“Dọa” đóng cửa Lọc dầu Dung Quất: Chưa có cơ sở?
Việc Lọc dầu Dung Quất đưa ra lý do là chênh lệch thuế khiến các doanh nghiệp xăng dầu trong nước từ chối sử dụng các sản phẩm từ Dung Quất để quay sang dùng xăng dầu nhập khẩu, đại diện Bộ Tài chính khẳng định là “chưa có cơ sở”.
Tại buổi họp báo chuyên đề về việc giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu tổ chức sáng 15/4, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã trả lời một số vấn đề liên quan tới thông tin Nhà máy lọc dầu Dung Quất đứng trước nguy cơ thua lỗ phải đóng cửa.
Theo đó, ông Thi cho biết, Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS – đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất) đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính có chính sách thuế hợp lý để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không phải đóng cửa.
Theo ông Thi, điều BRS lo là thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) xăng đang áp dụng cho BRS ở mức 35%. Trong khi đó, mức thuế suất nhập khẩu theo cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chỉ ở mức 20% và mức thuế nhập khẩu trong Hiệp định thương mại ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Trung Quốc cũng đều giảm. Do đó, BRS lo ngại với mức thuế áp dụng theo các cam kết này thì các sản phẩm từ Lọc dầu Dung Quất có giá cao hơn và sẽ không bán được hàng.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổng Cục Hải Quan từ 1/1 đến 10/3, các mặt hàng xăng khoáng dầu madut, dầu hỏa nhập từ ASEAN đều áp dụng mức thuế ưu đãi, không áp dụng ưu đãi đặc biệt ATIGA vì lý do chưa có xuất xứ hàng hóa C/O. Như vậy, việc BRS đưa ra lý do là chênh lệch thuế khiến các doanh nghiệp xăng dầu trong từ chối sử dụng các sản phẩm từ Dung Quất để quay sang dùng xăng dầu nhập khẩu là chưa có cơ sở”, ông Thi nói.
Cụ thể hơn, ông Thi cho biết, thực hiện cam kết nội khối ASEAN ATIGA hay ASEAN – Hàn Quốc và Trung Quốc, mặt hàng xăng dầu muốn áp dụng thuế nhập khẩu trong nội khối ASEAN thì doanh nghiệp phải có C/O form D. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong nước chưa có được chứng nhận này do phải mất một khoản chi phí và bản thân nguồn gốc xuất xứ tại một số nước hiện không đạt tiêu chuẩn cam kết ASEAN đặt ra.
Trả lời câu hỏi tại sao Bộ Tài chính chỉ giảm mạnh thuế suất nhập khẩu xăng xuống 20%, còn thuế suất với mặt hàng dầu vẫn giữ nguyên chưa giảm xuống mức 5% theo như lộ trình đã cam kết, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, việc điều chỉnh thuế như hiện tại đã giúp giảm mức chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA.
“Kiến nghị của BRS về cơ bản đã được giải quyết, Bộ Tài chính cũng đã tính các phương án tác động tới nhà sản xuất trong nước và rủi ro cho nền kinh tế. Những điều chỉnh vừa qua cũng giúp giải quyết cơ bản những lo ngại của nhà máy lọc dầu trong nước trước sức ép thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan trong ASEAN, kích thích tiêu thụ xăng dầu nội địa”, ông Thi nói.
Trước đó, chia sẻ với báo giới, ông Vũ Mạnh Tùng, Phó tổng giám đốc BSR cho hay, nếu áp dụng chính sách mà Bộ Tài chính ban hành thì Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong thời gian tới sẽ có nguy cơ đóng cửa do các đối tác từ chối nhận hàng bởi sản phẩm của Dung Quất sẽ cao hơn giá bán từ các nước ASEAN.
Về nguy cơ đóng cửa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tại buổi giao lưu trực tuyến cùng ngày, ông Ninh Văn Quỳnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẳng định: “Nhà máy lọc dầu Dung Quất không thể đóng cửa được”.
“Tuy nhiên, nếu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy khác. Chính vì thế, hiện nay, PVN đang trình các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, báo cáo Thủ tướng đề xuất có chính sách về giá bán sản phẩm, thuế đối với các mặt hàng xăng dầu sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu để giá cả các sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể cạnh tranh được với lại các loại sản phẩm tương đương nhập khẩu”, lãnh đạo PVN nói.
Phương Dung
Theo Dantri
Trung Quốc điều tra các quan chức cấp cao ngành điện
Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Đông ngày 2/4 thông báo bắt đầu lập án điều tra hành vi tham nhũng đối với Phó Tổng giám đốc Công ty lưới điện Nam Phương. Trước đó, hàng loạt quan chức cấp cao của ngành điện lực Trung Quốc đều đã bị "sờ gáy".
Phó Tổng giám đốc Công ty lưới điện Nam Phương Tiêu Bằng. (Ảnh: China News)
Theo China News, thông báo cho biết ông Tiêu Bằng, Phó Tổng giám đốc Công ty lưới điện Nam Phương bị tình nghi phạm tội và bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Đông lập án điều tra.
Tiêu Bằng, sinh tháng 1/1956, từng tốt nghiệp Đại học nhân dân Trung Quốc. Ông từng đảm nhận một số chức vụ như: Chủ nhiệm Văn phòng công tác giám đốc Công ty điện lực Quốc gia (8/2000), Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn điện lực Vân Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty phát triển thủy điện sông Lan Thương, Vân Nam (9/2000), Phó giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty lưới điện Nam Phương (12/2002).
Từ đầu tháng 3/2015, Ủy ban giám sát kỷ luật đã "tiến quân" vào Công ty lưới điện Nam Phương, nhiều quan chức cấp cao đã bị điều tra. Chỉ trong một tháng, Ủy ban này đã tiến hành điều tra 4 quan chức điện lực cấp cao.
Trước khi Tiêu Bằng bị điều tra, Phó Tổng giám đốc Công ty lưới điện Nam Phương Kỳ Đạt Tài, Nguyên Bí thư Công ty lưới điện Quảng Đông thuộc Công ty lưới điện Nam Phương Hoàng Kiến Quân, Cục trưởng Cục cấp điện Đông Quản Công ty lưới điện Quảng Đông Lôi Liệt Ba đều đã bị "sờ gáy".
Ngoài ra, năm 2014, nguyên Tổng giám đốc Công ty lưới điện Quảng Đông Ngô Châu Xuân cũng bị điều tra vì tham nhũng.
Hương Giang
Theo Dantri/ China News
Chechnya dọa đưa vũ khí sang Mexico nếu Mỹ cấp vũ khí cho Ukraine Quốc hội nước cộng hòa Chechnya thuộc Nga đã đáp trả nghị quyết của quốc hội Mỹ (về kêu gọi viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine) bằng việc đe dọa sẽ cung cấp vũ khí cho Mexico. "Việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ là tiền để để chúng tôi cung cấp "các loại vũ khí hiện đại nhất...