Disney vỡ mộng với ‘Mộc Lan’ tại Trung Quốc
Khán giả Trung Quốc không mặn mà với “ Mulan” khi thành tích trong ngày đầu khởi chiếu của bộ phim tại thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới chưa chạm nổi mốc 10 triệu USD.
Theo Forbes, doanh thu ngày khởi chiếu 11/9 của Mulan tại Trung Quốc là 7,96 triệu USD. Con số bao gồm cả các suất chiếu sớm vào tối 10/9. Tờ tạp chí nhận định doanh thu của bộ phim tại quốc gia tỷ dân sau ba ngày khởi chiếu sẽ rơi vào khoảng 24 triệu USD, và tổng thành tích sau khi kết thúc trình chiếu là 52 triệu USD.
Disney chắc chắn không thể cảm thấy hài lòng với những con số đó, nhất là sau khi họ đã phải phát hành bộ phim trị giá 200 triệu USD qua hệ thống chiếu phim trực tuyến Disney tại Bắc Mỹ trước đó.
Một canh bạc thất bại
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thất bại của Mulan tại Trung Quốc. Việc bộ phim được phát hành trên Disney từ 3/9 khiến bản lậu sớm bị lọt lên mạng Internet. Trên Douban – trang web tương đương IMDb đối với người Trung Quốc, bộ phim có Lưu Diệc Phi đóng chính chỉ được chấm điểm 4,7/10. Một số mạnh dạn bình luận đây là phiên bản điện ảnh kém nhất về Hoa Mộc Lan từ trước tới nay.
Ngược dòng thời gian, dự án Mulan được Disney công bố hồi đầu 2015. Đó là thời điểm Disney đang hân hoan ăn mừng chiến thắng của Maleficent (2014). Phiên bản live-action dựa trên Sleeping Beauty với tâm điểm là Tiên Hắc ám do Angelina Jolie thủ vai trải qua quá trình phát triển sóng gió, bị báo chí lạnh nhạt, nhưng rốt cuộc vẫn đem về tới 758 triệu USD toàn cầu, so với kinh phí sản xuất 180 triệu USD.
Dự án Mulan được công bố từ năm 2015, thời điểm Disney đang ăn mừng chiến thắng của Maleficent. Ảnh: Disney.
Maleficent là bộ phim live-action (người đóng) thứ ba dựa trên các phim hoạt hình hoặc truyện cổ tích nổi tiếng mà Disney từng thực hiện. Trước đó, Alice in Wonderland (2010) mang về hơn 1,02 tỷ USD nhờ cơn sốt phim 3D do Avatar (2009) tạo ra, còn Oz: The Great of Powerful mang về cho “nhà chuột” 492 triệu USD.
Cũng trong 2014, Transformers: Age of Extinction (2014) trở thành bộ phim ăn khách nhất năm với hơn 1,1 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc đóng góp tới 320 triệu USD và cho thấy tiềm năng để Hollywood mở rộng thị trường.
Giả sử không có dịch Covid-19, mọi chuyện chắc chắn dễ dàng hơn với dự án 200 triệu USD do đạo diễn Niki Caro thực hiện. Hồi tháng 3, giới quan sát phòng vé nhận định Mulan có thể thu 80-90 triệu USD sau ba ngày đầu trình chiếu tại Bắc Mỹ. Các tờ báo quốc tế dành nhiều lời khen cho bộ phim sau sự kiện thảm đỏ diễn ra ở Los Angeles, Mỹ hồi đầu tháng 3.
Theo Forbes, Disney khi ấy kỳ vọng Mulan sẽ trở thành cú hit trên toàn cầu, chứ không chỉ riêng Trung Quốc, dù bộ phim tập hợp toàn ngôi sao Hoa ngữ gồm Lưu Diệc Phi, Chân Tử Đan, Củng Lợi, Lý Liên Kiệt…
Gu thưởng thức của người Trung Quốc đã thay đổi
Năm 2009, hai tập phim Xích Bích của Ngô Vũ Sâm thu tổng cộng 250 triệu USD, trong khi bom tấn Avatar kiếm được 200 triệu USD tại riêng Trung Quốc. Nhưng sau đó, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện (2013) thu hơn 200 triệu USD và Tây du ký: Đại náo thiên cung (2014, bản có Chân Tử Đan sắm vai Tôn Ngộ Không) kiếm gần 200 triệu USD. Đó là những dấu hiệu cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ thị trường điện ảnh Trung Quốc.
