Doanh nghiệp lo ngại ‘gánh nặng’ phí môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói gì?
Vừa qua, một số tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp lo ngại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Dự thảo Nghị định) sẽ làm tăng gánh nặng, chi phí về môi trường cho doanh nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có phản hồi về vấn đề này.
Bộ TN&MT đã xử phạt hành chính chi nhánh Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát đóng trên địa bàn Hòa Bình vì hành vi xả thải nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN.
Không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Theo đó, Dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo quy định của Luật BVMT 2020; trong đó, đã giảm 18 thủ tục hành chính so với quy định hiện hành (giảm 34%); tích hợp 7 loại giấy phép, xác nhận gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Giấy phép xả khí thải công nghiệp, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, Giấy phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi, Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại vào 1 giấy phép môi trường.
“Như vậy, nếu như trước đây thay vì phải thực hiện nhiều giấy phép đơn lẻ thì theo Dự thảo Nghị định, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện 1 thủ tục là đề nghị cấp giấy phép môi trường”, đại diện Bộ TN&MT cho biết.
Theo Bộ TN&MT, về đối tượng đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp giấy phép môi trường, một số hiệp hội cho rằng trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm ĐTM và xin giấy phép môi trường, nhưng với quy định mới thì các dự án, nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm ĐTM và xin giấy phép môi trường là không có cơ sở.
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 30 Luật BVMT quy định đối tượng phải thực hiện ĐTM là dự án nhóm I và nhóm II có yếu tố nhạy cảm về môi trường như xả thải vào nguồn nước cấp sinh hoạt, đầu tư trong khu bảo tồn thiên nhiên, rừng, di tích lịch sử văn hóa…; Điều 39 Luật BVMT quy định đối tượng phải có giấy phép môi trường gồm: “1. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.”.
Như vậy, quy định về đối tượng phải thực hiện ĐTM và giấy phép môi trường trong Dự thảo Nghị định là đúng quy định của pháp luật.
Về trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường, Dự thảo Nghị định mới (bản cập nhật đến ngày 16/9/2021 và gửi Bộ Tư pháp thẩm định) đã đơn giản hóa quy trình rà soát tính hợp lệ của hồ sơ theo hướng chỉ thực hiện 1 lần (theo Dự thảo cũ thì thực hiện 2 lần khi tiếp nhận hồ sơ và khi thành lập đoàn kiểm tra).
Cùng với đó, quy trình cấp giấy phép môi trường cũng được quy định đơn giản hóa theo tính chất của dự án, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định của Chính phủ.
Video đang HOT
“Ý kiến cho rằng phần lớn doanh nghiệp phải trải qua 2 lần thẩm định và 2 lần kiểm tra thực địa (khi thẩm định ĐTM và khi thẩm định, cấp giấy phép môi trường) là không phản ánh đúng nội dung của Luật BVMT 2020 cũng như quy định chi tiết nội dung này trong Dự thảo Nghị định. Theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật BVMT 2020, trong trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM mới tổ chức khảo sát thực tế khu vực dự kiến triển khai dự án để phục vụ công tác thẩm định ĐTM, đây không phải là hoạt động kiểm tra. Đối với việc cấp giấy phép môi trường, Dự thảo Nghị định cũng chỉ quy định trong trường hợp cần thiết đối với các dự án thuộc nhóm I, nhóm II, cơ quan cấp giấy phép môi trường mới thành lập đoàn kiểm tra”, đại diện Bộ TN&MT nêu rõ.
Cùng với đó, theo quy định của Luật BVMT và Dự thảo Nghị định, các dự án xây dựng cầu, đường không thuộc đối tượng phải có GPMT, do đó ý kiến cho rằng “các dự án này không thể cấp được giấy phép môi trường vì không có công trình xử lý chất thải” là chưa đúng.
