Doanh nghiệp bỏ trốn, lao động trắng tay
Không chỉ mất việc, bị nợ lương, khi doanh nghiệp (DN) ôm tiền bỏ trốn, nhiều lao động còn bị mất quyền lợi về bảo hiểm xã hội do chủ trốn đóng. Tình cảnh người lao động trong các DN FDI có chủ bỏ trốn, hoặc phá sản càng bi đát hơn.
Địa phương phải… “đổ vỏ”
Cuối năm 2018, hàng trăm công nhân tại Công ty TNHH MTV TBO Vina (100% vốn Hàn Quốc, Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, Đà Nẵng) sau khi được nghỉ việc một tuần do hết đơn hàng, đến ngày quay lại thì công ty cửa đóng then cài. Lúc này, các công nhân mới hay tin chủ DN đã rời khỏi Việt Nam, để lại khoản nợ BHXH, BHYT khoảng 12 tỷ đồng và nợ lương khoảng 3,7 tỷ đồng.
Liên đoàn lao động Đà Nẵng tổ chức cuộc họp liên ngành mới có thông tin, người điều hành công ty (quốc tịch Hàn Quốc) về nước để “chữa bệnh”. Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Văn An – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Đà Nẵng cho biết, thành phố đã phải ứng ngân sách gần 500 triệu đồng để hỗ trợ đóng BHXH cho hơn 90 lao động nữ để chị em được hưởng thai sản và đóng cho hơn 400 lao động khác để được hưởng BH thất nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp FDI bỏ trốn để lại khoản nợ hàng chục tỷ đồng tiền lương và BHXH. Ảnh: internet
Tương tự là vụ việc xảy ra tại Công ty Sang Hun chuyên sản xuất hàng may mặc (địa chỉ tại KCN Đồng Xoài I, tỉnh Bình Phước), do ông Lee Hong Sang – quốc tịch Hàn Quốc làm chủ. Đây là DN mà BHXH đã cảnh báo rất nhiều lần vì tình trạng nợ BHXH, BHYT lặp đi lặp lại. Cụ thể, từ khi đi vào hoạt động (tháng 3.2015) đến lúc chủ bỏ trốn, tại đây đã xảy ra 14 vụ đình công, ngừng việc để phản đối tình trạng nợ lương, nợ BHXH, BHYT kéo dài. Đa số công nhân bị Công ty Sang Hun nợ tiền lương gối đầu từ 3 tháng trở lên. Thậm chí, có một số người bị nợ lương lên đến hơn 50 triệu đồng. Sau đó, Công đoàn các KCN tỉnh Bình Phước buộc phải đứng lên khởi kiện DN này để đòi tiền lương cho công nhân. Sau 3 lần khởi kiện và tổ chức hòa giải, Công đoàn đã giúp công nhân đòi được gần 5 tỷ đồng, trong đó có trên 1,8 tỷ đồng tiền lương và hơn 3 tỷ đồng BHXH, BHYT…
Trực tiếp chứng kiến cuộc sống của người lao động trong những DN trên mới thấy hệ lụy mà các DN gây ra rất lớn. Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị Hà (quê Nghê An) có thâm niên làm việc hơn 5 năm tại Công ty Sang Hun.
Trò chuyện với PV, chị Hà buồn bã kể: “Nhiều lúc chúng tôi xác định quyền lợi về lương, BHXH, BHYT coi như mất. Ròng rã mấy tháng trời chúng tôi phải giật gấu vá vai lo cho bữa ăn hàng ngày. Công ty cũ thì bỏ trốn, việc mới thì chưa có. Thậm chí, có những em mới chân ướt, chân ráo từ các tỉnh đến phải vay mượn ăn mỳ gói qua ngày…”.
Video đang HOT
Khó xử lý
Không khó nhận ra những biểu hiện lạ ở DN FDI có chủ bỏ trốn, đó là liên tục chậm lương, nợ BHXH kéo dài, sau đó là âm thầm tẩu tán tài sản và cắt đứt liên lạc với người lao động. Những biểu hiện lạ này được người lao động và Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp phản ánh, thậm chí khuyến cáo. Thế nhưng, sự phản ứng chậm chạp của các cơ quan chức năng đã khiến người lao động gánh chịu hậu quả.
Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện quy trình khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; đồng thời chỉ đạo cơ quan BHXH phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện khởi tố một số DN cố tình trốn đóng BHXH theo quy định của BLHS 2015 nhằm răn đe đối với các DN khác”.
Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung
Ông Nguyễn Tất Năm – Trưởng Phòng Lao động tiền lương và BHXH (Sở LĐTBXH TP.HCM), cho biết sở dĩ tình trạng trên xảy ra là do các biện pháp chế tài, xử phạt vi phạm hiện hành chưa đủ sức răn đe dẫn đến nhờn luật. Theo ông Năm, Bộ LĐTBXH cần sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành các biện pháp chế tài, cưỡng chế cụ thể trong trường hợp DN không chấp hành quyết định, kết luận thanh tra (lương, BHXH) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung quy định DN trước khi thành lập phải có phương án sử dụng lao động và có tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với người lao động khi mất khả năng thanh toán hoặc bỏ trốn.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết hiện có hơn 100 DN trong các KCN làm ăn thua lỗ. Tổng số nợ BHXH đến tháng 9.2018 là hơn 550 tỷ đồng, trong đó riêng các DN FDI nợ trên 243 tỷ đồng (chiếm gần 50% số nợ).
