Doanh nghiệp lớn cũng lỗi hẹn thông tin vì Covid – 19
Chưa từng lỗi hẹn, thậm chí nhiều năm liền Tập đoàn Bảo Việt (BVH) là doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu cho sự chuyên nghiệp, chuẩn mực và minh bạch trên thị trường chứng khoán, nhưng năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã khiến Tập đoàn chậm công bố hàng loạt báo cáo. Nhiều doanh nghiệp khác cũng trong tình trạng tương tự, gây nên khoảng hụt thông tin cho các nhà đầu tư trên thị trường.
Nếu như mọi năm, trước ngày 20/4, BVH sẽ công bố báo cáo thường niên, tạo nên một sự quan tâm không chỉ với các nhà đầu tư, mà còn với nhiều doanh nghiệp niêm yết khác, bởi đây là doanh nghiệp có truyền thống thực hiện rất chuyên nghiệp, chuẩn mực loại báo cáo này, thì năm nay, Tập đoàn đã không thể ra báo cáo đúng hạn.
Thông báo từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, ngày 6/4, BVH đã gửi công văn đến Sở, đề nghị chấp thuận gia hạn công bố thông tin báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đến trước ngày 25/4/2020; báo cáo thường niên năm 2019 và báo cáo tài chính quý I/2020 đến trước ngày 15/5/2020.
Lý do là Tập đoàn có nhiều công ty con với hệ thống đơn vị thành viên trên phạm vi cả nước và trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc cách ly toàn xã hội trong 15 ngày kể từ ngày 1/4/2020 khiến việc thực hiện báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019, báo cáo thường niên năm 2019, báo cáo tài chính quý I/2020 bị ảnh hưởng tiến độ.
Ngày 17/4/2020, Tổng giám đốc BVH, ông Đỗ Trường Minh, có công văn thứ hai gửi đến Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán đề nghị được gia hạn thời hạn công bố báo cáo quý I/2020 tới ngày 22/5/2020, bởi lý do diễn biến của dịch Covid-19 khiến cho việc tổng hợp số liệu từ các đơn vị trên toàn quốc phục vụ cho việc lập báo cáo của Tập đoàn hết sức khó khăn.
Ngày 22/4/2020, Tổng giám đốc BVH tiếp tục có công văn thứ ba, đề nghị được gia hạn nộp và công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2020 đến trước ngày 30/4/2020, thay vì cái hẹn trong công văn đầu tiên là ngày 25/4/2020.
Không riêng BVH, nhiều doanh nghiệp lớn cũng trong tình trạng khó khăn về hoàn tất nghĩa vụ báo cáo.
Tại Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, trong công văn gửi các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành chia sẻ lý do rằng, dịch bệnh lan ra toàn cầu khiến một số quốc gia đóng cửa và phong tỏa biên giới để kiểm soát dịch.
Do vậy, việc tiếp cận hay liên hệ công tác để đối chiếu số liệu báo cáo với các nhà cung cấp, các hãng hàng không khác tại các quốc gia này của Vietjet gặp nhiều khó khăn.
Trong nước, các công ty kiểm toán đều không có nhân sự đến làm việc trực tiếp tại Vietjet, nên chưa thể thống nhất báo cáo tài chính…
Video đang HOT
Theo đó, Vietjet không thể công bố báo cáo tài chính 2019 và báo cáo tài chính quý I/2020 đúng quy định. Vietjet đã mạnh dạn đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán chấp thuận cho Công ty thêm 90 ngày, kể từ ngày được gia hạn, để hỗ trợ và tạo điều kiện cho Công ty trong tình hình hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Y dược phẩm Vimedimex tuần qua cũng có công văn đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán cho phép Công ty được gia hạn nộp báo cáo thường niên 2019 và báo cáo tài chính quý I/2020 nhưng không đưa ra thời hạn cam kết cụ thể.
Trước đó 10 ngày, Vimedimex có công văn đề nghị được gia hạn nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán 2019 đến hết ngày 30/4/2020.
Trong công văn mới nhất, Vimedimex chỉ nói rằng, sẽ cố gắng tối đa để công bố sớm nhất và việc công bố thông tin sẽ được Công ty thực hiện khi tình hình dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát và Công ty cùng đơn vị kiểm toán có thể tiến hành và hoàn tất các công việc liên quan.
Thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, đến ngày 23/4/2020, còn 10 doanh nghiệp niêm yết trên sàn này chưa công bố được báo cáo tài chính kiểm toán 2019 (xem bảng).
Tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, danh sách các doanh nghiệp còn thiếu báo cáo tài chính 2019 không được tổng hợp và công bố, nhưng tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán được biết, Sở đã nhắc nhở trực tiếp các doanh nghiệp chậm nộp báo cáo theo quy định.
Những khó khăn của doanh nghiệp được thể hiện trong công văn gửi nhà quản lý, nhưng từ phía nhà quản lý, chưa có thông báo chính thức ra thị trường về việc chấp thuận cho doanh nghiệp được giãn đến thời hạn nào, 15 ngày, 22 ngày hay 90 ngày như doanh nghiệp đã đề xuất.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo ngành tài chính từng cho biết, thời hạn nộp báo cáo tài chính năm cũng như thời hạn đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp được quy định trong Luật Kế toán, Luật Doanh nghiệp nên quyền quyết định với việc giãn, hoãn thuộc Quốc hội, chứ không thuộc các cơ quan thi hành Luật.
Dịch bệnh xảy ra là lý do bất khả kháng, nằm trong điều khoản tại Thông tư số 115/2015/TT-BTC cho phép các doanh nghiệp được hoãn nghĩa vụ công bố thông tin nếu gặp thiên tai, địch họa… Tuy nhiên, các văn bản pháp quy không đề cập cụ thể thời hạn hoãn tối đa đến bao giờ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BVH đã giảm gần 30% thị giá trong vòng 3 tháng trở lại đây.
Cổ phiếu VMD của Vimedimex cũng giảm trên 20% thị giá trong 3 tháng qua, trong khi dược phẩm và bảo hiểm là 2 ngành được đánh giá không bị suy giảm hiệu quả kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh bùng phát (nếu không muốn nói là có thể được hưởng lợi vì nhu cầu thị trường với sản phẩm bảo hiểm và dược phẩm tăng lên).
Nhà đầu tư thiếu thông tin về doanh nghiệp, thị giá cổ phiếu tăng giảm phụ thuộc chính vào tâm lý người có tiền và người có cổ phiếu.
Giá cổ phiếu VJC của Vietjet cũng giảm trên 30%, nhưng có lý do doanh nghiệp thuộc ngành nghề chịu ảnh hưởng trực diện và nghiêm trọng từ dịch bệnh khi các chuyến bay phải ngừng lại trong một thời gian dài.
Giá cổ phiếu VJC đã có sự phục hồi nhẹ so với 1 tháng trước, nhưng nếu 90 ngày nữa, thị trường mới được nhận báo cáo tài chính 2019 và báo cáo tài chính quý I/2020 thì sẽ đặt nhà đầu tư đại chúng vào tình thế khó khăn khi muốn đánh giá sức khỏe doanh nghiệp, do quãng thời gian chờ đợi này quá dài và thông tin nhận được sau 90 ngày cũng… đủ cũ.
Dù không có thẩm quyền quyết định thời hạn cho doanh nghiệp được gia hạn công bố báo cáo tài chính năm, báo cáo tài chính kiểm toán, báo cáo tài chính quý hay báo cáo thường niên, nhưng nhiều ý kiến từ thị trường cho rằng, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán cần có báo cáo Chính phủ, Quốc hội về thực trạng công bố công bố thông tin của doanh nghiệp năm nay, để sớm có hướng dẫn cụ thể về thời hạn công bố các loại báo cáo trên.
