Doanh nghiệp năng lượng lo bài toán vốn
Ngoài kênh trái phiếu, các nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo đang tính bài toán thu hút vốn ngoại thông qua chuyển nhượng cổ phần.
Ồ ạt huy động vốn trái phiếu
Xu hướng rất đáng quan tâm trong năm 2020 là hoạt động huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu cho các dự án năng lượng tái tạo được đẩy mạnh. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được nhiều chủ đầu tư dự án điện năng lượng tái tạo huy động thành công.
Cụ thể, nhóm công ty đầu tư các dự án năng lượng thuộc Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động được hơn 13.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong giai đoạn từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8/2020.
Trong đó, nửa cuối tháng 8, các công ty thành viên của Xuân Thiện đầu tư vào cụm dự án điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp gồm Ea Súp 1, 2 và 3 đã huy động hơn 4.900 tỷ đồng qua phát hành riêng lẻ. Hai công ty khác thuộc tập đoàn này là Xuân Thiện Thuận Bắc và Xuân Thiện Ninh Bình huy động được gần 3.300 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc tại tỉnh Ninh Thuận.
Trước đó, hai công ty Xuân Thiện Đăk Lăk và Năng lượng Sơn La đã huy động được trên 2.440 tỷ đồng.
Tính cả đợt phát hành trái phiếu từ cuối tháng 6 của Ea Sup 5 với hơn 2.100 tỷ đồng và các đơn vị thành viên khác, nhóm công ty liên quan thuộc Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động được hơn 13.000 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu từ 18 tháng đến 12 năm.
Tập đoàn Trung Nam đã thực hiện suôn sẻ các thương vụ huy động vốn trái phiếu, giá trị huy động từ cuối năm 2019 đến nay đạt gần 6.000 tỷ đồng
Tập đoàn Trung Nam với sự hỗ trợ của Ngân hàng Quân đội (MBBank) đã thực hiện suôn sẻ các thương vụ huy động vốn trái phiếu, giá trị huy động từ cuối năm 2019 đến nay đạt gần 6.000 tỷ đồng, trong đó nửa đầu năm 2020 là hơn 4.000 tỷ đồng, trở thành một trong những tập đoàn huy động vốn lớn nhất trong đầu tư năng lượng tái tạo từ kênh trái phiếu.
Nhiều nhà đầu tư khác như Tập đoàn Hoành Sơn, hay nhóm công ty năng lượng của BCG Group huy động thành công từ hàng trăm tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu.
Mới đây nhất, tân binh trong lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo là Trường Thành Group sau khi hoàn tất niêm yết 135 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE đã đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng trong quý cuối năm 2020 thông qua chào bán 25 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Trường Thành Group cũng kỳ vọng sẽ tiếp cận được dòng vốn lớn từ kênh phát hành trái phiếu cho kế hoạch phát triển 200 MW/năm từ năm 2022 trở đi.
Việc niêm yết cổ phiếu sẽ giúp Công ty kết nối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và thực hiện phát hành trái phiếu để đa dạng nguồn vốn, giảm chi phí đầu tư dự án.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có cuộc chạy đua huy động vốn trước ngày 1/9/2020, thời điểm Nghị định 81/2020-NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực, với các điều kiện phát hành khắt khe hơn.
Tại Tọa đàm “Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo” do Tạp chí Nhà đầu tư vừa tổ chức, ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành MBBank nhận định, Nghị định 81 quy định mỗi đợt phát hành cách nhau 6 tháng, trong khi các dự án điện gió phải thi công từ 2 – 3 năm, do đó các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo có thể gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn không bị gián đoạn nếu chỉ huy động vốn trái phiếu.
TS. Vũ Bằng, Thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Bộ Tài chính cần thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo phát hành công cụ này. Chẳng hạn, các dự án chỉ cần ký được hợp đồng cho vay của ngân hàng thì doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu theo tiến độ vốn.
Tiếp cận vốn nước ngoài
Video đang HOT
Trong bối cảnh huy động vốn trái phiếu thời gian tới dự kiến kém thuận lợi và nguồn vốn tín dụng vẫn khó tiếp cận, chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đã và đang tìm kiếm nguồn huy động khác.
Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn HBRE cho biết, Công ty đang triển khai các dự án điện gió tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thực tiễn đầu tư các dự án của doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng trong nước, bởi hạn mức cho vay thấp và lãi suất cho vay cao, từ 10%/năm trở lên.
Đặc biệt, các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ vốn tự có từ 30 – 40% là rất cao, khiến doanh nghiệp khó thu xếp tài chính cho dự án.
Trong khi đó, việc vay vốn từ ngân hàng nước ngoài có lãi suất thấp, khoảng 4 – 5%/năm, nhưng nhà đầu tư trong nước không dễ tiếp cận do yêu cầu phải có bảo lãnh Chính phủ.
Để đảm bảo hiệu quả và tiến độ của dự án, nhiều nhà đầu tư điện gió tính đến việc hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần, hoặc chuyển nhượng một phần dự án để tiếp cận nguồn vốn nước ngoài.
Hiện một số dự án điện gió ngoài khơi đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và sẵn sàng đầu tư từ 1,5 – 2 tỷ USD.
Hiện tại, HBRE hợp tác với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nhà đầu tư Thái Lan và Pháp thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần.
Công ty đã huy động được vốn ngoại vào 5 dự án điện gió với tổng công suất 1.000 MW, trong đó có dự án “Điện gió trên biển HBRE Vũng Tàu”, công suất 500 MW, đây là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại khu vực Đông Nam Bộ, dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong năm 2025.
Các nhà đầu tư nước ngoài có nguồn vốn dồi dào nên với hình thức hợp tác là cổ đông tham gia góp vốn cổ phần, việc phối kết hợp nguồn vốn giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước như vậy là phù hợp.
Dù vậy, để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cần có dự án khả thi, hiệu quả đầu tư cao.
Tính toán một cách định lượng, ông Tín cho rằng, dự án điện gió có hiệu suất sinh lợi tối thiểu 15% mới hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, tương đương suất đầu tư trên bờ trung bình dưới 1,5 triệu USD/MW, ngoài khơi dưới 2,5 triệu USD/MW.
“Trong trường hợp giá điện cố định (FIT) cho các dự án điện gió giảm thì tỷ suất hoàn vốn nội bộ của các dự án triển khai còn khoảng 12 – 13%, đây vẫn là tỷ lệ có thể chấp nhận được. Để đạt được hiệu suất sinh lợi này, khi cơ chế giá FIT kết thúc tính thì giá điện gió trên bờ khoảng 8 UScent/kWh vẫn có thể đầu tư, còn điện gió ngoài khơi giữ giá hiện nay là 9,8 UScent/kWh mới đảm bảo hiệu quả đầu tư”, ông Tín nói.
Thực tế đã có doanh nghiệp chuyển nhượng một phần dự án năng lượng tái tạo cho nhà đầu tư nước ngoài
Thực tế đã có doanh nghiệp chuyển nhượng một phần dự án năng lượng tái tạo cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty IQLink, đồng thời là Giám đốc Công ty cổ phần Điện mặt trời Sunseap Link Việt Nam vẫn băn khoăn về quyết định chấp thuận đầu tư của ủy ban nhân dân tỉnh sau khi cấp cho các doanh nghiệp có quy định, trong thời gian xây dựng không được chuyển nhượng hoặc bán cổ phần của dự án.
Theo ông Bắc, nếu doanh nghiệp có vấn đề về dòng vốn mà có nguồn tài trợ từ nhà đầu tư nước ngoài để mua cổ phần sẽ giúp giảm rủi ro, đồng thời đỡ gánh nặng cho doanh nghiệp.
“Cơ quan quản lý nên nghiên cứu lại chính sách để doanh nghiệp Việt Nam cần gọi vốn có thể chuyển nhượng một phần dự án. Đề nghị tháo gỡ vướng mắc này, mở cửa cho dòng vốn nước ngoài vào”, ông Bắc nhấn mạnh.
Ông Phạm Minh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Pháp luật hiện hành không có quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hiện cũng đã có những quy định về việc chuyển nhượng dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án cho nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về điều kiện tiếp cận trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, mà chỉ có dự án thuỷ điện.
