Dở khóc dở cười chuyện mua bán nhà chung giấy
Nhiều hệ lụy khi mua bán nhà nhiều người chung giấy, không chỉ về pháp lý mà cả những tiêu chuẩn an toàn khác.
Thời gian qua, tại khu vực vùng ven TP.HCM , nơi quỹ đất còn nhiều như quận 12, quận 9, huyện Hóc Môn, Nhà Bè… nở rộ tình trạng xây dựng, mua bán nhà chung giấy. Đáng nói là không phải 2-3 người mà có khu lên đến 10 người cùng đứng tên chung một giấy đỏ.
Giá không rẻ vẫn có người mua
Trong vai người đi tìm mua nhà, chúng tôi được nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) tên T. dẫn tới một dự án giấy chung có quy mô khá lớn. Khu nhà này ở gần đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM.
Theo quan sát, các căn nhà ở đây được thiết kế diện tích nhỏ khoảng 20-30 m2/căn, kết cấu một trệt, hai lầu nằm san sát nhau với lối đi chung rộng khoảng 3-4 m.
Theo T., dự án này là của một công ty, các căn nhà cũng đã bán gần hết. T. báo giá căn nhà có diện tích 3,6 x 8 m là 1,6 tỉ đồng, nếu có nội thất thì 1,8 tỉ đồng/căn.
“Có 11 người đứng tên trên giấy hồng. Nếu anh mua thì công ty sẽ công chứng sang tên cho anh đứng trên giấy luôn. Yên tâm mỗi người được cấp một giấy” – T. thuyết phục.
Khi chúng tôi hỏi nếu mua rồi bán lại thì sao, T. cho biết dạng nhà này hiện có hai hình thức bán. Một là ra công chứng sang tên nhưng… phải gọi 10 người đứng tên chung cùng ký đồng ý bán. Hai là bán giấy tay có công chứng lập vi bằng thì không cần 10 người còn lại ký, có thêm bộ giấy tờ tay.
Để chúng tôi yên tâm, T. cho biết cứ ủy quyền cho công ty mua bán bởi theo hợp đồng quy định thì 10 người đứng chung giấy đều phải có trách nhiệm ký tên khi có một người muốn bán nhà.
Cách đó không xa là một khu nhà chung giấy khác đang rao bán. Khu này thì 5-6 người chung giấy, mỗi căn nhà diện tích khoảng 16-20 m2 và có giá 1,2-1,4 tỉ đồng.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Minh, giám đốc một công ty BĐS, cho hay những căn nhà chung giấy thường được xây hoàn thiện, người mua có thể dọn vào ở ngay. “Nhiều người nghĩ mua nhà giấy riêng thì không đủ tiền, dù giấy chung nhưng cầm giấy họ vẫn an tâm hơn. Tuy nhiên, tính ra nhà dạng này không rẻ vì một mét vuông có giá 50-70 triệu đồng” – ông Minh nhận định.
Dãy nhà có tới 10-11 người chung một giấy đỏ. Ảnh: Q.HUY
Nhiều hệ lụy về sau
Theo luật sư Huỳnh Đức Hữu, Đoàn Luật sư TP.HCM, dạng nhà chung giấy là lách quy định của pháp luật nhưng không thể từ chối cấp phép. Luật cho phép đồng sở hữu, không giới hạn bao nhiêu người được cùng đứng tên trên giấy đỏ. Đồng thời, Luật Xây dựng và các văn bản liên quan cũng không giới hạn một căn nhà được phép xây bao nhiêu phòng, diện tích bao nhiêu nên không có cơ sở để không cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, nếu quản lý chặt thanh tra xây dựng hậu hoàn công thì vẫn có thể không công nhận hoàn công cho những loại nhà này.
Ông Hữu chỉ ra hệ lụy của nhà chung giấy là tài sản chung nên phải được tất cả người đứng chung giấy đồng ý thì một người mới bán được phần của mình. Nếu một trong 10 người có tên trên giấy không ký giấy thì không thể bán được.
