Đỗ Công Sơn và một giấc mơ đã thành hiện thực
VResort đã trở thành một địa chỉ, nơi hòa quyện một cách tuyệt vời giữa một đời sống văn minh với những vẻ đẹp văn hóa truyền thống xứ này.
Tuần trước, một nhà thơ Mỹ tên tuổi viết thư cho tôi nói về một hoạt động văn chương do trường Đại học của ông tổ chức và muốn mời tôi tham gia. Và ông lại nhắc lại sự kiện văn học mà ông và nhiều nhà văn, nhà thơ Mỹ tham gia năm 2010 tại VResort Hòa Bình.
Ông nói với tôi có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có những doanh nhân dùng những khu sinh thái đẹp, khách sạn hay ngân sách của cá nhân mình để ủng hộ các hoạt động liên quan đến văn học. Tôi nói với ông rằng: Đúng vậy, nhưng cũng chỉ có một, hai doanh nhân làm được điều đó thôi. Đó chính là gia đình doanh nhân Đỗ Công Sơn với công ty mang tên Công ty Vinh Hạnh và những người bạn của họ như vợ chồng anh Quy, chị Hoa.
Cho đến bây giờ, các nhà văn, nhà thơ tham dự Hội thảo quốc tế “Con đường của cái đẹp” giữa các nhà văn, nhà thơ Việt Nam và Mỹ vẫn nói về những ngày ở VResort.
Họ đã được sống trong một điều kiện tốt nhất, được thưởng thức những vẻ đẹp văn hóa của vùng đất Hòa Bình với những dân tộc khác nhau, được chăm sóc và đối xử thật văn hóa của người chủ và các nhân viên của VResort. Tại Hội thảo đó, họ nói về những vẻ đẹp của văn chương đã hàn gắn những vết thương tinh thần trong lòng họ mà cuộc chiến tranh đã để lại.
Hơn 200 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu và báo chí đã đến VResort Hòa Bình tham dự hội thảo trong hai ngày. Và toàn bộ mọi chi phí cho 200 vị khách “đặc biệt” đó được VResort tài trợ.
VResort Hòa Bình.
Video đang HOT
Cách đây một năm, Công ty Vinh Hạnh, chủ nhân của VResort, hay nói đúng hơn là gia đình doanh nhân Đỗ Công Sơn đã nói với tôi về mong muốn của anh Đỗ Công Sơn khi còn sống. Mong muốn đó là họ muốn ủng hộ cá nhân tôi thành lập ra một quỹ dành cho văn học.
Quỹ đó sẽ mang tên Quỹ Đỗ Công Sơn. Các nhà văn có thể tổ chức Giải thưởng hàng năm cho một hai cuốn sách của các tác giả trẻ với số tiền thưởng mà các Giải thưởng văn chương nghệ thuật ở Việt Nam từ trước đến nay chưa bao giờ có được. Nhưng bởi một số lý do khách quan mà tôi thấy chưa thể tổ chức hoạt động văn học này trong thời gian này.
Khi nhà văn Mỹ bạn tôi nhắc đến VResort, tâm trí tôi lại tràn ngập ký ức về vùng đất ấy và người bạn thân thiết của tôi – anh Đỗ Công Sơn. Tôi trở thành bạn của anh Đỗ Công Sơn và gia đình anh từ những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Trong một lần gặp nhau ở Bangkok khoảng 20 năm về trước. Trong lúc ngồi cà phê với nhau, Sơn đã nói cho tôi nghe về một dự án mà anh ấp ủ từ những năm trước đó. Đó là dự án xây dựng những khu giải trí ở các tỉnh xung quanh Hà Nội.
Anh nói với tôi, Hòa Bình là vùng đất mà anh đặc biệt yêu thích. Anh Sơn đã từng lang thang nhiều lần ở các huyện tỉnh Hòa Bình. Anh nhận ra vẻ đẹp lạ lùng của thiên nhiên, văn hóa và con người trên mảnh đất đó. Lúc đó chỉ bằng hình dung của mình thông qua lời kể của anh Sơn, tôi đã thấy hiện lên một vùng thiên nhiên và văn hóa để con người từ mọi nơi đến đó hòa mình vào thiên nhiên và văn hóa đặc trưng của vùng đất.
Nhưng rồi, với tôi, mọi chuyện tưởng rằng cũng chỉ là câu chuyện của những giấc mơ. Nhất là sau khi tôi đi theo anh đến thăm vùng đất đó. Nếu ai đã đến vùng đất đó trước khi vợ chồng anh Sơn quy hoạch và xây dựng lên VResort thì sau này nhìn VResort mới kinh ngạc vì sự thay đổi như một phép lạ.
Khi chưa có VResort, đó là một vùng đất hoang sơ, thiên nhiên đang bị tàn phá. Và lúc đó, quả thực tôi không tin rằng sau này đã hiện lên một khu giái trí sinh thái như vậy.
Đỗ Công Sơn và một giấc mơ đã thành hiện thực
Thế rồi, khi vợ chồng anh Sơn bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng VResort, tôi đã dăm bảy lần lên đó. Tôi còn nhớ mãi những đêm ở vùng đất đó, tôi ngồi uống trà trong đêm với anh Sơn. Quanh tôi bóng đêm phủ ngập, xa xa quanh đó thấp thoáng ánh đèn của một số nhà dân. Nhưng bây giờ bước vào đó, chúng ta như bước vào một cõi khác. Có một điều mà tôi rất muốn nói đến.
