Doanh nghiệp FDI khấp khởi đợi lên sàn
Trong một loạt các giải pháp đề xuất để thị trường chứng khoán vượt đại dịch COVID-19, Bộ Tài Chính một lần nữa nhắc đến việc xem cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) niêm yết nếu đủ điều kiện.
Ảnh minh họa.
Thực tế đây là một giải pháp đã được thị trường trông chờ trong khoảng vài năm trở lại đây, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.
Seoul Metal Việt Nam và Ngũ Kim Fortress Việt Nam là đại diện hai doanh nghiệp FDI đã có kế hoạch niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa hiện thực hóa được. Các doanh nghiệp này vẫn phải chờ đợi các văn bản hướng dẫn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Bộ Tài chính năm này qua năm khác.
Nút thắt lớn nhất cản trở các doanh nghiệp này lên sàn lại là tư duy thận trọng của bên điều hành lo sợ tình trạng rút vốn của các ông chủ doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán.
Cùng với đó là hiện tượng chuyển giá, các doanh nghiệp phụ trợ thường phụ thuộc vào một khách hàng lớn cũng khiến cho trạng thái tài chính của một số doanh nghiệp trở nên kém ổn định so với các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn.
Tất cả những điều này đang khiến cơ quản lý vẫn còn chần chừ trong thời gian qua. Việc Bộ Tài chính chỉ đạo UBCK đưa ra văn bản hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp FDI muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán một lần nữa lại giúp cho các doanh nghiệp trên khấp khởi hy vọng sẽ sớm được giao dịch trên sàn chứng khoán.
Tất nhiên, các doanh nghiệp này cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng với những quy định chặt chẽ như hạn chế chuyển nhượng phần vốn cổ đông sáng lập, hạn chế về cổ phiếu thưởng, hay các chương trình ESOP…
Qua liên hệ với UBCK, cơ quan này cho biết đang trong quá trình triển khai và xây dựng văn bản hướng dẫn, Ủy ban sẽ phổ biến tới thị trường chung khi hoàn thiện.
Video đang HOT
Xu hướng vốn FDI đăng ký và giải ngân tại Việt Nam.
Ở một góc độ khác của thành viên tham gia thị trường, giám đốc phân tích của một công ty chứng khoán cho biết ông không lo ngại về việc doanh nghiệp FDI lên sàn sẽ rút vốn gây bất ổn cho thị trường chứng khoán. Thay vào đó, vị giám đốc này cho rằng việc các doanh nghiệp FDI muốn lên sàn thực tế thường là các doanh nghiệp nhỏ, không tạo được nhiều giá trị cho cổ đông và thị trường chứng khoán nói chung mới là vấn đề.
Trong quá khứ, các trường hợp như EVE, SBV, TYA lên sàn không để lại quá nhiều dấu ấn trong con mắt nhà đầu tư. Còn trường hợp các doanh nghiệp lớn như Samsung niêm yết trên sàn chứng khoán có thể tạo được sức hút lớn thì lại rất khó xảy ra.
Cần đảm bảo doanh nghiệp 'sống' qua khủng hoảng!
Phỏng vấn độc quyền PGS. TS Quách Mạnh Hào, chuyên ngành Ngân hàng Tài chính, Đại học Lincoln, Vương quốc Anh về Thị trường chứng khoán (TTCK) những ngày đen tối tuần qua. Quan điểm của ông về cách xử lý gói cứu trợ và thị trường Tài chính Việt Nam cần phải làm gì lúc này để vượt qua "cơn khủng hoảng mang tên virus"? Tiền Phong xin trân trọng giới thiệu.
Thị trường chứng khoán thế giới đều có những ngày đen tối trong tuần này, bất chấp hàng loạt biện pháp của các chính phủ nhằm kiềm chế tác động của Covid-19. Trong cuộc trao đổi độc quyền giữa tác giả và PGS. TS Quách Mạnh Hào, ông cho rằng: Thị trường chứng khoán Việt Nam không thể tách rời triển vọng nền kinh tế Việt Nam. Giống như bất kỳ nền kinh tế nào khác, đặc thù của cuộc khủng hoảng lần này đòi hỏi cỗ xe kinh tế phải được cứu chữa trước khi nghĩ tới tăng trưởng. Do vậy, các gói cứu trợ nhằm trực tiếp vào cải thiện dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp và của nền kinh tế là cần thiết. Nó cần được thiết kế đúng mức, đúng đối tượng để đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ sống qua khủng hoảng.
