Doanh nghiệp Cần Thơ mong muốn sớm được tiêm vaccine cho công nhân
Ngày 5/10, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức đối thoại trực tuyến với các doanh nghiệp về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn để sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
Đo huyết áp, sàng lọc trước tiêm vaccine. Ảnh tư liệu: Ánh Tuyết/TTXVN
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp đã nêu những khó khăn đã và đang gặp phải sau khi tái sản xuất; hướng khôi phục và đề xuất với các sở, ngành và lãnh đạo thành phố Cần Thơ có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại. Đa số các doanh nghiệp, địa phương đề xuất đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho công nhân, người lao động.
Công ty TNHH Tea Kwang Cần Thơ có 10.000 lao động. Từ khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, công ty đã đăng ký tạm trú cho người lao động thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Đến ngày 1/10, theo kế hoạch, công ty kết hợp song song hai phương án “3 tại chỗ” và “2 tại chỗ, 1 vùng xanh” nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Công ty có 939 lao động thực hiện “3 tại chỗ” đã được tiêm một mũi vaccine nhưng chưa đủ thời hạn tiêm hai mũi; đồng thời, có 642 lao động thực hiện phương án “2 tại chỗ, 1 vùng xanh” tiêm đủ hai mũi vaccine.
Theo đại diện Công ty TNHH Tea Kwang Cần Thơ, để công nhân thực hiện phương án “2 tại chỗ, 1 vùng xanh”, công ty không quản lý được người lao động. Vì thế, công ty có phương án kết hợp với địa phương quy định nếu người lao động nào không thực hiện đúng cung đường di chuyển, địa phương sẽ nhắc nhở người lao động và báo với công ty. Người lao động phải xét nghiệm PCR và có giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 mới được quay lại làm việc “3 tại chỗ”, có như vậy người lao động sẽ chấp hành nghiêm túc.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Tea Kwang Cần Thơ rất mong muốn sớm có thêm nguồn vaccine để tiêm cho người lao động và công nhân để tăng số lượng công nhân đủ điều kiện làm việc trở lại, đảm bảo an toàn cho công nhân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất.
Video đang HOT
Quận Bình Thủy có 358 cơ sở, doanh nghiệp; trong đó, có 88 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Trà Nóc 1. Hiện nay, quận Bình Thủy nhận được đơn đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho công nhân, người lao động từ 118 doanh nghiệp trên địa bàn quận. Đến thời điểm này, mới chỉ có 1.700 công nhân được tiêm vaccine mũi 1 và 1.900 công nhân được tiêm mũi 2, gần 2.000 công nhân chưa được tiêm vaccine. Ngoài ra, 817 hộ tiểu thương ở 12 chợ trên địa bàn quận cũng đã đăng ký nhưng chưa được tiêm vaccine.
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy Nguyễn Văn Khánh cho biết, số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn quận Bình Thủy rất đông nhưng tỷ lệ công nhân được tiêm vaccine rất thấp. Ông Khánh đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ phối hợp các doanh nghiệp để sớm tiêm vaccine cho công nhân, đảm bảo an toàn cho công nhân, doanh nghiệp khi tái hoạt động sản xuất.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, hiện nay, có nhiều hộ kinh doanh gia đình đã mở cửa hoạt động trở lại nhưng chưa được tiêm vaccine. Đối với các doanh nghiệp nhỏ lẻ cần có cơ chế thoáng hơn, ưu tiên phân bổ vaccine để tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp này quay trở lại hoạt động kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp lớn trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên 100 lao động cần có cơ chế phân bổ vaccine riêng và quận sẵn sàng hỗ trợ nhân lực để tổ chức tiêm.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, thành phố tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn để tái sản xuất, kinh doanh. Các ý kiến của doanh nghiệp đã thể hiện quyết tâm phục hồi, mở rộng và phát triển sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
Trước kiến nghị của đa số các doanh nghiệp trông chờ vào vaccine, ông Trần Việt Trường cho biết, vaccine sẽ được ưu tiên tập trung tiêm cho người lao động, công nhân và các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp có chuỗi sản xuất xuất khẩu.
