Doanh nghiệp ô tô nước ngoài giảm dần kỳ vọng vào thị trường Ấn Độ
Kỳ vọng của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường ô tô Ấn Độ đang tan biến khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ hai tại nước này đã gây thiệt hại quá lớn.
Nhà máy sản xuất ô tô của Ford tại Ấn Độ. Ảnh: AFP
Kỳ vọng của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường ô tô Ấn Độ đang tan biến nhanh chóng khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ hai tại nước này đã gây thiệt hại quá lớn và hạn chế khả năng Chính phủ Ấn Độ tăng cường chi tiêu để kích thích nền kinh tế, báo hiệu sự phục hồi tại Ấn Độ có thể tụt hậu so với Trung Quốc và Mỹ.
Các nhà sản xuất ô tô, vốn chứng kiến gần một thập niên tăng trưởng doanh số bán xe tại Ấn Độ bị “xóa sổ” vào năm 2020, đang kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trở lại trong năm nay.
Nhưng nhiều khả năng sự phục hồi này sẽ được dẫn đầu bởi những chiếc xe nhỏ, giá cả phải chăng – thường được thống trị bởi nhà sản xuất “cây nhà lá vườn” Maruti Suzuki và đối thủ Hyundai của Hàn Quốc – thay vì các mẫu xe cao cấp từ các nhà sản xuất nước ngoài.
Với việc các nhà máy sản xuất ô tô tại Ấn Độ đang hoạt động dưới công suất giới hạn và doanh số bán hàng kém xa so với kỳ vọng ban đầu, các hãng xe như Ford, Honda, Nissan, Skoda và Volkswagen phải đối mặt với những quyết định khó khăn về các khoản đầu tư trong tương lai.
Việc lựa chọn ở lại Ấn Độ hiện phụ thuộc vào phân tích lợi ích về chi phí khi so với các thị trường quốc tế khác. Nếu triển vọng về dịch bệnh vẫn còn tồi tệ, số lượng các nhà sản xuất ô tô còn hoạt động tại nước này có thể tiếp tục giảm.
General Motors và Harley-Davidson đã đóng cửa các cửa hàng tại Ấn Độ vào năm ngoái.
Anurag Mehrotra, giám đốc điều hành của Ford Ấn Độ, nói với Reuters rằng thị trường ô tô đã không tăng trưởng như dự kiến và đại dịch COVID-19 đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, ảnh hưởng đến cả doanh số bán hàng trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Mehrotra, sự không chắc chắn trong triển vọng tăng trưởng dài hạn của ngành công nghiệp ô tô và nền kinh tế Ấn Độ đã dẫn đến những thách thức nghiêm trọng.
Ông cho biết, đại dịch đòi hỏi “các giải pháp nhanh nhẹn và các quyết định cứng rắn”, nhưng không cho biết chi tiết về kế hoạch của Ford. Trước đây, nhà sản xuất ô tô Mỹ này từng tuyên bố họ đang thực hiện một kế hoạch mới tại thị trường Ấn Độ.
Trong khi đó, Volkswagen nhắc lại kế hoạch đầu tư 1,2 tỷ USD để chiếm lĩnh 5% thị trường vào năm 2025 với các sản phẩm mới ra mắt, bắt đầu với hai mẫu xe thể thao đa dụng (SUV) trong năm nay.
Video đang HOT
Tham vọng của hãng này là tiếp tục xây dựng và củng cố vị thế của mình tại thị trường Ấn Độ.
Một thập niên trước, Ấn Độ được dự báo là thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới vào năm 2020 (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc) khi lượng sở hữu xe hơi bình quân đầu người trong tổng số dân 1,3 tỷ người của nước này đã bắt kịp với các thị trường lớn.
Tuy nhiên, nhiều năm đánh thuế cao đối với ô tô cỡ lớn và xe SUV đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô nước ngoài, cộng với sự suy thoái kinh tế vào năm 2019 và đại dịch COVID-19 đã giữ thị trường này ở vị trí thứ 5.
Trong khi cả Trung Quốc và Mỹ đều đang đạt được những kết quả tích cực trong việc đẩy lùi đại dịch, Ấn Độ vẫn đang chật vật sau đợt bùng phát thứ hai của dịch COVID-19 và mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 5% số người trưởng thành.
