Doanh nghiệp gỗ duy trì sản xuất, đáp ứng đơn hàng cuối năm
Cả nước hiện đang cùng chung tay ứng phó dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ gần hai tháng qua.
Điều này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến các loại nông sản, lâm sản, trong đó có ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vì lực lượng lao động không đủ để tham gia sản xuất theo công suất nhà máy, cũng như đáp ứng các đơn đặt hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn cố gắng để không đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng đơn hàng trong thời gian này, cũng như những tháng cuối năm.
Sản xuất các sản phẩm đồ gỗ tại Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành (TP Hồ Chí Minh). Ảnh tư liệu: An Hiếu/TTXVN
Nỗ lực sản xuất “3 tại chỗ”
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VINFOREST), dịch bệnh COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn đối với ngành gỗ, các trung tâm chế biến lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất 3 tại chỗ ở mức 20 – 50% so với trước thời điểm giãn cách, nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu của khách hàng và duy trì công việc cho người lao động.
Đại diện Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương chia sẻ, thực hiện làm việc “3 tại chỗ” vừa giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo ra sản phẩm đáp ứng đơn hàng, nhưng cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, bởi hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đều có quy mô sản xuất lớn, lực lượng lao động đông.
Do đó, trang bị cho làm việc “3 tại chỗ” mất chi phí không hề nhỏ, thêm vào đó doanh nghiệp còn tăng thêm chi phí để thực hiện test nhanh COVID-19, xét nghiệm PCR để rà soát dịch bệnh trong xưởng sản xuất. Có thể thấy, duy trì sản xuất, chế biến gỗ, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm không dễ dàng đối với doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp đều phải nỗ lực để tránh đứt gãy đơn hàng khi ứng phó được dịch bệnh, mở giãn cách, trở lại sản xuất, xuất khẩu bình thường.
Để có thể tiếp tục duy trì sản xuất, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ đã nỗ lực để trang bị cho người lao động thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” và phương án sản xuất 3 tại chỗ. Theo ông Lê Phước Tân, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Bình Dương), công ty đã xây dựng 55 nhà tắm cho khoảng 300 công nhân, bình quân 6 người sử dụng 1 nhà tắm và không ai được sử dụng lẫn sang khu vực khác.
Video đang HOT
Đồng thời, công ty thiết lập 3 lớp hàng rào bảo vệ nhà máy, khu ăn, nghỉ của công nhân với kỷ luật nội bất xuất, ngoại bất nhập. Trước khi đưa công nhân vào sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, công nhân đều test nhanh, xét nghiệm PCR, có người được test tới 5 lần. Mặc dù khá tốn kém nhưng công ty vẫn duy trì, vì nếu nhà máy đóng cửa thì chuỗi sản xuất, cung ứng sẽ bị đứt gãy, công nhân mất việc, không có thu nhập sẽ để lại nhiều hệ lụy.
Tiếp tục cố gắng những tháng cuối năm
Mặc dù ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn giữ được giá trị xuất khẩu tốt, nhờ vào kết quả vượt bậc của những tháng đầu năm 2021. Đồng thời, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ mạnh như Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực đáp ứng đơn hàng trong quý III/ 2021, nhờ vào tăng ca sản xuất trong những tháng trước đó. Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội và tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, công suất chế biến gỗ của các doanh nghiệp giảm từ 40% đến 50%. Điều này tất yếu sẽ ảnh hưởng đến số lượng sản phẩm giao hàng trong cuối quý III, đầu quý IV/ 2021.
Qua khảo sát nhanh tại Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đối với 265 doanh nghiệp thành viên của 3 hiệp hội ngành gỗ cho thấy, đến cuối tháng 8/2021, có 142 doanh nghiệp dừng sản xuất, chiếm 54% doanh nghiệp; 123 doanh nghiệp giảm công suất do áp dụng “3 tại chỗ”, chiếm 46% doanh nghiệp.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, đứt gãy chuỗi cung, suy giảm đơn hàng, cắt giảm lao động, thu hẹp hoặc đóng cửa nhà máy là những biện pháp ứng phó hiện đang được các doanh nghiệp áp dụng. Nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất với công suất chi bằng một nửa so với trước thời điểm giãn cách, là giải pháp đáp ứng phần nào yêu cầu của khách hàng và duy trì công việc cho người lao động.
