“Doanh nghiệp Đà Nẵng trước cú sốc Covid-19″: “Cuộc chiến” không đơn độc!
Dịch bệnh “Covid-19″ đang làm chao đảo cả nền kinh tế thế giới, và dĩ nhiên, doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng cũng không ngoại lệ trong “ cuộc chiến” này, các DN không hề đơn độc.
Hỗ trợ DN vượt khó phát triển là tiền đề giúp Đà Nẵng tăng trưởng bền vững.
Những chính sách vĩ mô giúp doanh nghiệp vượt “bão”
Nhận thấy những thiệt hại nhãn tiền mà các DN đang gặp phải khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ngày 4-3, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức ban hành Chỉ thị 11 với các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD). Đồng thời, các bộ ngành liên quan cũng liên tiếp ban hành những chính sách nhằm đồng hành với DN để vượt qua cơn bão khủng hoảng.
Một trong những “cú hích” quan trọng nhất là việc tháo gỡ khó khăn để các DN nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn, tín dụng. Theo đó, Chính phủ đã “tung” gói hỗ trợ 250 ngàn tỷ đồng để tiếp sức cho các DN trong thời điểm khó khăn này. Cụ thể, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho DN, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí…
Trước mắt là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 ngàn tỷ đồng sẽ được các ngân hàng “tung” ra cho khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5%-1,5%/năm. Những DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được xem xét cho vay mới từ gói tín dụng này nhằm khôi phục lại hoạt động. Đáng chú ý hơn, Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã có động thái mạnh mẽ trong việc giảm hàng loạt lãi suất điều hành, trong đó lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng chỉ còn 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm còn 5%/năm và tái chiết khấu chỉ còn 3,5%/năm…
Bên cạnh giải pháp tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, Chính phủ cũng chỉ đạo Tổng cục Thuế gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đối tượng được gia hạn nộp thuế là những đơn vị SXKD bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh. Trong đó, thiệt hại được giải thích là những tổn thất về tài sản của người nộp thuế, tính được bằng tiền như: máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hóa, nhà xưởng, trụ sở làm việc, tiền, các giấy tờ có giá trị như tiền.
Video đang HOT
Tương tự, việc gặp dịch bệnh cũng là một lý do chính đáng để DN có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp thuế. DN chỉ cần chuẩn bị một bộ hồ sơ, trong đó có văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp với những thông tin liên quan đến căn cứ được miễn… Ngoài ra, các chính sách khác như tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm (Đối tượng được tạm dừng là các DN có ngành nghề vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến có 50% lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bị tạm thời nghỉ việc hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra). Ngoài những chính sách hỗ trợ DN về vốn, thuế và bảo hiểm như trên thì Chính phủ còn đưa ra nhiều chính sách khác giúp DN nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong đó có thể kể đến như: Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn; Chỉ xử phạt vi phạm hành chính DN nợ bảo hiểm xã hội từ 31-12-2019 trở về trước. Đồng thời, không phát động chiến dịch thanh tra năm 2020 về bảo hiểm xã hội…
Phối cảnh nút giao thông 3 tầng phía Tây cầu Trần Thị Lý – công trình trọng điểm, mang tính động lực của Đà Nẵng vừa được khởi công ngày 29-3 vừa qua.
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại Đà Nẵng, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chính quyền thành phố cũng đã rất cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các hội, hiệp hội DN để từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể cũng như cam kết sẽ đồng hành cùng DN.
Tại cuộc làm việc với các hội, hiệp hội DN trên địa bàn thành phố vào ngày 4-3 vừa qua, tiếp thu ý kiến, kiến nghị từ các DN, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết thành phố sẽ không đứng ngoài cuộc mà sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhắc lại một số chủ trương, chính sách mà thành phố đã kiến nghị và đang chờ Chính phủ cho ý kiến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh khẳng định thành phố sẽ tổ chức triển khai ngay khi có ý kiến đồng ý của Chính phủ nhằm không để khó khăn của DN bị kéo dài. “Tới đây, các ngành thuế, hải quan, quản lý thị trường phải tạm hoãn tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra tại DN nếu không cần thiết; xem xét khả năng miễn 100% phí tham quan tại các điểm vui chơi giải trí, khu danh thắng trên địa bàn; thúc đẩy nhanh việc hình thành các điểm đến mới cho ngành du lịch”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh lưu ý. Hiện UBND thành phố đã ban hành Quyết định về gói 14.000 tỷ đồng đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư đối với một số dự án trọng điểm quan trọng của thành phố. Đây sẽ là cú hích quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố trong những năm tới.
“Trước bối cảnh khó khăn như hiện nay, thành phố cam kết sẽ nỗ lực hết mình để góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn nhằm giúp DN phục hồi, phát triển. Chính quyền thành phố mong muốn cộng đồng DN và người dân tích cực chung tay cùng thành phố để vượt qua thử thách này”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh bày tỏ mong muốn.