Khủng hoảng lần 3 trong 20 năm trở lại đây: không phải do tiền tệ mà do virus
Theo ông, toàn cảnh thị trường chứng khoán thế giới hiện nay có được xem là bất thường không? Trong lịch sử đã từng xảy ra chưa?
Chúng ta đang chứng kiến một thị trường suy giảm lớn lần thứ ba trong vòng 20 năm trở lại đây. Hai lần trước là năm 2000 và 2008. Lý do để thị trường suy giảm rất khác nhau: Năm 2000 là bong bóng công nghệ, năm 2008 là khủng hoảng tài chính và lần này là khủng hoảng virus.
Tuy nhiên, điểm chung của hai lần khủng hoảng trước nằm ở yếu tố tiền tệ. Chính sách tiền rẻ đã tạo ra bong bóng công nghệ năm 2000 và bong bóng thị trường nhà ở gắn liền với các khoản vay không đạt chuẩn năm 2008. Cuộc khủng hoảng lần này không như vậy - nó bắt nguồn từ sự lo sợ suy thoái kinh tế do chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ bởi sự lây lan của dịch bệnh.
Nỗi sợ hãi suy thoái kinh tế toàn cầu của các nhà đầu tư là hoàn toàn có thể hiểu được do sự gắn bó chặt chẽ giữa các quốc gia và các doanh nghiệp trong quá trình toàn cầu hóa và chuyên môn hóa. Chuỗi cung ứng bị phá vỡ dẫn tới các mô hình kinh doanh của doanh nghiệp và mô hình kinh tế của quốc gia không còn vận hành trơn tru.
Nói một cách hình tượng, nền kinh tế hay doanh nghiệp giống như một chiếc xe đang chạy tốt bỗng nhiên dừng lại. Khủng hoảng năm 2000 và năm 2008 là do sặc xăng nên chỉ cần điều chỉnh và bơm xăng là xe chạy. Năm 2020, xe không thiếu xăng, mà là xe bị hỏng. Bơm xăng không làm xe chạy và thậm chí bơm nhiều dễ gây cháy xe. Xăng là tiền.
Trong hai lần khủng hoảng trước, nguyên nhân tiền tệ đã được giải quyết bằng các chính sách liên quan tới tiền tệ và thị trường sau đó khởi sắc. Chẳng hạn, chúng ta đã có một thập kỷ đầu tư với lợi tức tốt cho đến khi virus xuất hiện. Để ứng phó với khủng hoảng lần này, các quốc gia đã công bố các gói cứu trợ lên tới vài trăm hoặc vài nghìn tỷ đô la. Tuy nhiên, bản chất của các chính sách hỗ trợ liên quan tới tiền tệ này đã không còn giống nhau.
Do vậy, nếu dịch virus kéo dài, rất khó để nghĩ rằng các thị trường chứng khoán sẽ hồi phục sớm bằng các gói cứu trợ. Dù vậy, các gói cứu trợ hiện tại - tập trung chủ yếu vào cải thiện dòng tiền hoạt động - sẽ giúp các doanh nghiệp và các nền kinh tế sống sót. Nghĩa là cần thời gian và cần các gói cứu trợ tiếp theo để phát triển. Chỉ khi đó thị trường chứng khoán mới có thể nghĩ tới sự tăng trưởng trở lại. Thời gian chờ đợi có thể tính bằng năm.
TTCK: khó tăng lại ngay nhưng sẽ ít giảm thêm nhiều
Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức có tâm lý ra sao, theo quan sát của ông?
Tôi có may mắn đã sáng lập và quản lý Quỹ đầu tư Sinh viên tại Đại học Lincoln - một trong vài quỹ dạng này ở Anh và hiện đang nắm giữ các cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán London - nên với vai trò là một nhà đầu tư tổ chức, tôi nhận được các cập nhật thường xuyên về tình hình thị trường và phản ứng của các nhà đầu tư nói chung từ các chuyên gia phân tích của công ty nơi mà quỹ đặt tài khoản giao dịch.