Trước thực trạng này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ vẫn tiếp tục nỗ lực duy trì sản xuất 3 tại chỗ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để người lao động được an toàn, duy trì công suất sản xuất như hiện tại để có thể đáp ứng các đơn hàng nhập khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng nhân lực bị đứt gãy, hiện nay, chỉ còn trên 50% doanh nghiệp đang duy trì sản xuất, nhưng công suất chế biến cũng đã giảm 50-70%. Do đó, để tránh xuất hiện các ca F0 trong nhà máy làm lây lan COVID-19, khiến nhà máy phải đóng cửa, thì tổ chức sản xuất phân tán cũng là mô hình phù hợp.
Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodland cho biết, mô hình phân tán lao động và sử dụng công nhân là người địa phương ở cùng với gia đình không phải thuê trọ, đi làm và về nhà hàng ngày, đang cho thấy là mô hình rất an toàn về dịch bệnh và bền vững về nguồn lực lao động. Đồng thời, tổ chức sản xuất phân tán sử dụng lao động địa phương gắn với vùng nguyên liệu cũng là một phương án hay. Trong tình hình khó khăn của dịch bệnh như hiện nay, công ty Woodland vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng vào các mô hình phân tán.
Bên cạnh đó, cùng với các phương án nỗ lực duy trì sản xuất, giữ được đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ cũng đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động để tạo kháng thể tốt cho đội ngũ lao động của doanh nghiệp vì ngành này lực lượng lao động có tay nghề, kĩ thuật không dễ tuyển dụng.
Xuất khẩu cá ngừ đối mặt với thách thức
Xuất khẩu cá ngừ là một trong những hoạt động góp phần tích cực trong kết quả xuất khẩu thủy sản khả quan của Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ, trong quý III/2021, ngành chế biến này sẽ gặp trở ngại bởi nhiều yếu tố bất lợi.
Chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bá Hải (Phú Yên). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Giá cước vận chuyển tăng phi mã
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong 7 tháng đầu 2021 ước đạt hơn 410 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các thị trường nhập khẩu số lượng lớn cá ngừ chế biến của Việt Nam là Hoa Kỳ, châu Âu, Israel, Canada và Nhật Bản. Riêng thị trường Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều nhất với hơn 170 triệu USD. Tuy nhiên, ngành chế biến, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sẽ khó đạt mức tăng trưởng tốt trong quý III/2021 bởi giá cước vận chuyển tăng quá cao.
Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam thông tin, hiện nay, giá cước vận chuyển đang ngày càng tăng cao bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện giãn cách xã hội, ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Theo đó, các thị trường nhập khẩu cá ngừ cũng có dấu hiệu hạn chế giao dịch, thông quan các lô hàng nhập khẩu. Điều này đã dẫn đến tình trạng tần suất vận chuyển ít đi trong khi nhu cầu vận chuyển vẫn tăng cao nên giá cước vận chuyển đã bị đẩy lên.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chi phí vận chuyển hàng hóa đang đắt đỏ hơn bao giờ hết và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tình trạng khan hiếm container rỗng và container lạnh đang tiếp diễn; tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn ở Trung Quốc và Hoa Kỳ đang làm cản trở thương mại thế giới.
Theo ông Nerijus Poskus, Phó Chủ tịch của Flexport Inc (Công ty giao nhận vận chuyển quốc tế), tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn của Trung Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ đã làm chậm giao thương, dẫn đến sự chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng vào những tháng cuối năm không được thuận lợi. Theo Chỉ số Vận chuyển HARPEX, giá container toàn cầu ở mức tối thiểu 412 điểm vào tháng 6/2020. Vào tháng 1/2021, giá container toàn cầu ở mức 1.063 điểm, và tuần trước chỉ số này ở mức 2.034 điểm, cho thấy giá trị vận tải đã tăng gấp 4 lần trong vòng một năm.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam chia sẻ, dữ liệu mới nhất từ Drewry Shipping (Tập đoàn chuyên về dịch vụ và tư vấn hàng hải) cho thấy giá cước container vận chuyển hàng đông lạnh như trái cây, thủy sản,... trên một số tuyến đã tăng rất cao. Một container 40 feet từ Thượng Hải tới Rotterdam có giá 11.196 USD, tăng gấp 7 lần chỉ trong một năm. Công ty này còn dự báo giá sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới do một số yếu tố bao gồm khối lượng giao dịch lớn và tình trạng thiếu thiết bị. Cụ thể, một container 40 feet đến NewYork có thể lên đến 18.000 USD đến 19.000 USD.
