Doanh nghiệp Đồng Nai ‘khát’ lao động
Hiện có hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai về nhu cầu tuyển khoảng 48.000 lao động, chủ yếu là công nhân phổ thông, tập trung ở các ngành nghề như giày da, dệt may, đồ gỗ, điện tử.
Sau nhiều tháng tạm ngưng sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã hoạt động trở lại. Cuối năm doanh nghiệp có nhiều đơn hàng cần phải giao cho đối tác, tuy nhiên do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người lao động thường xuyên phải nghỉ việc, cách ly để phòng, chống dịch, trong khi đó nguồn lao động bù đắp rất hạn chế – doanh nghiệp rơi vào cảnh “khát” lao động.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Dệt may Eclat Việt Nam.
Những ngày này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pousung Việt Nam, đóng tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom thông báo tuyển lao động phổ thông với số lượng không hạn chế. Dù đã dán tờ rơi ở nhiều nơi nhưng mỗi ngày Công ty cũng chỉ tiếp nhận được dưới 10 hồ sơ xin việc. Thiếu lao động, trong khi đơn hàng cuối năm tăng cao nên doanh nghiệp phải tổ chức cho công nhân tăng ca 90 phút/người/ngày.
Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, Công ty hoạt động trở lại được hơn 1 tháng, đến nay 98% lao động đã quay lại làm việc. Công ty thiếu lao động do hàng ngày phát sinh ca mắc COVID-19, những người tiếp xúc gần phải đi cách ly. Hiện toàn công ty có khoảng 2.000 người là F0, F1 không thể đi làm.
“Hầu hết công nhân của Công ty đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đa số người mắc COVID-19 không có triệu chứng, điều trị khoảng 1 tuần là khỏi bệnh. Theo quy định, F0 khỏi bệnh phải cách ly 21 ngày, F1 cách ly 14 ngày, thời gian cách ly quá dài, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến người lao động, gây tốn kém cho quỹ bảo hiểm”, ông Lê Nhật Trường chia sẻ.
Video đang HOT
Công ty cổ phần Taekwang Vina, đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai đang cần tuyển 5.000 công nhân để khôi phục các hoạt động sản xuất. Do nguồn cung lao động khan hiếm nên Công ty đề ra chính sách nếu ai giới thiệu được 1 người vào công ty làm việc sẽ được thưởng 1,2 triệu đồng. Với lao động mới vào làm việc, ngoài chế độ lương, thưởng (khoảng 7 triệu đồng/người/tháng), Công ty còn hỗ trợ 2,4 triệu đồng/người.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Giám đốc khối Hành chính Công ty cổ phần Taekwang Vina cho biết, Công ty có rất nhiều đơn hàng xuất khẩu cần giao gấp cho đối tác. Thiếu lao động nên doanh nghiệp phải tổ chức cho công nhân làm thêm giờ, đồng thời lên phương án đón lao động từ các địa phương khác về làm việc. Doanh nghiệp mong muốn chính quyền các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân quay lại Đồng Nai, vừa giải được bài toán thiếu lao động, vừa đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, hàng chục nghìn lao động nhập cư đã rời Đồng Nai về các tỉnh Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung. Gần 2 tháng qua, Đồng Nai mở cửa trở lại, đến nay, các doanh nghiệp cơ bản đã ổn định sản xuất. Tuy nhiên hiện có hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh nhu cầu tuyển khoảng 48.000 lao động, chủ yếu là công nhân phổ thông, tập trung ở các ngành nghề như giày da, dệt may, đồ gỗ, điện tử.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho rằng để doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất thì yếu tố đầu tiên là nguồn nhân lực phải đủ, có chất lượng. Vừa qua, tỉnh đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị phối hợp, tạo điều kiện cho lao động quay lại tỉnh làm việc. Lao động khi quay lại Đồng Nai sẽ được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Nếu công nhân phải thuê phòng trọ mà chưa nhận hỗ trợ trước khi về quê thì sẽ được tỉnh hỗ trợ một lần với mức 300.000 đồng/người và tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
“Để kết nối cung – cầu lao động, Sở chỉ đạo Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh ứng dụng công nghệ tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Sở cũng chủ động phối hợp cùng ngành chức năng rà soát, nắm bắt thông tin về nguồn lao động thất nghiệp tại các địa phương, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng phương án hỗ trợ kết nối việc làm giữa lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định.
