Đoạn kết buồn cuộc đời nữ phạm nhân sát hại anh rể
Tôi ở đây riết cũng đã quen rồi. Ở ngoài, tôi không có chồng con gì nên giờ về chỉ còn má là người mà tôi phải quan tâm, lo lắng nhiều nhất. Ở trong này, tôi chỉ buồn nhất mỗi khi Tết đến…
LTS: Nguyễn Thị Hương là một trong những phạm nhân có cuộc đời bất hạnh. Lĩnh án 20 năm tù cho tội giết người, nạn nhân của Hương không phải ai xa lạ mà chính là người anh rể, chồng của chị gái ngay kế trên. Nói về cái chết của anh rể, Nguyễn Thị Hương im lặng. Sau đó, Hương cất giọng chậm rãi: “Ảnh sai, lẽ ra mình phải nhờ pháp luật can thiệp, xử lý. Mình tự xử ảnh là mình sai. Mình có tội với nhà nước, có tội với pháp luật”.
14 năm trong tù, Hương nói rằng mình không hề được gia đình tiếp tế vì gia đình quá nghèo. Cùng là thủ phạm trong vụ án giết người ấy, còn có em rể của Hương phải chịu mức án 18 năm và cháu của Hương – con dượng của nạn nhân chịu mức án 15 năm. Nữ phạm nhân ngậm ngùi nói: Tất cả là do cái nghèo, đó là nguyên nhân chính của vụ án đau buồn của những người thân trong gia đình ấy.
“Tôi đã không thể kiềm chế được mình”
Nhà tôi ở một xã nghèo huyện Đức Linh – Bình Thuận. Má tôi sinh được 6 anh chị em nhưng 3 anh chị đầu đều mất từ khi còn rất nhỏ, ba tôi cũng mất sớm nên chỉ có 4 mẹ con tôi sống cùng nhau. Chị tư của tôi cũng là chị gái lớn nhất trong nhà nhưng chị ấy rất đa đoan. Chị ấy lấy chồng sớm, sinh được 2 con trai nhưng rồi cũng sớm chia tay chồng.
Năm 1988, do gia đình quá nghèo nên tôi phải bỏ nhà xuống Sài Gòn làm công nhân may thuê cho người ta để có tiền phụ giúp gia đình. Đi làm xa nên mỗi năm, tôi chỉ về nhà 2 lần để đưa tiền cho má và chị tôi nuôi các cháu. Đến năm 1990 thì chị gái tôi muốn đi thêm bước nữa.
Lần đó tôi về nhà và nghe má tôi kể về người đàn ông mà chị tôi muốn lập gia đình càng. Người đàn ông ấy không phải là người tốt nên cả tôi và má tôi đều phản đối. Trước đó, anh ta đã từng có một đời vợ. Khi người vợ đó bị bố đẻ của anh cưỡng hiếp, anh ta nói một câu không thể chấp nhận được rằng: “Tao lấy vợ về để tao và ba tao xài chung!”. Không những thế, anh ta còn thường xuyên uống rượu và rất lăng nhăng nên cả tôi và má tôi không muốn chị tôi phải khổ thêm lần nữa.
Nhưng khi đó chị tôi rất cương quyết, chị nói rằng có thể trước đây anh ta là người xấu nhưng chị sẽ dùng tình cảm để cảm hóa anh ta dần. Anh ta cũng hứa rằng sẽ thương yêu các cháu tôi như con đẻ của mình. Do không cản được chị tôi nên gia đình tôi đành phải đồng ý cho chị làm lại với người đàn ông ấy. Tôi cũng động viên anh ta rằng hãy cố gắng thương chị và các cháu tôi, tôi sẽ làm thuê để phụ thêm với anh chị nuôi gia đình.
Thế nhưng sau khi cưới nhau về, anh ta không hề thay đổi. Anh ta bắt chị tôi phải trả các con và thường xuyên đánh đập chị tôi. Có hôm trời mưa, anh ta dúi đầu thằng nhỏ mới 4 tuổi xuống nước, khi giằng được và đưa nó lên thì mặt mũi nó đã đỏ gay gắt do uống quá nhiều nước, phải bóp miệng một lúc, nó mới ho và nôn nước ra hết được. Thằng lớn mới 8 tuổi mà anh ta bắt nó phải đi làm mướn. Nó đi làm về, anh ta còn đánh nó rất dã man.