Cộng thêm những chính sách có lợi mỗi dịp Tết Nguyên đán và trong mùa phim hè, các bộ phim Trung Quốc liên tục xô đổ kỷ lục phòng vé. Đầu 2016, Mỹ nhân ngư của Châu Tinh Trì kiếm 550 triệu USD tại riêng quê nhà.
Đến mùa hè 2017, Chiến lang 2 của Ngô Kinh khiến Hollywood ghen tị với thành tích 854 triệu USD nội địa. Đó hiện vẫn là con số doanh thu cao thứ ba lịch sử đối với một thị trường điện ảnh, chỉ sau Star Wars: The Force Awakens (2015, 937 triệu USD tại Bắc Mỹ) và Avengers: Endgame (2019, 858 triệu USD tại Bắc Mỹ).
Chỉ cần thị trường quê nhà, một số bộ phim Trung Quốc cũng đạt doanh thu như phim Hollywood tính trên diện toàn cầu. Ảnh: Outnow.
Các xuất phẩm của điện ảnh Trung Quốc vẫn chưa thôi gây bão. Trong năm 2019, Lưu lạc địa cầu cũng của Ngô Kinh mang về 692 triệu USD, còn phim hoạt hình Na Tra đem lại 724 triệu USD và giúp mở ra một vũ trụ điện ảnh mới.
Cùng lúc đó, khán giả Trung Quốc vẫn ra rạp xem phim Hollywood. Song, tâm thế của họ dần thay đổi. Người Trung Quốc không còn đặt bom tấn Hollywood lên hàng đầu, cũng như không quá quan tâm đến kiểu tác phẩm mà kinh đô điện ảnh “đo ni đóng giày” cho mình.
Có một số kiểu phim hành động hạng B vẫn được người Trung Quốc ủng hộ, như The Meg (2018) của Jason Statham hay Rampage (2018) của Dwayne “The Rock” Johnson. Nhưng Trường Thành (2016) của Trương Nghệ Mưu là một cú vấp ngã. 155 triệu USD từ riêng Trung Quốc là không đủ để cứu vãn doanh thu toàn cầu nghèo nàn chỉ ở mức 335 triệu USD sau khi Universal đã bỏ ra tới 150 triệu USD để thực hiện bộ phim.
Mulan hiện rơi vào tình huống tương tự. Chọn một nhân vật dân gian Trung Quốc, ghi hình bộ phim tại Trung Quốc, chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu Trung Quốc, tất cả không giúp bộ phim lôi kéo được người Trung Quốc tới rạp. Éo le thay, bộ phim còn xây dựng Mộc Lan như một siêu anh hùng, trong khi khán giả quốc gia tỷ dân đang “mê mệt” phim siêu anh hùng Hollywood.
Người Trung Quốc hiện đam mê phim siêu anh hùng của Hollywood và không còn mặn mà với các thể loại khác như trước. Ảnh: Warner Bros.
Trước 2018, ngoài các phim Avengers, không có tác phẩm siêu anh hùng nào thu hơn 120 triệu USD tại Trung Quốc, ngoại trừ Iron Man 3 (2013), X-Men: Apocalypse (2016) và Ant-Man and The Wasp (2018). Trong khi đó, các dự án không thuộc dòng này như Rampage, Kong: Skull Island (2017), xXx: Return of Xander Cage (2017) hay thậm chí Resident Evil: The Final Chapter (2017) dễ dàng thu 155-170 triệu USD từ thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới.