Đó là khi chúng ta vừa bước chân ra khỏi bậc cửa những căn phòng sang trọng, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi là chìm ngay vào một thiên thiên như có tự ngàn xưa, chúng ta chìm vào ngay những vẻ đẹp văn hóa của người Mường, người Thái… trên vùng đất hòa bình. Vẻ đẹp của những làn điệu dân ca được chính những người dân tộc biểu diễn ở đó, vẻ đẹp của hương vị những món ăn đặc trưng, vẻ đẹp của những phiên chợ đêm người Mường, người Thái… Vẻ đẹp của những sản vật của vùng đất này.
Đúng như dự định của vợ chồng anh Sơn, VResort đã trở thành một địa chỉ, nơi hòa quyện một cách tuyệt vời giữa một đời sống văn minh với những vẻ đẹp văn hóa truyền thống xứ này. Nơi mà vợ chồng anh Sơn không những đã giúp bao người dân quanh vùng có được công ăn việc làm mà còn gián tiếp giữ lại cho người dân ở đây những phong tục đẹp, những sản vật quý hiếm và một nền văn hóa lâu đời đang có nguy cơ bị xói lở và biến dạng.
Bây giờ anh Đỗ Công Sơn đã trở thành người thiên cổ. Nhưng anh đã thực hiện giấc mơ khi còn sống. Một giấc mơ mà tôi nghe anh “thuyết trình” cho tôi và bạn bè đầy hào hứng từ hơn 20 năm trước.
Năm 2000 vợ chồng anh khởi công xây dựng VResort. Năm 2002 VResort bắt đầu được sử dụng. Năm 2005, chị Trần Thị Nga, chị vợ anh Đỗ Công Sơn từ Đức trở về giúp vợ chồng anh Sơn điều hành toàn bộ hoạt động của VResort. Chính chị Nga đã tổ chức cho Hội thảo quốc tế “Con đường của cái đẹp” thành công mỹ mãn.
Thế nhưng tuần trước, một người bạn thân của anh Sơn đã gọi điện cho tôi thông báo rằng: có một người vốn là người làm thuê cho anh Sơn trước kia đã nói trên một tờ báo rằng người ấy đã nghĩ ra mô hình VResort. Người bạn tôi nói với tôi bằng một giọng nổi giận. Anh ấy nói sẽ kiện cái người phát biểu vô căn cứ kia. Và theo anh đấy là hành động không thể chấp nhận được. Anh đề nghị tôi phải viết bài lên tiếng.
Nghe xong câu chuyện đó, tôi chỉ cười. Tôi chỉ nghĩ rằng, xét theo nhiều nghĩa thì không ai được quyền sở hữu cái thương hiệu VResort Hòa Bình ngoài vợ chồng anh Đỗ Công Sơn. Tôi là một người chứng kiến sự hình thành VResort Hòa Bình của vợ chồng anh Đỗ Công Sơn từ hơn 20 năm trước, chứng kiến nó từ khi nó chỉ là một hình ảnh có thể là rất mơ hồ trong giấc mơ và dự định của vợ chồng anh Sơn.
Và tôi cứ nghĩ rằng: nếu anh Sơn còn sống thì có thể anh sẽ nổi giận. Bởi anh là một người quá rành mạch trong công việc và trong cuộc đời này vì tôi đã chứng kiến nhiều việc anh làm và thái độ của anh trong nhiều việc.
Nhưng cũng có thể anh chỉ im lặng hoặc cười khẩy khi đọc cái mẩu tin trên báo đó. Chắc các bạn hiểu được điều tôi viết. Thôi thì cho qua. Tôi nói với bạn tôi như thế. Nhưng người bạn gắt: “Cho qua là qua thế nào, phải làm cho rõ, bắt tờ báo đó phải đính chính”.
Tôi lại nhớ đến một đêm ở VResort khi đó mới chỉ có một ngôi nhà duy nhất. Tất cả còn ngổn ngang, hoang vu và tôi biết vợ chồng anh phải bỏ vào một khối lượng không nhỏ tiền của và công sức cùng với lòng say mê.
Đỗ Công Sơn nói với tôi: “Sau này tôi sẽ mở mang khu này, sẽ trồng một khu rừng đẹp, mua một con ngựa cho ông cưỡi, ông nhìn giống Cao bồi Mỹ lắm”. Tôi không thích trở thành cao bồi. Nhưng tôi mê đắm những cánh rừng.
Bây giờ mỗi khi đi qua những cánh rừng đã bị phá tan hoang ở nước ta, qua những quả đồi trọc trơ, tôi lại nhớ đến Đỗ Công Sơn. Anh đã thực sự làm sống lại một vùng đất cho dù còn khiêm tốn, sống lại một phần những vẻ đẹp văn hóa truyền thống ở vùng đất ấy và đã tạo ra sự tương tác cũng như gắn kết giữa con người – thiên nhiên – văn hóa.
SCANDIA VILLA & RESORT ưu đãi khách mua biệt thự ven biển
Nguyễn Quang Thiều
Theo_Báo Đất Việt