Nhà tôi khi đó nghèo, nhà là nhà nền đất. Tới bữa, cơm đã không có mà ăn vậy mà anh ta còn đổ cơm xuống đất, không nhặt lên ăn được nữa. Trời mưa to bão lớn mà anh ta đuổi tất cả mọi người ra khỏi nhà, rồi cầm dao đứng ở cửa và dọa nếu có ai bước vào nhà thì đã chém chết. Chúng tôi có cơm mà không được ăn, có nhà không được ở. Má tôi đã lớn tuổi nên suy sụp rất nhanh và bị bệnh. Má bệnh, anh ta còn không cho chị tôi chăm sóc cho má. Khi chị mua cho má tôi một gói mỳ, anh ta hất bỏ, đánh chị tôi và chửi lớn: “Mày có tiền không đưa cho chồng mà giấu để mua đồ ngon cho má mày à?”. Khi tôi về tới nhà, má tôi bệnh 15 ngày mà không có ai chăm sóc. Tôi phải cấp tốc đưa má đi bệnh viện, cũng may mà còn kịp. Quả thực, lúc đó tôi không còn lời nào để nói với chị tôi nữa. Trước khi đi, tôi đưa tiền cho cô y tá bên hàng xóm và dặn nếu má cần gì thì cứ tiêu, nếu thiếu, về tôi sẽ gửi thêm.
Video đang HOT
Năm 1998, tôi vừa về tới nhà thì chị gái tôi quỳ xuống chân tôi khóc lóc: “Em cứu chị, em đưa chị đi trốn, nếu cứ thế này chị không sống được nữa”. Khi đó tôi không biết phải làm sao cả vì quê tôi ở tuốt miền Trung, ba má tôi đã rời quê mấy chục năm rồi nên giờ ở đó không còn ai thân thích cả, ở thành phố chỗ tôi làm thuê thì ai biết người nấy, chứ làm sao họ cưu mang được cả 7 người của gia đình tôi được. Đúng lúc tôi đang rối nhất thì thằng em rể tôi tới mượn tiền. Tôi nói chuyện với nó, nó trả lời: “Chị cứ để em, chị không phải đi đâu hết. Giờ nếu chị đi trốn, ảnh ở đây bán hết nhà cửa thì sau này về bằng gì?”. Trong túi tôi lúc đó chỉ còn mười mấy triệu bạc, có đi trốn thì cũng không đủ tiền lo cho cả gia đình. Tôi cho nó vay tiền và đồng ý làm theo kế hoạch của nó.
Bữa đó, tôi và thằng con cả của chị tôi chuốc cho anh ta say rượu, sau đó giết chết ảnh rồi cho vào bao tải quăng xuống sông. Sau khi gây án xong, tôi quay trở lại Sài Gòn làm việc vì không đủ dũng khí đi đầu thú, đối diện với những việc mà mình đã gây ra. Gần một năm sau, người ta tìm được cái xác và tôi bị bắt, kết án 20 năm tù, em rể tôi 18 năm và thằng cháu chịu án 15 năm.
Sau khi má mất, tôi chỉ còn biết nương nhờ cửa Phật
Tôi vào đây đã 14 năm rồi, chị gái cũng lên thăm được vài lần, em gái thì chưa lên lần nào vì nhà tôi nghèo quá, không có điều kiện để tiếp tế. Mà chung quy lại, vụ án này cũng là do cái nghèo mà ra. Em rể và cháu tôi đã hết hạn cải tạo, đều đã trở về nhà rồi. Cháu tôi ngay sau khi ra tù cũng đã lấy vợ và có gia đình riêng, ở đây, mỗi tháng tôi cũng được cán bộ tạo điều kiện cho gọi điện về nhà nhưng tôi cũng không gọi vì gọi về cũng chẳng biết nói gì, chỉ làm cho gia đình thêm lo lắng. Tôi cũng đã được giảm án 4 lần, chỉ còn phải cải tạo hơn 1 năm nữa thôi là hết hạn. Má tôi năm nay đã 83 tuổi nhưng do thiếu ăn, không có người chăm sóc thường xuyên nên khổ lắm. Bây giờ thì lại già quá rồi, không ăn được gì nữa. Tôi chỉ sợ không kịp mãn hạn tù để về gặp má, chăm sóc má tôi những năm tháng cuối đời. Bây giờ tôi cũng già rồi, không thể đi đâu được nữa ngoài về quê.
