Doanh nghiệp chủ động tìm giải pháp thích ứng trong tình hình dịch COVID-19
Giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường, những doanh nghiệp sản xuất thuộc các lĩnh vực đặc thù như điện, nước, xi măng tại Hải Dương vừa triển khai phòng, chống dịch vừa duy trì hiệu quả sản xuất và bảo đảm an toàn cho người lao động.
Sát khuẩn tay đối với người vào làm việc tại Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Chủ động cách ly ngay tại nơi làm việc
Cùng với việc đảm bảo an toàn lao động, khử khuẩn và giữ vệ sinh tại nơi làm việc, giám sát chặt sức khỏe người lao động, các doanh nghiệp này đang triển khai hiệu quả việc hạn chế tiếp xúc, tăng cường ứng dụng công nghệ trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ sản xuất, đặc biệt là cách ly đội ngũ lao động nòng cốt…
Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương hiện có trên 1.700 cán bộ, công nhân viên. Ngay sau khi có công văn của Tổng công ty xi măng Việt Nam về thực hiện cách ly đối với lực lượng lao động nòng cốt trong Tổng công ty, Công ty Vicem Hoàng Thạch đã bố trí cách ly đối với 40 người tại trung tâm vận hành của công ty. Theo đó, có 8 người thuộc xưởng bột liệu,19 người ở xưởng clinker, 12 người ở xưởng xi măng và 1 lái xe thuộc văn phòng công ty. Kể từ ngày 1/4, toàn bộ 40 người này đã được bố trí ăn riêng, ở tại nhà khách của công ty, hàng ngày có xe riêng đưa đón đến nơi làm việc, về khu nhà ở, nhà ăn, tuyệt đối không tiếp xúc với những người thuộc các bộ phận khác trong công ty. Toàn bộ nơi ở, nhà ăn và xe chuyên chở đội ngũ này đều được phun khử trùng để đảm bảo tuyệt đối an toàn theo hướng dẫn của ngành y tế.
Ông Trần Hữu Tiệp, Quản đốc phân xưởng Clinker, Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch chia sẻ: “Những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của công ty, chúng tôi chấp hành nghiêm việc cách ly. Đối với lực lượng nòng cốt, bộ phận vận hành trung tâm, anh em ăn ở tập trung, tiến hành giao ban hàng ngày qua ứng dụng zalo để đảm bảo các yêu cầu công việc. Đến nay, việc sản xuất vẫn được duy trì ổn định”.
Trước kia, giờ cơm trưa tại nhà ăn số 1 của công ty Hoàng Thạch thường tập trung khoảng 200 người. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, công ty đã chia cơm vào cặp lồng, sau đó chuyển đến phòng giao ca của các đơn vị. Tương tự, 4 nhà ăn còn lại trong công ty cũng triển khai đồng loạt việc này.
Còn tại Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, doanh nghiệp đã chủ động triển khai sớm các công tác phòng chống dịch. Với tính chất đặc thù của Trung tâm Điều khiển xa là không có người thay thế nếu để xảy ra dù chỉ một nhân viên bệnh. Theo chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Điện lực Hải Dương đã tiến hành cách ly toàn bộ cán bộ công nhân viên Trung tâm để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đội ngũ này. Bắt đầu từ ngày 30/3, toàn bộ Trung tâm đã được cách ly với các đơn vị khác. Công tác điều hành chỉ đạo công việc đều triển khai qua điện thoại, mạng nội bộ. Đặc biệt, mọi sinh hoạt của cán bộ công nhân viên Trung tâm đều được cách ly triệt để.
