Đình chỉ 2 lãnh đạo Công an Q.Tây Hồ vụ hòa giải cho kẻ cướp và bị hại
Cướp tài sản từ năm 2016 và đã được Công an Q.Tây Hồ hòa giải, tuy nhiên, 5 năm sau, nhóm cướp bất ngờ tới Công an TP.Hà Nội đầu thú khiến 2 lãnh đạo Công an Q.Tây Hồ bị liên đới, đình chỉ công tác.
Hai lãnh đạo Công an Q.Tây Hồ bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra .ẢNH TRẦN CƯỜNG
Liên quan đến vụ Công an Q.Tây Hồ (Hà Nội) hòa giải cho kẻ cướp và bị hại, một nguồn tin của Thanh Niên cho biết, Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác với ông Phạm Quý Hải, Phó trưởng Công an Q.Tây Hồ, để phục vụ điều tra.
Nguồn tin cũng cho biết, ngoài ông Hải, Công an TP.Hà Nội cũng đình chỉ ông Phùng Anh Lê, giữ chức Trưởng công an Q.Tây Hồ thời điểm đó, để điều tra. Khi nhận quyết định đình chỉ công tác, ông Lê giữ chức Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội.
Theo hồ sơ, năm 2016, Nguyễn Hữu Tài (28 tuổi, trú Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) kinh doanh hoạt động tín dụng đen có cho anh Nguyễn C.T vay 10 triệu đồng. Sau khi trả lãi và một phần gốc, anh T. vẫn nợ Tài 4 triệu đồng.
Chiều 21.9.2016, nhóm của Tài phát hiện anh T. ở khu vực P.Yên Phụ nên vây lại để ép anh T. trả nợ. Thấy anh T. vùng chạy, nhóm của Tài đuổi đánh, rồi khống chế lên xe máy đưa đến địa điểm khác. Quá trình di chuyển, nhóm của Tài lấy điện thoại của “con nợ” để tránh gọi người giải cứu.
Đi được một đoạn thì xe máy hết xăng, lợi dụng việc này, anh T. đã vùng thoát và chạy vào trụ sở Công an P.Tràng Tiền (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thấy vậy, nhóm của Tài không dám xông vào mà ném trả điện thoại rồi bỏ về.
Trụ sở Công an Q.Tây Hồ . ẢNH TRẦN CƯỜNG
Sáng 22.9.2016, Tài bị Công an Q.Tây Hồ triệu tập. Tại đây, Tài đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Tài bị tạm giữ hình sự để điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Sau đó, Tài được tha về.
Những ngày sau đó, Công an Q.Tây Hồ đã mời Tài và anh T. đến trụ sở để hòa giải. Tài đã bồi thường cho anh T. 15 triệu đồng và thay lại màn hình điện thoại cho anh T., do nhóm của Tài ném vỡ.
Tưởng chừng sự việc đã đi vào dĩ vãng, nhưng từ tháng 1 – 3.2021, Tài cùng các đối tượng trong vụ án bất ngờ đến Công an TP.Hà Nội xin đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi đã gây ra đối với anh T.
Video đang HOT
Ngày 29.4, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Tài 24 tháng tù giam về tội “cướp tài sản”. Các đồng phạm khác gồm Nguyễn Văn Nam (27 tuổi, trú Q.Đống Đa, Hà Nội) 18 tháng tù; Nguyễn Khắc Đức (29 tuổi) và Trần Văn Lộc (26 tuổi), cùng trú Q.Tây Hồ, cùng lãnh 20 tháng tù; Nguyễn Quang Chính (23 tuổi, trú Q.Tây Hồ) lãnh 15 tháng tù, hưởng án treo.
Nhóm bị cáo cướp tài sản do Nguyễn Hữu Tài cầm đầu. ẢNH ĐÌNH TRƯỜNG
Đáng chú ý, tại phiên tòa, vợ của Nguyễn Hữu Tài được triệu tập với tư cách người có nghĩa vụ liên quan, khai trong quá trình Công an Q.Tây Hồ thụ lý vụ án, người này đã đưa 100 triệu đồng cho 1 cán bộ Công an Q.Tây Hồ để nhờ “chạy án” cho chồng.
Các cơ quan tố tụng xác định việc Công an Q.Tây Hồ không xử lý hành vi cướp tài sản của Nguyễn Hữu Tài và đồng phạm là có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, nên Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã thụ lý, điều tra.
Vi phạm nghiêm trọng tố tụng
Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Thái Phương Quế (Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc không truy cứu trách nhiệm hình sự nhóm đối tượng tại thời điểm phạm tội.
Theo điều 155, bộ luật tố tụng Hình sự 2015, tội “cướp tài sản” không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu bị hại nên khi có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định pháp luật. Việc cho nhóm đối tượng và bị hại hòa giải là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Điều 369 bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”, mức hình phạt đến 7 năm tù giam khi bỏ lọt 5 người. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 – 5 năm.
Như vậy, Công an Q.Tây Hồ và kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm và điều tra viên được phân công trong vụ án phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhóm cướp.
Theo luật sư Quế, Công an TP.Hà Nội cần nhanh chóng xác minh tội xâm phạm hoạt động tư pháp và xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, thượng tôn pháp luật. Đồng thời, Nhà nước cũng cần phải có những biện pháp chỉnh đốn, nâng cao trách nhiệm, đạo đức của những người trong cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo vô tư, khách quan nhất khi tiến hành những nhiệm vụ được giao, không vì bất kỳ vụ lợi nào để làm trái các quy định.