Tôi ở đây riết cũng đã quen rồi. Ở ngoài, tôi không có chồng con gì nên giờ về chỉ còn má là người mà tôi phải quan tâm, lo lắng nhiều nhất. Ở trong này, tôi chỉ buồn nhất mỗi khi Tết đến. Nhìn những bạn tù khác có người lên thăm nom, trợ cấp mà mình thấy chạnh lòng, nước mắt cứ trào ra.
Nhìn gương mặt của tôi vậy thôi chứ tôi không có bệnh gì cả. Tôi bị như vậy là do bẩm sinh rồi nên cũng không ai dám thương, ở trong trai giam này cán bộ tốt với tôi lắm. Cán bộ tạo điều kiện cho tôi được làm công việc quét dọn ở quanh khu làm việc vì tuổi tôi đã lớn rồi, lại yếu nữa nên không làm được nhiều.
Sau khi ra tù, tôi sẽ về quê chăm sóc má nếu như còn cơ hội. Sau khi má tôi mất, tôi xin được nương nhờ cửa Phật để qua nốt quãng đời ngắn ngủi còn lại của đời mình. Tôi không có con, không có gia đình riêng nên nếu được như vậy là tốt nhất. Tôi không muốn mình phải lụy phiền tới các cháu bởi chúng cũng có cuộc sống của riêng mình, hoàn cảnh chúng cũng khó khăn, mình không trở thành gánh nặng của chúng như thế được.
Đoạn kết: Buồn
Khi mới gặp, tôi không thể tin rằng gương mặt già nua đang ngồi trước mặt tôi lại là của một người phụ nữ mới 46 tuổi. Trong suốt cuộc trò chuyện ngắn ngủi ấy, tôi phải kiềm chế nhiều lần để không tràn ra những giọt nước mắt khi nghe Nguyễn Thị Hương kể lại cuộc đời. Tôi không phải là kẻ dễ tin người sau hàng nghìn con người, hàng nghìn số phận mà tôi có cơ hội tiếp xúc nơi trại giam, nhưng tôi tin bởi người đàn bà ấy, chẳng còn gì mà phải dối trá với tôi, khi chị đã trải qua một quãng đời buồn tủi, đằng đẵng trong trại giam.
Với bất kỳ phạm nhân nào, ngày trở về với xã hội có lẽ là ngày hanh phúc và sung sướng nhất. Với người phạm nhân ấy, ngày về đối với chị, dù nó rất gần, những cũng chẳng có gì đáng chờ đợi hơn ngoài chuyện chăm sóc người mẹ già ốm yếu, bệnh tật mà chị vẫn luôn đau đáu hướng về. Viễn cảnh mà chính bản thân chị cũng đã nhìn thấy, đó là một đoạn kết buồn cho một cuộc đời với những niềm vui ít như ánh sáng của một tia nắng tắt.
Theo ANTD
Buồn tủi vì có con rể lạnh nhạt như nước đá
Lúc không có vợ nó ở đấy, con rể lại quay sang chửi đổng tôi. Kiểu như: "Sao nhà này lắm người ăn hại thế nhỉ? Đến là quần áo đơn giản như thế còn không biết thì biết làm cái gì?". Hay: "Bà lau dọn nhà mắt mù hay sao mà làm vỡ cái bình"?
