Doanh nghiệp nhà nước muốn vận hành như doanh nghiệp tư nhân
Đây là một trong những đề xuất nhằm sắp xếp, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và huy động tối đa nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước ngày 24/3.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ-công ty con. Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng DNNN nhưng khối công ty mẹ Tập đoàn – Tổng công ty (doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn) lại nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của DNNN đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kết quả rõ nét. Theo tổng hợp số liệu thống kê, trong lĩnh vực trọng yếu như thương mại với số thu cân đối ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 13,81% tổng thu ngân sách nhà nước thì trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 9,36%, còn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước chiếm đều chiếm khoảng 2,2%. Như vậy, nếu sử dụng xuất khẩu là tiêu chí, thước đo để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì có thể thấy khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế của DNNN còn hạn chế.
Một trong những nguyên nhân được Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra đó là trong 10 năm trở lại đây, các nỗ lực triển khai, củng cố vị trí, vai trò của DNNN chưa được quan tâm đúng mức. Chính sách, pháp luật về DNNN và các giải pháp thực thi trong giai đoạn vừa qua mới chủ yếu tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn; xử lý những tồn tại, tiêu cực, sai phạm trong thực hiện tái cơ cấu, đầu tư của DNNN giai đoạn trước…
Pháp luật hiện hành về DNNN nói chung chưa thật sự phân cấp, trao quyền tự chủ cho DNNN trong đầu tư kinh doanh, quản trị và quản lý điều hành. Vì vậy, các DNNN không được làm hoặc không dám làm những việc bình thường như một doanh nghiệp, nhất là trong huy động vốn, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đầu tư kinh doanh, phát triển và mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ để duy trì năng lực cạnh tranh của mình và đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế xã hội.
Trong tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với DNNN, đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia kiến nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách để DNNN hoạt động chủ động theo cơ chế thị trường, trong đó có cơ chế để DN chủ động tự quyết trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh; cơ quan đại diện chủ sở hữu quản lý DNNN trên cơ sở các mục tiêu giao cho doanh nghiệp tạo điều kiện tối đa cho DN nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Tập đoàn cũng đề xuất nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN và giao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong đó có PVN quyết định chính sách lương thưởng nhằm tạo động lực, thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cũng kiến nghị điều chỉnh chính sách tiền lương, thu nhập đối với người quản lý Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo hướng cho phép doanh nghiệp tự chủ, căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Video đang HOT
“Đổi mới cơ chế, chính sách để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt như các doanh nghiệp tư nhân”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
Cụ thể, thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước quản lý theo mục tiêu (giao mục tiêu cho doanh nghiệp); DNNN được chủ động, tự quyết trong điều hành sản xuất kinh doanh, nắm bắt các cơ hội của thị trường, giảm bớt việc can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.
Xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả hơn theo các phương thức: Lựa chọn thuê công ty kiểm toán lớn, uy tín thực hiện giám sát, kịp thời đưa ra cơ chế cảnh báo song song với vai trò quản lý nhà nước của Bộ ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu; Đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể; Nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu DNNN trước cơ quan đại diện chủ sở hữu; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý thông tin về DNNN trên nguyên tắc đo lường được, khách quan, kịp thời và minh bạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cho phép doanh nghiệp tự quyết định. Đổi mới công tác quản lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao để tuyển dụng hoặc thuê cán bộ chất lượng cao, có thể xem xét thí điểm sử dụng CEO nước ngoài tại một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty; thực hiện cử thành viên Hội đồng thành viên độc lập (các chuyên gia có trình độ, năng lực về tài chính, quản trị…) tham gia quản lý, điều hành.
Nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ nhiệm đầu tư, tài trợ cho các vườn ươm trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đặt hàng các sản phẩm đổi mới sáng tạo; đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại. Cho phép được giữ lại một phần tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn để tái đầu tư các dự án đầu tư quan trọng, hiệu quả.
Doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, dẫn dắt đầu tư
Ngày 24/3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội", đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổng công ty đã báo cáo, thảo luận, cho ý kiến về những đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước, những tồn tại hạn chế và những phương hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Đóng góp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực đang nắm giữ
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; có doanh thu và đóng góp đáng kể vào thu ngân sách nhà nước. Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Về đóng góp cho ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của doanh nghiệp nhà nước là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh. Về hiệu suất sử dụng lao động, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 18,9 lần. Tiếp đến là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước 17 lần và thấp nhất là khu vực FDI với 13 lần.
Cho ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng kết quả hoạt động và đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối.
Cụ thể là, các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.
Cùng với đó, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy. Trong giai đoạn 2016-2020 rất ít dự án, công trình mới có quy mô lớn của doanh nghiệp nhà nước được khởi công. Các doanh nghiệp nhà nước chỉ tiếp tục thực hiện các dự án dở dang hoặc xử lý các dự án không hiệu quả từ giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp nhà nước vẫn mang tính hình thức, mới chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao.
Về phương hướng, giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để "cởi trói" doanh nghiệp Nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất cần tăng đầu tư, đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để doanh nghiệp nhà nước thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt và cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu tốt.
Bên cạnh đó là gắn phát triển doanh nghiệp nhà nước với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước như: năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia...
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về doanh nghiệp nhà nước, tài sản nhà nước để đánh giá, theo dõi và giám sát.
Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.
Tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, dẫn dắt đầu tư
Cho ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 cần phát huy nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty tham gia vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tham gia các dự án lớn của Nhà nước.
Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty tập trung thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng cao nhất đối với các dự án đầu tư đang được triển khai hoặc có kế hoạch triển khai, đặc biệt là những Dự án trọng điểm như: Xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Nâng cấp, mở rộng cảng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; xây dựng Cảng biển nước sâu Lạch Huyện; Chuỗi dự án khí - điện Lô B và Cá Voi Xanh; Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các dự án xây dựng nhà máy điện, lưới điện...
"Đồng thời, các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương tập trung nghiên cứu đầu tư vào một số dự án có tính lan tỏa, dẫn dắt đầu tư, tạo cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế", ông Nguyễn Hoàng Anh nêu rõ.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng cho rằng, cần khẩn trương rà soát, giãn, hoãn ngay các dự án đầu tư chưa cấp thiết, chưa đủ điều kiện thực hiện, chưa đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các dự án đầu tư quan trọng, cấp thiết. Bên cạnh đó là xử lý sớm và dứt điểm các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả để thu hồi vốn và giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước.
Một giải pháp quan trọng khác mà ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh là nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, lựa chọn cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược cho các tập đoàn, tổng công ty, có tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chú trọng phát triển lãnh đạo quản lý có năng lực chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư lớn mà doanh nghiệp đang triển khai; nghiên cứu cơ chế nâng cao chế độ đãi ngộ để thu hút nhân tài, chuyên gia.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam Lê Anh Sơn cho rằng, doanh nghiệp mạnh có nhiều yếu tố, trong đó là yếu tố con người, tập thể. Và muốn đội ngũ đó phát huy được thì phải có môi trường thuận lợi.
Ông Lê Anh Sơn lấy ví dụ từ thực tiễn trong quá trình tái cơ cấu tại Tổng Công ty Hàng hải, từ doanh nghiệp sắp phá sản hiện đã hoạt động bình thường. Trong quá trình tái cơ cấu đó, Tổng Công ty đã chuyển từ bổ nhiệm chuyển sang tuyển dụng một cách rộng rãi, minh bạch, công khai; tìm được người tài và trả lương tương xứng. Từ đó đã tìm được những người chuyển đổi được hoạt động kinh doanh doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Lê Anh Sơn nhấn mạnh đến việc cải cách thể chế, pháp luật về quản lý tài sản công, quản lý vốn nhà nước ở doanh nghiệp, đấu thầu,... để tạo ra môi trường để những nhà quản lý doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực thi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 8 nhiệm vụ phát triển hợp tác xã, yêu cầu không "cưỡi ngựa xem hoa" Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ 8 nhiệm vụ phát triển hợp tác xã trong giai đoạn tới. Thủ tướng Phạm Minh Chính...