Đình làng Đa Chất – Phú Xuyên: Chẳng lẽ sập mới được tu bổ?
Sân đình cỏ dại mọc đầy. Bờ tường rêu phủ xanh rì. Mái ngói xộc xệch. Trên các vì kèo mộng long cách nhau cả gang tay. Phía bên trong đình cột mới phải đỡ cột cũ… Và đã 2 năm rồi, Hội đình làng Đa Chất không được tổ chức vì sợ đình sập… Đó là hoàn cảnh của một ngôi đình cổ hơn 500 năm tuổi ở Đa Chất, xã Đại Xuyên, Hà Nội. Ngôi đình đã được xếp hạng Di sản văn hóa Quốc gia từ năm 1995.
Đình Đa Chất với kiến trúc còn giữ được nguyên vẹn
Có sập cũng phải chờ
Thấy khách lạ ghé thăm, ông Nguyễn Ngọc Đoán, người trông coi đình vội ra mở cửa và mời khách vào. Ông nói nửa như kể chuyện, nửa như phân bua về việc đình làng mà lại “cửa đóng then cài”, hóa ra nơi này đã nhiều phen bị trộm ghé thăm và lần nào tổn thất cũng nặng nề. Khoảng 6 năm trước, mất 21 đạo sắc phong. Thêm một lần mất lư hương cổ. Từ đó, để cho chắc cứ phải cửa đóng then cài. Hễ có khách ghé thăm, hoặc tuần rằm mùng một mới mở cửa. Việc cửa im ỉm đóng quanh năm còn để hạn chế người vào vì sợ… sập. Hơn 500 năm tồn tại, trải bao biến thiên, chiến tranh loạn lạc, thời gian tàn phá, ngôi đình xưa với thiết kế 8 góc, 8 mái từng là niềm tự hào của người dân trong làng nay đã trở nên già nua, kiệt quệ, không còn sức sống.
Không chỉ mang những nét đặc biệt với 8 mái, 8 góc, đình làng Đa Chất với bờ nóc và bờ giải đắp bằng vôi mật cùng hình ảnh con kình sành đất nung vừa hiền từ vừa ngộ nghĩnh. Đình tọa lạc trên một khu đất rộng, vuông vắn giữa làng, kiến trúc đình gồm nhà tiền tế và đại bái, hậu cung. Toàn bộ ngôi đình làng Đa Chất tạo thành một quần thể kiến trúc khá đồ sộ. Phía trước đình là một ao nước nhỏ. Điểm đặc biệt 12 bậc lên xuống ao được làm từ đá xanh nguyên khối và có cặp rồng chầu uốn khúc dài chừng 3m, còn gần như nguyên vẹn.
Những năm cải cách ruộng đất, phần ngoài của đình được trưng dụng thành nhà kho. Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, vì làng không có nhà văn hóa, thiếu nơi hội họp bàn việc chung, thế là đình một lần nữa được trưng dụng. Một bức tường được xây lên để ngăn cách giữa nơi hội họp và gian thờ Thánh. Mấy năm gần đây, bức tường ngăn cách kia mới được đập đi.
Video đang HOT
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đình, vừa đi ông Nguyễn Ngọc Đoán vừa nhắc nhở cẩn thận, kẻo nhỡ đụng vào xô cột, đổ đình. Chỉ vào hàng cột chống mới tinh, ông kể, hơn 1 tháng trước, UBND xã Đại Xuyên và bà con trong làng đã phải “chống xuống cấp khẩn cấp” bằng cách mua cột về chống cho đình khỏi quỵ xuống. “Cột kèo đã mục rỗng vì mối mọt” – ông Nguyễn Ngọc Đoán thở dài! Rồi ông kể, 7 năm nay ông trông nom ở đây, hầu như năm nào cũng có đoàn của cán bộ văn hóa về thăm đình. Lần nào cũng ngắm nghía, hỏi han tỉ mỉ rồi… đi. Tất nhiên, trước khi đi không quên dặn dò: “Các cụ yên tâm, đình sắp được tu bổ rồi”. Đợi mòn đợi mỏi mà vẫn chưa thấy gì.