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Venom (2018) kiếm tới 262 triệu USD, Aquaman (2018) thu 298 triệu USD, hay Captain Marvel (2018) mang lại 154 triệu USD. Cùng lúc đó, không cái tên nào trong số Detective Pikachu (2019), Godzilla: King of the Monsters (2019) hay Alita: Battle Angel (2019) chạm nổi cột mốc 150 triệu USD tại Trung Quốc.
Avengers: Endgame (2019) đã không thể xô đổ kỷ lục 2,78 tỷ USD của Avatar nếu như biệt đội siêu anh hùng không có sự đột biến tại Trung Quốc. So với Avengers: Infinity War (2018), bộ phim tăng doanh thu tới 71% với thành tích 620 triệu USD. Hay như Spider-Man: Far from Home (2019) cũng có doanh thu vượt hơn Spider-Man: Homecoming (2017) tới gần 90 triệu USD.
The Eight Hundred được cho là liều thuốc kích thích phòng vé Trung Quốc. Bộ phim chiến tranh ra mắt từ 21/8 và đã thu khoảng 370 triệu USD. Ảnh: Variety.
Kể từ sau Bumblebee (2018), chỉ có duy nhất một bộ phim Hollywood thu hơn 140 triệu USD mà không thuộc dòng siêu anh hùng. Đó là Hobbs & Shaw (2018) với 200 triệu USD. Nhưng đây vốn là tác phẩm nằm trong một thương hiệu vốn được người Trung Quốc rất yêu mến là Fast & Furious.
Còn có một thực tế khác rằng các bộ phim Hollywood có sự tham gia của dàn sao châu Á hoặc gốc Á như Crazy Rich Asians (2018) hay The Farewell (2019) có thể gây tiếng vang tại Mỹ. Nhưng khi tiến sang phía bên kia bờ Thái Bình Dương, tất cả đều “đến rồi đi” trong sự lặng lẽ.
Ngần ấy yếu tố đã đẩy Mulan tới hoàn cảnh hiện tại. Còn tại dịch Covid-19 ư? Phim chiến tranh The Eight Hundred do người Trung Quốc tự thực hiện đang trên đường tiến tới cột mốc doanh thu 400 triệu USD sau khi khởi chiếu từ 21/8 rồi.
'Mộc Lan' - cái nhìn sơ sài của phương Tây về phương Đông
Nhiều tờ báo quốc tế ca ngợi "Mulan" sau khi phim ra mắt. Tuy nhiên, tác phẩm điện ảnh có Lưu Diệc Phi đóng chính thực tế chỉ là một nỗ lực nghèo nàn của người phương Tây.
Từ biểu tượng nữ quyền thời phong kiến Trung Quốc
Hoa Mộc Lan là nữ nhân vật trong văn hóa dân gian Trung Quốc. Các câu chuyện về nhân vật có nhiều dị bản khác nhau, nhưng điểm cơ bản thường gặp là bối cảnh thời đại Nam-Bắc triều (giai đoạn thế kỷ IV-V).
Hoa Mộc Lan vốn là một thiếu nữ thuộc triều Bắc Ngụy. Khi quân Nhu Nhiên xâm lược biên thùy, do thương cha già bệnh tật, cô bèn giả trai để thay cha tòng quân đánh giặc, qua đó lập được nhiều công lao hiển hách.
Nhân vật từ đó trở thành biểu tượng nổi tiếng về đạo hiếu-nghĩa trong văn hóa dân gian Trung Quốc, cũng như là một trong những biểu tượng nữ quyền sớm nhất dưới chế độ phong kiến Á Đông mang tư tưởng trọng nam khinh nữ nặng nề.
Hoa Mộc Lan là nhân vật nổi tiếng trong văn hóa dân gian Trung Quốc.
Những điển tích về Hoa Mộc Lan từng xuất hiện rất sớm trong văn hóa Trung Quốc cổ đại, được ghi nhận trong Cổ kim nhạc lục từ thế kỷ VI. Qua thời gian, tích truyện "Hoa Mộc Lan thay cha tòng quân" ngày càng trở nên phổ biến và được biết đến rộng rãi thông qua các loại hình văn hóa như thơ, kịch, tiểu thuyết....