Bà Hiền cho rằng đây là giai đoạn rất khó khăn, vấn đề thiếu lao động khó có thể được giải quyết trong thời gian ngắn. Để doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, cơ quan Trung ương cần xem xét, có cơ chế đặc biệt cho phép doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận thời gian làm thêm giờ vượt quá quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động.
Tiền Giang: Kịp thời cấp phát gạo hỗ trợ người dân khó khăn do dịch COVID-19
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm, đến ngày 11/10, địa phương đã hoàn tất việc tiếp nhận và cấp phát gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 đợt II với số lượng hơn 1.510 tấn.
Đây là số gạo được xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại tỉnh Tiền Giang.
Huyện Cái Bè cấp phát gạo hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19. Ảnh: tiengiang.gov.vn
Trước đó, đến ngày 15/9, địa phương cũng đã tiếp nhận và phân phối xong 1.490 tấn gạo hỗ trợ đợt I cho các hộ dân gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh. Như vậy, Tiền Giang đã hoàn tất hai đợt cấp gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng lượng gạo được xuất cấp hơn 3.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia. Số gạo trên được phân phối cho 200.415 nhân khẩu trong diện được hưởng hỗ trợ, bình quân mỗi người được nhận 15 kg gạo.
Nhờ kịp thời nhận được gạo hỗ trợ, các đối tượng bị ảnh hưởng do COVID-19 phần nào giảm bớt khó khăn, cùng chung sức đẩy lùi dịch bệnh để địa phương sớm trở lại trạng thái bình thường mới khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm chia sẻ thêm, dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống COVID-19 trong một thời gian dài, nhiều địa bàn bị phong tỏa, cách ly đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội cũng như nhiều đối tượng như: người già, gia đình chính sách neo đơn, người lao động tự do mất việc làm, người bán vé số lẻ...Tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trình Chính phủ trong thời gian tới giải quyết hỗ trợ gạo cho 163.262 người với số lượng gạo dự kiến gần 2.450 tấn.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Tiền Giang cũng đã triển khai đồng loạt các chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác cũng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 như: người lao động tự do, người bán vé số lẻ, hộ kinh doanh, viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch, lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động...
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay đã có 139.129 người lao động tại 2.330 đơn vị được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động với tổng số tiền 3,82 tỷ đồng; 4.739 người được hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất với tổng số tiền 24,5 tỷ đồng; hỗ trợ 9.911 lao động của 27 đơn vị được thẩm định đủ điều kiện tạm hoãn hợp đồng lao đông với tổng số tiền 28 tỷ đồng.
Tiền Giang cũng đã phê duyệt hỗ trợ 221 hộ kinh doanh với 663 triệu đồng; giải ngân vay vốn trả lương ngừng việc cho 6 công ty, 92 lượt lao động số tiền 329,2 triệu đồng... Ngoài ra, còn hỗ trợ 26 viên chức hoạt động nghệ thuật với số tiền 96,4 triệu đồng; 3 hướng dẫn viên du lịch số tiền 11,1 triệu đồng và đang xem xét phê duyệt thêm 28 hướng dẫn viên du lịch.
Đồng thời, toàn tỉnh đã lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho 71.000 đối tượng là người lao động tự do bị ảnh hưởng, trong đó có 13.599 người bán vé số lẻ. Trước mắt, có 40.154 người, trong đó có 12.176 người bán vé số lẻ đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt danh sách hỗ trợ với tổng kinh phí 60,2 tỷ đồng và đang tiếp tục xem xét phê duyệt số người trong danh sách đã lập còn lại.
Doanh nghiệp Đà Nẵng cần tuyển 5.000 lao động Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng vừa cho biết: Sau một thời gian dài tạm ngưng hoạt động để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hiện các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã dần trở lại hoạt động, sản xuất trong trạng thái "bình thường mới". Nhiều...