Đổ xô mua “thần dược” chống đột quỵ
Nhiều loại thuốc, sâm, cao sâm đang được bán tràn lan trên mạng với lời quảng cáo về tác dụng chống đột quỵ rất “thần kỳ” khiến nhiều người đổ xô đi mua.
Các loại “thần dược” chống và điều trị biến chứng đột quỵ được rao bán tràn lan trên mạng
“Thần dược” chống, điều trị biến chứng đột quỵ?
Hầu hết người bán đều cam đoan chỉ cần mỗi ngày uống một viên “thần dược” chống đột quỵ vào buổi sáng sẽ giúp mọi người đối mặt với nhiều biến cố trong cuộc sống. Thuốc cũng được quảng cáo có khả năng ngăn ngừa hiện tượng chảy máu não, xuất huyết não. Ngoài ra, người đã bị tai biến mạch máu não lâu ngày khi uống thuốc sẽ điều trị được các di chứng như liệt người, khó nuốt, hôn mê, tâm thần… Tin vào lời quảng cáo, nhiều người đã đổ xô đi mua.
Thử tìm mua một trong những loại thuốc này, chúng tôi liên hệ với người tên H.Đ. có số điện thoại 0902… đang rao bán an cung ngưu hoàng hàn với giá 700.000 đồng/hộp. Khi chúng tôi vừa hỏi mua, ông Đ. liền quảng cáo thuốc này có xuất xứ Trung Quốc, được nhập nguyên kiện mang về Việt Nam. “Thuốc của tôi bán là loại gia truyền, được làm theo công thức của các danh y thời xưa để lại. Thuốc do một người bạn thân ở Trung Quốc chia lại. Nếu không đặt mua trước thì khó lắm, vì nhập về là cháy hàng ngay”, ông Đ. nói.
Theo lời ông Đ., thuốc được bào chế từ ngưu hoàng, tê giác, hoàng cầm, hoàng liên, hùng hoàng, sơn chi, chu sa, mai phiến, xạ hương, trân châu… Tất cả nguyên liệu trên được tán thật mịn, dùng mật làm hoàn, lấy vàng lá áo bên ngoài. Bởi có nhiều thành phần quý hiếm nên loại thuốc ông Đ. bán không chỉ phòng ngừa mà còn có thể dùng cấp cứu cho người bị đột quỵ. Thậm chí, người đã bị đột quỵ, hôn mê, tiên lượng xấu, bác sĩ “trả về” khi uống an cung ngưu hoàng hàn sẽ tỉnh lại, hồi phục gần như hoàn toàn.
Thấy người mua lo ngại về việc trong thành phần của thuốc có chu (loại khoáng vật cinnabarit của thủy ngân sẵn có trong tự nhiên, có màu đỏ) mà phải uống hằng ngày, Đ. trấn an: “Cơ thể mình thông minh, sẽ tự động thanh lọc đào thải từ các chất cặn bã đến độc hại ra ngoài liền, không việc gì phải sợ”.
Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo có thể phòng chống đột quỵ rất phong phú, từ xuất xứ đến giá cả. Các sản phẩm được bán, ví dụ như viên uống ngăn ngừa và hỗ trợ sau tai biến Doctor’s Best Nattokinase (xuất xứ Mỹ) có giá hơn 1 triệu đồng/hộp 270 viên; Rutozym – TPCN chống đột quỵ, ổn định huyết áp (xuất xứ Mỹ) có giá 2 triệu đồng/hộp 120 viên; viên uống phòng ngừa và hồi phục đột quỵ Power HLP Nhật Bản giá khoảng 1,2 triệu đồng/hộp 60 viên; ngưu hoàng Thanh Tâm chống đột quỵ dạng nước (xuất xứ Hàn Quốc) giá 1,5 triệu đồng/hộp, TPCN hỗ trợ phòng chống tai biến, đột quỵ Vitaginus (xuất xứ Canada) có giá 265.000 đồng/chai 3 viên…
Tiếp tục tìm mua “thuốc thần”, chúng tôi hỏi đặt 20 hộp thuốc xuất xứ từ Hàn Quốc, loại 10 viên, giá 900.000 đồng. Ngay lập tức, người bán tên T. gọi đến số điện thoại chúng tôi cung cấp. Theo bà T., “thuốc thần” của bà có thể chống co giật, hạ huyết áp, cấp cứu, điều trị cho người bị tổn thương não lâu năm, bại liệt… Bà T. còn khẳng định thuốc toàn dược liệu quý, không chất bảo quản nhưng có thể để được đến hơn… 10 năm.
Nên điều trị bệnh lý nền thay vì mua thuốc
Phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng – Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện nhân dân 115 – cho biết: “Việc quá tin vào sản phẩm sẽ có tác hại khôn lường trong cấp cứu người bị đột quỵ, chưa kể việc không biết thành phần của chúng cũng sẽ có nhiều nguy cơ gây hại nếu tùy ý sử dụng”.