Một số quy định bị “hiểu lầm”
Theo Bộ TN&MT về quan trắc chất thải, Dự thảo Nghị định đến ngày 16/9/2021 gửi Bộ Tư pháp thẩm định quy định tần suất quan trắc thực hiện như quy định hiện hành nhưng chỉ áp dụng đối với nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn (trên 200 m3/ngày đối với loại hình gây ô nhiễm và trên 500 m3/ngày đối với loại hình khác) và nguồn khí thải có lưu lượng xả thải lớn (trên 50.000 m3/giờ…).
Đặc biệt, đối với các dự án, cơ sở thực hiện tốt công tác BVMT trong 3 năm liên tiếp với kết quả quan trắc chất thải đạt quy chuẩn Việt Nam và kết quả thanh tra, kiểm tra không vi phạm hành vi xả thải vượt quy chuẩn Việt Nam thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ trong thời hạn của giấy phép môi trường.
Về đối tượng phải quan trắc tự động, liên tục, Dự thảo đã tiếp thu ý kiến góp ý, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID- 19 và chỉnh lý theo hướng lùi thời gian phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với tất cả các trường hợp đến hết ngày 31/12/2024.
Đối với các trường hợp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ trong thời gian này.
Từ ngày 1/1/2025, dự án, cơ sở đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục với các thông số ô nhiễm đặc trưng của nguồn thải thì được miễn thực hiện quan trắc chất thải định kỳ. Kế thừa quy định hiện hành quy định mức lưu lượng xả nước thải từ 500 m3/ngày trở lên đối với trường hợp thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và từ 1.000 m3/ngày trở lên đối với các trường hợp còn lại.
Đặc biệt, theo lộ trình Chính phủ quy định và với đặc trưng riêng của các thiết bị xả, bụi khí thải, trước mắt yêu cầu các dự án, cơ sở có phát sinh bụi, khí thải với lưu lượng rất lớn (trên 100.000m3/giờ) thực hiện quan trắc tự động, liên tục; các trường hợp xả bụi, khí thải lớn (từ 50.000m3/giờ đến dưới 100.000m3/giờ) nếu thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc, tự động liên tục thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ.
Ngoài ra, đã bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm công bằng cho các trường hợp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định hiện hành (được miễn thực hiện quan trắc định kỳ nếu tiếp tục duy trì hệ thống này).
Về quy định các cơ sở chế biến thủy sản thuộc Mục III danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, theo Bộ TN&MT, đây không phải là quy định mới của Dự thảo Nghị định mà đã được kế thừa quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ và đã được triển khai thực hiện ổn định cho đến nay.
Theo Bộ TN&MT, quy định này xuất phát từ lý do đặc thù của loại hình chế biến thủy sản thường phát sinh nước thải có hàm lượng chất ô nhiễm hữu cơ rất cao, lưu lượng xả thải lớn, vị trí sản xuất thường nằm ở khu vực ven sông, ven biển và nơi có nhiều cư dân, ngư dân sinh sống, nước thải có nguy cơ gây phú dưỡng, ảnh hưởng đến môi trường và các hệ sinh thái ven sông, ven biển. Thông số ô nhiễm amonia có tính độc cao đối với các loài sinh vật nên các quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nước cấp ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều có kiểm soát chặt chẽ các thông số chất ô nhiễm liên quan đến Nitơ do ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi sử dụng.
Ngoài ra, các cơ sở chế biến thủy sản thường phát sinh mùi hôi, khó xử lý và kiểm soát gây ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh. Do đó, việc quy định loại hình này thuộc nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để có sự kiểm soát chặt chẽ hơn là cần thiết, phù hợp với các quy định của quốc tế; qua đó sẽ tạo thuận lợi cho các sản phẩm chế biến thủy sản của Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu về BVMT khi tham gia vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, loại hình này cũng chỉ được xếp vào mục III là nhóm có nguy cơ thấp nhất so với các loại hình thuộc mục I và mục II.
