Đoàn giám sát UBTV Quốc hội làm việc với gia đình tử tù Hồ Duy Hải
Bà Lê Thị Nga mẹ của Hồ Duy Hải cho biết sau khi làm việc với gia đình, đoàn giám sát sẽ đến trại giam để tiếp xúc với bị án Hồ Duy Hải…
Ngày 24/12, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ bị án Hồ Duy Hải ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho biết đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có buổi làm việc với gia đình bà để trao đổi về việc bà kêu oan cho con. Người trực tiếp trao đổi với bà Loan là Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga.
Bản án phúc thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Hải đã có hiệu lực từ tháng 4-2009 – Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
Theo bà Loan, đoàn giám sát đã hỏi rất sâu về Hồ Duy Hải từ khi còn nhỏ, việc học hành, sở thích, bị bắt lúc nào, lý do bị bắt và bị kết án tử hình, đã mời bao nhiêu luật sư hỗ trợ pháp lý, kể lại những lần đi thăm nuôi, đặc biệt là trao đổi về lý do gia đình kêu oan cho Hồ Duy Hải và hành trình bảy năm đi kêu oan như thế nào…
Bà Loan đã nộp cho đoàn giám sát hồ sơ kêu oan kèm theo đơn xin hoãn thi hành án tử hình có bút phê đồng ý của phó chánh án TAND tỉnh Long An Lê Quang Hùng ngày 4-12 và trả lời tất cả những câu hỏi của đoàn (có biên bản làm việc).
Theo bà Loan, sở dĩ gia đình bà đi kêu oan từ Nam ra Bắc suốt bảy năm qua là xuất phát từ dư luận tại địa phương sau khi con bà bị khởi tố tội giết hai nữ nhân viên bưu cục Cầu Voi. Lúc đó dư luận cho rằng Hải chỉ là người “thế thân” cho một người khác.
Trước khi TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm thì Hải đã kêu oan với luật sư, rồi ra tòa cuối năm 2008 cũng kêu oan. Sau này khi gia đình xem lại hồ sơ vụ án thì thấy nhiều chi tiết mâu thuẫn, không rõ ràng. Lý do quan trọng khiến bà Loan liên tục gửi đơn và gõ cửa nhiều cơ quan ở trung ương kêu oan chính là niềm tin mách bảo con bà không phạm tội giết người, cướp tài sản.
Video đang HOT
Bà Loan cũng trình bày từ khi Hồ Duy Hải bị tạm giữ rồi khởi tố, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm thì gia đình đã nhờ tới sáu luật sư ở Long An và TP.HCM hỗ trợ pháp lý. Nhiều luật sư không ký hợp đồng với gia đình nhưng cũng nghiên cứu hồ sơ, phân tích những vấn đề cần phải làm rõ thêm.
Bà Lê Thị Nga cho biết sau khi làm việc với gia đình, đoàn giám sát sẽ đến trại giam để tiếp xúc với bị án Hồ Duy Hải. Bà Nga còn dặn gia đình nếu có thông tin gì cần bổ sung thì có thể gọi điện thoại trực tiếp cho bà./.
Theo_VOV
Bảy năm lăn lóc chầu chực kêu oan của gia đình tử tù Hồ Duy Hải
Từ ngày con trai bị kết án tử đến nay đã bảy năm, gia đình bà Loan luôn tin và một mực khẳng định con trai bà vô tội. Để minh oan cho con trai, gia đình bà Loan chạy vạy, vay mượn khắp nơi làm lộ phí cho cuộc hành trình từ Nam ra Bắc gõ cửa cầu cứu cơ quan chức năng, ấp ủ hy vọng ngày con trai được minh oan sẽ đến...
Bảy năm lang bạt kêu oan
Những đơn thư cầu cứu đều đặn được bà Nguyễn Thị Loan (SN 1963, mẹ Hồ Duy Hải, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền 2 lần/tháng trong suốt bảy năm qua. Thế nhưng, những lá đơn mà bà Loan gửi đi cũng giống như đá ném xuống vực thẳm. Bởi ngần ấy năm trôi qua, bà Loan héo mòn, tiều tụy từng ngày chờ đợi sự hồi đáp trong vô vọng. Thế nhưng, mỗi khi nghĩ về đứa con trai tội nghiệp bị oan ức, sống cảnh tù tội lại thôi thúc gia đình bà Loan nuôi dưỡng hy vọng.