Nâng chuẩn công ty đại chúng từ năm 2021
Từ năm 2021, tiêu chuẩn công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán mới được nâng lên, nhưng công ty chỉ phải thực hiện nghĩa vụ sau khi được xác nhận tư cách công ty đại chúng.
Nâng chuẩn để cải thiện chất lượng hàng hóa
Luật Chứng khoán 2006 quy định, công ty đại chúng là doanh nghiệp đáp ứng 1 trong 3 điều kiện: (1) đã chào bán cổ phiếu ra công chúng (2) có cổ phiếu được niêm yết (3) có ít nhất 100 cổ đông, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên.
Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã "nâng chuẩn" công ty đại chúng, theo đó, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc 1 trong 2 trường hợp: (1) có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ, (2) đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Luật mới nâng điều kiện công ty đại chúng về vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng và sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu cổ đông có tối thiểu 10% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ.
Theo ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và kiểm soát nội bộ, Công ty Chứng khoán SSI, quy định này nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm quy mô và tính đại chúng của công ty. Đây là nền tảng ban đầu để cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán.
Quy định mới được kỳ vọng sẽ khắc phục được điểm yếu của các tiêu chí hiện tại. Theo đó, nền kinh tế có cả nghìn công ty đại chúng, nhưng nhiều trong số đó có quy mô nhỏ, không đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu về quản trị công ty, công bố thông tin, kiểm toán và các nghĩa vụ khác theo quy định.
Theo thống kê của Ban soạn thảo Luật Chứng khoán 2019, ở thời điểm làm luật, trong số 1.940 công ty đại chúng, có 81,04% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, 69,03% có mức vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng trở lên.
Như vậy, chỉ có khoảng 19%, tương ứng với 367 công ty đại chúng không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ mới.
Với quy định mới, một bộ phận công ty cổ phần sẽ bị loại khỏi danh sách công ty đại chúng kể từ năm 2021.
Theo đó, khối doanh nghiệp này sẽ không phải thực hiện các nghĩa vụ về quản trị, công bố thông tin mà các công ty đại chúng phải tuân thủ.
Để giải quyết các trường hợp công ty cổ phần đã niêm yết nhưng không còn đáp ứng được tiêu chuẩn của công ty đại chúng, Luật mới đưa ra điều khoản chuyển tiếp.
Theo đó, các công ty đã niêm yết, đăng ký giao dịch đáp ứng điều kiện công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán 2006 thì vẫn tiếp tục niêm yết, đăng ký giao dịch, trừ trường hợp đại hội đồng cổ đông có quyết định khác.
Các công ty chưa niêm yết, đăng ký giao dịch mà không đáp ứng tiêu chuẩn theo Luật Chứng khoán mới thì bị hủy tư cách công ty đại chúng.
Với điều khoản chuyển tiếp này, số công ty đại chúng sẽ phải hủy tư cách công ty đại chúng do không đáp ứng được tiêu chí về quy mô theo Luật Chứng khoán mới sẽ không nhiều.
Một số công ty quy mô nhỏ quan tâm đến vấn đề hủy tư cách công ty đại chúng. Theo quy định tại Luật Chứng khoán mới, khi công ty không còn đảm bảo những điều kiện để được công nhận là công ty đại chúng nữa, công ty phải làm thủ tục thông báo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Sau 1 năm kể từ ngày không còn đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1, Điều 32, của Luật Chứng khoán mà công ty vẫn không đáp ứng được điều kiện là công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét hủy tư cách công ty đại chúng.
Trong thời gian đó, công ty vẫn phải thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công ty đại chúng cho đến khi có thông báo hủy tư cách công ty đại chúng.
Khi nào phát sinh nghĩa vụ công ty đại chúng?
Điểm thay đổi đáng kể trong luật mới là ở thời điểm phát sinh nghĩa vụ công ty đại chúng. Theo quy định hiện hành, nghĩa vụ công ty đại chúng phát sinh ngay tại thời điểm công ty cổ phần đáp ứng điều kiện công ty đại chúng.
Tuy nhiên, đối với công ty trở thành công ty đại chúng do chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông, mà chưa từng thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng thì phải nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Chỉ sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng thì công ty mới phát sinh nghĩa vụ của công ty đại chúng, bao gồm công bố thông tin, tuân thủ quy định về quản trị công ty và đăng ký lưu ký cổ phiếu tập trung (Điều 34, Luật Chứng khoán 2019).
Tham khảo góc nhìn của một số nhà đầu tư cho thấy, họ có những băn khoăn về điều khoản của Luật. Cụ thể, trường hợp công ty (đủ tiêu chuẩn) đại chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để được xác nhận hoàn thành việc đăng ký công ty đại chúng thì nghĩa vụ công ty đại chúng chưa phát sinh.
Nếu doanh nghiệp cứ chây ì như vậy thì cổ đông nhỏ lẻ sẽ rất khó tiếp cận các thông tin về doanh nghiệp. Chế tài cho việc này chỉ là doanh nghiệp có thể phải chịu khoản phạt hành chính về việc vi phạm nghĩa vụ đăng ký, nhưng sẽ không bị phạt về việc vi phạm nghĩa vụ công ty đại chúng như hiện nay.
Trong khi đó, cổ đông nhỏ không thể tham gia hội đồng quản trị chủ yếu trông chờ sự minh bạch thông qua việc tuân thủ các nghĩa vụ công ty đại chúng.
Theo ông Nguyễn Kim Long, một điểm quan trọng khác đối với công ty đại chúng theo luật mới là phải "đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng.
Sau 2 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống giao dịch này, công ty đại chúng có quyền nộp hồ sơ đăng ký niêm yết khi đáp ứng các điều kiện niêm yết chứng khoán".
"Nhiều khách hàng của SSI là các công ty đại chúng đang có dự kiến niêm yết trong năm 2021 quan tâm về quy định thời hạn 2 năm giao dịch bắt buộc trên UPCoM tại Luật Chứng khoán", ông Long chia sẻ. Theo đó, quy định này cần phải hướng dẫn cụ thể hơn.
Có vốn ngoại trên 50%, công ty đại chúng đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài
Một trong những điểm được các thành viên thị trường quan tâm là quy định về hoạt động của các công ty đại chúng mà có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đa số sau khi mở "room". Khoản 1, Điều 143 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán có quy định: "Công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán (ngoại trừ quỹ mở, quỹ hoán đổi danh mục) áp dụng điều kiện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trình tự, thủ tục đầu tư trên thị trường chứng khoán như nhà đầu tư nước ngoài khi có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong ít nhất 180 ngày trong 1 năm dương lịch".
Theo dự thảo Nghị định, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm thống kê và công bố hàng năm các công ty đại chúng có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong khoảng thời gian ít nhất 180 ngày để các công ty có cơ sở thực hiện quy định này.
Theo ông Nguyễn Kim Long, sẽ có trường hợp công ty đại chúng thay đổi tư cách là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài hàng năm, tùy thuộc vào tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong năm trước. Việc phải tuân thủ các điều kiện về đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài cũng có nghĩa công ty đại chúng đó không thể đầu tư vào các doanh nghiệp đã hết room như trước đây.
Một số ý kiến đề nghị, ngoài tiêu chí về tỷ lệ vốn ngoại nắm giữ 50% vốn điều lệ và thời gian tối thiểu 180 ngày như dự thảo, cần bổ sung thêm tiêu chí có một nhà đầu tư nước ngoài và/hoặc người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài này nắm giữ từ 35% vốn điều lệ trở lên, vì khi đó nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền kiểm soát công ty.
Bị tước quyền tự quyết room ngoại, ngân hàng bị dồn vào thế khó - Bài 1: Nhà băng mất cơ hội dài hạn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến bỏ quyền tự định đoạt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (room vốn ngoại) của các doanh nghiệp đại chúng. Với nhiều điểm mới, Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực đầu năm 2021) hứa hẹn làm tăng tính minh bạch của thị trường chứng khoán, bảo vệ tốt...