Cái nhìn chung nhất mà tôi nhận thấy là các nhà đầu tư nhận định cuộc khủng hoảng lần này nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng năm 2008. Sự đổ vỡ của chuỗi cung ứng, sự đóng băng các giao dịch dịch vụ thông thường và sự thận trọng trong mọi quyết định là các yếu tố đã dẫn tới sự suy giảm nhanh của thị trường. Sự biến động giao dịch từng phiên lên tới hơn 10% là điều rất hiếm khi xảy ra và nó cho thấy sự bất an của giới đầu tư.
Tuy nhiên, điều tốt trong số những cái xấu là thị trường chứng khoán luôn vận hành dựa trên sự kỳ vọng. Nghĩa là, rất có thể những triển vọng kinh tế và kinh doanh xấu đã được phản ánh. Các gói hỗ trợ kịp thời, đúng mục đích cải thiện dòng tiền hoạt động, sẽ giúp giới đầu tư an tâm hơn về triển vọng sống của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nghĩa là, các thị trường chứng khoán rất nhiều khả năng khó tăng trưởng trở lại ngay, nhưng nó cũng rất ít khả năng giảm thêm nhiều như đã diễn ra.
Gói cứu trợ: cần ngắm trực tiếp vào cải thiện dòng tiền DN
Sự sụt giảm của TTCK lớn như Mỹ trong phiên giao dịch đầu tuần này có tác động như thế nào tới Việt Nam, thưa ông?
Các thị trường chứng khoán thường có mối liên hệ với nhau trong khủng hoảng. Năm 2008 khi còn làm tại Chứng khoán Thăng Long, tôi cùng nhóm Nghiên cứu đã có một bài viết về vấn đề này. Nói một cách ngắn gọn, thị trường Việt Nam thường có xu hướng biến động tương tự như các thị trường chứng khoán toàn cầu nhiều hơn trong khủng hoảng, và sự biến động này chủ yếu do nhóm các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, thị trường Việt Nam cũng có những đặc thù riêng trong hoàn cảnh hiện tại. Chẳng hạn, so với năm 2008, doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp các công ty niêm yết lớn không còn thiếu tiền như trước. Sau một thập kỷ tích lũy thành công, họ có thể mua lại cổ phiếu quỹ hoặc gia tăng sở hữu và từ đó trở thành một đối trọng với nhóm các nhà đầu tư nước ngoài vốn thường có thói quen rời đi khi khủng hoảng xảy ra.
Theo ông, các giải pháp lúc này đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là gì?
Thị trường chứng khoán Việt Nam không thể tách rời triển vọng nền kinh tế Việt Nam. Giống như bất kỳ nền kinh tế nào khác, đặc thù của cuộc khủng hoảng lần này đòi hỏi cỗ xe kinh tế phải được cứu chữa trước khi nghĩ tới tăng trưởng. Việc cứu chữa thực ra còn phụ thuộc vào khi nào thì dịch virus sẽ được kiểm soát và tình trạng ngăn sông cấm chợ được dỡ bỏ, nhưng ít nhất sẽ làm cho cỗ máy kinh tế không bị hoen gỉ. Do vậy, các gói cứu trợ nhằm trực tiếp vào cải thiện dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp và của nền kinh tế là cần thiết. Nó cần được thiết kế đúng mức, đúng đối tượng để đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ sống qua khủng hoảng.
Bởi vì tôi nghĩ rằng lý do của khủng hoảng lần này nằm ở cỗ máy kinh tế, nên tôi không nghĩ rằng Ủy ban chứng khoán hay các Sở giao dịch chứng khoán nên hoặc phải làm gì trong lúc này. Quá khứ đã cho thấy là việc trấn an nhà đầu tư bằng những lời kêu gọi sẽ không có hiệu quả.
" Thị trường chứng khoán Việt Nam không thể tách rời triển vọng nền kinh tế Việt Nam. Giống như bất kỳ nền kinh tế nào khác, đặc thù của cuộc khủng hoảng lần này đòi hỏi cỗ xe kinh tế phải được cứu chữa trước khi nghĩ tới tăng trưởng".
PGS. TS Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln, Vương quốc Anh
XUÂN LAN (tienphong.vn)
Lãi 21 tỷ, công ty 'chơi trội' chi 47 tỷ trả cổ tức Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết quyết định chi cổ tức 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 100%, tương ứng 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá giao dịch trên sàn chỉ 2.100 đồng. Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết vừa thông qua nghị quyết chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ...