Đổ xô đi “săn” cốt toái bổ chữa 36 bệnh
Hiện nay ở vùng đông Trường Sơn (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), hàng ngàn người dân đang ráo riết vào các khu rừng già để tìm kiếm cây cốt toái bổ do lời đồn loại cây này có thể chữa được 36 thứ bệnh.
Đổ xô đi tìm
Cây cốt toái bổ được người dân địa phương thường gọi là y-bet, hay còn gọi lan đuôi chồn, là một loại thảo dược phát triển ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, trong điều kiện thời tiết quanh năm giá lạnh.
Sau một ngày vào rừng săn lùng cốt toái bổ, người ít cũng được vài trăm ngàn, có người kiếm mỗi ngày 500 ngàn đồng. Thu được tiền khá lớn và loại cây này cũng dễ tìm kiếm, nên người dân địa phương đổ xô đi lùng.
Người dân đổ xô đi săn tìm cây cốt toái bổ rồi đem đến bán cho “đầu nậu”
Ông A Lời – một người dân ở xã Măng Cành (huyện Kon Plông) – cho hay: “Đi tìm cây cốt toái bổ, không chỉ tụi thanh niên đâu, mà ông bà già và trẻ con đều đi hết. Ai cũng tranh thủ đi tìm để về bán rồi mua ít bột ngọt, mắm muối đó thôi”.
Tầm 15-16 giờ, từng đoàn người từ các cánh rừng đổ về địa điểm thu mua, sau một ngày săn lùng. Thương lái là người đàn ông gần 60 tuổi, gặp chúng tôi ông khoát tay: “Cứ gọi mình là A Thanh cho mau mắn, mình dân Sài Gòn thứ thiệt nè, cũng mới lên đây (xã Măng Cành) thôi”.
Nhìn chúng tôi thật kỹ, ông phán: “Giáo viên chứ gì”. Sau khi chúng tôi giải thích về cuộc vượt rừng sâu đến đây, ông quả quyết: “Mình đang có 8 tấn cốt toái bổ đang cất trong kho kia kìa. Có người đặt mua hết rồi, nhưng chú mua được giá bao nhiêu? Được giá, anh để cho chú. Mà anh vừa xuất kho giá 7.200 đồng/kg. Được thì chú lấy”.
Một “đầu nậu” đang thu mua loại cây này cho hay, mấy bữa trước có một người từ huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đưa mẫu loại cây này đến cho xem và đặt hàng, sẵn sàng mua hết bất kể số lượng là bao nhiêu. Ban đầu giá chỉ 6.000 đồng/kg, nay giá đang tăng từng ngày. Hôm qua chị vừa bán hơn nửa tấn, chỉ vài ngày nay đã thu mua được số lượng chừng một tấn.
Ông Thanh cho biết thêm, ông vừa bán được một xe hàng 15 tấn, còn bây giờ thì để gom thêm ít bữa nữa bán luôn thể. Mỗi ngày bình quân ông Thanh thu được trên 1 tấn cây cốt toái bổ.
Theo các thương lái, mỗi ngày họ xuất ra khỏi địa phương số lượng lên tới cả tấn và toàn bộ số cốt toái bổ này đều được bán qua Trung Quốc.
Vị thuốc quý
Nghe chúng tôi tìm hiểu về tác dụng loại cây này, ông Thanh cho rằng cốt toái bổ có thể chữa được 36 thứ bệnh khác nhau. Để chứng minh cho lời nói của mình là đúng sự thật, ông ôm ra một hũ rượu, bên trong đựng đầy cây cốt toái bổ và không quên mời chúng tôi uống.
Người dân địa phương vẫn thường ngâm cốt toái bổ vào rượu để uống chữa bệnh
Video đang HOT
Bác sĩ Đoàn Thị Tuần – Trưởng phòng Đông y Bệnh viện đa khoa Kon Tum cho biết: Cốt toái bổ có tên khoa học là Polypodium fortunei O.Kuntze, họ dương xỉ (Polypodiaceae), cây mọc bám chắc vào các cây cổ thụ hoặc ở hốc đá sống dạng ký gửi. Loại cây này có các mắt giống như củ gừng, da màu vàng nâu, thịt hồng hồng.
Thời gian qua, Bệnh viện đa khoa Kon Tum vẫn sử dụng loại thảo dược này để chữa bệnh vì có tác dụng chữa hành huyết, chỉ huyết, trừ phong, bổ thận và chữa bong gân, gãy xương, chân tay mỏi, tê liệt và trị các chứng thận thấp, đau háng, đau xương.
Để sử dụng thì cần rửa sạch, cạo sạch lông, thái mỏng phơi khô rồi sử dụng, hoặc tẩm mật, tẩm rượu, sao qua thì sử dụng rất tốt. Nếu dùng tươi khi hái về bỏ hết lông tơ và các lá khô, rửa sạch giã nhỏ, bỏ một ít nước vào rồi nướng cho mềm, đắp lên các vết đau hay thận suy biểu hiện như đau lưng dưới, yếu chân, ù tai, điếc hoặc đau răng…
Khi nghe chúng tôi trình bày về giá cả, bác sĩ Tuần nói: “Tại Kon Tum chưa hình thành các cơ sở thu mua, nên cây dược liệu quý mà được bán với giá “bèo” như hiện nay thì rất lãng phí”.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum Nguyễn Hữu Nho thì cho biết, ông chưa nghe các đơn vị báo cáo về việc người dân đi thu hái loại cây này nhưng sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, nếu là dược liệu quý thì sẽ có biện pháp quản lý, bảo vệ và nghiêm cấm người dân ồ ạt đi săn tìm loại cây này trong thời gian tới.
Theo Trùng Dương (Thanh Niên)
Hé lộ về cuộc săn lùng con khỉ độc khát máu
Màn đêm buông xuống, nhiều nhà đóng then cài cửa sớm. Đi rừng, nhiều người phải tụ tập đông đủ mới dám khởi hành. Cuộc sống của người dân đảo lộn hàng tháng trời vì "quái vật" xuất hiện và liên tục tấn công.
Lời đồn "quái vật" trả thù
Thông tin về một loài "quái vật" luôn xuất hiện bất ngờ và tấn công khiến hàng trăm người dân các xã, huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An hoảng sợ. Lời đồn truyền tai nhau nên chỉ trong thời gian, câu chuyện càng được thêu dệt. Mỗi ngày trôi qua, danh sách nạn nhân của loài "quái vật" này lại dài thêm.
Nạn nhân đầu tiên nằm trong bản danh sách của loài khỉ này là anh Vi Văn Cứu, bản Đốm 2, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, đã bị tấn công khi đi rừng, và bị thương nặng.
Sau đó xuất hiện một loạt vụ tấn công khác. Điển hình như anh Lê Văn Xanh ở bản Phảy, xã vùng cao Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp cùng với ba người anh em trong bản là anh Quang, anh Điệp và anh Bình rủ nhau đi rừng tìm kiếm lâm thổ sản ở khu Huổi Nhọt, cũng đã bị "quái vật" tấn công.
Ông Trương Văn Quang và những vết sưng tấy do bị tấn công
Và chỉ trong vòng từ tháng 9-12/2010, hàng chục người đi rừng ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An khốn khổ vì bị tấn công, hứng chịu thương tích rất nặng.
Theo mô tả của những nạn nhân nói trên, "quái vật" này tựa như con khỉ, hoặc loài đười ươi, có lông màu hung vàng, nặng chừng 35-40 kg, thường bất ngờ nhảy từ trên cây xuống, tấn công vào ngực, chân... người đi ngang qua. Hành động của nó rất hung dữ, chỉ chịu buông tha khi có người khác đến can thiệp.
Trong khi người dân hoảng sợ, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An hứa "sẽ vào cuộc" và khuyến cáo: "Người dân không nên đi vào rừng một mình, khi đi nhớ mang theo vũ khí sẵn sàng đối phó". Lời hứa ấy chưa được thực thi thì lại thêm một nạn nhân nữa bị tấn công suýt mất mạng là ông Trương Văn Quang ở bản Muộng, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Châu. Ông bị thương nặng, phải khâu đến 28 mũi và đang điều trị ở nhà bởi những vết cắn vẫn còn sưng tấy, chưa đi lại được.
Một trong những vết thương nặng ở tay ông Đại - người mới bị tấn công ngày 20/12. Ảnh Dân Trí
Câu chuyện càng gây xôn xao khi người dân đồn thồi, có thể loài "quái vật" khát máu ấy quay trở lại trả thù. Theo người dân, trước đây, địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An như: Quỳ Châu, Quỳ Hợp...có hàng trăm loài muông thú, nhưng đến thời điểm này với tốc độ phá rừng đến chóng mặt, các loài vật không nơi cư ngụ nên tập trung kéo về trả thù.
Chẳng hiểu thực hư những lời đồn ấy độ xác thực bao nhiêu, nhưng đám trẻ con cứ mỗi khi khóc đều được bố mẹ lấy "quái vật" ra hù dọa đều im thin thít.
Trong buổi làm việc chớp nhoáng giữa phóng viên với ông Lê Đình Bảy, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quỳ Hợp, ông này cũng lo lắng không kém: "Trước khi cơ quan chức năng làm rõ sự việc, người dân không nên đi rừng một mình, không nấu ăn uống trong rừng".
Săn "quái vật" giữa đại ngàn
Sau những đêm thức trắng hoảng sợ trước sự xuất hiện đột ngột của loài "quái vật", cuộc sống của người dân vùng rẻo cao bị đảo lộn; trẻ con, người già, phụ nữ đều không dám lên rừng làm rẫy, không dám ra suối tắm. Mỗi khi người dân có việc cần lên rừng đều phải có nhiều người tập hợp lại dẫn đi.
Không thể để nỗi lo sợ bao trùm, thanh niên trai tráng tại các nơi "quái vật" thường xuất hiện đều chuẩn bị sẵn gậy gộc, kiếm, mác và những cung tên tẩm thuốc độc sẵn sàng cho cuộc trường chinh săn lùng, trừ họa.
Theo chân một số thanh niên lực lưỡng xã Châu Hồng, chúng tôi cơm đùm cơm nắm men theo triền rừng hướng về đỉnh dốc bản Muộng, nơi ông Trương Văn Quang từng bị tấn công, với hy vọng "mục sở thị" và đối đầu với loài "quái vật" khát máu như lời đồn đại của người dân.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ cắt rừng, ngược đỉnh cheo leo trên những đỉnh dốc lởm chởm núi đá, chân tay rơm rớm máu, tới lưng chừng đỉnh dốc, nơi địa điểm ông Quang gặp nạn, một số thanh niên đi cùng đã bắt đầu lo lắng, hoảng sợ và bàn kế... "chuồn".
Theo quan sát của chúng tôi, hiện trường "quái vật" để lại đã bị tẩy xóa sau những trận mưa rừng, xung quanh cảnh tượng âm u, chỉ nghe tiếng gió rít qua tai, càng khiến cho nhiều người yếu tim đi săn lùng tái mặt.
Sau nhiều ngày săn lùng, dấu tích "quái vật" vẫn chìm lẫn khuất trong cánh rừng già
Băng hết cánh rừng này sang cánh rừng khác, hết lội đèo vượt suối, đám trai tráng lăm lăm vũ khí trong tay mệt nhử người nhưng cố bước. Trời xẩm tối, mọi dấu tích của "quái vật" đều mất hút trong cánh rừng già.
Một trai tráng thở dốc: "Nó chỉ tấn công khi thấy một vài người đi chứ không dám xuất hiện đối đầu với đông người như chúng ta. Trời tối, theo tôi mọi người nên về để đảm bảo tính mạng. Ngày mai dưỡng sức đi tiếp".
Những ngày sau đó, có hàng chục cuộc đi săn lùng của trai tráng nhưng bất thành, dấu tích của loài "quái vật" vẫn chìm khuất trong câu chuyện của một số người bị tấn công.
Lộ diện "sát thủ" giữa rừng già
Trong khi mọi cuộc săn lùng đều không có kết quả thì bỗng dưng "quái vật" lại xuất hiện.
Hai ông Trương Văn Đại, 51 tuổi, người bản Huống và ông Vi Văn Nguyên, 46 tuổi, người bản Muộng, đều xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp như thường lệ đi rừng bẫy sóc, rồi dựng lán trại ở qua đêm.
Đến 6h sáng ngày 20/12, sau một đêm thức căng mắt bẫy thú, ông Nguyên vừa xuống suối rửa mặt, chợt giật mình nghe tiếng kêu thất thanh phát ra từ lán trại, nơi ông Đại đang ở.
Con "quái vật" được treo ngược để người dân chiêm ngưỡng. Ảnh: Dân Trí
Chưa kịp định thần, ông Nguyên nhanh tay cầm gậy đến ứng cứu và phang liên tiếp vào "quái vật" để cứu ông Đại. Bất ngờ bị phản đòn, con thú càng hung hãn lao vào tấn công dữ dội. Cuộc chiến không cân sức chỉ kết thúc khi cả hai ông lao vào dùng gậy đánh mạnh vào đầu khiến con thú chết dần.
Triệt hạ được con thú xong, hai ông mới té ngửa ra câu chuyện bấy lâu nay về loài "quái vật" như lời người dân bản trên bản dưới đồn thổi chỉ là con khỉ. Chưa kịp vui mừng với chiến tích thì ông Đại lịm dần vì mất nhiều máu. Ông Nguyên vội cõng bạn mình về trạm y tế xá xã Châu Hồng cấp cứu.
Tại trụ sở trạm y tế xã, ông Đại được tiến hành sơ cứu và rửa vết thương phải khâu 60 mũi. Theo các bác sỹ ở đây, vì vết thương quá nặng nên nếu để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng, rất may là cấp cứu kịp thời. Sau đó, ông Đại được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục điều trị trong tình trạng sức khỏe rất yếu.
Thấy bạn mình tạm ổn, ông Nguyên mới dám hé lộ nguyên nhân bạn gặp nạn, đồng thời, thông báo cho dân bản biết đã thanh trừng được loài "quái vật" hung dữ.
Hàng trăm người dân khắp nơi kéo về xem và trút bỏ được nổi lo bấy lâu nay. Ảnh: Dân Trí
Thế nhưng, dân bản bán tín bán nghi, ngờ vực vì thấy ông Đại vết thương quá nặng. Để kiểm chứng, dân bản theo chân ông Nguyên quay trở lại hiện trường. Hàng trăm người reo lên sung sướng, không tin vào mắt mình.
Sau đó con "quái vật" được dân làng khiêng về trụ sở UBND xã Châu Hồng. Nghe tin, hàng trăm người dân xã Châu Hồng cùng các xã lân cận và nhiều người dân tại các xã giáp ranh huyện Quỳ Châu đã kéo đến xem và thở phào nhẹ nhõm, trút được mối họa.
Như vây, sau nhiều tháng gây kinh hoàng cho người dân tại nhiều xã của hai huyện miền núi Quỳ Hợp và Quỳ Châu, cuối cùng con "quái vật" đã bị "triệt hạ".
G.U.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Bắc Giang: Thực hư 'mật mã' tìm kho báu 3 tạ vàng Trong lúc đào bới, các ông đã tìm thấy một loạt đồ cổ, gồm 9 đồng tiền, 3 con rùa đá, 1 viên ngói hình lá đề, bên trên là hình ảnh "rồng chầu mặt nguyệt" và một số đồ gốm. Ông gọi chúng là "mật mã" bởi vì những thứ đó đều được sắp xếp theo quy luật nào đó mà ông...