“Cuối cùng, người ta có thể buộc phải bán giấy tay trên một tài sản hợp pháp, giao dịch này là trái luật. Nhà có chủ quyền rồi phải ra công chứng sang tên, nếu bán giấy tay là trái luật. Như thế, người mua sau là người bị thiệt hại. Một hệ lụy lớn nữa là khi một người chung giấy gặp rủi ro pháp lý, nợ nần. Ví dụ, người này bị chủ nợ kiện ra tòa, mất khả năng trả nợ, thi hành án chặn lại. Lúc đó các chủ nhà còn lại cũng vạ lây vì muốn bán nhà cũng khó” – luật sư Hữu phân tích.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nhà chung giấy mọc lên ở các quận, huyện ngoại thành có hai cái chung quan trọng là chung giấy đỏ và chung giấy phép xây dựng. Theo Quyết định 60/2017 của UBND TP.HCM, với diện tích nhỏ như vậy thì không đủ điều kiện tách thửa.
“Mua nhà chung giấy thì người mua bị hạn chế các quyền chủ sở hữu. Muốn thế chấp, giải chấp gì cũng khó. Mua để ở đã phiền mà mua để kinh doanh thì cứ 1-2 tháng lại giao dịch sẽ không dễ gì những người đứng chung giấy chịu ký văn bản chấp thuận” – ông Châu nhắc nhở.
Cạnh đó, ông Châu chỉ ra là với nhà chung giấy thì dạng gây phiền hơn cả là có chung giấy nhưng lại xây trái phép, mua bán giấy tay. Khi đó người mua không có gì trong tay sẽ gánh chịu mọi thiệt thòi nếu xảy ra sự cố.
Nỗi lo cháy nổ
Theo luật sư Huỳnh Đức Hữu, một rủi ro lớn cho các dãy nhà chung giấy là vấn đề PCCC sẽ không an toàn bởi mật độ người ở quá đông trên một diện tích nhỏ. Đáng nói là nếu một khách sạn cần phải có hệ thống báo cháy, thiết bị PCCC thì những nhà chung giấy này, số lượng cư dân cao, nguy cơ cháy nổ cao nhưng lại không có gì để giữ an toàn cháy nổ vì là nhà tư nhân.
Theo Minh Long
Pháp luật TP.HCM
Đấu giá nhà tái định cư: Có lặp lại vết xe đổ?
Cách đây vài năm, TPHCM tiên phong trong việc đấu giá nhà tái định cư để giải quyết tình trạng bỏ hoang hàng nghìn căn hộ nhưng... thất bại. Nay, Hà Nội lại đề xuất xin bán đấu giá những căn hộ tái định cư không có người ở. Các chuyên gia cảnh báo khả năng lặp lại "vết xe đổ".
Nhà xây xong nhưng dân không nhận
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, danh sách 372 hộ gia đình được mua nhà tái định cư trên địa bàn Thủ đô nhưng chưa liên hệ với Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở ký hợp đồng mua bán nhà, đồng thời cũng chưa nộp tiền và nhận nhà. Cụ thể, theo thông báo danh sách gồm: 44 hộ ở nhà N01 - 7A Lê Đức Thọ; 28 hộ ở nhà N02 - 5A Lê Đức Thọ; 14 hộ ở nhà NO26A Bắc Đại Kim; 44 hộ ở nhà OCT Bắc Linh Đàm; 58 hộ ở nhà CTI.1-1A Vĩnh Hoàng, 34 hộ ở nhà CTI.1-1B Vĩnh Hoàng; 14 hộ ở nhà CT3 ao Hoàng Cầu và 136 hộ ở các nhà A14A1, A14A2, A14B2 Nam Trung Yên.
Một lãnh đạo Phòng phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, đối với trường hợp nhà tái định cư bỏ trống vì chưa có phương án sử dụng, bố trí cho người dân chỉ chiếm số lượng rất ít, với khoảng 76 căn. Số còn lại tập trung vào trường hợp căn hộ nhà tái định cư bỏ trống do người dân không đến nhận nhà.
"Đây là trường hợp thành phố đã có quyết định bố trí về ở cho hộ cụ thể nhưng người dân lại chưa đến nộp tiền và chưa nhận nhà. Số trường hợp này hiện có số lượng khá lớn. Vì vậy, để tránh lãng phí và thất thoát ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quỹ nhà tái định cư, Sở có đề xuất thu hồi các căn hộ này sau 2 năm người dân không về ở, để bán đấu giá thu hồi vốn" - vị cán bộ cho hay.
