Dinh dưỡng học đường vô cùng quan trọng
Học sinh Việt Nam đang đối mặt với cả hai vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi và thừa cân béo phì. Nguyên nhân cơ bản bắt nguồn từ khẩu phần ăn ở cả gia đình và nhiều cơ sở giáo dục hiện hầu như chỉ được kiểm soát bằng cảm tính, chưa dựa trên các cơ sở khoa học dinh dưỡng.
Giáo viên và phụ huynh một số trường học tại quận Cầu Giấy kiểm tra ATTP. Ảnh: Nhật Nguyên
Trẻ thiếu nhiều vi chất
Tại hội thảo khoa học “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua bữa ăn học đường của trẻ em” do Viện Y học ứng dụng Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Hương Việt Sinh tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nêu lên thực trạng đáng báo động về dinh dưỡng học đường của trẻ. PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, các nghiên cứu trong vài thập kỷ gần đây cho thấy, khẩu phần ăn của trẻ bất hợp lý, trẻ thiếu canxi, ảnh hưởng chiều cao và sự phát triển thể chất. “Trẻ em độ tuổi 6 – 14 không đạt được nhu cầu khuyến nghị về chất đạm, sắt, vitamin A, vitamin B1 và vitamin C. Lượng chất khoáng trong khẩu phần ăn còn thấp, đặc biệt là canxi chỉ đạt 28,8% và sắt cũng chỉ đạt 74,3% so với nhu cầu khuyến nghị” – PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh nhấn mạnh.
Theo TS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nếu so sánh với một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc… thì bữa ăn học đường ở Việt Nam cần tăng thêm khẩu phần rau xanh, trái cây, tiến tới hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối. Cùng với đó, bữa trưa học đường của học sinh tiểu học và THCS nước ta dù đã cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như chưa có danh mục thực phẩm cung cấp năng lượng hay vi chất thiết yếu theo nhóm tuổi, theo mùa.
Liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng và khẩu phần ăn của trẻ, PGS.TS Lê Bạch Mai – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, chế độ ăn cần quan tâm đến bữa ăn học đường, tăng cường rau quả, chất xơ, các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông giáo dục và phòng chống suy dinh dưỡng ở vùng nông thôn và thừa cân béo phì tại thành thị cần được đẩy mạnh nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tầm vóc cho học sinh.
Video đang HOT
Xây dựng thực đơn hợp lý theo mùa
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ thông qua bữa ăn học đường hợp lý là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng bữa ăn học đường đóng vai trò rất quan trọng.
Trước thực tế đáng báo động về bữa ăn học đường hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có các can thiệp ưu tiên và giải pháp đặc thù cho từng vùng để giải quyết gánh nặng kép về dinh dưỡng, phòng chống thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. PGS.TS Lê Bạch Mai khuyến cáo các bậc phụ huynh nên khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, muối, hình thành các thói quen ăn uống tốt và tăng cường tập luyện thể dục thể thao ngay trong giai đoạn này. “Biến thực đơn bữa ăn học đường thành một công cụ giáo dục về dinh dưỡng và ATTP cho trẻ em, phụ huynh học sinh, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội để cùng khuyến khích, hỗ trợ nhau thực hiện” – bà Mai nói.
Cũng tại buổi hội thảo này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã giới thiệu bộ thực đơn theo từng mùa được Viện phối hợp với Công ty TNHH Hương Việt Sinh xây dựng. Bộ thực đơn phù hợp với nhu cầu của trẻ 6 – 14 tuổi, sử dụng các thực phẩm sẵn có tại địa phương đảm bảo đa dạng và ATTP, đồng thời đưa ra nhiều cách chế biến khác nhau đảm bảo tính hài hòa giữa các món ăn.
Được biết, Bộ thực đơn theo mùa sẽ được Công ty TNHH Hương Việt Sinh triển khai rộng rãi tại các trường Tiểu học và THCS mà công ty cung cấp bữa ăn từ năm học 2019 – 2020.
