2020 mà vẫn chưa triển khai được thu phí không dừng với các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VEC và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam VIDIFI (nhà đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) thì lỗ lũy kế cho công tác vận hành sẽ lên đến 580 tỷ đồng. Viễn cảnh phá sản đã được đặt ra và dù không hiểu vì sao đơn vị quản lý cao nhất trong ngành giao thông lại phải quan tâm đặc biệt tới số phận của một doanh nghiệp, nhiều người tin rằng, những lời tha thiết nói trên cũng sẽ làm rung động trái tim những công bộc mẫn cán này.
Quả thật, không cần quá nhiều tinh ý để nhận ra, có một mối quan hệ đặc biệt giữa doanh nghiệp này với ngành giao thông. Chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đầu tư hệ thống thu phí không dừng là VETC và doanh nghiệp này nhận được hợp đồng theo cách chỉ định thầu.
Đã vậy, trước VETC, nhiều doanh nghiệp BOT đã mạnh dạn xin trả dự án lại Bộ GTVT hoặc xin bán lại cho Nhà nước. Theo ghi nhận, hành xử bất chấp quy luật kinh tế thị trường cơ bản ‘lời ăn lỗ chịu’ lại không vấp phải những phản ứng kiên quyết từ phía Bộ GTVT.
Vậy thì, không có lẽ gì VETC không thử vận may. Từ xưa tới nay, con khóc thì mẹ sẽ cho bú. Ở đây, nếu biết cách cất lên những lời vừa tai, ngay cả con nuôi cũng sẽ được bú no từ bầu sữa ngọt ngào.
Không ngạc nhiên khi VETC nói thẳng, nếu bắt buộc phải tiếp tục thực hiện dự án, VETC đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng dự án. Sự khoan dung, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp trong ngành, bất kể công hay tư của Bộ GTVT đang bị một vài đơn vị tận dụng theo cách ‘em lỗ, em bắt đền đấy’.
Tréo ngoe ở chỗ, một trong những lý do khiến các doanh nghiệp BOT chưa chấp nhận ký hợp đồng/phụ lục hợp đồng lại xuất phát từ sự…rộng lượng. Nghi vấn về sự minh bạch khi VETC được chỉ định độc quyền cung cấp việc lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại các trạm BOT đã được các ông chủ BOT đặt ra và câu trả lời vẫn chưa xuất hiện.
Mặt khác, hai cái tên được VETC chỉ rõ trong việc chần chừ triển khai thu phí không dừng là VEC và VIDIFI. Trong khi VEC từng là doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT, mới được chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VIDIFI có cổ đông chính là Ngân hàng Phát triển Việt Nam, một ngân hàng chính sách của Việt Nam. Ở đây, đang xuất hiện mâu thuẫn giữa những doanh nghiệp đều có biểu hiện được ưu tiên, ưu ái và nhiệm vụ hài hòa lợi ích các bên không hề đơn giản. Câu chuyện người nhà đóng cửa bảo nhau, xem ra chỉ là một kinh nghiệm thời xa xưa.
Video đang HOT
Quan trọng hơn tất cả, không ai có quyền bỏ quên quyền lợi của người dân trong tất cả các xem xét, đề nghị hay giải pháp có thể được đưa ra. Ai cũng biết, lý do các trạm BOT bị phản ứng, tới mức khoản vay 53.000 tỷ đồng cho hình thức đầu tư hạ tầng giao thông dạng này đang liên quan tới những dự án có vấn đề về việc thu hồi vốn là do vị trí đặt trạm chưa chuẩn, mức thu và thời gian thu chưa hợp lý…
Hoàn toàn hữu lý khi dư luận nghi ngại, một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư BOT chưa triển khai thu phí không dừng cũng đến từ sự thiếu minh bạch trong xây dựng và vận hành. Rõ ràng, không thể để sai chồng sai, thỏa hiệp với các doanh nghiệp theo cách kéo dài thời gian thu hay nhà nước bù lỗ.