Video đang HOT
Chia sẻ với những khó khăn của bộ phận trực vận hành khi phải cách ly trong nhiều ngày, Ban lãnh đạo Điện lực Hải Dương đã quan tâm bố trí riêng khu vực ăn, nghỉ đảm bảo tiện nghi và tách biệt, cầu thang đi riêng, áp dụng mức tiền ăn mỗi người 200.000 đồng/ngày.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Phạm Hoàng Phương, Trưởng Trung tâm Điều khiển xa (Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương) cho biết, anh em trong đơn vị đều nhận thức được tầm quan trọng của công việc nên ai cũng hăng hái, trách nhiệm cao với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhờ chủ động, ngành điện Hải Dương đã và đang đảm bảo cấp đủ điện liên tục, an toàn, thông suốt cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cấp điện cho các cơ sở y tế, những nơi cách ly tập trung, phục vụ tốt công tác phòng chống dịch.
Sản xuất an toàn, liên tục
Để đảm bảo hiệu quả sản xuất trong mùa dịch COVID-19, cùng với việc cách ly 40 người tại Trung tâm vận hành, Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch duy trì đủ quân số và chia 3 ca, 4 kíp, người lao động giữ khoảng cách đúng quy định tại các phân xưởng. Riêng bộ phận văn phòng của công ty như phòng tài chính kế toán, công nghệ thông tin áp dụng linh hoạt chế độ làm việc tại nhà đối với người lao động. Đến nay, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Quý I/2020, sản lượng xi măng của công ty ước đạt trên 613.000 tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu của doanh nghiệp ước đạt trên 940 tỷ đồng.
Anh Trần Hữu Tiệp, Quản đốc phân xưởng Clinker, Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch trao đổi công việc qua Zalo với các cán bộ, công nhân đang làm việc cách ly trong trung tâm vận hành. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Ở lĩnh vực cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, trong thời gian qua, cùng với các đơn vị trong Công ty cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương, Chi nhánh kinh doanh nước sạch số 5 đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh. Hiện, chi nhánh đang cấp nước cho trên 22.000 khách hàng.
Theo ông Mạc Huy Hoàng, Giám đốc chi nhánh, đơn vị đã chuẩn bị kỹ lưỡng nguyên vật liệu, dự phòng máy móc thiết bị cho những tình huống hư hỏng nếu có nên mọi hoạt động sản xuất vẫn bình thường, đơn vị vẫn đảm bảo cung cấp nước liên tục cho khách hàng. Đơn vị cũng đã sẵn sàng các cơ sở vật chất dự phòng cho tình huống nếu thành phố Hải Dương có dịch, sẽ đảm bảo cách ly 20 cán bộ công nhân viên tại nơi làm việc.
Xác định nhiệm vụ sản xuất nước là quan trọng nhất nên hiện tại chi nhánh đang cách ly khu vực nhà máy sản xuất và nhà ăn ca. Những khu vực này được dựng biển báo giới hạn khu cách ly. Chỉ những công nhân sản xuất nước, cán bộ kỹ thuật sản xuất nước, bộ phận kiểm soát chất lượng nước được ra vào khu vực này. Mỗi ca làm việc, đơn vị bố trí tối đa 6 người trong khu vực này và yêu cầu mỗi cán bộ tuân thủ giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Công tác phun khử khuẩn được chi nhánh tiến hành tối thiểu 2 lần/ngày, sau mỗi buổi làm việc.
Anh Lê Bá Thiêm, công nhân vận hành của Chi nhánh chia sẻ: “Trong tình hình dịch bệnh, trước hết, mỗi người chúng tôi đều tự nâng cao ý thức chấp hành quy định phòng dịch, đặc biệt là việc phòng hộ an toàn, không tiếp xúc gần. Anh em cũng nâng cao ý thức trong chuyên môn, kiểm soát chặt chất lượng nước đầu vào và đầu ra, đảm bảo áp lực nước đến với khách hàng, kịp thời phát hiện và xử lý những sự cố nhỏ nhất có thể xảy ra…”.