Cột chống để đỡ mái đình
Mắc màn trông báu vật
Theo sử sách còn ghi lại thì đình làng Đa Chất thờ Trung Thành Đại vương. Hiện ở đình làng còn lưu giữ cuốn Thần phả viết về thân thế của “Trung Thành thượng đẳng tối linh đại vương”, được soạn vào ngày 10 tháng Giêng năm Hồng Phúc, niên hiệu Lê Trung Hưng (1572). Năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) quan Quản giám bách thần là Nguyễn Hiền phụng sao chính bản. Trung Thành đại vương có công lớn trong việc giúp vua Hùng Duệ Vương dẹp giặc cứu nước nên sau khi ông hóa thì được nhà vua phong Thượng Đẳng phúc thần và cho lập đền thờ. Tuy nhiên, vì ông sinh ở Bạch Hạc nhưng “thác” ở sông Lương Giang nên ngoài đình Đa Chất thì nhiều ngôi làng khác ở tỉnh Sơn Tây và phủ Hà Nam (cũ) cũng tôn ông làm thành hoàng và thờ phụng ở đình.
Trước đây, đình làng lưu giữ nhiều hiện vật quý. Nay, phần vì lưu lạc, phần nữa do nạn trộm cắp nên chẳng còn lưu giữ được gì nhiều ngoài ban thờ, ngai thờ ra thì còn một quả chuông khá lớn. Thế nên, ông Đoán giữ chuông còn hơn giữ vàng. Ông kê giường ngủ ngay phía trái ban thờ, chiếc chuông cũng được treo sát thành giường. Ông cười, như thế cho chắc. Rồi ông bảo, ông cũng có vài miếng “võ” để thủ thế. Đừng hòng trộm cắp nào qua mặt được ông.
Đã có danh sách tu bổ nhưng…
Để rõ hơn về việc chống xuống cấp cũng như tu bổ đình làng Đa Chất, chúng tôi đã gặp và trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên thì được biết, đã nhiều lần UBND xã Đại Xuyên và UBND huyện Phú Xuyên đã có văn bản gửi Sở VH-TT&DL Hà Nội về việc này. Ông cũng nghe nói, đình làng Đa Chất đã được thành phố đưa vào chương trình mục tiêu Quốc gia văn hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2015. Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là… thấy bảo thế. Với thắc mắc trên, chúng tôi đã liên lạc với Phòng Di sản, Sở VH-TT&DL Hà Nội thì được biết, đình làng Đa Chất đã được đưa vào danh sách 34 di tích hỗ trợ chống xuống cấp do huyện quản lý tại Văn bản số 50/KH-UBND ngày 20-3-2013 của UBND thành phố Hà Nội. Thế nhưng, cho tới thời điểm này, vẫn chưa nhận được dự án đầu tư tu bổ tôn tạo từ phía huyện Phú Xuyên.
Để rõ hơn về vấn đề này, PV Báo An ninh Thủ đô đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Thọ – Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên. Ông Nguyễn Văn Thọ cho rằng, cần xem lại quy trình phân cấp quản lý, bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên cũng cần được hướng dẫn cụ thể hơn nữa, như thành phố đầu tư bao nhiêu, ngân sách địa phương chi thế nào và bao nhiêu % còn lại là kêu gọi xã hội hóa, thêm vào đó, Phú Xuyên là huyện nghèo, năm 2013, ngân sách địa phương chỉ là hơn 80 tỷ đồng, trong khi đó còn đầy rẫy khó khăn liên quan đến an sinh xã hội.
Đã nằm trong danh sách hỗ trợ chống xuống cấp, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2013-2015, thế nhưng, sau tròn 1 năm, đình Đa Chất vẫn cứ chờ. Chưa biết đình cổ mấy trăm năm có trụ được không khi mùa mưa bão đang đến gần, nói dại, có khi phải sập hoặc gây ra “tai tiếng” như chùa Trăm Gian hay đình thôn Cựu Quán may ra mới được để ý chăng?
Theo ANTD
Làng cổ Đường Lâm: Sẽ có cơ chế đặc thù
Xung quanh thông tin về một số hộ dân sinh sống tại thôn Đông Sàng và Mông Phụ thuộc làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) tiếp tục viết đơn xin trả lại danh hiệu di sản lần 2, hôm qua 27-9, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã cử đoàn công tác về Đường Lâm để tiếp tục tìm hiểu những bức xúc của người dân làng cổ.