Còn nhiều rào cản và cạnh tranh
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam, không chỉ chi phí vận chuyển tăng cao đang khiến cho rất nhiều đơn hàng bị dồn ứ lại không xuất khẩu được, mà hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng do đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư này. Bởi đặc thù ngành thủy sản làm việc chủ yếu trong môi trường lạnh, nguy cơ lây nhiễm rất cao, trong khi công nhân và người lao động tại các nhà máy chưa được tiêm vaccine.
Không những thế, những đối thủ cạnh tranh và nhiều rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại khác cũng đã, đang và sẽ tiếp tục gây khó khăn cho ngành cá ngừ Việt Nam. Cụ thể, các đối thủ cạnh tranh quốc tế nói chung và ngay cả một số thị trường sở tại châu Âu nói riêng, hiện cũng đang mong muốn nâng cao các tiêu chí nhập khẩu vào thị trường châu Âu -thị trường lớn thứ 2 về nhập khẩu cá ngừ Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Tây Ban Nha - thị trường nhập khẩu lớn cá ngừ Việt Nam tại châu Âu đang có kế hoạch thực hiện dán nhãn AENOR (nhãn của Hiệp hội Tiêu chuẩn hóa và Chứng nhận Tây Ban Nha) về trách nhiệm xã hội lên các lô hàng cá ngừ nhập khẩu, thực hiện song song với 9 tiêu chí về truy xuất nguồn gốc cá ngừ nhập khẩu vào châu Âu. Theo đó, nhãn AENOR sẽ được dán trên các sản phẩm cá ngừ được đánh bắt có trách nhiệm nhằm đảm bảo các ngư dân khai thác xa bờ đáp ứng được tiêu chuẩn sử dụng lao động đúng tuổi do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đặt ra.
Thêm vào đó, gần đây, Tiêu chuẩn đánh bắt có trách nhiệm của Tây Ban Nha đã được Bộ Nông nghiệp, Thuỷ sản và Lương thực Tây Ban Nha (MAPA) công nhận, thông qua giải thưởng "Thực phẩm của Tây Ban Nha 2020" (Food of Spain 2020). Giải thưởng này là sự thể hiện tính kiên nhẫn trong cạnh tranh của một nhóm ngư dân tuân thủ các tiêu chí về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp với nhóm ngư dân không tuân thủ các tiêu chí này, hoặc nhóm ngư dân chỉ bỏ ra chi phí thấp hơn để có sản phẩm cá ngừ tương tự, cạnh tranh với những người thực hiện đúng luật chống khai thác bất hợp pháp. Điều này được xem như một nỗ lực hướng tới chủ nghĩa bảo hộ thị trường và loại trừ các đối thủ cạnh tranh. Bởi Tây Ban Nha cũng là quốc gia đánh bắt khoảng 400.000 tấn cá ngừ mỗi năm. Việc nhãn dán này đóng vai trò như một rào cản thương mại, ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh nhưng lại tăng thu nhập cho các ngư dân Tây Ban Nha, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ.
Đánh giá về những khó khăn của ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ trong quý III/2021, đại diện Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định cho biết. ngành cá ngừ Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn do chi phí hoạt động ngày càng tăng, giá dầu thực vật, giá nhiên liệu tăng vọt. Và cùng với việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển ngày càng tăng cao, giá bán lẻ cá ngừ đóng hộp và đóng túi cao hơn cũng là điều khó tránh khỏi. Do đó, với những chi phí tăng cao này, sẽ càng làm cho khả năng cạnh tranh của cá ngừ Việt Nam thêm khó khăn.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhìn nhận với những rào cản này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đang nỗ lực ứng phó dịch bệnh COVID-19, duy trì sản xuất ổn định, đồng thời thực thi tốt việc chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định nhằm kết quả xuất khẩu cá ngừ quý III/2021 khả quan hơn dự báo.
Gỡ khó cho sản xuất, xuất khẩu nông sản do dịch COVID-19 Các hãng tàu biển không mặn mà vận chuyển hàng nông, thuỷ sản lạnh; người nông dân hoang mang vì dịch bệnh nên băn khoăn chuyện xuống giống, chăm sóc vườn cây, đầm tôm... Những khó khăn này như thêm gánh lo cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản. Trái vải được bán trong hệ thống siêu thị Co.opmart. Ảnh: Phan...