Con gái tôi lấy chồng đã gần 5 năm nay và đã có hai con. Cháu lớn năm nay đã gần 4 tuổi. Cháu thứ 2 chưa được 7 tháng tuổi. Bà thông gia là giáo viên chưa về hưu nên vẫn còn đi làm. Thương con gái vừa đi làm vừa chăm con vất vả, tôi đành khăn gói lên Hà Nội ở nhà con từ khi 2 vợ chồng nó sinh cháu đầu tiên.
Cả hai vợ chồng con gái tôi đều làm kế toán ở hai công ty khác nhau. Tiền kiếm được thì cũng tương đương nhau và độc lập về kinh tế. Mỗi tháng, tôi thấy vợ chồng chúng góp tiền chung để nuôi con và chi tiêu trong gia đình cũng thoải mái.
Ngày trước, dù mẹ con không ở cùng nhau, dù con rể cũng chẳng chuyện trò nhiều nhưng qua lời con gái kể, tôi cứ ngỡ con rể tốt tính và ngoan hiền lắm. Song chẳng hiểu sao, sau gần 4 năm ở cùng vợ chồng nó, tôi bỗng có rất nhiều điều bực dọc và tủi thân vì con rể.
Tôi chỉ 1,2 lần ý tứ bảo với con gái: "Mẹ sẽ chỉ cố trông cái T (cháu thứ 2 của tôi) đến 2 tuổi là sẽ về quê luôn. Mẹ không ở đây nữa. Con tự mà lo liệu lúc ấy nhé". Lần nào nói ráo với con gái, con cũng bảo: "Mẹ ở đây không thoải mái sao?". Những lúc ấy, tôi chỉ nói không mà chẳng muốn kể rõ những tủi thân, cơ cực trong lòng.
(Ảnh minh họa - Nguồn: inmagine)
Một ngày của tôi ở nhà vợ chồng nó chẳng lúc nào ngơi tay. Tôi trông cháu cho 2 đứa đi làm từ sáng đến tối. Đến những trưa cuối tuần, trong khi vợ chồng nó ngủ tít thì tôi vẫn phải thức trông cháu.
Thực ra, trông con, trông cháu tôi cũng không muốn kể công này nọ vì đó cũng là niềm vui của bậc làm cha mẹ. Nhưng tôi chỉ tủi thân và bực bội khi con rể cũng chẳng có lấy một lời hỏi han, động viên mẹ. Đi làm về con rể tôi cứ "câm như hến", không chuyện trò. Với nó hình như chỉ biết mỗi mấy cây cảnh và mấy con chim vành khuyên.
Có lần luống cuống dọn dẹp nhà cửa thế nào, tôi làm vỡ cái bình hoa thủy tinh của con rể. Lúc hai vợ chồng nó đi làm về, tôi kể sự tình. Con gái tôi cười xuề xòa bảo hôm nào đi mua cái khác. Nói thật, tôi cũng tiếc và áy náy vô cùng vì nghe đâu lọ hoa này là tặng vật một người bạn của con rể mua ở nước ngoài tặng lúc khánh thành nhà mới.
Trái ngược với con gái, con rể tôi tỏ thái độ ra mặt. Nó cau có nhấm nhẳng nói: "Bà lau dọn nhà mắt mù hay sao mà làm vỡ cái bình"? Nói rồi nó vùng vằng lên gác và không quên ném cái nhìn khó chịu.
Rồi chuyện giặt quần áo hàng ngày tôi cũng bị con rể để ý. Thấy tôi giặt riêng các loại quần áo màu và trắng, con rể quát: "Bà giặt thế để mà tổ tốn nước à? Bà có biết một khối nước ở thành phố bao tiền không? Cứ lẩm cà lẩm cẩm, tiền chùa đâu cơ chứ".
Mấy lần vì con gái bận trông con, tôi nhận là lượt quần áo cho con rể. Dù đã cố gắng, nhưng chắc tôi vẫn chưa là phẳng lỳ những ly áo quần như mong muốn. Thế là khi thay quần áo đi làm, con rể tôi nhăn nhó và tỏ ý khó chịu.