Sau khi bà Loan cùng chị gái là bà Nguyễn Thị Rưởi (SN 1957) vừa kết thúc cuộc hành trình kêu oan từ Hà Nội trở về tỉnh Long An, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp. Nói về cuộc hành trình đi tìm công lý còn bị che lấp trong vụ án của Hải, bà Rưởi chia sẻ: "Mỗi năm, chị em tôi nhiều lần dắt díu nhau ra Hà Nội mong muốn gặp được người có thẩm quyền xem xét lại những điều chưa thỏa đáng trong Vụ án của Hải. Không biết bao nhiêu lần hai chị em chầu chực, cầu cứu khắp các nơi nhưng đều vô vọng. Trong khi đứa cháu ngày một cận kề cái chết khiến chúng tôi nơm nớp lo sợ".
Bà Rưởi cùng em gái trò chuyện với PV (ảnh Thơ Trịnh).
Sau những lần kêu cứu thất bại, hai chị em bà Rưởi đã bàn bạc đi đến quyết định đưa ra ba giải pháp khả dĩ nhất. "Phương án thứ nhất của chúng tôi là xin gặp bằng được Văn phòng Quốc hội; Phương án hai là gặp quan chức, người có thẩm quyền với mong muốn họ có thể xem xét lại vụ việc một cách khách quan nhất. Không những thế, chị em tôi còn bàn bạc với nhau trong trường hợp bắt đắc dĩ không gặp được những người cần gặp thì buộc phải sử dụng phương án thứ ba là hành động. Chúng tôi dự định sẽ viết băng rôn, gào thét trước cổng cơ quan chức năng với mong muốn gây sự chú ý để họ bớt chút thời gian tiếp nhận đơn thư. Tuy nhiên, trong vòng bảy năm kể từ khi Hải bị bắt cho đến trước ngày 25/11, chúng tôi đều cố gắng giữ bình tĩnh chờ đợi cán cân công lý, sự nghiêm minh của pháp luật"- bà Rưởi cho biết.
Nhắc đến cuộc hành trình dài dằng dặc đi tìm cán cân công lý cho Hải, bà Loan suy sụp hoàn toàn. Càng ám ảnh hơn khi nhiều ngày làm việc tại gia đình Hồ Duy Hải, PV chứng kiến những tiếng khóc yếu ớt văng vẳng của bà Loan. Bà Loan thều thào nức nở: "Bảy năm nay, tôi héo mòn chờ đợi sự công tâm của pháp luật. Với đức tin của một người mẹ trong tôi luôn nuôi dưỡng tâm nguyện phải đi kêu oan tới phút cuối cùng. Chính vì vậy, từ sau khi sự việc xảy ra, chị em tôi đã đi đến tất cả các nơi cần phải đến với mong muốn nhận được sự giúp đỡ làm rõ những điều uẩn khúc trong vụ án".
Chia sẻ về những khó khăn trong hành trình kêu oan cho con trai, bà Loan chia sẻ: "Trong cả cuộc hành trình ấy những người thân trong gia đình tôi không quan tâm đến cái gọi là sĩ diện nữa. Thậm chí, chúng tôi gần như bỏ bê bản thân, chỉ biết ngày ngày tìm đến gõ cửa các cơ quan chức năng có thẩm quyền để cầu cứu. Không ít đêm hai chị em ngủ lăn lóc ngoài công viên để không phải bỏ tiền thuê trọ. Nhiều đêm chống chọi với mùa đông tại Hà Nội, chị em tôi co ro giữa một góc trời xa lạ không người thân, không nhà cửa, cùng với nỗi buồn vô vọng. Trong suốt cuộc hành trình dài, tôi gần như không biết mình là ai mà chỉ biết làm theo bản năng của người mẹ cần phải làm gì đó cho con của mình".
Căn nhà của bà Loan đã không ít lần đón nhận tin dữ về Hồ Duy Hải.