Về trách nhiệm tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu), có ý kiến cho rằng Dự thảo quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc áp dụng ngay ở mức 80-90% là phản ánh chưa đúng nội dung quy định này, có sự hiểu nhầm với tỷ lệ thu hồi tối thiểu của nguyên liệu, vật liệu trong bao bì, sản phẩm.
Dự thảo Nghị định hiện nay không quy định cụ thể tỷ lệ tái chế cho từng sản phẩm, bao bì mà chỉ quy định công thức tham chiếu và quy trình xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng giai đoạn. Việc xác định tỷ lệ tái chế cụ thể sẽ do Hội đồng EPR quốc gia (bao gồm các Bộ, đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu và đại diện một số tổ chức, chuyên gia có liên quan) thảo luận, quyết định trên cơ sở công thức tính tỷ lệ tái chế tham chiếu, mục tiêu tái chế quốc gia và tình hình kinh tế- xã hội của từng giai đoạn.
Về đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế, đây là nội dung được quy định tại Điều 54 Luật BVMT 2020, không phải là khoản thuế, phí hay lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.
Điều 54 Luật BVMT 2020 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc; trường hợp không tự tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
“Như vậy, về bản chất đây là quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong trường hợp không trực tiếp thực hiện tái chế đây, không phải là khoản đóng góp bắt buộc, do đó không thể được coi là một nguồn thu thuế, phí. Việc đóng khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động tái chế liên quan đến các sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu. Để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng khoản tiền này, Dự thảo Nghị định quy định nhà sản xuất, nhập khẩu tham gia Hội đồng EPR quốc gia để quyết định và giám sát việc sử dụng khoản tiền này hiệu quả, đúng mục đích”, đại diện Bộ TN&MT cho hay.
Thực tiễn hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã triển khai cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và đều không coi đóng góp tài chính này là nguồn thu ngân sách nhà nước như thuế, phí. Đối với khoản đóng góp này, cơ quan nhà nước chỉ thực hiện giám sát và kiểm tra việc sử dụng để đảm bảo đúng mục đích là hỗ trợ cho hoạt động tái chế.
Trên thực tế, ở Việt Nam đã có nhiều quy định tương tự trong việc áp dụng khoản đóng góp tài chính vào các quỹ giống như trong Luật BVMT 2020, trong đó các khoản đóng góp được thu vào các quỹ để hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển và hoạt động quản lý khác nhau. Các khoản thu này không thuộc về ngân sách, không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, mà đồng thời tạo ra nguồn tài chính ổn định nhằm thực hiện các mục tiêu cụ thể hiệu quả hơn.
Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị chống dịch theo 'điểm', đưa kit xét nghiệm vào diện bình ổn giá
Chiều tối 16/9, 14 Hiệp hội doanh nghiệp đã có Thư gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược "Phòng chống dịch theo điểm" phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.
Phú Yên - "Thủ phủ" tôm hùm giữ an toàn để ổn định sản xuất. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN.
Quản lý dịch bệnh theo điểm
Theo các Hiệp hội, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 do biến chủng Delta khiến việc giãn cách xã hội tại Hà Nội, Thành phố (TP) Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam đã kéo dài từ 2 đến 3 tháng khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, khó trụ được nếu tình hình kéo dài.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của TP Hồ Chí Minh tháng 8/2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông - ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.
Các Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị phòng chống dịch (PCD) phù hợp với quan điểm và tình hình mới thay thế Chỉ thị số 15, 16 hiện nay do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, mục tiêu "Zero COVID-19" đã chuyển sang "sống chung với COVID-19". Chỉ thị mới cần được quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện PCD - phục hồi kinh tế và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp được trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành PCD; không cực đoan đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của một dây chuyền, phân xưởng, bộ phận riêng biệt.
