DN Nhật rời Trung Quốc chọn Việt Nam: Đừng vội cười
DN Nhật tìm đến VN, nhưng không tự nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ hội sẽ vuột khỏi tầm tay.
DN Nhật chọn VN: Đừng vội mừng
Liên quan tới câu chuyện DN Nhật “chê” DN cung ứng Việt Nam quy mô vừa nhỏ vừa không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản xuất. Do đó, nhiều DN nước này phải lựa chọn nhà cung ứng đến từ Thái Lan hoặc Trung Quốc.
Ảnh minh họa
Nói rõ về nguyên nhân và thực trạng của sự yếu kém trên PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh – Viện kinh tế và thương mại quốc tế cho biết, sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ đã nhận thức từ khoảng 15 – 20 năm về trước. Từ nhận thức trên nên đã có rất nhiều nghị quyết, chỉ đạo về phát triển chiến lược ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, chính sách có đủ, nhận thức cũng rất rõ ràng song vấn đề triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn.
Khó khăn thứ nhất, ông Minh cho biết, đặc thù của ngành công nghiệp hỗ trợ là ở quy mô và công nghệ. Để đầu tư được công nghệ cao lại phải đòi hỏi có vốn lớn và trình độ cao. Đây là hạn chế rất lớn với các DN Việt Nam.
Khó khăn thứ hai, là cơ chế chính sách điều hành vĩ mô chưa phân định được rõ mục tiêu. Nếu theo thông lệ quốc tế, họ thường có bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Theo ông, việc thu hút đầu tư nước ngoài, giống như công tác chuẩn bị tiếp đón một vị khách tới chơi nhà mình vậy.
“Tức là ngoài việc có ngôi nhà, còn phải có chủ nhà, có đồ ăn, thức uống… để chuẩn bị thết đãi khách. Thu hút FDI cũng vậy, đáng ra phải xác định rõ mục tiêu, xác định từng lĩnh vực, từng ngành nghề ưu tiên và quan trọng nội lực trong nước phải được nâng lên, DN trong nước phải đủ vững vàng, đủ năng lực tham gia được vào chuỗi cung ứng của họ. Chỉ có như vậy trình độ, năng lực DN mới từng bước được cải thiện, giá trị được hưởng lợi mới tăng lên”, ông Minh ví von.
Tuy nhiên, ông Minh cho biết, chính sách thu hút đầu tư FDI của Việt Nam thời gian qua chưa xác định rõ mục tiêu, giữa chính sách và thực tế đang có sự lệch pha. Chính sách không phù hợp, công nghiệp phụ trợ không phát triển, VN hoàn toàn không có gì ngoài những dải tường bao kín, vì thế mà thu hút đầu tư của VN cứ luẩn quẩn mãi.
“Dường như đang có một phong trào đua nhau xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế để thu hút FDI nhưng lại không trú trọng tới yêu cầu chuyển giao công nghệ hay đòi hỏi phải có công nghệ rồi mới thu hút đầu tư.
Video đang HOT
Vì thế, mới có câu chuyện xây dựng xong khu kinh tế, khu công nghiệp thì DN có công nghệ lõi lại không muốn vào. Vì vào cũng không tìm được DN cung ứng, như vậy họ có hai lựa chọn một là mang theo DN hỗ trợ từ nước mình; hai là tìm kiếm DN cung ứng từ các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan. Cuối cùng, DN Việt vẫn chỉ đứng nhìn”, ông cho biết.
Vị chuyên gia cũng cảnh báo, VN đừng vội mừng khi nhìn thấy có những DN Nhật hay Mỹ chuyển dịch trụ sở từ TQ sang VN. Đầu tiên phải hiểu đây chỉ như một phương án dự phòng khi kinh tế TQ đang có dấu hiệu bất ổn, chính sách ưu đãi bị siết lại. Nếu so sánh về tiềm năng Malaysia, Thái Lan vẫn có khả năng hút các nhà đầu tư nước ngoài hơn cả.
Vấn đề thứ hai, vị chuyên gia cho biết khả năng DN Nhật lựa chọn VN còn vì mối quan hệ phát triển giữa hai nước đã được xây dựng và hợp tác từ nhiều năm. Đây là lợi thế lớn với VN, nhưng nếu VN không tận dụng tốt cơ hội, không tranh thủ tự nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ thì cơ hội cũng sẽ bị vuột khỏi tầm tay.
Thay vì làm xuôi giờ hãy làm ngược
Bàn về vấn đề này, TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, yêu cầu phải tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu là vấn đề đã được đặt ra từ lâu đối với các DN Việt Nam. Tuy nhiên, đây chính là điểm yếu của nền kinh tế VN.
Ông cho biết, khi VN không thể tự làm chủ được một dây chuyền sản xuất thì việc tham gia được vào từng công đoạn của tập đoàn lớn sẽ là cơ hội để các DN trong nước học hỏi, tự nâng cao nâng lực để tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Có thể nói rằng, DN Việt đang đối diện với yếu kém toàn diện, yếu mọi mặt từ quy mô DN việt nhỏ lẻ, vốn, tài chính hạn hẹp, kỹ năng sản xuất, hội nhập, cho tới khả năng đàm phán không cao… do đó bao nhiêu năm hội nhập DN Việt vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu của DN nước ngoài.