Ông Lê Đình Quảng – Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về việc DN bỏ trốn phải xử lý thế nào, “biến mất” bao nhiêu lâu thì gọi là bỏ trốn, xử lý khối tài sản còn lại ra sao? Trong khi đó, tài sản DN nếu không được bảo quản sẽ xuống cấp, đến khi xử lý xong và thanh lý thì cũng không còn giá trị, do vậy có thắng kiện thì người lao động cũng thiệt thòi. Lãnh đạo các khu công nghiệp cho biết, người lao động được tuyên thắng kiện nhưng chẳng nhận được gì vì còn vướng khâu thi hành án.
Theo Danviet
Đón đầu lợi thế Hiệp định CPTPP, FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh
Trong quý 1/2019, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với tổng số vốn 723,2 triệu USD. Sự vươn lên của vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc một phần do nhà đầu tư đón đầu lợi thế từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
FDI từ Trung Quốc tăng mạnh
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1/2019 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trong 3 tháng đầu diễn ra sôi động phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, ước tính đạt 1.184,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12%, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9% (cao hơn so với con số 8,6% của cùng kỳ năm trước). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 3 tháng đầu năm ước tính đạt 910,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,8% tổng doanh thu và tăng 13,4%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý 1 chứng kiến sự suy giảm nhẹ về tăng trưởng so với quý trước. Tổng vốn đầu tư thực hiện của toàn bộ nền kinh tế quý 1 ươc đạt 359,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, báo cáo của VEPR cũng chỉ rõ, lượng vốn mới đăng kí đạt mức 3,82 tỷ USD, tăng 80,1%. Vốn bổ sung tăng 1,3 tỷ USD, bằng 72,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong ba tháng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý 1/2019 đạt mức 4,12 tỷ USD tăng 6,2% cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 (3,88 tỷ USD).
Trong quý 1 có tới 785 dự án cấp mới trong đó và ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là nơi thu hút FDI lớn nhất với vốn chiếm tới 75,3% tổng vốn đăng ký cấp mới, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Báo cáo của VEPR cũng chỉ ra những dự án lớn đã góp mặt trong quý 1 như dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị 3,85 tỷ USD, trong ngành sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội; dự án do Goertek (Hongkong) Co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh vào nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, với tổng vốn đăng ký 260 triệu USD; dự án Vinhtex với tổng vốn đăng ký 200 triệu USD của Royal Pagoda Private Limited (Singapore) với mục tiêu sản xuất vải và nhuộm vải dệt kim tại Nghệ An.
Xét theo đối tác, báo cáo của VEPR cho thấy, trong quý 1/2018, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất với tổng số vốn 723,2 triệu USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Singapore 690,8 triệu USD, Hàn Quốc 547,3 triệu USD, Nhật Bản 471,5 triệu USD, Hồng Kông 456,4 triệu USD, Quần đảo Virgin thuộc Anh 207,3 triệu USD và Đài Loan 197,5 triệu USD.
"Sự vươn lên của FDI từ Trung Quốc đã phần nào hiện thực hóa nhận định của chúng tôi về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nhằm né tránh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đón đầu Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)", báo cáo của VEPR phân tích.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam
Cũng theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1/2019 của VEPR, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm đạt 57,51 tỷ USD, tăng 4,1%. Trong đó, xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu đạt 41,46 tỷ USD (chiếm 70,9% tổng kim ngạch), tăng 2,7%. Xuất khẩu từ khu vực trong nước tăng 9,7%.
Về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, ba nước đứng đầu là Mỹ (13 tỷ USD), EU (10,2 tỷ USD), và Trung Quốc (7,6 tỷ USD), rồi tiếp đến lần lượt là ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 7,4% một phần do việc xuất khẩu sang thị trường này ngày càng khó hơn. Đã có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa quả vào Trung Quốc với những yêu cầu rõ ràng đối với các hạng mục kiểm dịch hoa quả xuất nhập khẩu giữa hai nước, bao gồm phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoa quả, hàng hóa có phải có nguồn gốc từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói đã đăng kí với các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận", báo cáo của VEPR chỉ rõ.
Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 57,98 tỷ USD trong ba tháng đầu năm, tăng 8,9%. Cụ thể, nhập khẩu của khu vực FDI chiếm 33,89 tỷ USD và khu vực trong nước là 24,09 tỷ USD. Như vậy có thể thấy khu vực FDI vẫn tiếp tục là đầu tàu thương mại của kinh tế Việt Nam.
Theo VEPR, trong các mặt hàng nhập khẩu, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện và nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tiếp tục là những nhóm hàng nhập khẩu nhiều nhất trong 3 tháng này với kim ngạch lần lượt là 11,7 tỷ USD và 8,7 tỷ USD. Riêng dầu thô được nhập khẩu lên tới 919 triệu USD do nhu cầu phục vụ sản xuất của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018.
Báo cáo của VEPR cũng chỉ rõ, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15 tỷ USD, tăng 9,7%. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 11,8 tỷ USD, thị trường ASEAN 8,2 tỷ USD, Nhật Bản đạt 4,7 tỷ USD và thị trường EU 3,6 tỷ USD..
Minh Ngọc
Theo vnmedia
TS. Nguyễn Trí Hiếu: 'Ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay' Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2019 dù thấp hơn so với cùng kỳ song vẫn cao hơn những năm trở lại đây. Hoạt động ngân hàng ổn định, không có nhiều xáo trộn, tuy nhiên, lãi suất cho vay ở ngân hàng vẫn ở mức cao. Chia sẻ tại Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I...