Cần một cơ chế đặc thù để bảo tồn làng cổ
Theo ghi nhận của phóng viên Báo ANTĐ, sau gần 5 tháng thực hiện chỉ đạo của đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại cuộc họp về các vấn đề liên quan đến quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm ngày 21-5, cho đến nay nhiều đầu việc đã và đang tiếp tục hoàn thành. Về quy hoạch khu giãn dân, hiện UBND thị xã Sơn Tây đã khảo sát và thống kê về dân số, căn cứ nhu cầu xây dựng, dự kiến trong đợt một (2013-2015) sẽ thực hiện giãn 150 hộ với diện tích 4,5ha. Địa điểm giãn dân thuộc khu Đồi Chung, thôn Phụ Khang. Hiện tại Ban Đầu tư Xây dựng thị xã đã nộp hồ sơ xin cấp phép quy hoạch cũng như hồ sơ xin cấp chỉ giới đường đỏ và thông số hạ tầng kỹ thuật lên Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Trước những bức xúc của người dân vì thiếu những công trình dân sinh trong vùng lõi di sản, hiện Dự án trường mầm non Đường Lâm cũng đã được xác định xây dựng tại khu đất thuộc thôn Đoài Giáp, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó là Dự án nâng cấp cải tạo Trạm y tế xã Đường Lâm. Trụ sở UBND xã hiện tại cũng sẽ được di chuyển sang Khu Gò Đồi, Bến Cốc.
Ông Phạm Hùng Sơn- Trưởng BQL Làng cổ Đường Lâm cho biết, UBND thị xã Sơn Tây đã đề xuất UBND thành phố ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân tại di tích như sau: Hỗ trợ tiền sử dụng đất (không tính suất đầu tư hạ tầng chỉ thu tiền sử dụng đất theo giá đất ở nông thôn) và 20% tiền xây dựng nhà theo suất đầu tư cho các hộ dân được giao đất ở mới; Đối với di tích đang xuống cấp nghiêm trọng đề nghị UBND thành phố hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ; Đối với 82 ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt chưa được nhà nước đầu tư tu bổ (nhà loại I, II có niên đại từ 100 năm trở lên) đề nghị ngân sách TP hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ sửa chữa; Với những nhà theo kiến trúc truyền thống, nhà loại IV, sẽ hỗ trợ từ 30 đến 50% kinh phí; Các ngôi nhà xây dựng hiện đại, sẽ tiến hành vận động cải tạo để phù hợp với cảnh quan chung, nếu các hộ dân tự ý tháo dỡ sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí và giá trị phần ngôi nhà đã tháo dỡ; Trường hợp sau khi tháo dỡ, hộ dân gặp khó khăn về chỗ ở và có nhu cầu giao đất giãn dân, được hỗ trợ 100% kinh phí tháo dỡ và hưởng cơ chế giãn dân.
Ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội dẫn đầu đoàn công tác sáng 27-9 đã có buổi làm việc với BQL Làng cổ Đường Lâm và tiếp xúc với đại diện những hộ dân đứng đơn xin trả danh hiệu di sản lần 2 là bà Trịnh Thị Thuần - người thôn Đông Sàng. Theo đó, ông Trương Minh Tiến yêu cầu BQL Làng cổ Đường Lâm thực hiện ngay một số việc liên quan tới di tích. Cụ thể phải chấn chỉnh ngay công tác bán vé vào thăm làng cổ, cần phải vận dụng linh hoạt. Việc gì trong tầm tay của BQL thì phải chủ động làm để tránh phiền hà cho cuộc sống của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị địa phương phải thường xuyên thông báo cập nhật tin tức về tiến trình quy hoạch, bảo tồn, dự án giãn dân để người dân biết và cùng chung tay thực hiện, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân, phát triển du lịch và tôn trọng Luật Di sản Văn hóa.
Trao đổi cùng phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Trương Minh Tiến cho biết, hiện tại việc bảo tồn và phát huy giá trị Đường Lâm được đưa vào danh sách "bức xúc và cấp thiết". Tuy nhiên, Đường Lâm là "di tích sống", vì thế mọi việc phải được tiến hành cẩn trọng và từng bước theo đúng lộ trình.
Quỳnh Vân
Theo ANTD
Lo phố đi bộ quanh Lăng Bác ảnh hưởng an ninh Ban Đối ngoại thuộc Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Nội vụ vừa có ý kiến đề nghị UBND thành phố Hà Nội chưa triển khai đi bộ tại đường Độc Lập và đường Tôn Thất Đảm do lo ngại ảnh hưởng đến các hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước... Ảnh minh họa Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội...