Doanh nghiệp chú trọng thị trường trong nước
Việt Nam đang trong quá trình tái khởi động nền kinh tế sau dịch bệnh, đây là cơ hội để các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đang phải “lao đao” vì bị tạm hoãn hoặc hủy đơn hàng, thị trường nội địa với quy mô dân số gần 100 triệu dân, được xem là tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác vượt qua khó khăn sau đại dịch.
Dệt may là một trong những ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Số liệu khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, dịch Covid-19 đang làm cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, hơn 80% được hỏi cho biết, doanh thu năm nay sẽ suy giảm mạnh. Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng, cần thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp để hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, khai thác hết tiềm năng của thị trường trong nước.
Là một trong những ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, tháng 4 năm nay kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm 20% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt hơn 10 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ ngoái. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm hướng đi mới bằng cách đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.
Ông Bùi Đức Thắng, Trưởng phòng marketing Tổng công ty May 10 cho biết, một tín hiệu tốt là quá trình mở cửa ghi nhận người tiêu dùng rất phấn khởi vì họ được thoả sức đi mua sắm.
“Trước đó, chúng tôi đã chuẩn bị các đơn hàng để chuẩn bị cho ngày mở cửa và đáp ứng đầy đủ tất cả các sản phẩm thời trang công sở của May 10, cho đến nay, doanh thu bắt đầu tăng và dần dần đưa về nhịp độ như ban đầu”, ông Thắng cho biết thêm.
Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp xác định lại các dòng sản phẩm và thị trường chiến lược, hình thành và phát triển các liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối.
Bà Bạch Kim Ngân, Giám đốc công ty TNHH Ngân Giang chia sẻ: “Sau khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội và các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, với khó khăn của các doanh nghiệp trên cả nước, doanh nghiệp chúng tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi cố gắng cắt giảm chi tiêu để doanh nghiệp vẫn giữ và trụ vững được”.
“Doanh nghiệp chúng tôi tiếp tục sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, liên kết với hệ thống phân phối, siêu thị, hệ thống bán lẻ để đưa sản phẩm ra thị trường trong nước. Đồng thời, tổ chức chương trình khuyến mại, kích thích người tiêu dùng, tham gia các chương trình xúc tiến để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Kích thích thị trường trong nước vì đây là thị trường rất tiềm năng”, bà Ngân nói.
Thị trường nội địa là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp.
Video đang HOT
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy, trong đại dịch, tiềm năng của thị trường nội địa càng được thể hiện rõ, ngay cả trong tình huống phức tạp, ở cả những khu vực thuộc diện cách ly, hàng hóa vẫn dồi dào, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá. Việc kết nối cung cầu đã được ngành công thương triển khai rộng khắp và hiệu quả.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro cho rằng, thị trường nội địa là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp.
“Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn thì hệ thống cửa hàng thực phẩm ở cửa hàng tiện ích của Hapro đã được sửa chữa và cải tạo hơn 19 địa điểm các phố trong nội thành. Trong kế hoạch sắp tới để phục vụ tốt hơn cho người dân, tập đoàn cũng đang có chủ trương, từ nay đến cuối năm sẽ chỉnh trang, nâng cấp, cải tạo, mở cửa thêm khoảng 100 cửa hàng”, ông Vượng cho hay.
Ngay từ đầu năm, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện nhất quán và kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tháo gỡ khó khăn và phòng chống dịch bệnh hiệu quả theo đúng mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.
Trong khoảng thời gian, trước, trong và sau giãn cách xã hội, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh song các mặt hàng, đặc biệt là hàng hóa do Việt Nam sản xuất không biến động về giá, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa./.
Lợi nhuận giảm sâu vì COVID -19, cổ phiếu dệt may vẫn 'dậy sóng'
Doanh thu, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp dệt may giảm mạnh trong quý I vì COVID-19, song giá cổ phiếu gần đây tăng mạnh do những kỳ vọng vào EVFTA.
Xuất khẩu tụt dốc, lợi nhuận giảm sâu
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu 2020 đạt 17,04 tỷ USD, trong đó xuất khẩu giảm gần 7% so với cùng kỳ, khi chỉ đạt 10,7 tỷ USD. Ở chiều nhập khẩu, nguyên phụ liệu dệt may đạt gần 6,4 tỷ USD, giảm 9%, bông nguyên liệu giảm 8% khi chỉ đạt 893 triệu USD...
Cổ phiếu dệt may đồng loạt tăng tốc "hậu" COVID-19.
Nguyên nhân tụt dốc được Vitas nhận định do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hầu hết doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí lỗ, chỉ một số ít ngược hướng thị trường nhờ lợi thế về sản phẩm hoặc thị trường xuất khẩu.
Báo cáo tài chính mới nhất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT) cho thấy doanh nghiệp đạt doanh thu thuần hơn 3.964 tỷ đồng, giảm 12,4% so cùng kỳ 2019. Lợi nhuận trước và sau thuế đạt 162,1 tỷ đồng và 156,2 tỷ đồng, giảm 19,6%.
Theo Vinatex, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu và Mỹ bước đầu đã vượt qua được giai đoạn căng thẳng nhất. Tuy nhiên, các nước này vẫn tiếp tục duy trì biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, các cửa hàng bán lẻ chưa được mở cửa, dẫn đến các đơn hàng tiếp tục bị hoãn, trong khi đơn hàng mới giảm mạnh, gần như không có.