Cùng với đó, Chi nhánh triển khai khoảng 50% quân số làm tại nhà máy, số còn lại làm việc tại nhà. Việc đấu nối hệ thống cấp nước mới, cải tạo xây dựng mạng lưới đường ống, xử lý vi phạm trong mua bán nước trong giai đoạn này được tạm dừng. Thay vì thu tiền nước tại quầy như trước, nhân viên đơn vị sẽ thu tại nhà khách hàng với trang bị phòng dịch đúng quy định.
Khử trùng khu ăn, ở cách ly của các cán bộ, công nhân Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Hiện Công ty cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương đang cấp nước cho trên 232.200 khách hàng trực tiếp. Các đơn vị trực thuộc công ty đều nghiêm túc tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, có kịch bản ứng phó đối với những tình huống dịch cụ thể. Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe người lao động và an toàn cho việc cấp nước trong mùa dịch, doanh nghiệp cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh công trình khai thác nước mặt của đơn vị, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước đầu nguồn và trên toàn mạng tiêu thụ, nâng hiệu quả kiểm định chất lượng nguồn nước…
Có thể nói, bằng những nỗ lực chủ động thích ứng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp đã và đang góp phần tích cực khắc phục mọi khó khăn do dịch gây ra, đảm bảo cho hoạt động sản xuất an toàn và hiệu quả, đời sống sinh hoạt của người dân được thuận lợi nhằm ổn định trật tự xã hội.
Mạnh Minh
Lãi 21 tỷ, công ty 'chơi trội' chi 47 tỷ trả cổ tức
Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết quyết định chi cổ tức 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 100%, tương ứng 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá giao dịch trên sàn chỉ 2.100 đồng.
Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết vừa thông qua nghị quyết chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 100%, tương đương 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngày chốt danh sách cổ đông và thời gian chi trả dự kiến trong tháng 4.
Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt 100% là con số "trong mơ" với nhiều nhà đầu tư. Hầu hết doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán có mức chi cổ tức bằng tiền mặt dưới 50%. Những năm trước, May Phan Thiết trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ ổn định 20%.
Với 4,7 triệu cổ phiếu đang niêm yết trên sàn UPCoM, Công ty May Phan Thiết sẽ chi 47 tỷ đồng trong đợt trả cổ tức lần này.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp năm 2019 chỉ đạt 21 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận trên, Công ty May Phan Thiết trích thêm từ quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu (53 tỷ) bao gồm lợi nhuận các năm trước chưa phân phối để trả cổ tức.
Công ty May Phan Thiết thành lập năm 2002 và niêm yết trên sàn UPCoM vào năm 2010. Tuy nhiên, cổ phiếu của doanh nghiệp này gần như không có thanh khoản khi không phát sinh giao dịch mua bán nhiều năm qua.
Cổ phiếu của Công ty May Phan Thiết hầu như không có giao dịch suốt 10 năm lên sàn. Ảnh: VnDirect.
Hiện cổ phiếu của May Phan Thiết đang được giao dịch ở vùng giá 2.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, số tiền cổ tức mà các cổ đông của doanh nghiệp may mặc này nhận được bằng 5 lần giá trị cổ phiếu đang nắm giữ.
Trong cơ cấu cổ đông của May Phan Thiết, Chủ tịch HĐQT công ty Huỳnh Văn Nghi là người có tỷ lệ sở hữu lớn nhất với 14,2% cổ phần. Ngoài ra, vợ và con ông Nghi cũng giữ 17% cổ phần doanh nghiệp. Nhờ đó, số tiền gia đình Chủ tịch May Phan Thiết nhận được trong đợt chia cổ tức lần này là 15 tỷ đồng.
Khôi phục kinh tế trong dịch COVID-19 - Bài 2: Đoàn kết vượt khó Sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng ngày 8/3, chính quyền và người dân nơi đây đã nhận thấy các tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 lên nhiều lĩnh vực kinh tế cũng như đời sống hàng ngày. Karaoke Idol (Đà Nẵng) nơi thu hút nhiều khách hàng đến giải trí đã dán thông báo...