Về giải pháp, theo PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh, để công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển đầu tiên VN cần phải thay đổi lại tư duy và cách làm. Nếu trước kia làm xuôi giờ chúng ta phải đi ngược.
Ông lấy ví dụ, trước đây DN Việt tự mày mò thấy gì là làm, thích gì là sản xuất, vì vậy khi sản xuất ra thì có chuyện chất lượng, mẫu mã lại không phù hợp với yêu cầu của DN ngoại. Hoặc có đáp ứng được thì lại giá thành quá cao do tính chất nhỏ lẻ, manh mún…
Tới đây, cần phải thay đổi tư duy và cách làm này. Tức là làm theo yêu cầu ,sản xuất theo đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước phải có sự liên kết, phối hợp với nhau tạo thành từng cụm nhóm doanh nghiệp cùng góp vốn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ, đào tạo nhân lực, cùng tổ chức sản xuất, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Có như vậy, DN Việt mới đứng vững và mới có cơ hội tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI.
Cách thứ hai, ông Minh cho biết là có thể thành lập các vùng kinh tế tự do, mời gọi những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật bản hoặc các nước vào đầu tư. Bên cạnh đó có chính sách ưu đãi đặc biệt như: không đánh thuế nhưng phải giàng buộc với lời cam kết sẽ chuyển giao công nghệ cho VN.
Ông Minh cũng lưu ý, VN đã chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư mới, không thể thu hút bằng mọi giá. Đối với nước ngoài, yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa đối với các DN FDI là yêu cầu bắt buộc. VN hiện còn đang bị thả lỏng.
Thứ hai, họ cũng quy định hàng loạt các mặt hàng các DN FDI phải sử dụng sản phẩm trong nước. Ở đây, họ đang sử dụng cơ chế ép các DN FDI phải phối hợp với DN trong nước để cho ra những sản phẩm đạt yêu cầu.
“Nếu có được cơ chế ép buộc như vậy, chắc chắn Samsung không thể rêu rao không tìm được DN cung ứng trong nước hay DN Việt không sản xuất được ốc vít mà Samsung bắt buộc phải đào tạo được DN Việt sản xuất được ốc vít cho Samsung”, ông Minh nhấn mạnh.
Ông cho biết, chỉ khi số lượng ốc vít của DN Việt sản xuất chiếm tới 70% trong chuỗi cung ứng của Samsung mới có thể coi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài là thành công.
Theo Báo Đất Việt
Thấy gì từ sóng đầu tư Thái Lan?
Các ngành mà Thái Lan đầu tư tại Việt Nam, như hạ tầng, vật liệu xây dựng, bán lẻ, tiêu dùng, thực phẩm, ôtô..., đều là những ngành tiềm năng.
Trong báo cáo mới nhất, nhóm nghiên cứu MAF cho rằng, xu hướng mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam giai đoạn năm 2015-2016 và sắp tới vẫn hướng vào tiêu dùng, ngân hàng, tài chính, bất động sản, bán lẻ như hiện tại. Tuy nhiên, nhà đầu tư từ Thái Lan sẽ đóng vai trò người mua chính.
Đón đầu cơ hội
Thái Lan có nhiều lý do để đầu tư vào Việt Nam. Không chỉ có quy mô thị trường rộng lớn, sức tiêu dùng tăng, Việt Nam còn giúp hàng hóa Thái Lan tiếp cận dễ dàng các thị trường khác. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hàng hóa Thái Lan vào Việt Nam được áp dụng thuế suất bằng 0%; vì thế, nhiều tổ chức Thái Lan đầu tư vào Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội.
Sôi động nhất là ngành bán lẻ, tạo ra kênh phân phối thuận lợi cho hàng Thái Lan. Đầu năm 2015, Central Group chi khoảng 100 triệu USD để sở hữu 49% vốn điều lệ của Nguyễn Kim và không giấu giếm tham vọng biến hệ thống này trở thành chuỗi điện máy hàng đầu Đông Nam Á. Dự kiến đến năm 2019, Central Group thành lập 50 siêu thị Nguyễn Kim, gấp đôi số cửa hàng hiện tại. Trước đó, Central Group đã thiết lập chuỗi bán lẻ cao cấp Robins tại Việt Nam.
Tập đoàn Berli Jucker (BJC), của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, tạo chấn động không kém khi quyết định mua Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 879 triệu USD. Trước đó, BJC từng mua chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B's mart và âm thầm mua 65% cổ phần tại Phú Thái. Ông chủ của BJC còn đóng vai trò lớn trong cả ngành đồ uống, khi đồng thời sở hữu Tập đoàn ThaiBev. Sau khi giành được quyền kiểm soát tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore là Fraser&Neave (F&N), ThaiBev gián tiếp trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất tại Vinamilk, tiếp tục gia tăng đầu tư vào công ty sữa này và từng ngỏ ý muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.
