Đô đốc Trung Quốc mang ADIZ ra dọa nạt
Bất chấp cảnh báo của nhiều nước, Trung Quốc tuyên bố sẽ ra quyết định lập Vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông “tùy theo tình hình an ninh”.
Trực thăng Trung Quốc tuần tra phi pháp đá Xu Bi thuộc Trường Sa – Ảnh: Bbs
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore sáng 31.5, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đô đốc Tôn Kiến Quốc, tiếp tục lớn tiếng ngụy biện cho hành động xây đắp phi pháp trên Biển Đông. Cụ thể, ông Tôn tuyên bố “ngoài việc đáp ứng nhu cầu quốc phòng”, hoạt động xây đắp nhằm “cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của những người đóng trú” và giúp nước này “thực hiện tốt hơn nghĩa vụ và nhiệm vụ quốc tế” liên quan đến tìm kiếm, cứu hộ trên biển, ngăn chặn thiên tai…
Quan chức này còn ngang nhiên lên giọng: “Dù có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử…, Trung Quốc đã hết sức kiềm chế, góp phần tích cực cho hòa bình và ổn định khu vực”, theo AFP. Ông còn tự cho rằng tình hình Biển Đông “nói chung vẫn hòa bình và ổn định, chưa bao giờ có vấn đề về tự do lưu thông” và “không có lý do gì để thổi phồng” vấn đề Biển Đông.
Mặt khác, cũng như một số quan chức Trung Quốc thời gian gần đây, ông Tôn một lần nữa đề cập khả năng lập Vùng nhận diện phòng không ( ADIZ) ở Biển Đông khi nói vấn đề này “sẽ được dựa trên đánh giá về tình hình an ninh, tùy thuộc vào các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải và hàng không”. Tuyên bố này càng củng cố suy đoán của giới chức Philippines và chuyên gia quốc tế rằng Trung Quốc sẽ sớm lập Vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông sau hàng loạt động thái gây quan ngại như xây đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc Trường Sa, chặn đuổi máy bay Philippines hay mới nhất là có tin Bắc Kinh đã đưa pháo di động đến khu vực đảo nhân tạo phi pháp. Ngoài ra, cũng có chuyên gia nhận định các tuyên bố của ông Tôn là một dạng “xù lông” dọa nạt, gây áp lực ngược lại các bên khác sau khi nước này liên tục bị chỉ trích, đặc biệt là tại Đối thoại Shangri-La năm nay.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc tại Đối thoại Shangri-La – Ảnh: AFP
Video đang HOT
Chuyện không của riêng ai
Trước tình hình đang rất phức tạp ở Biển Đông, nhiều nước tuyên bố sẽ hết sức bảo vệ tự do lưu thông và an ninh khu vực. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La sáng 30.5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố Washingtion sẽ tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở khu vực bằng các hành động và sáng kiến hợp tác cụ thể. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đề xuất các nước ASEAN cùng tuần tra không phận Biển Đông 24/24 giờ. Ngoài ra, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews tuyên bố nước này đã triển khai máy bay tuần tra Biển Đông trong thời gian qua và sẽ tiếp tục làm điều này, bất chấp nguy cơ bị Trung Quốc cản trở. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 31.5, ông Andrews còn nhấn mạnh Úc có “lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, thương mại không bị cản trở và tự do lưu thông”. Tuyên bố này có thể là dấu hiệu mạnh nhất cho thấy Úc sẵn sàng cùng Mỹ và một số nước khác phản ứng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đề xuất tất cả các bên tranh chấp cùng tiến hành “tuần tra hòa bình” trong khu vực để giảm nguy cơ đụng độ. Đồng ý kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho rằng tuần tra chung với Trung Quốc “không phải không khả thi” vì “Trung Quốc có nhiều thứ để mất nếu khu vực bất ổn”. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov thì thông báo nước này sẽ cùng các thành viên khác của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc và Nhật) tổ chức tập trận về an ninh biển và chống khủng bố ở Biển Đông vào tháng 5.2016.
Mối quan tâm về tình hình Biển Đông cũng đã vượt khỏi biên giới châu Á – Thái Bình Dương. Khi phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter tuyên bố nước này sẵn sàng làm trung gian tìm kiếm giải pháp hòa bình, đúng luật pháp cho tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc lảng tránh
Cũng không ngạc nhiên khi đô đốc Tôn Kiến Quốc nhận được rất nhiều câu hỏi từ cử tọa về vấn đề Biển Đông sau bài phát biểu của mình. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã thất vọng vì khác với thái độ hùng hồn trước đó, ông Tôn lại khước từ hàng loạt câu hỏi, theo The Wall Street Journal.
“Chúng tôi không biết họ đang cố làm gì. Sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc có thể công khai tuyên bố ý định và minh bạch hơn”, Tư lệnh lực lượng quốc phòng Malaysia Zulkifeli Mohd.Zin phát biểu. Chuyên gia kỳ cựu Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cũng đánh giá: “Đó không phải là cách hành xử của một cường quốc đang lên và muốn được xem là có cách cạnh tranh lành mạnh. Có nhiều quan ngại ở đây… Đúng ra, Trung Quốc nên bắt đầu trả lời các câu hỏi nhưng họ không làm thế”.
Đối thoại Shangri-La 2015 kết thúc trưa 31.5 sau 3 ngày sôi nổi. Đúng như dự đoán của giới quan sát, hành động xây đắp phi pháp của Trung Quốc khiến chuyện Biển Đông phủ bóng lên hội nghị, với cao điểm là các bài phát biểu của Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ của cả hai bên không gay gắt như hội nghị năm ngoái.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Bộ trưởng QP Mỹ: Không được nản chí bảo vệ tự do hàng hải an ninh Biển Đông
Sau bài phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc, một viên Đại tá từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc Zhao Xiaozhuo (Triệu Hiểu Trác - dịch âm) đứng lên cãi lại..
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tại Đối thoại Shangri-la 2015. Ảnh: Sfchronicle.
Yahoo News ngày 30/5 dẫn nguồn tin thông tấn AFP cho biết, hôm nay Hoa Kỳ tiếp tục tuyên bố sẽ phái máy bay quân sự và tàu chiến đến khu vực tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh dừng ngay lập tức các hoạt động bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-la rằng, hoạt động bồi lấp cải tạo của Trung Quốc đã vượt qua các chuẩn mực quốc tế: "Đầu tiên, chúng tôi muốn có một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Cuối cùng, cần dừng ngay lập tức và lâu dài các hoạt động bồi lấp cải tạo bởi tất cả các bên".
"Chúng tôi cũng phản đối bất kỳ hoạt động nào quân sự hóa hơn nữa các thực thể tranh chấp", ông Ash Carter nói. Người đứng đầu Lầu Năm Góc thừa nhận rằng, đúng là các bên yêu sách đều có hoạt động cải tạo ở phạm vi và mức độ khác nhau, tuy nhiên Trung Quốc đã đi xa hơn, nhanh và nhiều hơn so với bất kỳ bên yêu sách nào khác.
"Trung Quốc đã bồi lấp hơn 2000 mẫu Anh, nhiều hơn tổng diện tích các bên yêu sách khác mở rộng cộng lại, và nhiều hơn toàn bộ (diện tích mở rộng) của khu vực trong lịch sử. Trung Quốc đã làm điều này chỉ trong vòng 18 tháng qua. Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ tiếp tục bồi lấp đến đâu. Đó là lý do tại sao điều này đã trở thành nguồn gốc căng thẳng trong khu vực", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.
Sau bài phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc, một viên Đại tá từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc Zhao Xiaozhuo (Triệu Hiểu Trác - dịch âm) đứng lên cãi lại: "Tự do hàng hải ở Biển Đông không phải là vấn đề vì tự do không bao giờ bị ảnh hưởng"?! "Tôi nghĩ rằng các hoạt động của Trung Quốc là hợp pháp, hợp lý và hợp lý"?! viên Đại tá nói, nhưng đó chỉ là "niềm tin củ chuối" của ông ta và giới lãnh đạo của ông mà thôi - PV.
Trưởng đoàn Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc sẽ có bài phát biểu trong phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri-la vào ngày mai 31/5.
Cũng trong ngày hôm nay tờ South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Lý Minh Giang từ Singapore bình luận, tự do hàng hải sẽ là giới hạn cuối cùng Mỹ bắt buộc phải duy trì ở Biển Đông. Washington thực sự lo ngại rằng cuối cùng Trung Quốc có thể biến đường lưỡi bò 9 nét thành cái gọi là "biên giới trên biển" để biến Biển Đông thành ao nhà của họ dưới cái mỹ hiệu "vùng nước chủ quyền lịch sử", Mỹ hay bất kỳ nước nào khác muốn đi qua phải "xin phép"?!
Mặt khác Mỹ cần phải can dự vào Biển Đông bởi mong muốn của họ duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực, đáp ứng sự kỳ vọng của các đồng minh và đối tác chiến lược trong khu vực Đông Nam Á.
Trương Minh Lượng, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á từ đại học Kỵ Nam ở Quảng Châu phải thừa nhận, chẳng ai coi Việt Nam, Philippines hay Malaysia là "mối đe dọa" (trừ Thời báo Hoàn Cầu và đội ngũ học giả "hỏa lực mồm" Trung Quốc - PV), nhưng hầu hết khu vực đều cảm thấy "không thoải mái" đối với Trung Quốc. Ông này cho rằng Bắc Kinh cần phải có "lập trường mạnh mẽ làm yên lòng chủ nghĩa dân tộc" và kêu gọi Trung - Mỹ kiềm chế, tránh đối đầu.
Tuy nhiên học giả Jonathan Holslag từ Viện Brussels cho rằng, hoạt động bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa đã đạt đến điểm "không thể dừng lại", nói cách khác hoạt động bồi lấp xây dựng quy mô lớn sẽ được Trung Quốc đẩy nhanh hơn nữa để tránh cát bị rửa trôi.
Đồng quan điểm này, học giả Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS cho rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực rất lớn để ngăn chặn tất cả các nước khác tham gia bất kỳ hoạt động nào ở các vùng biển gần (đảo nhân tạo đang bồi lấp phi pháp).
Theo Giáo Dục
Thủ tướng Lý Hiển Long: Không phải "kẻ mạnh luôn luôn đúng" Phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nêu ra ba vấn đề lớn trong khu vực và nói không phải "kẻ mạnh luôn luôn đúng". Ba vấn đề lớn nổi cộm trong khu vực là cán cân quyền lực giữa các cường quốc trong khu vực, cơ chế hợp tác khu vực và vấn đề khủng...