Định giá để chống độc quyền, nâng giá dịch vụ tại sân bay
Thông qua luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam sáng 21/11, Quốc hội thống nhất quy định nhà nước định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không để khắc phục tình trạng DN lợi dụng vị thế độc quyền, nâng giá dịch vụ phi hàng không.
Có 404 trên tổng số 409 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành thông qua luật (bằng 81,29% tổng số đại biểu Quốc hội).
Trước đó, biểu quyết riêng về Điều 11, quy định về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, 396 đại biểu đã cho “phiếu thuận”.
Báo cáo giải trình về nội dung này trước khi Quốc hội bấm nút, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đa số ý kiến đại biểu nhất trí quy định Nhà nước định giá đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không như trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị Nhà nước cần quyết định giá dịch vụ phi hàng không. Ý kiến khác lại đề nghị để giá dịch vụ phi hàng không phải được điều tiết theo cơ chế thị trường trên cơ sở đấu thầu việc cung cấp dịch vụ này tại cảng hàng không, sân bay.
Ông Lý nêu quan điểm, để khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ, nhất là đối với một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu.
Giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác vẫn được điều tiết theo cơ chế thị trường do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai. Vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trong một lần kiểm tra giá dịch vụ tại sân bay Nội Bài – Hà Nội
Việc quản lý hoạt động tại cảng hàng không, sân bay, trong đó có cách thức để doanh nghiệp được kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay, Chủ nhiệm UB Pháp luật lập luận, vấn đề này đã được quy định trong luật hiện hành (Điều 55). Cụ thể, Chính phủ quy định về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, căn cứ vào nội dung sửa luật lần này, UB Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ rà soát các Nghị định hiện hành để quy định cho phù hợp, bảo đảm việc giao các doanh nghiệp được kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay theo nguyên tắc đấu thầu, cạnh tranh lành mạnh để thực hiện quyền bình đẳng trong hoạt động kinh doanh.
Liên quan đến nội dung này, UB Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất cho rà rà soát, chỉnh lý các loại giá dịch vụ hàng không; quy định cụ thể các loại phí, lệ phí trong dự thảo Luật bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật để tránh chồng chéo.
Vấn đề thẩm quyền định giá dịch vụ hàng không cũng nhận được đa số ý kiến tán thành của đại biểu Quốc hội. Chủ nhiệm Phan Trung Lý báo cáo thêm, có ý kiến đề nghị làm rõ việc giao thẩm quyền quản lý giá dịch vụ chuyên ngành hàng không cho Bộ Giao thông vận tải có khắc phục được những bất cập hiện hành không.
Giải trình thêm, ông Lý nhận định, việc giao Bộ GTVT thẩm quyền định giá đối với các dịch vụ hàng không nhằm tạo sự đồng bộ trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này nên UB Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy như dự thảo luật, đồng thời, Bộ GTVT nghiên cứu biện pháp hiệu quả hơn để thực hiện công tác này theo ý kiến của đại biểu Quốc hội nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại như hiện nay.
Báo cáo giải trình của ông Lý cũng ghi nhận ý kiến đề nghị cần có chính sách phát triển hãng hàng không giá rẻ, không phá bỏ sân bay cũ mà tận dụng cơ sở này cho các hãng hàng không giá rẻ.
Tuy nhiên, cơ quan giải trình cho rằng, quy định trong luật hàng không dân dụng hiện hành nhằm tạo cơ sở để các hãng hàng không phát triển trong đó có vận chuyển hàng không giá rẻ. Trên cơ sở đó, vận chuyển hàng không giá rẻ đang được phát triển và chiếm khoảng 30% thị phần vận chuyển hàng không của Việt Nam.
“Để giảm giá thành vận chuyển hàng không giá rẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là cắt, giảm những dịch vụ, chi phí phục vụ không cần thiết. Việc sử dụng cảng hàng không, sân bay để vận chuyển giá rẻ còn phụ thuộc vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay và sự tính toán hiệu quả của nhà đầu tư; nhu cầu đi lại của hành khách” – báo cáo nêu rõ.
Mặt khác, việc tận dụng riêng cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay cũ cho hãng hàng không giá rẻ được cho là khó có thể hạ giá thành vì phải chịu chi phí riêng cho nguồn nhân lực, việc thuê cơ sở hạ tầng tại cảng hàng không, sân bay.
P.Thảo
Theo dantri
Chưa siết quy định đặt tên con "đúng thuần phong mỹ tục"
Trước đề nghị quy định nguyên tắc đặt tên cho con để phù hợp văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Bộ luật dân sự.
Ngày 20/11, Quốc hội chính thức biểu quyết thông qua Luật Hộ tịch trong tổng số 395 đại biểu tham gia có 376 đại biểu tán thành, 15 đại biểu không tán thành, 4 đại biểu không biểu quyết.
Ở xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) nhiều trường hợp con gái không mang họ cha. (Ảnh minh họa)
Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch trước khi đại biểu nhấn nút thông qua, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho biết,các ý kiến đại biểu đều tán thành việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định trong dự thảo Luật hộ tịch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như dự thảo Luật; đồng thời bổ sung quy định nội dung giấy khai sinh tại các điều 4, 16 và Điều 36; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về hình thức của loại giấy này.
Trong nội dung đăng ký khai sinh, ông Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị quy định nguyên tắc đặt tên cho con để phù hợp với văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc đặt tên cho con là quyền dân sự của cá nhân. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền này thì công dân cần cân nhắc, lựa chọn tên phù hợp với văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự, còn đối với Luật Hộ tịch đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Hộ tịch
Về ý kiến đề nghị bổ sung "địa điểm sinh", Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, nơi sinh là một trong những thông tin cơ bản của công dân trong giấy khai sinh, đã trở thành khái niệm quen thuộc và được quy định trong pháp luật hiện hành ở nước ta. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị công chức đăng ký hộ tịch quan tâm, hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp khác, trong đó có nơi sinh như đại biểu nêu.
Trách nhiệm đăng ký khai sinh theo Luật Hộ tịch trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông, bà, người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Về nguyên tắc đăng ký, Luật Hộ tịch tôn trọng và bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân. Mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân phải được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác. Trường hợp không đủ điều kiện đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật này.Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó thường trú.
Mọi sự kiện hộ tịch sau khi đăng ký vào Sổ hộ tịch phải được cập nhật kịp thời, đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.Nội dung khai sinh, kết hôn, khai tử, thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại giới tính, xác định lại dân tộc của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch là thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chế độ lập, quản lý, sử dụng Sổ hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chậm nhất đến hết ngày 31/12/2019 phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc theo quy định của Luật này. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016.
Quang Phong
Theo Dantri
Chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần là tước quyền "sửa sai" của cán bộ? Kết quả lần thứ 2 lấy phiếu tín nhiệm đã ghi nhận nỗ lực hành động, chuyển biến của nhiều Bộ trưởng. Vậy chỉ lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ là tước đi quyền được ghi nhận của các chức danh về nỗ lực của mình? Họ sẽ mãi "mang tiếng" bị tín nhiệm thấp?... Bà Nga cho rằng, chỉ lấy phiếu tín nhiệm...