Video đang HOT
Bác sĩ Thắng khuyến cáo, khi đột quỵ xảy ra, không riêng gì các loại thuốc Đông y, mà cả thuốc Tây y cũng không được sử dụng cho người bệnh. Bởi nếu người bệnh bị triệu chứng khó nuốt, cơ thể đang phản ứng, khi đưa thuốc vào, nguy cơ hít sặc thuốc xuống phổi cao hơn, gây các biến chứng viêm phổi, thậm chí tử vong. Vì vậy, nếu phát hiện một người bị đột quỵ, hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để kịp thời gian vàng điều trị, không được tự xử lý trừ khi là người có chuyên môn về cấp cứu đột quỵ.
Thạc sĩ – bác sĩ Võ Văn Tân – Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện nhân dân Gia Định – nói thêm: “Đột quỵ là bệnh do tổn thương bán cầu đại não, tiểu não hoặc thân não, gây ra liệt nửa người; nếu tổn thương thân não có thể liệt tứ chi, nói khó, nói đớ, rối loạn thị giác, lơ mơ hoặc hôn mê.
Tổn thương não có nhiều nguyên nhân: do tắc nghẽn mạch máu não hoặc chảy máu não. Mỗi nguyên nhân có những cách điều trị rất khác nhau. Do đó, không thể dùng thuốc đặc hiệu khi chưa xác định đột quỵ đó là thiếu máu hay chảy máu, nếu nhầm lẫn thì không những không có lợi mà còn làm tình trạng trầm trọng thêm”.
Bác sĩ Tân cho hay: “Mỗi năm, Bệnh viện nhân dân Gia Định cấp cứu 2.200 – 2.300 trường hợp đột quỵ. Trong đó, chỉ khoảng 12% được đưa đến bệnh viện kịp thời. Có nhiều nguyên nhân làm cho bệnh nhân trễ cấp cứu, phổ biến nhất là người đột quỵ ở một mình, người phát hiện không biết người thân đột quỵ. Cũng có trường hợp người bệnh được cho uống thuốc khi bắt đầu xảy ra triệu chứng đột quỵ; đến lúc bệnh quá nặng, người nhà đưa đi bệnh viện thì đã quá muộn”.
Theo bác sĩ Tân, người dân không nên nghe theo những lời đồn mà sử dụng thuốc bừa bãi. Hiện tại, ở Bệnh viện nhân dân Gia Định, các loại thuốc kể trên không nằm trong danh mục điều trị hay khuyến cáo sử dụng thuốc ngừa đột quỵ.
Đặc biệt, tất cả người dân ở độ tuổi đi làm nên khám sức khỏe định kỳ. Đừng lầm tưởng đột quỵ chỉ xảy ra khi mạch máu não có vấn đề. Tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tim mạch… cũng là những nguyên nhân gây nguy cơ đột quỵ.
Người dân cần tập thể dục, có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuyệt đối không lạm dụng các loại TPCN hay chủ quan với những loại thuốc phòng, chống đột quỵ không rõ nguồn gốc.
Tiến sĩ – bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan đang điều trị cho một bệnh nhân đột quỵ
Theo tiến sĩ – bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, người dân phải cẩn trọng với các loại thuốc chống đột quỵ đang được chào bán tràn lan trên mạng. Bác sĩ Lan cho biết: “Sâm và cao sâm rất nóng, khi uống sâm có thể làm tim đập nhanh, càng dẫn đến huyết áp tăng. Sâm chỉ phù hợp với người khí suy hay cơ địa lạnh.
An cung ngưu hoàng hàn gồm nhiều loại như: vũ hoàng tĩnh tâm, vũ hoàng thành tâm được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Đây không phải thuốc phòng ngừa mà chỉ hỗ trợ trong điều trị đột quỵ. Tuy nhiên, phải đúng loại thuốc và bác sĩ trực tiếp kiểm tra, chỉ định liều lượng, nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Theo Đông y, an cung ngưu được xem là thuốc cấp cứu. Vì vậy, bệnh nhân chỉ được uống trong một thời gian ngắn theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sử dụng quá liều sẽ gây nhiều biến chứng. Đặc biệt là khi thuốc được bán tràn lan, nhiều nguồn gốc như hiện nay.
Hiện tại, trên mạng thường thấy an cung ngưu của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc… với hàm lượng thủy ngân khá cao, có thể gây ngộ độc. Với thuốc của Trung Quốc, rất nhiều hãng khá tôn trọng công thức gốc nên đa phần thuốc của nước này có chứa chu sa và một số chất nếu sử dụng lâu dài sẽ bị ngộ độc. Nếu đúng là thuốc an cung ngưu hoàng hàn thật, sẽ có giá từ 3,5 triệu đồng trở lên.
