Doanh nghiệp ‘đau đầu’ về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O
Nếu EVFTA được ví như là tuyến đường cao tốc Việt Nam với châu Âu thì những quy tắc về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa được xem như những tấm vé lưu hành và giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là một trong những vấn đề mà doanh nghiệp còn gặp khó hiện nay.
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/8 tới đây được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, cùng với đó, doanh nghiệp Việt cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi gia nhập Hiệp định EVFTA chính là quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng trong một loạt các ngành để đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về nhập khẩu vào thị trường EU cũng như các điều kiện để được hưởng ưu đãi loại bỏ thuế quan của EVFTA.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên ( Bộ Công Thương) cho biết, tham gia Hiệp định EVFTA tức là Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam tiến ra biển lớn. Do đó, để thành công, doanh nghiệp phải hiểu cách “chơi” trên thế giới hiện nay đã khác hơn so với trước đây, tức chuyển đổi sang hợp tác thông qua hiệp định mang tính song phương, với tiêu chuẩn cao.
“Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để tham gia “sân chơi” này, phải đáp ứng tốt tất cả các yêu cầu đặt ra để về đích thành công”, ông Lương Hồng Thái nhấn mạnh.
Chế biến gỗ tại nhà máy của Công ty TNHH Vũ Thịnh. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.
Bà Lê Thị Nụ, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Wood Alliance cho biết, đối với doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ như Wood Alliance, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
“Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhiều phen lao đao chỉ vì C/O. Khi xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Trung Đông, châu Phi… công ty phải làm C/O thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công thương. Trên thực tế, xin cấp C/O qua Bộ Công thương thường chỉ mất 2 – 3 ngày nhưng với hồ sơ nộp qua VCCI phải mất 2,5 tháng mới lấy được. Thậm chí, có những lô h àng, công ty bị lỗ toàn bộ vì không lấy được chứng nhận C/O”, bà Lê Thị Nụ cho biết.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Wood Alliance chia sẻ thêm, để nắm bắt nhanh chóng các cơ hội đến từ Hiệp định EVFTA, hiện tại, công ty đang đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sang châu Âu đối với mặt hàng gỗ dán, sản phẩm nội thất. Song, cản trở lớn nhất mà công ty lo ngại vẫn là vấn đề cấp C/O.
Video đang HOT
Tương tự, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho biết, rất nhiều doanh nghiệp cho hay, vướng mắc lớn nhất họ phải đối mặt trong quá trình xuất khẩu hàng hóa chính là C/O.
“Chúng tôi vẫn thường ví C/O là “con ốm”, mà con ốm thì bố mẹ rất sợ. Bởi không được cấp C/O thì doanh nghiệp không có tiền và rõ ràng không gỡ rối được khâu C/O thì doanh nghiệp không thể tận dụng được cơ hội “vàng” mà EVFTA mang lại”, ông Nguyễn Tương trăn trở.
Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, xuất xứ của hàng hóa chính là tạo sự khác biệt của hàng hóa nội khối và hàng hóa bên ngoài. Để được hưởng những ưu đãi thuế quan trong hiệp định, hàng hóa phải chứng minh được xuất xứ, đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định.
“Tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất ở đây nằm ở việc nguồn nguyên liệu đang sử dụng không phải nguyên liệu nội khối, không đáp ứng quy định của quy tắc xuất xứ”, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói.
Đồng thời, bà Trang cho biết thêm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp C/O ưu đãi ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng cung cấp thông tin về việc thực thi cơ chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định EVFTA.
Để gỡ vướng vấn đề về C/O cho doanh nghiệp liên quan đến thông quan hàng hóa, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) khẳng định, đối với vướng mắc C/O, cơ quan hải quan sẵn sàng phối hợp với Bộ Công thương, VCCI trong việc chia sẻ số liệu, kinh nghiệm, đánh giá doanh nghiệp, xếp hạng doanh nghiệp để dựa vào đó rút ngắn thời gian cấp C/O.
Đặc biệt, trong thời gian trước mắt, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để hoàn thiện các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hạn ngạch và các quy định về hàng tân trang… Tuy nhiên, theo ông Mai Xuân Thành, các doanh nghiệp xin cấp C/O cần tuân thủ đầy đủ quy định và phải minh bạch.
Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay, cơ quan hải quan đang áp dụng quản lý rủi ro và thông quan rất nhanh cho những DN có tuân thủ cao. Đối với C/O điện tử, hiện mới chỉ áp dung cho một số thủ tục với ASEAN. Để hỗ trợ DN tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan đang tính tới việc sử dụng C/O điện tử với EU.
Hiệp định EVFTA quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: hàng hóa có xuất xứ thuần túy; hàng hóa được gia công hoặc chế biến đáng kể; và quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR).
Các tiêu chí xuất xứ cụ thể đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU như sau:
- Thủy sản: Tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong EVFTA là xuất xứ thuần túy, theo đó thủy sản phải được sinh ra hoặc lớn lên tại một nước thành viên Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, Việt Nam được phép sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN (quy tắc cộng gộp) để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU.