Lý do là các doanh nghiệp cần có một thời hạn cụ thể để hoàn tất nghĩa vụ báo cáo trong bối cảnh lý do xin gia hạn vì dịch bệnh đã được chấp thuận và đặc biệt, các nhà đầu tư cần thông tin về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp để quyết định đầu tư không bị cảm tính theo tâm lý thị trường.
Được biết, trước khó khăn của dịch bệnh, nhiều quốc gia cũng đã cho phép doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán được gia hạn việc nộp báo cáo tài chính. Tuy nhiên, việc gia hạn này là có thời hạn.
Chẳng hạn, tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép các công ty đại chúng nằm trong vùng ảnh hưởng của dịch bệnh được gia hạn thêm 45 ngày. Cơ quan quản lý tài chính Anh cho phép gia hạn 2 tháng…
Tại Việt Nam, đây là khoảng trống chưa rõ doanh nghiệp được gia hạn mấy lần và gia hạn đến thời điểm nào.
Hãng máy lọc nước Kangaroo lãi kỷ lục 121 tỷ
Năm 2019, dù doanh thu không tăng đáng kể, tập đoàn Kangaroo đạt lợi nhuận kỷ lục từ khi hoạt động với mức lãi ròng 121 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt kế hoạch.
Công ty Cổ phần Điện Máy Điện Lạnh Việt Úc, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu máy lọc nước Kangaroo, báo cáo doanh thu thuần 2.369 tỷ đồng năm 2019. Trong đó, thị trường miền Bắc chiếm tới 2/3 tổng nguồn thu của Kangaroo.
Doanh thu không tăng đáng kể nhưng do cải thiện tỷ suất lãi gộp thêm 6%, lợi nhuận gộp của Kangaroo cao hơn năm trước 18%, đạt 960 tỷ đồng.
Tổng các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp được Kangaroo kiểm soát với mức tăng 6%. Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty trong năm đạt 132 tỷ, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ 2018.
Cộng với khoản thu nhập khác chủ yếu là tiền chiết khấu, Kangaroo đạt lợi nhuận trước thuế 151 tỷ đồng. Trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty báo lãi ròng 121 tỷ đồng, tăng 120%.
Đây cũng là mức lãi kỷ lục của Kangaroo từ khi hoạt động đến nay. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu lợi nhuận 242 tỷ đồng đề ra đầu 2019, doanh nghiệp mới hoàn thành 50% kế hoạch.
Đồ họa: Việt Đức.
Tập đoàn Kangaroo thành lập năm 2003, kinh doanh các sản phẩm chính gồm máy lọc nước, hàng gia dụng, thiết bị nhà bếp, vệ sinh, điện lạnh. Các ngành hàng này chiếm hơn 80% tỷ trọng doanh thu của công ty.
Thương hiệu Kangaroo bắt đầu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi nhờ màn quảng cáo đặc biệt trong trận chung kết giải bóng đá Champions League năm 2011 trên VTV. Trong thời gian nghỉ giữa hai hiệp của trận đấu, đoạn quảng cáo chỉ dài 5 giây nhắc đến tên thương hiệu được lặp lại hơn 50 lần trong chưa đầy 15 phút.
Năm 2017, tập đoàn Kangaroo tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ lên 700 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu được dùng để trả nợ vay. Đây cũng là thời điểm lợi nhuận doanh nghiệp bắt đầu tăng trưởng đột biến.
Tháng 1/2019, Kangaroo được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng và dự định niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM trong năm nhưng chưa thực hiện.
Trong cơ cấu sở hữu của Tập đoàn Kangaroo hiện tại, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thành Phương là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ 72% cổ phần. Ông Phương chính là nhà sáng lập thương hiệu này.
Công ty mới đây thông báo hoãn đại hội cổ đông thường niên 2020 vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020.
Việt Đức
Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 17/4 Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 17/4 về các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. * CEE: Ngày 15/4, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Xây dựn hạ tầng CII (CEE - HOSE) vào diện cảnh bảo kể từ ngày 22/4/2020. Nguyên nhân do, lợi nhuận sau...