Để hiện thực hóa phương châm đồng hành cùng DN, ngày 13-3, HĐND thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết 292 về “Bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng trên địa bàn thành phố năm 2020″. Nghị quyết nhằm tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống Covid-19 và giải pháp cơ cấu lại, rút ngắn quá trình phục hồi và đẩy mạnh các hoạt động SXKD, tìm kiếm thị trường thay thế, đa dạng hóa thị trường đầu ra cũng như nguồn cung ứng đầu vào, giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường cụ thể.
Nghị quyết cũng xác định việc thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại; triển khai các kế hoạch cụ thể để tổ chức thành công Diễn đàn đầu tư năm 2020; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị tốt các điều kiện để nắm bắt thời cơ kinh doanh, chủ động thu hút các dòng vốn dịch chuyển đầu tư từ các nước khi thị trường hồi phục. Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, hiện đại hóa quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ vào quá trình SXKD nhằm nâng cao năng suất, năng lực của DN…
Thành phố cũng đưa ra giải pháp rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, ban hành, bổ sung các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương theo hướng mở rộng đối tượng được thụ hưởng; điều chỉnh các điều kiện, nâng cao hiệu quả chính sách được ban hành (chính sách miễn, giảm các khoản phí, lệ phí; các chính sách hỗ trợ DN; chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn…) nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN ổn định SXKD để trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp tháng 4-2020 và các kỳ họp đến.
Quyết tâm đồng hành cùng cộng đồng DN vượt khó còn được thể hiện rất rõ trong phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thường kỳ diễn ra ngày 27-3 vừa qua của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Trương Quang Nghĩa: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp; các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó với dịch bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ổn định tình hình, chủ động rà soát, kịp thời xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế và bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng…
Thời gian đến, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội. Riêng với các DN, Bí thư Thành ủy cho biết thành phố sẽ xây dựng kế hoạch và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh SXKD; chuẩn bị phương án tái thiết, phục hồi năng lực các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là khôi phục, cơ cấu lại nguồn khách du lịch, các hoạt động dịch vụ phù hợp với định hướng phát triển thành phố; kịp thời chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động phải tạm ngưng hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt, hành động cụ thể của các cấp chính quyền thành phố, các DN trên địa bàn thành phố đều đang cố gắng giảm đến mức thấp nhất những tác động của dịch Covid-19 trong khả năng có thể. Hy vọng với sự chung tay này, DN nói riêng, kinh tế thành phố nói chung sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng bền vững.
D.HÙNG
Lãi 21 tỷ, công ty 'chơi trội' chi 47 tỷ trả cổ tức
Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết quyết định chi cổ tức 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 100%, tương ứng 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá giao dịch trên sàn chỉ 2.100 đồng.
Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết vừa thông qua nghị quyết chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 100%, tương đương 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngày chốt danh sách cổ đông và thời gian chi trả dự kiến trong tháng 4.
Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt 100% là con số "trong mơ" với nhiều nhà đầu tư. Hầu hết doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán có mức chi cổ tức bằng tiền mặt dưới 50%. Những năm trước, May Phan Thiết trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ ổn định 20%.
Với 4,7 triệu cổ phiếu đang niêm yết trên sàn UPCoM, Công ty May Phan Thiết sẽ chi 47 tỷ đồng trong đợt trả cổ tức lần này.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp năm 2019 chỉ đạt 21 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận trên, Công ty May Phan Thiết trích thêm từ quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu (53 tỷ) bao gồm lợi nhuận các năm trước chưa phân phối để trả cổ tức.
Công ty May Phan Thiết thành lập năm 2002 và niêm yết trên sàn UPCoM vào năm 2010. Tuy nhiên, cổ phiếu của doanh nghiệp này gần như không có thanh khoản khi không phát sinh giao dịch mua bán nhiều năm qua.
Cổ phiếu của Công ty May Phan Thiết hầu như không có giao dịch suốt 10 năm lên sàn. Ảnh: VnDirect.
Hiện cổ phiếu của May Phan Thiết đang được giao dịch ở vùng giá 2.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, số tiền cổ tức mà các cổ đông của doanh nghiệp may mặc này nhận được bằng 5 lần giá trị cổ phiếu đang nắm giữ.
Trong cơ cấu cổ đông của May Phan Thiết, Chủ tịch HĐQT công ty Huỳnh Văn Nghi là người có tỷ lệ sở hữu lớn nhất với 14,2% cổ phần. Ngoài ra, vợ và con ông Nghi cũng giữ 17% cổ phần doanh nghiệp. Nhờ đó, số tiền gia đình Chủ tịch May Phan Thiết nhận được trong đợt chia cổ tức lần này là 15 tỷ đồng.
Khôi phục kinh tế trong dịch COVID-19 - Bài 2: Đoàn kết vượt khó Sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng ngày 8/3, chính quyền và người dân nơi đây đã nhận thấy các tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 lên nhiều lĩnh vực kinh tế cũng như đời sống hàng ngày. Karaoke Idol (Đà Nẵng) nơi thu hút nhiều khách hàng đến giải trí đã dán thông báo...