Lúc không có vợ nó ở đấy, con rể lại quay sang chửi đổng tôi. Kiểu như: "Sao nhà này lắm người ăn hại thế nhỉ? Đến là quần áo đơn giản như thế còn không biết thì biết làm cái gì?".
Mặc dù rất "lười làm việc nhà" nhưng con rể lại hay "để ý" mẹ vợ từng tí một. Những câu nói tuy vô tình song rất cay nghiệt của nó cứ cứa vào lòng tôi đau nhói. Nhiều lần, tôi lén lau những giọt nước mắt tủi thân tuôi chảy để cho con gái không nhìn thấy. Tôi không muốn con gái phải nghĩ ngợi rồi mâu thuẫn với chồng.
Tôi cũng chẳng muốn gọi điện về nhà kể lể với chồng những chuyện ở trên này. Bởi vì nếu biết tôi bị con rể mắng xơi xơi, chắc ông đã bắt tôi về ngay lập tức. Nhà tôi ở quê thật nhưng cũng đủ đầy, chẳng thiếu thốn thứ gì. Vợ chồng tôi riêng tiền lương hưu cũng tiêu chẳng hết. Chỉ vì thương con cháu mà tôi vác thân già lên đây thôi.
(Ảnh minh họa - Nguồn: inmagine)
Tôi chẳng đòi hỏi gì nhiều nhặn. Tôi chỉ muốn những khi mệt nhọc được các con hỏi han động viên là đã khỏe và vui lắm rồi. Nhưng để ý lần nào tôi ốm, cũng chỉ có con gái rối lên hỏi han và chăm sóc. Còn con rể thì chẳng được một câu hỏi thăm tình cảm. Lúc nào nó cũng lạnh nhạt như cục nước đá khiến tôi không muốn nghĩ ngợi cũng phải nghĩ.
Lựa những đợt nghỉ dài ngày của 2 vợ chồng nó, tôi cũng về thăm nhà. Thế nhưng con rể cũng chẳng bao giờ mua cho mẹ vợ một thứ gì làm quà cho bố vợ hoặc các cháu ở nhà. Hay dù hôm ấy vào ngày nghỉ, con rể chưa lần nào bảo: "Để con đưa mẹ ra bến xe". Vì thế, cứ mỗi lần ra bến xe, tôi lại trào nước mắt vì buồn.
Viết đến đây, giờ tôi mới nhớ ra, con rể cũng chưa một lần gọi điện về hỏi thăm bố vợ ở nhà. Đợt vừa rồi mưa bão to thế, quê tôi mất điện và cây cối đổ hết, thế mà con rể cũng chẳng được một câu thăm hỏi. Một năm nó chỉ về nhà bố mẹ vợ khoảng 2 lần: vào dịp hè và lễ tết cho tròn nghĩa vụ.
Nhiều đêm nằm nghĩ ngợi mà tôi trào nước mắt ướt cả gối vì tủi thân. Ngẫm ra, tôi chưa từng nặng nhẹ với con rể một lời, vậy sao con rể nỡ lạnh nhạt và cay độc với cả mẹ vợ thế? Chẳng lẽ tôi lên ở nhà chúng, đỡ đần chúng là sai sao?
Dù mang tiếng đang ở Hà Nội cùng với con cháu, nhưng tâm trí tôi chỉ muốn về quê ở với ông nhà. Nhưng con gái tôi cũng cần mẹ đỡ đần nhiều lắm. Nếu tôi về quê thì nó làm sao xoay xỏa được với một đống việc nhà và 2 con nhỏ đây?
Theo afamily
Cha con tử tù nuốt nước mắt, lặng lẽ nhìn nhau qua song sắt Giây phút trùng phùng trong hoàn cảnh éo le ấy chỉ diễn ra ngắn ngủi qua song sắt trại giam. Nhìn người cha tử tù qua song sắt, đứa con gái mồ côi mẹ trong vụ thảm án nơi bến đò nước mắt nghẹn ngào. Tử tù Nguyễn Khắc Long - kẻ khắc hai chữ "hận tình" trên dao rồi đem đi giết...