Chính phủ cần lập Tổ đặc biệt để kiểm tra, giám sát lưu thông, chống ách tắc hàng hoá bằng đường dây nóng. Các địa phương chỉ được phép kiểm tra PCD đối với người trên các phương tiện vận chuyển tại điểm đi và điểm đến. Các tỉnh, thành cần thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp - thành viên Ban chỉ đạo PCD, có kênh liên lạc trực tiếp với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để kịp thời giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.
Các Hiệp hội đề xuất quản lý dịch bệnh theo điểm. Đó là, không áp dụng phong tỏa, cách ly theo vùng địa lý, quản lý, PCD theo điểm; tập trung quản lý dịch bệnh bằng việc xét nghiệm định kỳ và xác xuất tại các điểm; lấy Tổ dân phố, Tổ COVID-19 cộng đồng làm nòng cốt PCD tại các điểm dân cư; các tổ chức, doanh nghiệp chủ động sắp xếp số lao động tham gia làm việc tại các điểm.
Đối với phòng, chống dịch tại điểm sản xuất, các Hiệp hội kiến nghị công tác xét nghiệm cần thực hiện xác suất 10% lao động với tần xuất 7 ngày một lần; tổ chức sản xuất theo khu vực, giờ ăn linh hoạt, hạn chế tiếp xúc; khi có F0, khoanh vùng, tách F0, F1, chủ động phương án cách ly, điều trị, khôi phục sản xuất trong ngày; đồng thời thông báo y tế địa phương.
Đặc biệt đối với quá trình tham gia giao thông vận tải, các Hiệp hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các địa phương bãi bỏ các hạn chế về vận tải hàng hóa giữa các vùng; chỉ kiểm tra tại điểm đầu và điểm đến. Nếu lái xe chở hàng đến từ các vùng có dịch cần tuân thủ 5K và giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, thực hiện theo nguyên tắc "bong bóng" tức không tiếp xúc. Các vùng khác chỉ cần 5K.
Giảm chi phí xét nghiệm để doanh nghiệp "dễ thở"
Người lao động của Công ty TNHH GoerTek Vina, Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 hàng tuần. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện chi phí xét nghiệm COVID-19 cho người lao động là một trong những gánh nặng lớn của doanh nghiệp. Theo tính toán, chi phí xét nghiệm nCoV RT-PCR khoảng 700.000 - 800.000 đồng (tương đương 35 USD) một lần. Với doanh nghiệp có hàng nghìn lao động, riêng chi phí xét nghiệm cũng lên tới hàng tỷ đồng mỗi lượt. Nếu một doanh nghiệp có hàng nghìn lao động thì chi phí cách ly, xét nghiệm rất lớn, trong khi chi phí một lần tiêm vaccine rẻ hơn rất nhiều.
Trước thực trạng này, 14 Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa kit xét nghiệm COVID-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá; đồng thời, đề nghị Chính phủ cho các Tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh. Đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm giá xét nghiệm, hạ chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng bày tỏ mong được khấu trừ chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng, sẽ do ngân sách Nhà nước chi trả. Các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị.
Để phục hồi nền kinh tế, các Hiệp hội kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các nhà máy, cụm nhà máy, khu công nghiệp lập các cơ sở lưu trú, lập các trạm y tế tại chỗ hoặc lưu động để triển khai PCD. Đối với các các nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ: Đề xuất Chính phủ cho phép cộng lãi xuất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng; gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn.
14 hiệp hội doanh nghiệp gồm: Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Thực phẩm minh bạch, Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam; Doanh nghiệp điện tử Việt Nam; Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam; Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Da giày - Túi xách Việt Nam; Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh; Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Sữa Việt Nam; Giấy và bột giấy Việt Nam; Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Bà Rịa- Vũng Tàu cam kết đồng hành, ủng hộ cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ, cùng với doanh nghiệp hành động để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt về cơ chế, chính sách; giải quyết nhanh chóng thủ tục hưởng các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế của Chính phủ; tăng cường cải cách hành chính; công khai,...