Theo kinhtedothi
Báo động tình trạng thừa cân béo phì ở học sinh tiểu học thành thị
41,9% số học sinh tiểu học thành thị đang thừa cân béo phì, chủ yếu do khẩu phần ăn uống giàu năng lượng và protein cao hơn nhiều so với ngưỡng khuyến nghị, nhưng mức độ tham gia các hoạt động thể lực lại thấp.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về "Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh tiểu học, THCS và THPT ở một số tỉnh, thành Việt Nam" do Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức.
Theo nghiên cứu, học sinh tiểu học có khẩu phần ăn uống giàu năng lượng và protein thậm chí cao hơn nhiều so với ngưỡng khuyến nghị, nhưng mức độ tham gia các hoạt động thể lực lại thấp, dẫn đến tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học khá cao, nhất là ở khu vực thành thị.
Cụ thể, trong khi học sinh tiểu học ở thành phố có tỷ lệ béo phì là 22,7% thì học sinh ở vùng nông thôn chỉ chiếm 7,4%. Khi tính chung, tình trạng thừa cân béo phì của học sinh tiểu học thành thị chiếm 41,9% và nông thôn 17,8%.
Đối với học sinh THCS, học sinh thành thị thừa cân chiếm 20,9%, trong khi học sinh nông thôn là 7,9%. Tuy nhiên, học sinh THCS vùng nông thôn lại có tỷ lệ thấp còi lên tới 20,1%, còn học sinh thành thị là 3,8%. Tương tự, học sinh THCS vùng nông thôn có tỷ lệ gầy còm lên tới 15,6%, học sinh thành thị là 3,4%.
Đối với học sinh THPT, tỉ lệ thừa cân béo phì thấp hơn so với học sinh cấp tiểu học và THCS. Nhưng học sinh THPT vùng thành thị vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn so với học sinh vùng nông thôn, lần lượt là 13,5% và 6,2%. Tỷ lệ thấp còi ở học sinh THPT nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ cao 14,9% và học sinh thành thị là 8,6%.
Riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, tỷ lệ thừa cân trẻ em từ 6 - 11 tuổi ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Cụ thể, tại TP. HCM, tỷ lệ thừa cân béo phì năm 1996 là 12,2% thì đến năm 2009 đã tăng lên 42,3%. Tại Hà Nội, năm 1995, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì là 3,3% nhưng đến năm 2011 đã tăng lên 40,7%.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu đã đưa ra những phát hiện quan trọng cho thấy, tỷ lệ thừa cân béo phì giảm dần theo độ tuổi của học sinh và có khác biệt lớn giữa các khu vực.
Nhóm thừa cân béo phì có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất đạm trong khi đó nhóm không thừa cân béo phì lại có xu hướng tiêu thụ các loại đồ uống có đường sản xuất công nghiệp và các thực phẩm có đường...
Nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ, bao gồm tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, điều kiện kinh tế xã hội và trình độ văn hóa của bố mẹ...
Ngoài ra, chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng liên quan trực tiếp đến tình trạng này. Đặc biệt, việc thường xuyên ngồi trước màn hình, sử dụng nhiều đồ uống có đường chế biến và bán trên đường phố (nước mía, nước đá bào siro, trà sữa...) làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
Theo nghiên cứu, tần suất sử dụng đồ uống có đường trên đường phố là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thừa cân béo phì của học sinh trung học phổ thông lên 1,4 lần.
Được biết, nghiên cứu được tiến hành trong 12 tháng (năm 2017 - 2018) với trên 5.028 học sinh từ 7 đến 17 tuổi tại 75 trường học tại: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng.
CHÂU ANH
Theo baodansinh
Bắt kịp và duy trì đà tăng trưởng tối ưu trong 5 năm đầu đời Những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế ngày càng cải thiện, các mẹ càng có thêm vô vàn chọn lựa phong phú về thực phẩm, dinh dưỡng, nhằm chăm sóc tốt nhất cho bé yêu của mình. Tuy nhiên, có một tình trạng đang cần được quan tâm, đó là tại các thành phố lớn, tỷ lệ trẻ thừa cân béo...