Trong văn hóa hiện đại, câu chuyện về Hoa Mộc Lan từng nhiều lần được chuyển thể lên màn ảnh rộng lẫn màn ảnh nhỏ. Với khán giả đại chúng, phổ biến nhất là bản hoạt hình Mulan do hãng Disney sản xuất năm 1998 và phiên bản điện ảnh Hoa Mộc Lan có Triệu Vy đóng chính năm 2009.
Dự án bom tấn trải qua nhiều trắc trở
Sau hai phần phim Maleficent (2014, 2019) , Cinderella (2015), Beauty and the Beast (2017) và Aladdin (2019), Mulan là tác phẩm mới nhất được Disney chuyển thể thành phiên bản người đóng (live-action) dựa trên nguyên tác hoạt hình của hãng.
"Nhà chuột" không giấu tham vọng gặt hái thành công tại quê nhà Bắc Mỹ, đồng thời chinh phục khán giả Trung Quốc - bối cảnh nguyên tác và hiện là thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới.
Lưu Diệc Phi từng bị công chúng đặt câu hỏi về khả năng đảm nhận vai Mộc Lan.
Đội ngũ sản xuất lựa chọn dàn diễn viên Hoa ngữ nổi tiếng cho tác phẩm gồm Lưu Diệc Phi, Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt, Củng Lợi..., đồng thời định hướng dự án sang thể loại hành động dã sử truyền thống, thay vì ca vũ nhạc như nguyên tác.
Bộ phim lập tức thu hút sự chú ý của khán giả toàn cầu, nhưng không ít lo ngại dấy lên khi nhiều ý kiến cho rằng khả năng diễn xuất hạn chế của Lưu Diệc Phi sẽ không đáp ứng được yêu cầu của vai diễn.
Đến tháng 8/2019, giữa bối cảnh chính trị phức tạp tại Hong Kong (Trung Quốc), Lưu Diệc Phi có phát ngôn gây ảnh hưởng tới Mulan. Nhưng vận rủi chưa hết. Ấn định lịch ra mắt hồi tháng 3, nhưng trước sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, bộ phim bị trì hoãn phát hành nhiều lần.
Cuối cùng, Disney cho phát hành Mulan trên hệ thống Disney tại Bắc Mỹ từ 4/9. Còn ở những nơi hệ thống chiếu phim trực tuyến chưa hoạt động, điển hình như Trung Quốc, phim vẫn sẽ ra rạp bình thường.
Phương Tây ca ngợi, phương Đông lạnh nhạt
Ngay sau khi ra mắt, Mulan trở thành tâm điểm bình luận khi đứng trước luồng ý kiến phê bình trái ngược đến từ giới phê bình và khán giả của hai nền văn hóa Đông-Tây.
Trong khi giới phê bình phương Tây tỏ ra yêu thích tác phẩm với 79% lượt bình luận tích cực, cùng điểm số bình quân 7,1/10 trên chuyên trang Rotten Tomatoes, thì ở chiều ngược lại, khán giả đại chúng lại thể hiện sự thất vọng rõ rệt.
Trên chuyên trang điện ảnh quốc tế IMDb, khán giả chỉ chấm phim mức điểm khiêm tốn 5,6/10 sau hơn 15.000 lượt bình chọn. Tại quê nhà Trung Quốc, tình hình còn thê thảm hơn: gần 34.000 lượt bình chọn trên Douban chỉ đánh giá Mulan xứng đáng điểm 4,9/10.
Nhiều tờ báo phương Tây ca ngợi Mulan. Song, phim hiện vấp phải quan điểm trái chiều tại Trung Quốc.
Để so sánh, mức điểm này thua xa bản phim Hoa Mộc Lan có Triệu Vy đóng chính hồi 2009, dù bộ phim này thực tế chỉ đạt mức điểm tầm trung 6,2/10. Trong khi đó, nguyên tác hoạt hình năm 1998 rất được khán giả Trung Quốc yêu thích với điểm 7,8/10.
Điều gì dẫn đến sự phân cực trái chiều trong cách đánh giá bộ phim như vậy? Dưới quan điểm của một khán giả Á Đông như Việt Nam hay Trung Quốc, không khó để nhận ra nguyên nhân cũng như những vấn đề mà Mulan mắc phải, ngay cả với tư cách một tác phẩm độc lập không liên quan đến nguyên tác hoạt hình.
Với số tiền đầu tư lên đến 200 triệu USD, Mulan đem đến điều gì cho khán giả? Nếu nói về điểm mạnh, điều bộ phim làm tốt nhất là phần hình ảnh rực rỡ, bắt mắt, với nhiều khung cảnh tươi tắn, rực rỡ. Từ ngoại cảnh, kiến trúc cho đến phục trang nhân vật đều đa dạng, với màu sắc, kiểu cách phong phú. Tất cả giúp tạo nên bối cảnh Trung Quốc cổ đại hấp dẫn.
Tuy vậy, với khán giả khó tính, phần thiết kế mỹ thuật của Mulan có thể rực rỡ đến mức lòe loẹt, phô trương, thiếu điểm nhấn tinh tế và không đảm bảo tính chân thực lịch sử. Dù sao, đây chỉ là điểm trừ nhỏ, không gây ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm của khán giả.
Bên cạnh điểm cộng hiếm hoi đó, đáng tiếc thay, Mulan của Disney và Lưu Diệc Phi vấp phải hàng loạt điểm trừ khác, gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng tác phẩm.
Kịch bản sơ sài đến mức ngớ ngẩn
Câu chuyện tổng thể của Mulan bản người đóng khá tương đồng với phiên bản hoạt hình năm 1998, với các sự kiện chính không có nhiều thay đổi. Đổi mới chủ yếu đến ở tuyến nhân vật, cùng cách thức xây dựng và triển khai nhân vật vào tác phẩm.
Với các bộ phim khác, đây có thể coi là điểm cộng. Nhưng riêng với Mulan, đây lại là nước đi sai lầm, thể hiện sự cẩu thả của đội ngũ sản xuất và biên kịch.
Bản thân Mulan bản hoạt hình sở hữu câu chuyện đơn giản, với nhiều tình tiết mang tính ước lệ, không phù hợp với kiến thức thực tế. Như trong trường đoạn cuối phim, quân Nhu Nhiên có thể đột nhập vào hoàng cung để uy hiếp Hoàng đế như chốn không người một cách dễ dàng. Tuy nhiên, với tư cách một tác phẩm hoạt hình ca vũ nhạc hướng đến đối tượng khán giả thiếu nhi, chi tiết ước lệ đó có thể được châm chước.
Mulan chứa đựng nhiều tình tiết phi lý trong kịch bản.
Nhưng khán giả khó có thể bỏ qua lỗi này trong phiên bản người đóng với định hướng nghiêm túc hơn, trưởng thành hơn. Mulan gần như bê nguyên si các sự kiện chính của bản hoạt hình gốc vào bản người đóng, nhưng lại lười biếng không thèm chỉnh sửa lại cốt truyện sao cho hợp lý và thực tế hơn.
Hậu quả là khán giả được chứng kiến những sự kiện phi lý đến mức ngớ ngẩn, không thể bắt gặp ngoài đời thực. Khó có thể chấp nhận việc Hoàng đế chí cao vô thượng lại sẵn sàng... một mình lao đầu vào cái bẫy của quân địch để bị bắt giữ. Sau đó, quân địch khi bắt được Hoàng đế lại bắt đầu... ngồi chờ nhân vật chính đến, nói đạo lý, và lao vào hành động một cách ngu ngốc bất chấp việc nắm trong tay con tin đầy giá trị.
Hoa Mộc Lan bản 2009 của Triệu Vy tuy còn mắc lỗi kịch bản phát triển gấp gáp, không đủ thể hiện sự phát triển nhân vật, nhưng đã dũng cảm phá cách khi đào sâu hơn vào yếu tố tâm lý, tình cảm của nữ chính bên cạnh câu chuyện thay cha tòng quân truyền thống. Điều này không phải khán giả nào cũng đồng tình, nhưng ít nhất còn là điểm nhấn mới mẻ gây hứng khởi.