Siam Cement Group (SCG) đã tiến hành hơn 20 thương vụ M&A trong những năm tháng có mặt tại Việt Nam. Bên cạnh thương vụ thâu tóm Prime Group trong ngành vật liệu xây dựng lên tới vài trăm triệu USD, SCG còn đầu tư vào nhiều công ty trong ngành nhựa và bao bì, như Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Nhựa Bao bì Tín Thành (Batico)... SCG đạt tổng giá trị tài sản tại Việt Nam xấp xỉ 716 triệu USD (cuối tháng 6.2015) và cho biết sẽ dành phần lớn vốn đầu tư thời gian tới (6-8 tỉ USD) cho Việt Nam.
Đặc biệt, trong luồng vốn Thái Lan vào Việt Nam có không ít nhà đầu tư là tỉ phú người Thái gốc Hoa. Ông Charoen Sirivadhanabhakdi, chủ của ThaiBev, BJC, TCC Holding và ông Dhanin Chearavanont, chủ tịch của C.P Group, là người Thái gốc Quảng Đông (Trung Quốc). Gia tộc Chirathivat, sáng lập Tập đoàn Central Group, có gốc từ Hải Nam.
Chiếm lĩnh âm thầm
Bằng chiến lược đầu tư âm thầm, liên tục, có lộ trình cụ thể và dựa trên sự tương đồng, hiểu biết về văn hóa vùng miền, đến nay, Thái Lan đã thâm nhập khá sâu vào thị trường Việt Nam.
Các ngành mà Thái Lan đầu tư tại Việt Nam, như hạ tầng, vật liệu xây dựng, bán lẻ, tiêu dùng, thực phẩm, ôtô..., đều là những ngành tiềm năng. Tăng trưởng ngành bán lẻ được dự báo đạt trung bình 15%/năm, có thể đạt tới 97 tỉ USD doanh thu vào năm 2016, theo Economist Intelligence Unit. C.P Việt Nam đang thành công trên thị trường thức ăn chăn nuôi trị giá 6 tỉ USD/năm và thị trường sản phẩm thịt trị giá 18 tỉ USD/năm.
Có tiềm lực tài chính dồi dào, nhà đầu tư Thái Lan mong muốn nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nên ưu tiên rót vốn vào các doanh nghiệp đầu ngành. Sau khi mua lại Prime Group, SCG đã thâu tóm thành công ngành vật liệu xây dựng Việt Nam (giữ 20% thị phần) và trở thành nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới (sản lượng 225 triệu m2/năm). Khoản đầu tư vào 2 đơn vị dẫn đầu ngành ống nhựa là Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong (chiếm trên 50% thị phần) hứa hẹn giúp SCG tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhựa. Vào tháng 7 vừa qua, SCG tiếp tục rót vốn vào Công ty Bao bì Nhựa Tín Thành, thuộc tốp 5 doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất bao bì.
Bên cạnh hình thức M&A, Thái Lan cũng đẩy mạnh luồng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Sau 27 năm đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, C.P Group đã trở thành tên tuổi dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Công ty Kraft Vina của SCG đang duy trì thị phần dẫn đầu ngành giấy bao bì.
Số liệu 9 tháng đầu năm 2015 từ Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết, trong các nước ASEAN, Thái Lan hiện chỉ đứng sau Singapore và Malaysia về vốn FDI tại Việt Nam, với 406 dự án, tương ứng giá trị 7 tỉ USD.
Hàng hóa Thái Lan nhập vào Việt Nam trong 10 tháng qua đạt hơn 6,7 tỉ USD, cao nhất trong khối ASEAN. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, trị giá hàng trăm triệu USD, là xăng dầu, máy móc thiết bị, hàng gia dụng, ôtô, chất dẻo, rau củ quả...
Sự thâm nhập mạnh mẽ vào những ngành chủ chốt của Thái Lan đã khiến không ít doanh nghiệp Việt Nam lo ngại. Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng là người đứng đầu Nhựa Rạng Đông, cho biết, doanh nghiệp Thái Lan ngày càng lấn sâu vào ngành nhựa càng làm tăng áp lực về việc hàng Việt Nam sẽ bị đánh bật và thua ngay trên sân nhà. Sâu xa hơn, kinh tế Việt Nam dễ rơi vào tình trạng lệ thuộc.
Với góc nhìn tích cực, ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược Robenny, phụ trách khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng, sức ép tồn tại sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi trong cách tư duy, vận hành, cải tiến sản phẩm. Điều này có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập.
Theo Nhịp cầu đầu tư
Chênh lệch trình độ phát triển: Thách thức lớn nhất khi gia nhập AEC Một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam là sự chênh lệch về trình độ phát triển so với các nước ASEAN-6, thể hiện ở quy mô vốn của nền kinh tế, các doanh nghiệp, trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề lao động... Đó là một trong những nội dung được các chuyên gia lưu ý nhất khi Việt...