Tương tự Vinatex, công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) cho biết doanh thu tháng 4/2020 đạt 409 tỷ đồng, giảm 13,6% cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế đạt 7,6 tỷ đồng, giảm 59%. Lũy kế 4 tháng, TCM ước doanh thu 993 tỷ đồng, giảm 18% và lợi nhuận 40 tỷ đồng giảm 52%.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) có doanh thu quý I giảm 3,4% so với cùng kỳ, xuống 939,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 62 tỷ đồng, giảm 28,6%. Nguyên nhân đến từ biên lợi nhuận gộp giảm từ 20,6% xuống 17,2%.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bị hạn chế do tác động của dịch COVID-19 khiến công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đầu tư Đức Quân ( mã FTM) lỗ ròng 44,56 tỷ đồng.
Doanh thu sụt giảm trong khi chi phí vẫn ở mức cao khiến Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến (mã VGG) lần đầu báo lỗ 22 tỷ đồng. VGG cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình đại dich covid 19 lan rộng khắp toàn cầu đã khiến các đơn hàng xuất khâu sụt giảm mạnh, nguồn cung nguyên liệu gián đoạn, nhiêu doanh nghiệp không đủ nguyên liệu sản xuất và kip giao hàng cho đôi tác.
Đặc biệt, việc đóng của 3 thi trường lớn nhất Mỹ, EU, Nhật Bản... (chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may) cũng khiến doanh nghiệp gặp rất nhiêu khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất dệt may là sản xuất theo mùa.
Cổ phiếu bứt phá
Mặc dù kết quả kinh doanh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 song nhiều cổ phiếu ngành này gần đây bất ngờ tăng trưởng mạnh. Theo đó, kể từ cuối tháng 3, theo đà hồi phục của thị trường, cổ phiếu nhóm dệt may cũng tăng giá mạnh, vượt vùng giá trước dịch.
Cụ thể, từ 30/3 - 17/5, mã TCM tăng 30,9% từ vùng giá 12.300 đồng/cổ phiếu lên 16.100 đồng/cổ phiếu; mã MSH tăng 33,6% từ 26.650 đồng/cổ phiếu lên 35.600 đồng/cổ phiếu; mã TNG tăng 54% từ 8.700 đồng/cổ phiếu lên 13.400 đồng/cổ phiếu...
Nhiều mã cổ phiếu còn lại của ngành dệt may như X20, GI, EVE, M10, TDT... cũng đều tăng mạnh.
Nguyên nhân thúc đẩy cổ phiếu dệt may tăng mạnh được cho là xuất phát từ việc EVFTA khả năng sẽ có hiệu lực chính thức vào tháng 7/2020. Theo thông tin từ Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), Quốc hội dự kiến sẽ họp về việc phê chuẩn EVFTA vào ngày 20/5 - ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
EU hiện là thị trường nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam lớn thứ 2 sau Mỹ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang châu Âu kỳ vọng hưởng lợi.
Tuy vậy, theo SSI Research, hầu hết các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ không được giảm thuế ngay mà chỉ được hưởng mức thuế suất thấp hơn từ năm thứ 2 kể từ khi EVFTA có hiệu lực (8% đối với các sản phẩm loại B5 và 9% đối với các sản phẩm loại B7 trong năm thứ 2).
EVFTA cũng yêu cầu các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc châu Âu hoặc Hàn Quốc (quốc gia có FTA với châu Âu) và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan, và việc các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước chuyển sang nguồn vải của Hàn Quốc là không kinh tế ngay cả khi được hưởng lợi từ mức thuế suất 0% từ EVFTA.
Do đó, EVFTA không mang lại hiệu quả ngay lập tức cho ngành dệt may. Ngoài ra, việc các công ty dệt may của Việt Nam có thể tận dụng hiệp định này hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng mở rộng công suất sản xuất vải trong hai năm tới của Việt Nam.
Theo khảo sát mới nhất của Liên minh các nhà sản xuất dệt may quốc tế, các đơn hàng dệt may trên thế giới ước tính doanh số năm 2020 dự kiến giảm 29% so với trung bình của năm trước. Chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu bị gián đoạn dẫn đến doanh nghiệp không thể tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, chi phí gia tăng.
Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp dệt may toàn cầu hiện tại là dòng tiền, yếu tố quyết định đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp dệt may, dòng tiền nằm ở hàng hóa, vòng quay luân chuyển hàng hóa bị dừng đồng nghĩa không có dòng tiền.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cơ hội cũng xuất hiện với một số ít các doanh nghiệp tế, phòng dịch. Hiện, VGT đang xúc tiến xuất khẩu mặt hàng khẩu trang vải 3 lớp chống giọt bắn, kháng khuẩn này sang một số quốc gia châu Âu và Mỹ như Séc, Hungary, Canada, Mỹ nhằm bù đắp một phần đơn hàng may mặc bị thiếu hụt.
Tuy vậy, đây chỉ là một trong các giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may duy trì việc làm cho người lao động, chờ dịch bệnh qua đi để khôi phục lại sản xuất chứ chưa thể coi là mặt hàng chiến lược khi may mặc chuyển đổi sang sản xuất hàng phục vụ lĩnh vực nhu cầu khẩu trang chỉ mang tính thời điểm.
Ngành dệt may nắm bắt cơ hội xuất khẩu khẩu trang Ngày 4/5, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo trực tuyến về xuất khẩu dệt may trong bối cảnh dịch COVID-19, đồng thời giải đáp các quy định về xuất khẩu khẩu trang và thiết bị y tế vào Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ. Công nhân Xí nghiệp may 1,...