- Dệt may: Tiêu chí xuất xứ đối với sản phẩm dệt may trong EVFTA là tiêu chí hai công đoạn – “từ vải trở đi”, tức vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU.
- Giày dép: Sản phẩm giày dép được sử dụng nguyên liệu không xuất xứ từ bên ngoài Hiệp định, ngoại trừ các bộ phận lắp ghép từ mũi giày và đế giày.
- Gỗ và sản phẩm gỗ: Đối với gỗ nguyên liệu nói chung và đồ nội thất làm từ gỗ, tiêu chí xuất xứ là chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số hoặc hàm lượng giá trị nguyên liệu không xuất xứ tham gia vào quá trình sản xuất không vượt quá 70%.
Năm 2020, xuất khẩu giày dép Việt Nam sẽ vượt 20 tỷ USD
Ngày 2/7, thông tin trên đã được Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) công bố, tại Hội nghị quốc tế ngành da giày năm 2020, vừa diễn ra tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, cho biết: "Do ảnh hưởng xấu từ đại dịch Covid - 19, nên sản xuất - kinh doanh, lao động của ngành da giày gặp rất nhiều biến động. Riêng lực lượng lao động giảm 25%. Thị trường EU có giá trị xuất khẩu trên 6 tỷ USD ( tỷ trọng 27%), nay cũng bị giảm sút đơn hàng, vì dịch Covid-19 lan rộng toàn EU".
"Mặc dù vậy, bằng sự nỗ lực tột bậc, các doanh nghiệp da giày Việt Nam vẫn giữ, duy trì được 50% đơn hàng trong mùa giày F2 sắp tới. Không như mong muốn, nhưng giữ được cho ngành da giày sống còn", ông Thuấn nói.
Sản xuất túi sách cao cấp cho hãng Coach (Mỹ), tại Công ty TBS (Bình Dương). Ảnh: C.H
Nếu như năm 2019, xuất khẩu giày dép, túi xách Việt Nam đạt 22 tỷ USD (tăng 12% so với năm 2018), thì năm 2020, sẽ đạt trên 20 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD do đại dịch Covid-19.
Tùy mỗi doanh nghiệp, có công ty còn 30% - 50% đơn hàng, nhưng cũng có công ty giữ được tới 70% đơn hàng. Tính chung, trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu giày dép giảm 9% so với 5 tháng đầu năm 2019. Riêng tháng 5/2020 giảm 36% so với tháng 5/2019. Tháng 6/2020, dự báo xuất khẩu bằng khoảng 50% so cùng ký 2019...
Ngành sản xuất da giày thuộc TOP 5 ngành hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất Việt Nam. Ảnh: C.H
"Điểm nổi bật đáng kể là mọi con người trong ngành da giày đã cùng nhau sớt chia khó khăn để vượt qua khó khăn. Tại Công ty cổ phần giày TBS, chúng tôi phân chia thời gian làm viêc, cố gắng duy trì 5 ngày làm, không tăng ca. Các cán bộ tiết giảm thu nhập để cùng công ty vuột khó" - ông Diệp Thành Kiệt - Phó Tổng Giám đốc Công ty TBS - chia sẻ.
Ông Thuấn khẳng định: "Sau cơn mưa, trời lại sáng. Việc thông qua Hiệp định thương mại EVFTA giữa châu Âu và Việt Nam đang mở ra tương lai tươi sáng cho ngành da giày Việt Nam trong thời gian tới. Những tháng qua, ngành da giày, với lực lượng công nhân trên 600.000 người, nhưng đã không để cho dịch xâm nhập, không doanh nghiêp nào trong ngành da giày trở thành ổ dịch. Sức khỏe hàng trăm ngàn công nhân vẫn đươc giữ gìn, an toàn... Đó là một thành công".
Năm 2020, dự kiến Việt Nam xuất khẩu giày dép đạt trên 20 tỷ USD. Ảnh: C.H
Mặc dù bị tác động mạnh bởi dịch, nhưng tính đến hết tháng 5/2020, ngành da giày vẫn nằm trong TOP 5 về xuất khẩu có giá trị cao nhất của Việt Nam.
Ông Thuấn tin tưởng sự hồi phục của các nhãn hàng như Nike (60%), Adidas (60%), các nhãn khác từ 30-50%... sẽ giúp các doanh nghiệp da giày Việt Nam sớm hồi phục. "Không tính lãi, lỗ; duy trì sống còn để tiếp tục phát triển trong các mùa giày sau của năm 2021, 2022,... là thành công rồi" - ông Thuấn nói.
Chủ tịch Lefaso khẳng định, các chính sách rất kịp thời của Chính phủ đối với ngành da giày, về lao động, giảm thuế, ngưng thanh - kiểm tra... góp phần rất quan trọng cho các doanh nghiệp da giày tiếp tục phát triển trong tương lai.
Tháng 7, thị trường sẽ phân hóa cực mạnh Sau gần 3 tháng tăng trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư, thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu chùng xuống và được dự báo sẽ còn phân hóa mạnh mẽ hơn trong tháng 7, khi các doanh nghiệp công bố báo cáo quý II/2020. Khoảng thời gian công bố kết quả kinh doanh quý II có thể có nhiều...