Hồ Duy Hải và kỳ án Bưu điện Cầu Voi: Lật lại vụ án mạng kinh hoàng
Những ngày hoảng loạn
Ngoài muôn vàn khó khăn gặp phải nơi xứ người, cuộc sống của gia đình bà Loan ở quê cũng hoàn toàn bị xáo trộn. Khẽ nhìn người thân trong gia đình, bà Loan với những ánh mắt đượm buồn, cố gắng nở nụ cười khi có người đến hỏi thăm: "Từ sau khi vụ án xảy ra, mọi người trong gia đình suy sụp hoàn toàn. Công việc bỏ bê, gia đình dồn toàn bộ sức lực, tiền của vào việc kêu oan cho Hải. Cũng may, anh chị em trong gia đình rất đoàn kết, vay mượn cùng giúp tôi đi tìm lại sự công bằng cho Hải".
Ngoài những khó khăn nói trên, gia đình bà Loan gặp không ít những điều bất trắc trong quá trình đi tìm sự thật. Giải thích về điều này, bà Rưởi cho hay: "Bảy năm nay, chúng tôi bắt gặp vô số những cuộc điện thoại từ những người lạ. Hầu hết những cuộc điện thoại lạ gọi đến cho tôi đều nói rằng muốn giúp gia đình tôi tìm công bằng cho Hải. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về thông tin cá nhân của những người này thì họ đều khước từ nói: "Bà không cần biết tôi là ai, chỉ cần biết tôi là người giúp bà". Tôi càng không hiểu và đặt ra nghi vấn khi những con người bí ẩn này đều khuyên chúng tôi ngừng kêu oan. Cứ thế, bảy năm nay tất cả người thân trong gia đình tôi đều bị ám ảnh bởi những cuộc điện thoại như vậy. Chúng tôi gần như không biết đâu là thật, đâu là giả để gửi gắm niềm tin đúng nơi".
Cùng chung một bầu tâm sự, bà Loan chia sẻ: "Bảy năm đi tìm sự thật sau bản án tử của Hải, chúng tôi đối diện với không ít sự ghẻ lạnh của những người có thẩm quyền. Thái độ thờ ơ của họ gần như giết chết niềm tin về chân lý của chúng tôi, thậm chí khiến chúng tôi phải uất nghẹn trước những hành động vô cảm của một số cán bộ chức năng mà tôi không tiện nói ra ở đây. Trong khi, cuộc sống của chị em tôi vật vờ từng ngày ngoài đường".
Mọi thứ càng trở nên hãi hùng khi bà Loan cho biết: "Ngày 25/11, có hai người bên TAND tỉnh Long An đến thông báo quyết định thi hành án tử hình đối với Hải bằng hình thức tiêm thuốc độc. Họ hỏi gia đình có làm đơn xin nhận xác Hải về mai táng hay không. Giây phút đó khiến gia đình tôi vô cùng đau đớn, không đồng ý với những gì họ vừa thông báo. Tôi nói với họ rằng: "Con tôi không thể chết khi uẩn khúc của vụ án chưa được làm sáng tỏ!". Và rồi, ngay lập tức, tất cảó các thành viên trong gia đình tôi quyết định lên đường, ra Hà Nội tiếp tục kêu oan khẩn thiết...".
Đang rối bời nơi mảnh đất Thủ đô, chị em bà Loan bỗng nhận được điện thoại của một người tự xưng đến từ đài truyền hình. Người này nói gia đình bà Loan về Long An để họ vào quay phim gấp nhằm góp tiếng nói cho việc đề nghị hoãn thi hành án tử hình đối với Hải. Bà Loan nói: "Giống như một chiếc phao cứu sinh, chúng tôi tức tốc ôm đồ đạc trở về Long An. Thế nhưng, sáng 4/12 chúng tôi về đến Long An thì trưa cùng ngày có người báo tin đã có quyết định thi hành án tử hình Hải vào ngày 5/12. Tất cả hy vọng vụt tắt và chỉ còn lại sự hoảng loạn cho gia đình tôi...".
Trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo ấp 1 (xã Nhị Thành) cho hay: "Sau khi vụ án của Hải xảy ra, chính quyền địa phương cũng đã đến hỏi thăm, động viên tinh thần gia đình bà Loan".
Theo Đời sống Pháp luật
Long An: Hoãn thi hành án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải Theo PL TPHCM, ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An vừa xác nhận thông tin hoãn thi hành án tử hình đối với tử tù này. Theo quyết định thi hành án tử hình do Chánh án TAND tỉnh Long An đã ký từ trước, ngày mai (5/12), Hội đồng thi hành án tử hình Tỉnh Long An sẽ...