Còn Mulan của Disney và Lưu Diệc Phi dù sở hữu thời lượng tương đồng, cốt truyện vừa cũ kỹ, sơ sài, vừa không chịu học hỏi để sửa sai mà vẫn lặp lại những điểm trừ cố hữu một cách lười biếng.
Đó mới chỉ là các sự kiện chính của cốt truyện. Càng đi sâu theo dõi tác phẩm một cách chi tiết, Mulan càng lộ ra nhiều điểm trừ chí mạng về mặt kịch bản, thể hiện sự yếu kém của biên kịch và đạo diễn.
Góc nhìn hạn hẹp của người phương Tây
Hiểu biết hạn hẹp về văn hóa Á Đông của đội ngũ sản xuất khiến cho Mulan tồn tại nhiều điểm trừ ngô nghê, với các sự kiện, diễn biến vốn dĩ đã được xây dựng rất sơ sài. Để bù đắp cho sự thiếu vắng chú rồng Mushu, các nhà làm phim bèn bổ sung hình tượng Phượng hoàng - gia huy của nhà họ Hoa với lý tưởng "Hồi sinh từ tro tàn".
Tiếc là tại Trung Quốc cổ đại, nếu điều này thực sự diễn ra, nhà họ Hoa đã phạm tội khi quân, phạm thượng và bị tru di cả nhà từ lâu khi phượng hoàng là biểu tượng của hoàng quyền, chỉ có hoàng tộc mới được sử dụng.
Ba từ trung - dũng - chân được nhắc đi nhắc lại trong phim một cách máy móc, nhưng bộ phim chưa thể hiện được lý tưởng ấy thông qua hành trình của nhân vật. Trung nhưng khán giả không biết nhân vật phải trung với ai, trung thế nào, trung được thử thách ra sao? Dũng mà nhân vật từ đầu đến cuối sở hữu sức mạnh thiên bẩm áp đảo quần hùng, thì sao cần dũng? Chân thì có một chút, nhưng làm qua loa và sơ sài đến mức chẳng ai cần quan tâm.
Sự đầu tư tìm hiểu văn hóa mà Disney dành cho Mulan đáng bị đặt dấu hỏi.
Một điều đáng tiếc là hiếu - nghĩa, vốn là lý tưởng cơ bản của câu chuyện về Hoa Mộc Lan, lại chẳng được thể hiện trong phim. Điều này với khán giả phương Tây có thể không quan trọng, nhưng khán giả Á Đông chắc chắn sẽ cảm thấy thiếu sót.
Lời thoại trong phim được viết một cách giản lược, khuôn mẫu và nhạt nhẽo đến mức thảm hại. Có lẽ do sợ các diễn viên gốc Hoa không giỏi nói tiếng Anh, nên biên kịch đã cố tình đơn giản hóa phần thoại, biến cả bộ phim trở thành một buổi trả bài ngoại ngữ đầy khô khan.
Hệ thống nhân vật - điểm nhấn đáng giá của nguyên tác hoạt hình - không còn xuất hiện trong Mulan. Biên kịch tệ hại đã không thành công trong việc xây dựng nhân vật một cách thuyết phục, chứ chưa nói đến đạt được sự hấp dẫn của nguyên tác.
Diễn xuất mờ nhạt của Lưu Diệc Phi biến nữ chính Hoa Mộc Lan mạnh mẽ, hoạt bát nhưng cũng giàu tâm trạng của bản hoạt hình trở thành "bình hoa di động" đơ cứng, vô hồn từ đầu đến cuối. Ở một số phân cảnh, nét diễn một màu của cô khá phù hợp, nhưng tổng thể chỉ khiến khán giả cảm thấy mệt mỏi khi phải nhìn nét biểu cảm không lấy gì làm thú vị từ đầu đến cuối.
Lưu Diệc Phi không khác nào bình hoa di động trong phim.