Liên quan đến giá bán các căn hộ này, vị cán bộ cho biết, Sở đang nghiên cứu để có mức giá hợp lý. Cũng theo vị cán bộ này, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do người dân được phân nhà tái định cư trì hoãn để rao bán, hưởng chênh lệch.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, về nguyên tắc khi xây dựng mà người dân không nhận, không đến ở tức là có vấn đề về mặt tổ chức có thể do quy hoạch, giá cả, chất lượng... Bởi dân tất nhiên họ phải cần nhà ở. Chưa kể đến để quá lâu mà không tổ chức xử lý cũng là lỗi của cơ quan quản lý.
Đấu giá theo thị trường không khả thi
Trước đó, TP.HCM cũng đấu giá hàng nghìn căn hộ tái định cư nhưng không doanh nghiệp nào vào mua.
Một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc chia sẻ, sở dĩ việc đấu giá không thành công bởi chủ trương của TPHCM là bán (đấu giá) theo giá thị trường. Nếu đã là giá thị trường thì chỉ có người mua để ở là hợp lý. Còn doanh nghiệp mua theo giá thị trường, sau đó bán lại giá thị trường nữa thì còn lời gì mà mua. Do đó, thành phố muốn bán số căn hộ tái định cư này phải có chính sách bán sỉ như thế nào cho hợp lý.
" Hiện nay thông tin về đấu giá căn hộ tái định cư vẫn chưa rõ ràng, thực tế không có một kênh nào thông tin công khai, minh bạch. Do đó, nếu muốn đấu giá được, TP cần phải mở thầu, thông tin công khai, rộng rãi để người dân, doanh nghiệp tham gia chứ không phải mù mờ như lâu nay", vị này nói.
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng: Nhà nước có quan điểm không đúng về nhà tái định cư bởi chỗ ở không chỉ là nơi ở mà liên quan đến vấn đề mưu sinh, học hành của con cái, khám chữa bệnh của người dân... Khi lấy đất trong nội thành làm dự án cao cấp, chuyển dân đến tái định cư ở xa cho đất rẻ khiến người dân phản đối không chịu nhận nhà vì điều kiện sống không đảm bảo.
Theo TS. Liêm, việc đem đấu giá nhà tái định cư hoặc chuyển sang nhà thương mại là vô cùng khó khăn trong bối cảnh các chính sách liên quan còn chưa rõ ràng. Do đó, đối với những dự án nhà đã xây rồi cần chuyển thành nhà ở xã hội để người dân gần đó, cán bộ công chức, người dân khó khăn về nhà ở họ mua hoặc thuê giá rẻ.
"Quỹ nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn, trong khi quỹ nhà ở xã hội phục vụ cho các đối tượng này cũng khan hiếm. Do vậy giải pháp hiện nay là chuyển số nhà tái định cư không dùng đến làm nhà ở xã hội cho người dân là khả thi nhất, vừa giúp an dân vừa giúp giảm lãng phí", TS Liêm phân tích.
Luật sư Bùi Sinh Quyền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: "Một nghịch cảnh đang diễn ra ở Hà Nội đó là nhu cầu tái định cư bằng nhà ở rất cao nhưng lại có không ít nhà tái định cư chưa có người ở. Nguyên nhân là chất lượng nhà ở thấp; một số khu nhà có vị trí xa trung tâm thành phố, xa nơi ở cũ... nên người dân không "mặn mà". Trong mọi trường hợp, việc xây dựng nhà tái định cư phải được giám sát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng theo luật định.
Theo Ngọc Mai
Tiền phong
Khách hàng khởi kiện Địa ốc Hoàng Quân vì đóng tiền không được giao nhà! Một người dân ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã nộp đơn đến Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) khởi kiện Công ty Địa ốc Hoàng Quân vì đã nhận tiền hơn 8 năm qua, nhưng nay vẫn chưa giao nhà. Theo thông tin sự việc, ngày 24/12/2009, ông Hoàng Văn Lâm, sinh năm 1961, sống tại TP....