Định mức tín dụng cá nhân: Thị trường của niềm tin
Đã xuất hiện một số công ty tư nhân cung ứng dịch vụ định mức tín dụng cá nhân, song hoạt động của họ vẫn khá mờ nhạt. Để thị trường này phát triển, các công ty như vậy phải tạo được chữ tín với khách hàng và cần được quản lý chặt chẽ để hạn chế rủi ro cho người dùng.
Hi ện nay, hầu hết các ngân hàng dựa vào thông tin xếp hạng tín dụng do Trung tâm Thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước cung cấp trước khi ra quyết định cho vay. Ảnh: Lê Tiên
Thị trường thiếu người chơi
Thông tin về định mức tín dụng của cá nhân đi vay và những cá nhân có liên quan đến tài sản thế chấp cho khoản vay là điều kiện cần để một bộ hồ sơ tín dụng được thông qua. Mạnh Cường, nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội cho biết: “Những thông tin này do Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước cung cấp và phải trả phí. Một bộ hồ sơ tín dụng thường mất khoảng vài trăm nghìn đồng tiền phí cho nội dung này. Các thông tin được CIC cung cấp là: lịch sử vay nợ của cá nhân, tình trạng trả nợ, nợ xấu, nợ tốt… Đây là yêu cầu bắt buộc trước khi ngân hàng quyết định giải ngân khoản vay”.
Số liệu từ CIC cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, trung tâm này đã cung cấp trên 15,7 triệu báo cáo tín dụng các loại, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2017. Với đơn giá ở mức tối thiểu là 20.000 đồng/báo cáo, tổng doanh thu của Trung tâm trong nửa đầu năm nay dự kiến ở mức hơn 300 tỷ đồng. Định kỳ hàng tháng, CIC thực hiện chấm điểm trên 34 triệu khách hàng vay là thể nhân.
Bên cạnh CIC, thị trường đã lác đác có sự xuất hiện của một số công ty cung ứng dịch vụ định mức tín dụng cá nhân, song gần như không nổi bật về dịch vụ này. Năm 2007, Công ty CP Thông tin tín dụng Việt Nam (PCB) được thành lập bởi 11 ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam với mục tiêu trở thành trung tâm thông tin tín dụng tư nhân tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng đến nay, PCB vẫn không phải là địa chỉ tham vấn của các bộ phận tín dụng ngân hàng khi hoàn thiện hồ sơ đề nghị giải ngân.
Tương tự, Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Rating chuyên cung ứng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm được thành lập từ tháng 7/2017 nhưng vẫn chưa được biết đến rộng rãi.
Trong khi đó, một số công ty công nghệ đang tìm cách cung ứng dịch vụ này trên thị trường bằng giải pháp công nghệ và phân tích dữ liệu cá nhân. Những công ty này không thu phí với các dịch vụ cung ứng thông tin về định mức tín dụng cá nhân. Thay vào đó, họ hưởng phí hợp tác khi kết nối giữa người đi vay và người cho vay. Người cho vay thường là các công ty tài chính tiêu dùng.
Video đang HOT
“Khi khách hàng nạp số chứng minh nhân dân vào hệ thống, hệ thống sẽ tổng hợp dữ liệu của cá nhân đó để cho ra một mức điểm tín dụng nhất định. Từ đó, công ty chúng tôi đưa gợi ý về hạn mức vay và mức lãi suất dự kiến. Dựa trên các thông tin này, những công ty tài chính sẽ liên hệ với người cần vay để thẩm định tín dụng ở các bước tiếp theo trước khi đi đến quyết định giải ngân cuối cùng”, một nhân viên tư vấn của dịch vụ định mức tín dụng cá nhân Creditscore thuộc Công ty Đầu tư và Công nghệ Fibo cho biết.
Quản lý hay thả nổi?
Thông tin về định mức tín dụng của cá nhân đi vay và những cá nhân có liên quan đến tài sản thế chấp cho khoản vay là điều kiện cần để một bộ hồ sơ tín dụng được thông qua.
Khuyến khích sự ra đời và phát triển của các dịch vụ tư nhân cung ứng định mức tín dụng cá nhân như trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, đây là hoạt động hợp pháp và phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay nên cần được tạo điều kiện để phát triển, và việc có thêm các công ty định mức tín dụng cá nhân uy tín sẽ tăng sức cạnh tranh, giảm giá dịch vụ để có lợi cho người dùng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đức, trong quá trình hoạt động của dịch vụ này, có thể phát sinh một số rủi ro nhất định như: đánh giá không đúng, thông đồng với người đi vay để nâng hạng mức tín dụng. “Đây là những biểu hiện bình thường của thị trường, nếu để xảy ra điều đó, công ty sẽ bị mất uy tín và tự bị đào thải”, ông Đức nói.
Chia sẻ góc nhìn về thị trường này, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng – cho biết, lĩnh vực cung cấp dịch vụ xếp hạng tín dụng của Việt Nam còn rất non trẻ, trong khi tại Mỹ và các nước khác, đây là hoạt động được tạo điều kiện phát triển theo quy luật thị trường. “Tự bản thân các công ty cung ứng dịch vụ này cũng đã có mức độ tín nhiệm rất cao và là chỗ dựa tin cậy của nhiều ngân hàng trước khi ra quyết định cho vay. Tại Việt Nam, hầu hết ngân hàng dựa vào CIC, trong khi thông tin của trung tâm này không thật sự đầy đủ. Do đó, một số công ty tư nhân tham gia cuộc chơi này là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ cần tạo được niềm tin trên thị trường”, ông Hiếu nói.
Về những rủi ro cho người dùng trong trường hợp chất lượng dịch vụ không đáng tin cậy, theo ông Hiếu, chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, những công ty như vậy phải được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính “để mắt” nhằm đảm bảo những nhận định của các công ty này được phân tích theo phương pháp khoa học, dữ liệu khách quan. “Đây là thị trường của các chuyên gia phân tích và của cả niềm tin. Để thị trường phát triển, chúng ta cũng cần phải có niềm tin vào các công ty non trẻ đó”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Hoàng Oanh
Theo baodauthau.vn
Tín dụng vào mùa, lãi suất nhích tăng
Nhu cầu vốn của khách hàng thường tăng mạnh trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Đây là một trong những lý do khiến các ngân hàng đang phải chạy đua huy động tiền gửi nhằm đảm bảo tốt thanh khoản, đáp ứng cầu vốn. Theo đó, lãi suất cho vay cũng bắt đầu nhích tăng.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, nhu cầu vốn của khách hàng đang dần tăng trong những tháng cuối năm, không chỉ với doanh nghiệp, mà cả khách hàng cá nhân cũng muốn vay để mua nhà, xe, tiêu dùng...
Vì thế, ngân hàng của ông đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn tương đối dồi dào để cung ứng. Ngoài các khoản vay thông thường, theo vị này, các ngân hàng còn tham gia cho vay bình ổn thị trường dịp Tết.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng cho hay, cầu vốn khách hàng thường tăng vào dịp cuối năm và OCB hiện đang có nhiều chính sách ưu đãi cho vay. Trong đó, OCB ưu tiên hướng vốn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với các lĩnh vực rủi cao như bất động sản, việc cho vay đã được các ngân hàng kiểm soát chặt hơn trước đây. Vì vậy, lãi suất cho vay lĩnh vực này đang có xu hướng nhích lên trong thời gian gần đây theo xu hướng tăng của lãi suất đầu vào.
Với đối tượng khách hàng là cá nhân, mức tăng thêm hiện dao động trong khoảng 1-1,5%/năm so với 3 tháng trước đó, song lãi suất cho vay được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng còn lại của năm khi nhu cầu vay mua, sửa chữa nhà và tiêu dùng tăng mạnh dịp này.
Hiện lãi suất cho vay mua nhà được các ngân hàng cổ phần lớn áp dụng từ 10-11%/năm, còn các ngân hàng nhỏ cho vay ở mức 10-13%/năm tùy từng đối tượng khác hàng và dự án bất động sản.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng có sự chọn lọc và khó áp dụng phổ biến mức lãi suất ưu đãi 5-6%/năm như trước vì chi phí huy động tăng.
Đáng chú ý, trước áp lực Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất USD trong tháng 9 này và thêm một đợt nữa vào tháng cuối năm, cũng như lạm phát đang tiệm cận mức tối đa đã được thông qua, đang khiến lãi suất huy động tiền đồng tăng. Một khi chi phí đầu vào tăng, các ngân hàng khó có thể giảm lãi vay.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, muốn giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Mặc dù vậy, với chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định.
Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cũng cho rằng, trong bối cảnh tỷ giá VND/USD đang chịu nhiều sức ép, áp lực lạm phát gia tăng..., việc ổn định được mặt bằng lãi suất như hiện nay đã là điều đáng mừng, khó có thể kỳ vọng lãi suất giảm, nhất là trong mùa kinh doanh cuối năm.
Mặt khác, một số ngân hàng đã và đang đẩy nhanh việc huy động vốn trung hạn để cân bằng giữa việc huy động và cho vay. Lý do là bởi trong 7 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8%, nhanh hơn so với tăng trưởng huy động là khoảng 6%.
Trên thực tế, lãi suất huy động đã tăng dần trong thời gian gần đây. Mức cao nhất được một số ngân hàng áp dụng đạt gần 9%/năm cho kỳ hạn dài, bởi áp lực chuẩn bị tốt thanh khoản cuối năm mà các nhà băng đang phải chạy đua huy động, nhất là đối với kỳ hạn dài nhằm cơ cấu lại nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn khi đầu năm tới giảm xuống còn 40% so với mức 45% hiện nay theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN.
Cùng với đó, lợi tức trái phiếu chính phủ các kỳ hạn đã đồng loạt tăng mạnh. Diễn biến của lợi tức trái phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc xác định lãi suất huy động và cho vay trong hệ thống ngân hàng.
Đồng thời, lãi suất toàn cầu tăng cao sau các quyết định nâng lãi suất của Fed được nhìn nhận là rủi ro lớn nhất hiện nay. Bởi vậy, xu hướng lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, thậm chí cả trong những tháng đầu năm 2019.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), do lợi tức trái phiếu chính phủ tăng và rủi ro Fed nâng lãi suất USD, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ chịu nhiều sức ép trong thời gian tới.
Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, VDSC kỳ vọng lãi suất tại Việt Nam có thể sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm 2019.
Vân Linh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Cuộc đua tư duy của các ngân hàng "Thời gian vừa qua mặc dù có những biến động nhưng mảng tín dụng tiêu dùng vẫn tăng 34% so với cùng kỳ và tám tháng đầu năm chúng tôi đã đạt được hai phần ba mục tiêu lợi nhuận cả năm" ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cho biết -...