Bản thân nhân vật của cô cũng chẳng có sự phát triển nào rõ ràng, cụ thể. Hoa Mộc Lan của Lưu Diệc Phi được biên kịch ưu ái khi ban tặng cho sức mạnh "Khí" thiên bẩm, nên cơ bản cô không cần phải cố gắng, phấn đấu gì cả mà vẫn vượt qua khó khăn. Tuy vậy, "Khí" của nhân vật trong phim là gì, cao siêu ưu việt ra sao, biên kịch cũng không giải thích cho khán giả.
Các nhân vật còn lại, hoặc là mờ nhạt, hoặc là cá tính lẫn lộn tiền hậu bất nhất không rõ ràng, nhất quán. Nhân vật cha của Hoa Mộc Lan trong bản hoạt hình dù không nhiều đất diễn vẫn thể hiện được hình ảnh người cha thương con, lo lắng cho tương lai của con gái một cách chân thành. Còn ông lão Hoa Châu (Mã Thái) trong Mulan chỉ là người cha gia trưởng với quan điểm áp đặt con cái đầy khô khan, cứng nhắc.
Bộ phim bổ sung các nhân vật mới như phù thủy Tiên Nương (Củng Lợi) với khả năng biến hóa phi thường hay anh lính Trần Hồng Huy (Yoson An). Nhưng tiềm năng của các nhân vật này đều bị lãng phí, không để lại ấn tượng gì nổi bật. Vai phản diện chính Bori Khan của Jason Scott Lee ban đầu được xây dựng có vẻ bá đạo, nhưng hành động cuối cùng lại ấu trĩ đến mức nực cười.
Tiềm năng của một số nhân vật trong phim bị lãng phí.
Mối quan hệ giữa các nhân vật trong phim đều sơ sài, mờ nhạt. Ngay cả tình cảm huynh đệ giữa Mộc Lan và các anh em khác trong đội lính - điều được xây dựng rất tốt trong bản hoạt hình và bản phim năm 2009 - cũng bị bỏ qua.
Mulan của Disney còn đề cao yếu tố nữ quyền một cách cẩu thả khi cố tình xây dựng các nhân vật nam chính là những người có tư duy hủ lậu, với những câu thoại thể hiện sự coi thường nữ giới một cách gượng ép, nhằm thể hiện sự tương phản với nhân vật nữ chính.
Được đầu tư đến 200 triệu USD, nhưng giá trị giải trí của Mulan thực tế không cao. Xét về yếu tố hành động, bom tấn của Disney thậm chí thua xa phiên bản năm 2009 do Triệu Vy đóng chính với hàng loạt trường đoạn đại chiến kịch tính, mãn nhãn đầy ác liệt.
Các trường đoạn chiến trận trong Mulan ban đầu có vẻ đông đảo, hoành tráng, nhưng diễn biến quá chóng vánh và ngớ ngẩn. Các phân cảnh hành động lạm dụng quá nhiều hiệu ứng slow-motion, đòn đánh của nhân vật thiếu lực mà không đẹp mắt. Cao trào cuối phim chỉ là một pha hành động chớp nhoáng đầy sơ sài và thất vọng.
Với hàng loạt điểm trừ, Mulan của Disney và Lưu Diệc Phi là một thất bại khi nỗ lực chuyển thể phiên bản hoạt hình rất thành công năm 1998 lên màn ảnh rộng. Cố gắng bám theo nguyên tác một cách máy móc là không đủ, đội ngũ sản xuất cần phải cố gắng nhiều hơn nếu muốn tiếp cận và thực hiện một tác phẩm mang tinh thần Á Đông.
Diễn viên đóng thế Lưu Diệc Phi trong 'Mulan' lộ rõ mặt, fan ném đá Disney tới tấp vì quá cẩu thả Sau bao ngày mong ngóng, vào ngày 4/9, bom tấn Mulan (Hoa mộc lan) do Lưu Diệc Phi đóng chính đã có mặt trên nền tảng xem phim trực tuyến Disney . Với ngân sách hơn 200 triệu USD, tác phẩm là dự án điện ảnh đắt giá nhất từng được một nữ đạo diễn (Niki Caro) thực hiện. 'Mulan' Official Trailer. Tuy...