Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam
Kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh của EuroCham (BCI) cho thấy sự lạc quan của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong quý 3.
Khảo sát đã nhận được hơn 200 phản hồi từ đại diện các doanh nghiệp thành viên.
Chỉ số BCI thể hiện niềm tin vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, hiện tại ở mức 81 điểm, là kết quả cao thứ nhì kể từ cuối năm 2016. Mặc dù có sự sụt giảm nhẹ so với quý 2 – mức cao nhất trong 18 tháng qua, cảm quan kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu trong quý 3 vẫn tích cực.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu lạc quan về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: EuroCham
Các doanh nghiệp thành viên EuroCham tiếp tục hoạt động tốt trong quý vừa rồi, với 57% phản hồi ‘Tốt’ và 10% là ‘Rất tốt’, chỉ 8% phản hồi tiêu cực. Khi phản hồi về kỳ vọng cho quý tiếp theo, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn lạc quan, với gần 60% phản hồi ‘tốt’ và 11% ‘rất tốt’ khi dự đoán tình hình kinh doanh đến cuối năm 2018.
Các thành viên EuroCham cũng lạc quan khi phản hồi câu hỏi khảo sát triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam, với 58% dự đoán ‘Ổn định và Cải thiện’ và 32% dự đoán ‘không thay đổi’. Trong khi đó, chưa tới 10% đại diện doanh nghiệp dự đoán tình hình kinh tế xấu đi.
Video đang HOT
Khảo sát BCI cũng đi sâu vào chi tiết hoạt động kinh doanh của các công ty châu Âu với các câu hỏi về kế hoạch nhân sự và đầu tư, cũng như triển vọng doanh thu trong quý tới. Hơn một nửa số doanh nghiệp phản hồi dự định sẽ tăng lực lượng lao động của họ trong quý 4; trong đó, 41,9% tăng ‘Trung bình’ và 8,4% tăng ‘đáng kể’. Chưa đến 8% dự định cắt giảm nhân lực.
Tương tự, hơn 50% thành viên EuroCham tin rằng doanh nghiệp của họ sẽ tăng mức đầu tư vào quý cuối cùng của năm 2018, với 40,9% dự đoán mức tăng trưởng ‘Trung bình’ và 10,8% dự đoán mức tăng ‘đáng kể’. Chỉ 6% dự định giảm mức đầu tư.
Các phản hồi về dự đoán doanh thu thậm chí còn ấn tượng hơn, với hơn 70% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán mức tăng trưởng ‘đáng kể’ (15,3%) hoặc ‘Trung bình’ (56,2) trong số lượng đơn hàng hoặc doanh thu trong quý 4.
Doanh nghiệp lớn từ khắp châu Âu mong muốn phát triển đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: EuroCham
Từ quý 3-2018, EuroCham hợp tác với Decision Tab thực hiện khảo sát BCI hàng quý. Sự hợp tác này đảm bảo phương pháp khảo sát tối ưu cũng như tính đại diện của mẫu khảo sát.
Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham nhận xét: “Kết quả của Chỉ số Môi trường Kinh doanh mới nhất của EuroCham chính là một ví dụ của sự tin tưởng mà doanh nghiệp châu Âu dành cho môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi tiếp tục thể hiện sự lạc quan của họ, thông qua các dự định trong đầu tư và phát triển nhân lực.
Trong tháng 10 tại Brussels, EuroCham phối hợp với VCCI đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ và gần 20 nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn từ khắp châu Âu mong muốn phát triển đầu tư của họ tại Việt Nam. Sự quan tâm của các nhà đầu tư châu Âu đối với sự kiện này cho thấy nhu cầu thâm nhập thị trường Việt Nam và kỳ vọng vào sự phê chuẩn của Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam. EuroCham sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phê chuẩn nhanh chóng của thỏa thuận lịch sử này và khuyến khích hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam”.
Hoài Nam
Theo vietq.vn
Giá vonfram giảm, doanh thu của MSR vẫn tăng đều
Việc tạm ngừng giao dịch vào mùa hè tại Châu Âu và bất ổn do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến giá vonfram giảm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources - mã chứng khoán MSR) vẫn tiếp tục khởi sắc.
Masan Resources đã hoàn tất việc mua lại 49% nhà máy chế biến hoá chất vonfram hàng đầu thế giới từ H.C.Starck.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm tài chính 2018, doanh thu thuần của MSR đạt 4.688 tỷ đồng, tăng 19,4% so với mức 3.928 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.
Mặc dù lượng đồng tồn kho vẫn duy trì ở mức cao do nhu cầu trong nước thấp, nhưng giá các sản phẩm chính của MSR vẫn tăng đáng kể so với cùng kỳ 2017.
Ngoài ra, nhà máy chế biến Núi Pháo đã đạt được tỷ lệ thu hồi cao nhất kể từ khi vận hành cho dù sản lượng thấp đã giúp MSR đạt lợi nhuận gộp 2.361 tỷ đồng.
Kéo theo đó, biên lợi nhuận gộp của công ty vẫn đạt 50,4%, tăng 32 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Kết thúc 9 tháng, MSR ghi nhận khoản lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty đạt 340 tỷ đồng, tăng 247,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên công ty đạt biên lợi nhuận 7,3%.
Được biết, năm 2018, MSR đặt mục tiêu doanh thu trong khoảng 7.300 - 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông của Công ty khoảng 600 - 1.000 tỷ đồng.
Với việc giá vonfram đang giữ ở mức ổn định trong 7 tuần vừa qua và khách hàng ở thị trường Châu Âu cũng đã giao dịch trở lại, MSR kỳ vọng sẽ hoàn thành được kế hoạch trên.
Hiện cổ phiếu MSR đang được giao dịch trên sàn UpCom, thị giá chốt phiên giao dịch 1/11 ở mức 21.300 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường vào khoảng 19.155 tỷ đồng.
Thủy Tiên
Theo vneconomy.vn
Đồng USD mạnh còn nguy hiểm hơn chiến tranh thương mại? Đồng USD mạnh lên cuối cùng sẽ không chỉ ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp lớn trong vài tháng tới mà cuối cùng sẽ khiến cho chính ví tiền của người tiêu dùng Mỹ ngày một mỏng hơn. Ảnh: New York Times Mối quan hệ ngày một xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc đang là tâm điểm chú ý của giới...