Dự kiến thời gian tới, thành phố sẽ tiêm vaccine cho công nhân, người lao động từ nhà máy đến vùng nguyên liệu nhằm tạo ra “cung đường xanh” để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng cho biết, đối với các đối tác đến các doanh nghiệp làm việc ở Cần Thơ (chuyên gia, người lao động,…) theo quy định của ngành y tế, nếu người ở vùng dịch có nguy cơ cao nhưng đã được tiêm 2 mũi vaccine hoặc người đã là F0 hết bệnh thì được vào địa phương và phải về nhà giám sát y tế một tuần. Đối với những người tiêm mũi 1 và hoặc chưa tiêm khi vào thành phố thì vào khu cách ly tập trung 2 tuần. Tuy nhiên, ngành y tế sớm đề xuất với UBND thành phố tạo điều kiện cho người lao động, các chuyên gia khi vào Cần Thơ hoạt động.
Ông Trần Việt Trường cũng giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương chủ động tổ chức các lớp huấn luyện bồi dưỡng nghề cho người lao động để có nguồn lao động sẵn sàng phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm xúc tiến đầu tư phối hợp các doanh nghiệp tổ chức các sàn giao dịch điện tử về nông sản (lúa, gạo, cá, trái cây,…) tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các đối tác có thông tin đầy đủ về các mặt hàng, nguồn nguyên liệu, lĩnh vực trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long.
UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện sớm phê duyệt phương án phục hồi sản xuất và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để các doanh nghiệp đi vào sản xuất ổn định; thực hiện giải ngân sớm chế độ chính sách cho người sử dụng lao động, người lao động theo Nghị quyết 68.
Tổng số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Cần Thơ là 1.167 doanh nghiệp. Đến chiều ngày 3/10, số doanh nghiệp đang hoạt động là 235, tương đương 20,14% trong tổng số doanh nghiệp hoạt động với số lao động là 15.169 người, chiếm tỷ lệ 21,08% tổng số lao động.
Cụ thể, trong khu công nghiệp, số doanh nghiệp còn hoạt động là 59, chiếm tỷ lệ 34,71% số doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp; với số lao động là 8.283 người, tương đương 20,44% lao động trong khu công nghiệp. Ngoài khu công nghiệp, hiện có 177 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 17,75% số doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp với tổng số lao động là 6.886 lao động, chiếm tỷ lệ 21,91% tổng số lao động ngoài khu công nghiệp.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.780 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h ngày 5/10, số dư Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 8.780 tỷ đồng đã bao gồm ngoại tệ quy đổi; trong đó, có 47,7 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng.
Tiêm vaccine cho người dân tại điểm tiêm Trung tâm Văn hóa quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Ban quản lý Quỹ cho biết, đã có 554.378 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào quỹ.
Tính đến thời điểm hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã chi từ Quỹ 6.938 tỷ đồng. Trong số đó, chi mua vaccine 6.929,2 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 8,8 tỷ đồng nên dư cuối ngày 1.842 tỷ đồng.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã có website tại địa chỉ www.quyvacxincovid19.gov.vn . Đây là cổng thông tin điện tử của Quỹ vaccine COVID-19, nhằm tạo ra kênh đóng góp ủng hộ trực tuyến cho quỹ. Website đánh dấu lần đầu tiên cơ quan quản lý quỹ phát triển nền tảng công nghệ, để cá nhân, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia đóng góp ủng hộ với khả năng tương tác trực tuyến.
Thông qua website www.quyvacxincovid19.gov.vn, mọi đóng góp của người dân đến quỹ sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ.
Hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã mở 22 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 7 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, MB, Agribank và TPBank.
Các doanh nghiệp tại Bình Dương nhanh chóng nối lại sản xuất Ngay khi dịch bệnh bước đầu được khống chế tại Bình Dương, các doanh nghiệp đã mở lại hoạt động, tuyển dụng lao động, triển khai các kế hoạch giữ vững chuỗi cung ứng, nối lại sản xuất, quyết liệt đặt ra các mục tiêu tăng trưởng trước những khó khăn và thách thức vừa trải qua trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19....