Đối với trường hợp của VETC, dù thực trạng kinh doanh bết bát của doanh nghiệp này có căn nguyên từ việc chậm trễ thực hiện chủ trương thu phí không dừng, cũng không thể vì thế mà những đề nghị chỉ vì quyền lợi của doanh nghiệp nên được chấp nhận. Ai sẽ nhận lại các dự án này khi VETC đang vật vã với thua lỗ, trừ khi Nhà nước lại phải móc hầu bao? Có hợp lý không khi VETC khi nhận các dự án được chỉ định độc quyền không đả động gì tới sự công bằng với các doanh nghiệp khác, đến khi thua lỗ lại mong Bộ GTVT chia sẻ khó khăn.
Xét đến cùng, tất cả các khoản bù đắp theo đề xuất của các doanh nghiệp BOT hay VETC đều đến từ nguồn lực hay ví tiền của người dân. Sự lần chần đưa ra phương án giải quyết các vấn đề nói trên đến từ lý do này. Tiếc là, nếu không bạch hóa, điểm tắc nghẽn sẽ biến chuyển thành khối u ác tính
Chìa khóa đang nằm trong tay chính những nhà quản lý ngành giao thông. Tuy nhiên, sẽ không khó ăn khó nói khi những mối ràng buộc về lợi ích không từng được thắt chặt bằng cách này hay cách khác. Tương tự, sẽ không có điều gì phải giấu giếm nếu dám tin chắc rằng, mọi vấn đề liên quan tới hợp đồng và quá trình thực hiện các dự án đang gặp vấn đề đều công bằng, khách quan, vì quyền lợi chung. Và sẽ chẳng có doanh nghiệp nào dám mặc cả, hờn dỗi với các nhà quản lý nếu không còn đó những uẩn khúc chưa được nói ra.
Trong trường hợp này, cây gậy quyền lực từ phía những người đang đại diện cho tiếng nói và quyền lực của người dân rất cần phải phát huy tác hiệu. Nếu ai đó ngại minh bạch, họ vẫn bị buộc phải chấp nhận và thực hiện quy tắc bình thường trong một nền kinh tế cạnh tranh công bằng. Từ đó, trách nhiệm phải được xem xét và xử lý thấu đáo, hợp tình, hợp lý, để không doanh nghiệp nào được hưởng lợi từ chủ trương, chính sách lại quay lại mặc cả, dậm dọa, hờn dỗi. Mọi vướng mắc chắc chắn sẽ được tháo gỡ…
Khánh Nguyên
Theo Baodatviet.vn
Giữ nguyên nhóm nợ BOT giao thông: Không 'té nước theo mưa'
Nghĩa vụ trả nợ cuối cùng vẫn thuộc về nhà đầu tư, ngân hàng cho vay, Nhà nước không thể đứng ra trả nợ thay hay lãnh nợ cho nhà đầu tư...
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết bộ này thống nhất với kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về việc giữ nguyên nhóm nợ đối với Dự án BOT QL19 nói riêng và các dự án BOT nói chung có doanh thu sụt giảm bởi những nguyên nhân khách quan.
Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân về vấn đề này.
53.000 tỷ hụt thu từ BOT giao thông. Ảnh: Dân trí
PV:- Ông bình luận sao trước kiến nghị trên? Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Về nguyên tắc, đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) là tư nhân bỏ tiền ra để đầu tư vào một lĩnh vực mà đáng ra Nhà nước phải bỏ tiền ngân sách để đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu về một dịch vụ công của xã hội mà dịch vụ đó có thể thu phí để thu hồi lại tiền vốn đầu tư đã bỏ ra.
Trong trường hợp nguồn thu phí từ dịch vụ công đó có thể không đạt được mức dự tính để bù đắp vốn bỏ ra đã được dự báo từ khi triển khai dự án và vì dự án dù có lỗ vẫn cần phải đầu tư thì Nhà nước sẽ cam kết với nhà đầu tư chia sẻ phần rủi ro đó. Việc Nhà nước cam kết chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư là để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn ra để đầu tư.
Như vậy, về nguyên tắc các dự án BOT là một dạng đầu tư theo hình thức PPP nên có thể được nhà nước chia sẻ rủi ro. Nhưng cơ chế chia sẻ rủi ro phải được xây dựng dựa vào phương án đầu tư đã được xác định ngay từ khi thiết kế dự án, đảm bảo công khai, minh bạch, trên nguyên tắc những rủi ro đã được dự báo trước và được Nhà nước cam kết chia sẻ chứ không phải Nhà nước gánh chịu.