“Đột quỵ có nhiều nguyên nhân, thường gặp ở người có bệnh nền cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường hay người có tiền sử uống rượu bia… Vì vậy, nên điều trị bệnh lý nền hơn là đi mua thuốc phòng đột quỵ”, bác sĩ Lan nói thêm.
Gần 1.000 ca đột quỵ trong một tháng
Mới chính thức đi vào hoạt động được một tháng song Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận gần 1.000 bệnh nhân đột quỵ, đáng chú ý 10% là người trẻ, có trường hợp chỉ 14 tuổi.
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là đột quỵ não, gồm 2 dạng: xuất huyết não (mạch máu não bị vỡ) và thiếu máu cục bộ não xảy ra khi mạch máu đưa lên não hoặc trong não bị nghẽn do huyết khối, thành mạch xơ vữa.
Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trẻ hóa người mắc đột quỵ
Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên, tuy nhiên độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ.
Một bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết trong một tháng qua, Trung tâm tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó có tới 10% là bệnh nhân trẻ (dưới 44 tuổi). Hiện trong trung tâm có khoảng 10 ca là bệnh nhân trẻ, có ca chỉ mới 14 tuổi.
Bệnh nhân 14 tuổi đến viện với biểu hiện đau đầu nhưng rất may chưa có rối loạn vận động. Chụp cắt lớp các bác sĩ đã phát hiện dị dạng mạch não, nên tiến hành can thiệp tích cực.
Xử trí người đột quỵ tại nhà như thế nào trong chờ cấp cứu?
Biện pháp sơ cứu chủ yếu là đảm bảo hô hấp tốt: thông thoáng, không có dị vật, không bị sặc..., kiểm soát huyết áp. Đồng thời nhanh chóng di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế, hạn chế di động vùng đầu bệnh nhân, chứ không phải "đừng bao giờ di chuyển nạn nhân".
Cụ thể:
Khi phát hiện một người nghi ngờ bị đột quỵ
- Gọi người xung quanh đến hỗ trợ
- Đặt bệnh nhân nằm xuống giường hoặc nền cứng, nới bỏ quần áo, các vật có thể gây chèn ép vùng cổ tránh ảnh hưởng đến hô hấp
- Tư thế đặt bệnh nhân đầu cao, khoảng 20-30 độ so với mặt phẳng, nên quay đầu bệnh nhân sang một bên. Trong trường hợp bệnh nhân có rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, nôn sặc để không may bệnh nhân bị nôn thì sẽ nôn ra ngoài
Tránh tình trạng để nằm ngửa khi bệnh nhân nôn ra sẽ hít phải toàn bộ chất nôn, chất tiết vào đường hô hấp gây nguy hiểm tính mạng.
Nếu được chúng ta nên tháo hết răng giả, vật trong miệng, dùng khăn lau sạch chất tiết ở mũi, miệng bệnh nhân tránh làm tắc nghẽn đường thở của người bệnh.
- Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống ngậm bất kỳ thuốc gì.
Vì khi bệnh nhân đột quỵ có thể bị rối loạn ý thức, rối loạn phản xạ nuốt nếu cho bệnh nhân ăn, uống có thể gây sặc, và gây nguy hiểm tính mạng người bệnh.
- Nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để bác sĩ đến đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất và có khả năng điều trị chuyên sâu về đột quỵ.
Đột quỵ có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, từ rất nhẹ như một người bỗng dưng hơi đầy lưỡi, nói hơi ngọng, nặng thì rối loạn ngôn ngữ, mất tiếng, không nói được. Thông thường biểu hiện của nó liên quan đến một nhóm cơ như đang cầm đũa, bát, bút thì làm rơi xuống. Nặng hơn thì tê một nhóm cơ, điển hình hơn là yếu, liệt hẳn một nửa người; nặng hơn nữa là người bệnh có thể bị bán mê hoặc hôn mê.
Khi đã xảy ra tai biến thì khó mà tránh được di chứng dù đến sớm và được xử lý tốt mà chỉ có thể giảm thiểu di chứng. Trường hợp may mắn không chết thì cũng để lại di chứng, có ca không điều trị được, nặng có thể rơi vào trạng thái thực vật, hôn mê sâu, thậm chí dẫn đến tử vong.
Cũng vì thế, vấn đề cần chú trọng ở đây là kiểm soát, dự phòng, quản lý huyết áp, dự phòng không để tai biến xảy ra. Những người có nguy cơ bị tai biến là: tăng huyết áp không được theo dõi và điều trị tốt, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy tim nặng, người ít vận động hoặc bị liệt (nguy cơ hình thành huyết khối), người có bệnh lý van tim hoặc theo dõi và dùng thuốc chống đông không đều.....
Nhồi máu cơ tim khác đột quỵ não thế nào? Đột quỵ nhồi máu não xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, nhồi máu cơ tim khi mạch máu nuôi tim bị tắc, đều đe dọa tử vong. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch...