Đổ nước sôi lên người con trai 5 tuổi, cặp vợ chồng đối mặt với án tử hình
Trước khi qua đời vào năm 2016, một cậu bé 5 tuổi đã phải chịu đựng hành vi bạo hành dã man bởi chính cha mẹ đẻ của mình.
Cậu bé 5 tuổi bị chính cha mẹ ruột bạo hành đã qua đời năm 2016. Ảnh: The Straits Times
Tờ The Straits Times (Singapore) đưa tin hôm 12/11, cha mẹ đã nhốt cậu bé giấu tên chỉ cao 1,05 mét vào trong chiếc cũi mèo rồi dùng nhiều vật khác nhau như chổi và móc áo đánh vào đùi, mông em trong suốt nhiều tháng. Kinh khủng hơn cha mẹ bé còn dội nước sôi lên người đứa con ruột của mình.
Cặp vợ chồng Azlin Arujunah và Ridzuan Mega Abdul Rahman (đều 27 tuổi) được cho là đã gây ra cái chết của con trai họ bằng những lần tra tấn dã man trong nhiều tháng từ 7/2016 đến khi đứa trẻ qua đời vào 10/2016.
Tại phiên tòa xét xử, các công tố viên đã kể lại những thương tích nghiêm trọng mà cậu bé phải chịu đựng. Đứa trẻ 5 tuổi bị bỏng trên 70% cơ thể được xác định ở cấp độ hai đến cấp độ ba, mất nước, chấn thương thận cấp tính, nhiều vết cắt ở mặt, mũi bị gãy và có biểu hiện chậm nói.
Phó công tố viên Tan Wen Hsien, Daphne Lim và Li Yihong nói rằng cặp vợ chồng ngang nhiên coi thường mạng sống của cậu bé và những chính sách phúc lợi mà đáng lẽ ra cậu phải được nhận.
“Đây là một vụ giết người khủng khiếp và bi thảm. Bên cạnh những vết thương thể xác, không ai có thể tưởng tượng được nỗi đau và sự dằn vặt mà em phải chịu đựng trong những ngày tháng trước khi qua đời. Cậu bé đã bị tra tấn đến chết và không có nơi để trở về”, nhóm công tố viên nói trong phiên xòa xét xử đầu tiên hôm 12/11.
Theo tòa án, cặp vợ chồng này phải đối mặt với tội danh giết người có chủ đích cùng các cáo buộc liên quan đến việc bạo hành, gây tổn thương nghiêm trọng đến thể xác của trẻ. Theo luật pháp của Singapore, với tội danh này, hai đối tượng trên có thể sẽ phải nhận mức nhận án tử hình.
Ngay sau khi được sinh ra vào năm 2011, một gia đình đã nhận nuôi bé nhưng đến năm 2015, bé được trả lại cho cha mẹ ruột. Từ khi trở về đến khi qua đời, đứa trẻ 5 tuổi đã bị bạo hành nhiều lần bởi chính cha mẹ đẻ của mình.
Cậu bé thường xuyên bị nhốt trong chiếc cũi mèo. Ảnh: The Straits Times
Tháng 8/2016, cậu bé đã ăn một hộp bánh quy và bị mẹ đánh đến nỗi xương bánh chè bị lệch, cậu bé phải đi khập khiễng. Một lần khác, chỉ vì không chịu cởi quần sooc để đi tắm, cậu bé đã bị cha đánh vào đầu, tay, chân. Người cha này còn đổ nước sôi vào chân và lưng của con trai mình khiến đứa trẻ ngã xuống và nằm bất động trên sàn.
Video đang HOT
Thay vì đưa con đến bệnh viện ngay lập tức, suốt 6 tiếng sau đó, cha mẹ em mới đưa em đến cơ sở y tế vì lo sợ liên quan đến việc bạo hành trẻ em.
Cậu bé nhập viện trong tình trạng nguy kịch với nhiều triệu chứng như nhiệt độ cơ thể thấp và huyết áp giảm. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng cậu bé đã qua đời khoảng 14 giờ sau đó.
“Đứa trẻ qua đời rất nhanh và các y tá đã rất đau buồn. Họ không thể tin rằng điều này có thể xảy ra với một đứa trẻ. Cậu bé đã phải chịu đựng một nỗi đau tột cùng. Điều này không thể tưởng tượng được”, ông nói.
Phó giáo sư Loh Tsee Foong, một chuyên gia tư vấn cao cấp của Viện Chăm sóc Chuyên sâu của bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK (Singapore), đã làm chứng trước tòa cho biết cậu bé bị thiếu máu nghiêm trọng cho thấy mất máu đáng kể trong một khoảng thời gian, điều này gần như đe dọa đến tính mạng.
Cha mẹ cậu bé là Ridzuan đã bị bắt vào hôm 23/10, trong khi Azlin bị bắt vào hôm 25/10.
Tại phiên tòa xét xử, cha cậu bé khai rằng con mình bị bỏng do làm ấm đun nước rơi vào. Tuy nhiên, Giáo sư Loh đã phản bác lời khai này vì thấy rằng các vết thương rất đáng ngờ và dường như không phải là ngẫu nhiên.
Theo đánh giá của Viện Sức khỏe Tâm thần trong thời gian tạm giam, cô Azlin đã bị rối loạn hành vi dẫn đến việc phạm tội. Cô cũng được phát hiện có tính cách bất thường và những biểu hiện chống lại xã hội.
Trong khi đó, Ridzuan dường như có những đặc điểm tính cách chống đối xã hội, nhưng không bị rối loạn tâm thần hay thiểu năng trí tuệ. Cặp vợ chồng được xác định có thần kinh hoàn toàn bình thường tại thời điểm phạm tội.
Theo Hải Vân/Báo Tin tức
Bé 10 tuổi bị bố, mẹ kế bạo hành: Mẹ được quyền nuôi, sao "ủn" cho bố?
Hành vi bạo hành bé 10 tuổi của bố đẻ và mẹ kế là khó có thể chấp nhận nhưng chính người mẹ đẻ cũng có một phần lỗi khi tòa xử ly hôn đã trao quyền nuôi con cho mẹ, vì sao người mẹ này sau đó lại "ủn" sang cho người bố?
Những ngày qua, dư luận cả nước vô cùng phẫn nộ và bất bình xung quanh vụ bé trai V.Q.K (10 tuổi) bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành dã man, trong suốt thời gian dài tại chung cư The Flemington (phường 15, Quận 11, TP.HCM).
Ngoài việc lên án hành vi mất nhân tính của người bố đẻ và mẹ kế, dư luận cũng cho rằng, người mẹ đẻ cũng có một phần lỗi khi trước đây, khi ly dị, tòa án đã giao quyền nuôi bé nhưng người mẹ này lại để bé cho bố nuôi từ 2017, đến nay khiến bé phải chịu những ngày đắng cay, nghiệt ngã khi tuổi thơ là nỗi sợ hãi từ những trận... bạo hành.
Dạy con bằng sự bạo hành là hành vi mất nhân tính
Thời gian qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra trên cả nước mà đa số lại do chính cha mẹ, người thân các bé bạo hành với nhiều thủ đoạn dã man đã khiến dư luận vô cùng bất bình.
Tuy nhiên, vụ việc cha đẻ, mẹ kế bạo hành bé 10 tuổi tại chung cư The Flemington khiến sự bức xúc ấy lên đến tột cùng khi người giúp việc của gia đình kể với những người sinh sống cùng chung cư về việc bé trai không chỉ bị đánh đập thường xuyên mà bố đẻ, mẹ kế còn bắt bé uống nước sôi, ăn ớt và phân mèo.
Không ai biết bé trai ấy đã bị bố đẻ, mẹ kế bạo hành bao nhiêu lần và vì lý do gì? Nhưng qua lời kể của những người ở cùng chung cư khi "cứ 1, 2 ngày lại nghe thấy tiếng bé la khóc bên trong", cùng với đó là những vết bỏng, vết thương cho thấy bé bị bạo hành rất nhiều lần và vô cùng dã man.
Không ai có thể tưởng tượng nổi, cháu bé đang ở độ tuổi vốn cần sự yêu thương, đùm bọc của cha mẹ thì nay trở thành nạn nhân của sự bạo lực từ chính những người thân ruột thịt của mình thì khi lớn lên, cháu bé sẽ trở thành con người thế nào khi tuổi thơ bị bạo hành với những hình ảnh ám ảnh từ những trận đòn roi bạo lực.
Hình ảnh bé trai 10 tuổi bị bạo hành.
Dù lý do việc bạo hành do bé hư, cha đẻ mẹ kế dạy bé theo quan niệm "yêu cho roi cho vọt" hay bất kỳ lý do gì đi nữa, hành vi bạo hành chính con đẻ của mình là không thể chấp nhận nổi, không chỉ bị dư luận lên án, hành vi ấy còn xứng đáng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, bản thân ông không cảm thấy bất ngờ bởi thời gian qua có quá nhiều những vụ trẻ bạo hành liên tiếp xảy ra với mức độ đáng báo động.
Trên thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm gia nhập Công ước về Quyền trẻ em. Ngoài ra các văn bản pháp luật Việt Nam có nhiều quy định để bảo vệ trẻ em, trước đây là Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nay là Luật trẻ em năm 2016.
Trong khi đó, Luật hôn nhân và gia đình quy định cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái mình đến khi trưởng thành, nghiêm cấm hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em. Do vậy, mọi hành vi hành hạ, ngược đãi, xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật, bất kể người xâm hại đó là ai.
Liên quan đến vụ việc bố đẻ, mẹ kế bạo hành bé 10 tuổi, trường hợp kết quả xác minh cho thấy có căn cứ để xác định ông bố và bà mẹ kế đã có hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi em bé này thì không chỉ cho thấy hành vi phản giáo dục, trái đạo đức xã hội mà tùy tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra mà ông bố và bà mẹ kế sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi cơ quan công an vào cuộc xác minh thì cũng sẽ tiến hành xem xét dấu vết cơ thể và trưng cầu giám định thương tích đối với em bé này. Trong trường hợp nạn nhân có thương tích thì có thể khởi tố người đã gây thương tích cho em bé này về tội cố ý về thành tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Điều luật này quy định trường hợp gây thương tích cho nạn nhân là người dưới 16 tuổi thì dù thương tích chưa đến 11 % thì người gây thương tích trong trường hợp này vẫn bị xử lý hình sự.
Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý về tội cố ý gây thương tích nhưng có căn cứ cho thấy ông bố và bà mẹ kế đã có hành vi đối xử tàn ác với đứa trẻ này, gây chấn động tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của cháu bé thì cũng có thể xử lý hai người này về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự.
Như vậy, nếu kết quả điều tra cho thấy ông bố và bà mẹ kế đã có hành vi đánh đập, hành hạ, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm của cháu bé này gây tổn thương nặng nề về tâm lý thì có thể xử lý hình sự về tội hành hạ người khác. Hành vi hành hạ thể hiện rất đa dạng thể hiện việc đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình (lệ thuộc vào người có hành vi phạm tội), cụ thể đối xử tàn ác, được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác (và tinh thần) đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói, có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ.
Nếu bị xử lý về tội danh này thì hình phạt mà đối tượng đã gây ra, có thể lên đến ba năm tù. Trong trường hợp đứa trẻ có thương tích thì sẽ không xử lý về tội danh này mà sẽ xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự với mức hình phạt nghiêm khắc hơn rất nhiều có thể lên đến 7 năm tù.
Mẹ được quyền nuôi, sao "ủn" cho bố?
Trong sự việc trên, trường hợp bé trai bị bạo hành do cha đẻ mẹ kế thì rõ ràng hai người này sẽ phải chịu hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng, để xảy ra sự việc trên trách nhiệm cũng một phần do chính lỗi của người mẹ đẻ khi được quyền nuôi con mà lại "ủn" cho người bố, để bé phải sống những tháng ngày tăm tối trong những trận đòn roi.
Thực tế, theo lời kể của chị Y. - mẹ đẻ cháu bé bị bạo hành thừa nhận, sau phiên tòa ly dị, giữa chị và ông Q. vào năm 2011 thì chị được quyền nuôi bé. Tuy nhiên, năm 2017, bố đẻ bé đưa bé vào TP HCM chơi, sau đó giữ bé lại nuôi đến nay. Việc để cho bố đẻ nuôi bé được chị Y. lý giải do cháu muốn ở với bố và được chăm sóc tốt hơn nên chị mới đồng ý.
Tuy nhiên, lời giải thích này khó được dư luận chấp nhận bởi tháng 3/2018, khi vào thăm con trai, bản thân chị Y. cũng phát hiện nhiều vết bầm tím trên cơ thể nên gặng hỏi thì cháu nói bị mẹ kế đánh và chính người bố đẻ khi đó cũng thừa nhận mình là người đánh con vì cháu không nghe lời, không chịu học hành.
Lẽ ra khi đó, với linh cảm của một người mẹ, chị Y. cần phải làm rõ việc cha đẻ và mẹ kế bạo hành và có thể nhờ pháp luật can thiệp để nuôi cháu bé như tòa đã phán quyết chứ không phải im lặng cho qua để rồi sau đó, bé tiếp tục phải chịu những trận đòn roi bạo hành từ hai người này. Do vậy, việc cháu bé bị cha đẻ, mẹ kế bạo hành có cả lỗi của người mẹ đẻ khi được quyền nuôi con lại "ủn" sang người bố.
Có thể có nhiều lý do dẫn đến người mẹ ruột cho phép người cha được quyền nuôi đứa trẻ trong vài năm qua nhưng có thể sau khi xảy ra sự việc trên, người mẹ sẽ rất ân hận khi trao nhầm con vào tay "hổ dữ". Đó cũng là bài học cho người phụ nữ này và cho nhiều người phụ nữ khác sau ly hôn.
Thực tế, vụ bé trai 10 tuổi bị bạo hành không phải chuyện hiếm gặp bởi có quá nhiều vụ việc khi cha mẹ ly hôn, con chung phải sống với cha dượng hoặc mẹ kế sau đó bị bạo hành. Những mâu thuẫn trong gia đình có mối quan hệ phức tạp có thể biến thành những vụ bạo hành dai dẳng, gây ảnh hưởng, tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe của trẻ em.
Để giảm bớt tình trạng này thì những ông bố, bà mẹ cần có những giải pháp để kiểm soát con mình tốt hơn khi không trực tiếp sinh sống với con, đồng thời, chính quyền địa phương, các đoàn thể, các tổ chức bảo vệ trẻ em cũng cần phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ trẻ em như: kịp thời nắm bắt những thông tin về những vụ việc bạo hành, nguy cơ bạo hành để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả và xử lý nghiêm minh các đối tượng thực hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Bất cứ người dân nào khi phát hiện ra trường hợp có trẻ em bị bạo hành, xâm hại thì hoàn toàn có thể trình báo sự việc với chính quyền địa phương hoặc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để các chuyên gia tư vấn và có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Có kết hợp nhiều giải pháp và phát huy vai trò của nhiều tổ chức, cá nhân và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương thì mới giảm bớt được tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em đang diễn ra hàng ngày nhiều như giai đoạn hiện nay.
Hải Ninh
Theo kienthuc
Cuộc trao đổi của 2 bên thông gia sau khi võ sư đánh vợ bị mời lên công an Gia đình vợ võ sư Nguyễn Xuân Vinh cho biết: 'Chúng tôi bị em rể đe dọa. Cả ngày nay, tất cả thành viên trong gia đình nghỉ làm, trẻ em nghỉ học vì lo sợ'. Sau khi xảy ra vụ việc chị V.T.T.L bị bạo hành, gia đình nạn nhân vẫn chưa hết bức xúc. Trao đổi với phóng viên, chị V.T.H,...