Dựa trên nguyên tắc đó, trước khi xem xét tới kiến nghị của Bộ GTVT và NHNN, cần làm rạch ròi các rủi ro doanh thu đã được xác định như thế nào trong thiết kế dự án và các điều khoản cam kết trong hợp đồng giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý nhà nước.
Bước tiếp theo phải rà soát phương án tài chính của từng dự án cũng như đánh giá lại phần hụt thu chính xác của các trạm BOT cũng như các nguyên nhân dẫn đến sụt giảm doanh thu là do khách quan hay chủ quan? Trên cơ sở đó mới tính toán được nguồn hụt thu do các nguyên nhân đã được dự báo và Nhà nước cam kết chia sẻ cũng như ảnh hưởng của phần hụt thu đó tới phần chậm trả nợ là bao nhiêu? Nguyên nhân nào thuộc trách nhiệm của Nhà nước, nguyên nhân nào thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư và mức độ ảnh hưởng của từng nguyên nhân đến doanh thu của dự án như thế nào?
Cụ thể, trong trường hợp này, số tiền hụt thu được báo cáo là bao nhiêu, xác định dựa trên căn cứ và minh chứng nào hay chỉ là khai báo của nhà đầu tư? Và số tiền chậm trả nợ 53.000 tỷ đó có phải vì phần hụt thu do nguyên nhân khách quan đã được xác định trong phương án tài chính của dự án trước khi triển khai và đã được nhà nước cam kết chia sẻ rủi ro không? Nếu việc chậm trả nợ 53.000 do nguyên nhân nhà đầu tư ko có đủ tiềm lực tiền vốn phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay, thậm chí có thể mượn danh dự án, nâng khống tổng mức đầu tư để vay tiền dùng vào mục đích khác? Việc này rất cần được làm rõ!.
Về nguyên tắc, trả nợ chậm nhưng nghĩa vụ trả nợ cuối cùng vẫn thuộc về nhà đầu tư, ngân hàng cho vay phải chịu trách nhiệm sử dụng các biện pháp để xử lý nợ xấu, Nhà nước không thể đứng ra trả nợ thay hay lãnh nợ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu không tách bạch rõ ràng, Nhà nước phải chấp nhận cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước giãn nợ cho nhà đầu tư, tạo cơ hội "té nước theo mưa" để cố tình kéo dài thời gian ân hạn, không chịu trả nợ theo đúng quy định. Cuối cùng, toàn bộ số nợ đó sẽ trở thành nợ xấu và ảnh hưởng tới hoạt động chung của cả hệ thống ngân hàng.
PV:- Đang có một số chủ đầu tư dự án BOT lấy lý do bị hụt thu xin trả lại, bán lại trạm BOT cho Bộ GTVT, trong trường hợp này, Nhà nước có thể mua lại được không, phương án xử lý là gì?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Về nguyên tắc, Nhà nước có thể bỏ tiền ngân sách mua lại trạm thu phí BOT và bồi hoàn lại tiền đầu tư làm đường cho doanh nghiệp nhưng với điều kiện: Nhà nước phải kiểm soát được tổng chi phí đầu tư và chất lượng công trình xây dựng...
Việc Nhà nước mua lại dự án cũng phải xuất phát từ yêu cầu của sự phát triển sẽ mang lại những tác động tích cực cũng như những lợi ích tốt hơn cho xã hội và người dân và ngân sách có đủ khả năng trang trải và vận hành dự án đó mang lại hiệu quả kinh tế xã hội tốt hơn để nhà đầu tư tư nhân vận hành. Xét trong bối cảnh hiện nay, việc mua lại các dự án BOT thua lỗ theo yêu cầu của nhà đầu tư là không hiện thực vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, Ngân sách Nhà nước không có đủ tiền để đầu tư và việc này cũng đi ngược với mục tiêu ban đầu là huy động vốn đầu tư xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Vì không có tiền, Nhà nước mới kêu gọi tư nhân bỏ tiền đầu tư dự án theo hình thức hợp tác đối tác công - tư (BOT, BT). Thay vào đó, Nhà nước sẽ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận. Đổi lại, Nhà nước không cần bỏ tiền nhưng vẫn có công trình, có đường đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, phục vụ mục tiêu phát triển.
