Doanh nghiệp mong mỏi, giá điện vẫn chưa thể giảm, tại sao?
Người dân và doanh nghiệp hy vọng giá điện sẽ được giảm ngay trong tháng 4, nhưng EVN cho biết chưa thể thực hiện được.
Đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực tới nhiều mặt kinh tế, xã hội của đất nước, đời sống của nhân dân. Do đó, giảm giá điện là mong mỏi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Giá điện vẫn chưa thể giảm trong tháng 4/2020. (Ảnh: EVN)
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất Bộ Công Thương và Chính phủ các giải pháp hỗ trợ khách hàng sử dụng điện. Bộ Công Thương cũng đã đề xuất Chính phủ phương án giảm giá điện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng.
Sau khi có thông tin đề xuất giảm giá điện do dịch, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được giảm ngay trong tháng 4. Tuy nhiên, chia sẻ với VTC News ngày 12/4, đại diện EVN cho biết chưa thể thực hiện được việc giảm giá điện.
Video đang HOT
“Hiện chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện, cũng như về thời gian áp dụng”, đại diện EVN nói .
Tuy vậy, lãnh đạo EVN cũng cho hay Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương xây dựng phương án hỗ trợ. Quyết định và hướng dẫn chính thức khi được ban hành sẽ quy định rõ về đối tượng được hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể cũng như cách thức thực hiện.
EVN cũng cam kết huy động đầy đủ nhân lực, vật lực để triển khai ngay khi có quyết định và hướng dẫn thực hiện từ các cơ quan chức năng, nhằm kịp thời giảm thiểu phần nào khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cũng liên quan giá điện, trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính đề nghị EVN tính toán lại chi phí đầu vào, cân đối phương án tránh để thua lỗ.
Theo Bộ Tài chính, ngày 1/4, EVN có công văn báo cáo chương trình giảm giá điện và an sinh xã hội để hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19, với mức giảm từ 10%, 50% đến 100% cho một số đối tượng trong 6 tháng (từ tháng 4 – 9.2020). Tổng mức hỗ trợ khoảng 8.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng có báo cáo gửi Thủ tướng về đề xuất giảm 10 – 20% giá điện cho một số đối tượng, thời gian áp dụng 3 tháng (từ tháng 4 – 6/2020), với tổng mức hỗ trợ khoảng 11.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện, trong đó có giá điện. Cả 2 phương án trên, nguồn kinh phí thực hiện là giảm trực tiếp vào doanh thu của EVN, qua đó cũng tác động làm giảm các khoản thu ngân sách nhà nước từ thuế và lợi nhuận sau thuế so với dự toán.
Bên cạnh đó, điện thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ nhà nước bình ổn giá trên cơ sở nguyên tắc “bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ có tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ”.
“EVN phải có phương án cân đối để tránh trường hợp lỗ và treo lại các khoản lỗ gây áp lực tăng giá trong 2021, nhất là sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí…), các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất điện khi các ngành hàng này không có điều kiện để giảm giá”, Bộ Tài chính kiến nghị.
HOÀ BÌNH
Hoá đơn tiền điện tháng 3 tăng vọt, EVN nói gì?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra một số lý giải về việc hoá đơn tiền điện tháng 3-2020 của khách hàng tăng cao so với thông thường.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phản hồi về việc người dân phản ánh hoá đơn tiền điện tháng 3-2020 tăng cao. Một số hộ dân cho biết hoá đơn tiền điện tháng 3 tăng khoảng 40% so với tháng trước.
EVN cho biết theo quy luật thời tiết, tháng 3 hằng năm, khu vực phía Nam bắt đầu chuyển sang nắng nóng. Riêng tháng 3-2020, có một số đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài, với mức nhiệt độ trên 35 độ C.
Ngành điện cũng đưa ra lý giải việc sử dụng các thiết bị làm mát tiêu thụ nhiều điện năng, nhất là máy lạnh là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới lượng điện tiêu thụ tăng. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng khiến các thiết bị làm mát tiêu tốn nhiều điện hơn, do chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng.
Hoá đơn tiền điện tháng 3 tăng cao do yếu tố thời tiết - Ảnh minh họa
"Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng" - đại diện EVN cho hay.
EVN đã dẫn chứng sản lượng điện sinh hoạt của Hà Nội và TP HCM để cho thấy sự tăng mạnh trong tháng 3. Cụ thể, sản lượng điện sinh hoạt toàn quốc tháng 3 tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó Hà Nội tăng 17%, còn 13% là mức tăng của TP HCM.
Theo EVN, trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận ý kiến của khách hàng về hóa đơn tiền điện, nhân viên điện lực sẽ phối hợp cùng khách hàng đối soát chỉ số đồng hồ, lượng điện tiêu thụ trong kỳ, hóa đơn tiền điện.
Đặc biệt, với những hóa đơn có mức tăng trên 30%, các tổng công ty điện lực sẽ tiến hành phúc tra 100% chỉ số công tơ trước khi phát hành tới khách hàng. Việc phúc tra sẽ do bộ phận độc lập thực hiện.
Theo đại diện EVN, đến nay, do chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện, cũng như về thời gian áp dụng, nên ngành điện phải thực hiện phát hành hóa đơn tiền điện theo đúng các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, EVN cam kết huy động đầy đủ nhân lực, vật lực để triển khai ngay khi có quyết định và hướng dẫn thực hiện từ các cơ quan chức năng, nhằm kịp thời giảm thiểu phần nào khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Minh Chiến
Một doanh nghiệp mới thành lập với vốn "khủng" 144 ngàn tỉ đồng, vượt nhiều "ông lớn" Công ty có địa chỉ tại một thôn thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội đăng ký thành lập mới với số vốn 144 ngàn tỉ đồng (6,3 tỉ USD), 59 ngành nghề kinh doanh như xây dựng, bất động sản, vận tải, buôn bán máy móc thiết bị, buôn bán kim loại, quặng... thậm chí là kinh doanh cả chăn, ga, gối nệm....