Áp lực thêm về tài chính công cũng khiến Ấn Độ có nguy cơ mất xếp hạng tín dụng đầu tư, hạn chế khả năng áp dụng các biện pháp kích thích bổ sung vốn đóng vai trò thúc đẩy thị trường ô tô Mỹ và Trung Quốc./.
Tìm đủ cách xoay xở, đại lý ô tô vẫn vắng hoe
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đại lý ô tô phải đưa ra nhiều chiêu thức khác nhau để kích cầu mua xe.
Lượng khách hàng đến đại lý ô tô giảm mạnh kể từ đầu tháng 5 đến nay
Từ đầu tháng 5 đến nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đại lý ô tô phải đưa ra nhiều chiêu thức khác nhau để kích cầu mua xe. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hầu hết các đại lý đều trong cảnh đìu hiu.
Giảm chỉ tiêu doanh số, tăng cường chào mời qua mạng
Một ngày giữa tháng 5, một đại lý ô tô chuyên bán các mẫu xe phân khúc phổ thông trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) chỉ có 2 khách hàng ghé thăm. Sau khi hỏi han qua loa, khách hàng vội vã rời đi trong ánh mắt tiếc nuối của nhân viên bán hàng.
Một sale (nhân viên bán hàng) tại đại lý này cho biết, những năm trước đây, khi chưa có dịch, thời điểm này lượng khách bắt đầu tăng lên sau thời gian thấp điểm của 3 tháng đầu năm. "Khi đó, trung bình mỗi ngày chốt được 6 - 7 hợp đồng thì nay may mắn lắm mới có 1 - 2 khách hàng mua xe', nhân viên này cho hay.
Chia sẻ về tình hình kinh doanh, Giám đốc một đại lý ô tô trên đường Nguyễn Văn Linh (Hà Nội) cũng than thở: "Người mua xe đã ít, lượng khách đến bảo dưỡng cũng giảm khiến các dịch vụ bảo dưỡng, vốn là nguồn thu chính của đại lý thất thu đáng kể".
Theo ghi nhận, để kích cầu thị trường, không chỉ các doanh nghiệp ô tô mà hầu hết đối tác của họ là các showroom ô tô cũng đang tìm mọi cách xoay xở để đảm bảo chỉ tiêu kinh doanh.
Bên cạnh việc tăng ưu đãi cho các mẫu xe, nhiều đại lý ô tô hiện đang triển khai dịch vụ lái thử xe, giao xe cho khách tại nhà miễn phí như VinFast, Hyundai... giúp khách hàng hạn chế di chuyển, tránh tiếp xúc đông người.
Tư vấn bán hàng một đại lý VinFast ở Hà Nội cho biết, để đẩy mạnh tương tác với khách hàng dịp này, hầu hết các nhân viên phải tự bỏ tiền chạy quảng cáo trên trang Facebook cá nhân.
Mỗi tuần họ phải lên danh sách ít nhất 7 khách hàng tiềm năng và gửi về công ty, có kế hoạch chăm sóc khách hàng thường xuyên bằng việc nhắn tin, gọi điện, thông báo chương trình ưu đãi mới nhằm thu hút sự quan tâm của khách đối với các mẫu xe.
"Khi bán được xe, đại lý ô tô cũng hỗ trợ mỗi nhóm kinh doanh 15 - 20 triệu đồng/tháng để bù vào số tiền chạy quảng cáo. Số tiền này được chia đều theo số xe bán được, tính ra mỗi xe bán được, tư vấn viên sẽ được hỗ trợ từ 1 - 2 triệu đồng", tư vấn này chia sẻ.
Nhờ chính sách giảm giá mua xe dành cho khách hàng có voucher Vinhomes từ VinFast Việt Nam, các tư vấn viên và đại lý VinFast đã tận dụng những voucher "ôm" được từ trước để "lôi kéo" khách hàng bằng việc bán lại cho khách hàng với mức giá rẻ hơn nhiều so với trước.
"Tuy nhiên, nhiều trường hợp, tư vấn vẫn phải trích thêm tiền hoa hồng từ vài triệu đến chục triệu, hoặc tự bỏ tiền mua phụ kiện tặng lại cho khách để đảm bảo chỉ tiêu doanh số", tư vấn viên xe VinFast nói.
Nhân viên bán hàng một đại lý Hyundai ở Hà Nội chia sẻ, nắm được khó khăn của thị trường, đại lý ô tô cũng chủ động giảm chỉ tiêu doanh số cho các nhân viên. Dù vậy, nhiều tư vấn viên vẫn không đạt.
Trong khi đó, ô tô Hyundai có nhiều phân khúc và dễ bán hơn, thưởng "hoa hồng" dành cho tư vấn viên không cao, nên cũng không thể trích riêng giảm cho khách. Thay vào đó, các nhân viên kinh doanh sẽ cố gắng xin thêm từ đại lý các quà tặng phụ kiện dành cho khách hàng hoặc giảm thêm tiền mặt khoảng vài triệu đối với khách hàng không lấy phụ kiện.
Sẽ cân nhắc đề xuất giảm lệ phí trước bạ
Thực tế cho thấy, với việc thực hiện mục tiêu kép - vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tình hình kinh doanh ô tô trong mùa dịch năm 2021 phần nào bớt khó khăn hơn năm trước.
Theo báo cáo doanh số tháng 4/2021 của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4/2021, các thành viên đã bán hơn 30 nghìn xe, tăng 155% so cùng kỳ năm trước (thời điểm giãn cách xã hội).
Tuy nhiên theo nhận định, những khó khăn do dịch Covid-19 kể từ đầu tháng 5/2021 tới thị trường ô tô đã bắt đầu thể hiện rõ. Giám đốc dịch vụ một đại lý Toyota tại Hà Nội cho biết, các biện pháp phòng chống dịch tại đây đang được triển khai tốt nhất để tạo sự yên tâm cho khách hàng nhưng lượng khách vẫn sụt giảm mạnh.
Giám đốc một đại lý ô tô tại Hà Nội tiết lộ, không chỉ sụt giảm doanh số, kể từ đầu tháng 5/2021, lượng khách đến bảo dưỡng, sửa chữa xe bị giảm từ 30 - 40% so với tháng trước do chủ xe lo ngại dịch bệnh.
Giám đốc kinh doanh đại lý Ford Hà Nội cũng cho biết, doanh số bán hàng tháng 5/2021 tại đại lý dự kiến giảm mạnh, chỉ còn 1/3 so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do mẫu xe chủ lực Ford Ranger nhập khẩu Thái Lan bị khan hàng, trong khi đó, các mẫu xe còn lại dù sẵn nhưng lượng khách mua rất ít.
"Các đại lý hiện đều rất mong chờ Chính phủ có phương án hỗ trợ kích cầu thị trường mà hỗ trợ lệ phí trước bạ dành cho người mua xe vẫn là phương án hợp lý nhất, tác động trực tiếp đến khách hàng", vị giám đốc này nói.
Giám đốc một đại lý Kia tại Hà Nội đề xuất: "Nếu không giảm phí trước bạ, Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ giảm phí đăng ký biển số xe dành cho khách hàng tại Hà Nội, TP HCM, quay về mức 5 triệu đồng, bởi mức phí 20 triệu đồng hiện khá cao. Giảm thuế giá trị gia tăng cũng là một phương án".
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện VAMA cho biết, phải chờ ít nhất hết tháng 5 mới có thể đánh giá sự ảnh hưởng của đợt dịch lần này đối với thị trường ô tô trong nước. Sau khi có những số liệu đánh giá cụ thể về tác động của dịch bệnh, VAMA mới xem xét đề xuất giải pháp hỗ trợ thúc đẩy thị trường đến các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo VAMA, giảm lệ phí trước bạ vẫn là giải pháp tối ưu nhất, giảm trực tiếp tiền mua xe cho người dân, kích cầu thị trường giúp tăng sản lượng tiêu thụ ô tô. Giải pháp này cũng góp phần mang lại nguồn thu thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT...) cho Nhà nước và giúp các doanh nghiệp bớt khó khăn khi bán được xe.
Volkswagen lo ngại thiếu hụt nguồn cung dù lợi nhuận tăng Trong quý 1/2021, Volkswagen đã đạt lợi nhuận ròng 3,4 tỷ euro, tăng so với mức lợi nhuận 517 triệu euro trong cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của "tổ hợp" 12 thương hiệu đã tăng 13% lên 62,4 tỷ euro. VW cho hay kết quả kinh doanh khả quan đạt được nhờ doanh số bán xe phục hồi và nhu cầu toàn...