Vì thế, việc trông chờ ngân sách bỏ ra hàng nghìn tỷ để mua lại các dự án BOT thua lỗ hoặc bù đắp hụt thu cho các dự án BOT trong bối cảnh nguồn lực tài chính khó khăn như hiện nay hoàn toàn không khả thi.
Thứ hai, hầu hết các dự án đầu tư BOT trước đây thường không thực hiện theo phương thức Nhà nước đứng ra thiết kế, thẩm định độc lập sau đó đấu thầu chọn nhà đầu tư và xác định giá trị đầu tư cũng như những ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên trong phương án đầu tư và tài chính cảu dự án, mà chủ yếu các dự án triển khai dựa trên phương án tự thiết kế và tự thẩm định của nhà đầu tư.
Như vậy, muốn mua lại sẽ phải tính toán lại chi phí thực khi thực hiện dự án, trên cơ sở đó mới xác định được mức giá để mua lại. Việc này cũng không khả thi, vì nếu tính toán lại theo định mức đầu tư của Nhà nước có thể xẩy ra tình huống chi phí tính lại sẽ thấp hơn nhiều lần so với tính toán của nhà đầu tư khai báo, như vậy rất khó đạt được thỏa thuận do nhà đầu tư không bao giờ chịu thiệt.
PV: - Vậy chúng ta nên xử lý thế nào, thưa ông?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Trong tình thế trên, phương án khắc phục là cần mời các tổ chức, đơn vị có chuyên môn tham gia thẩm định, đánh giá độc lập để xác định lại toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu của các dự án đó một cách công khai, minh bạch.
Các dự án mới cần tránh tình trạng để nhà đầu tư tự thiết kế phương án đầu tư, tự tính toán tổng chi phí khiến giá trị đầu tư bị đẩy lên cao hơn so với chi phí thật, khiến thời gian thu hồi vốn bị kéo dài, người dân phải đóng phí lâu hơn. Khi xác định rõ được tổng mức đầu tư sẽ có phương án điều chỉnh dòng tiền, giúp nhà đầu tư thu hồi lại vốn.
Có hai cách có thể thực hiện, một là xác định lại vị trí đặt trạm, hai là kéo dài thời gian thu phí hoặc điều chỉnh lại mức phí cho phù hợp.
Việc này cần được rà soát, đánh giá cẩn trọng, phương án nào đưa ra cũng phải bảo đảm tính khoa học, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.
Bên cạnh đó, cũng cần xem xét trách nhiệm của các bên có liên quan, từ trách nhiệm của các đơn vị tham gia thiết kế, các cơ quan có trách nhiệm thẩm tra và ra quyết định. Rõ ràng, ngay từ đầu, việc lựa chọn vị trí đặt trạm thu phí không phù hợp dẫn tới sự phản ứng của người dân, buộc nhà đầu tư phải di dời trạm, dòng tiền thu không được như mong muốn, nhà đầu tư tạo sức ép bằng việc đòi trả lại dự án cho Nhà nước.
Như vậy, ở đây, bản thân nhà đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm về phương án tính toán không phù hợp do chính mình đề xuất. Cùng với đó, các cơ quan quản lý, những người tham gia thẩm định, chấp nhận phương án đặt trạm thu phí theo đệ trình của nhà đầu tư không hợp lý cũng phải chịu trách nhiệm.
Không thể có chuyện mình làm sai lại muốn đẩy trách nhiệm cho Nhà nước, đẩy hết hậu quả, bắt xã hội phải chịu được.
PV:- Xin cảm ơn ông!
Hoài An (thực hiện)
Theo Baodatviet.vn
Cần siết hạn mức tín dụng cho vay dự án BOT Nếu nới rộng tín dụng cho vay thì cũng là ở phần doanh nghiệp phát hành trái phiếu trên thị trường mà ở đó doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông. Theo NHNN, lý do của việc phải siết...