Kỳ lạ vụ án bà bán tạp hóa 4 năm kêu oan
Từ chuyện xích mích giữa những người phụ nữ ở làng quê dẫn đến vụ án xôn xao dư luận kéo dài 4 năm chưa có hồi kết. Các bị cáo không ngừng kêu oan vì hồ sơ vụ án có quá nhiều tình tiết cần làm rõ.
Ngày 15-1, TAND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục dời ngày xét xử phúc thẩm (lần 2) vụ án "Cố ý gây thương tích" xảy ra tại ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu gần 4 năm trước do Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa bận việc đột xuất. Trước đó, cấp phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP Bạc Liêu, trả hồ sơ điều tra lại vì có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng...
Từ xích mích chuyện vặt
Gia đình bà Lý Thị Sự (SN 1970) buôn bán tạp hóa ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu. Ở cách nhà bà Sự một con mương, bà Hồng Thị Bích Ngân thường xuyên qua mua đồ, có đôi khi nợ tiền.
Bà Nhị và bà Sự kêu oan cùng với hình ảnh chứng minh bà Nhị bị đánh gây thương tích
Ngày 4-3-2017, bà Sự sang nhà bà Ngân đòi tiền thì xảy ra cự cãi và đánh nhau. Công an xã Vĩnh Trạch hòa giải không thành, vì phía gia đình bà Sự cho rằng bà bị nhiều người vây đánh gây thương tích, yêu cầu công an tiếp tục xác minh làm rõ.
Gần 2 tuần sau (sáng 17-3), bà Sự đi chợ Vĩnh An thì gặp bà Ngân. Theo cáo trạng: "Sự cho rằng mặt chị Ngân nhìn thấy ghét nên liền đến dùng tay đánh vào mặt Ngân một cái và nắm áo Ngân kéo ngã xuống đường. Lúc này, Châu Thị Nhị (chị dâu của Sự), Lý Thị Nước (em ruột của Sự), Dương Thị Huệ và Nguyễn Thị Bích Giang (đều là em dâu của Sự) có mặt gần đó nhào đến dùng tay, chân đánh và đạp vào người Ngân nhiều cái...".
Sau khi được can ngăn thì bà Sự và bà Ngân được người thân đưa về, không ai có thương tích. Tuy nhiên, khi đến chân cầu Vĩnh An thì 2 bên lại gặp nhau và có lời qua tiếng lại, rồi tiếp tục lao vào đánh nhau..
Theo hồ sơ vụ án thì bà Sự và bà Ngân ngồi đè lên người nhau đánh qua đánh lại bằng tay không. Bà Nhị thấy vậy bèn nhào đến đánh phụ cũng bằng tay không. Nhiều người khác bênh vực bà Sự và bà Ngân, đã cầm cây, gạch đá và dao lao vào ẩu đả loạn xạ với nhau...
Hậu quả của vụ ẩu đả là bà Sự, bà Nhị và Nguyễn Tấn Anh (em chồng bà Ngân) cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích. Hai bà bị truy tố theo khoản 2 với tình tiết có tính chất côn đồ do gây thương tích 20% cho bà Ngân. Tấn Anh bị truy tố theo khoản 1 với tình tiết dùng hung khí nguy hiểm do gây thương tích 8% cho em rể bà Sự.
Bị hại Hồng Thị Bích Ngân được cho là bị gây thương tích 20% vùng mặt
Ngoài việc xử lý hình sự 3 người, Công an TP Bạc Liêu còn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 người bên phía bà Sự về hành vi xâm hại sức khỏe của người khác.
Sau nhiều lần dời phiên tòa với nhiều lý do và một lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng không được VKSND cùng cấp chấp nhận, tháng 1-2019, TAND TP Bạc Liêu đã tuyên phạt bị cáo Lý Thị Sự 27 tháng tù, bị cáo Châu Thị Nhị 24 tháng tù, Nguyễn Tấn Anh 6 tháng tù cùng về tội cố ý gây thương tích.
Quá nhiều tình tiết bất thường, vô lý
Bà Sự và bà Nhị kháng cáo kêu oan, cho rằng bản kết luận điều tra của Công an TP Bạc Liêu miêu tả chi tiết những người tham gia tích cực vào vụ xô xát dưới chân cầu Vĩnh An thì có đến 6 người không hề có mặt tại hiện trường lúc đó, gồm: Lý Thị Nước, Nguyễn Thị Bích Giang, Dương Thị Huệ, Huỳnh Quảng, Huỳnh Thuyền, Huỳnh Dườl. Đặc biệt, 3 người họ Huỳnh này được cho là 3 người không quen biết cả 2 bên đánh nhau. "Tại các phiên toà, tôi đề nghị HĐXX triệu tập những người này cho biết mặt nhưng không ai đưa được 3 người họ Huỳnh đó ra toà", bà Sự quả quyết.
Trong khi đó, bà Lý Thị Nước đã nhiều lần khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Công an TP Bạc Liêu vì cả 2 vụ đánh nhau ở chợ Vĩnh An và dưới chân cầu Vĩnh An bà đều không có mặt. "Hôm đó tôi ở nhà, không có đi chợ Vĩnh An cũng không biết vụ xô xát của chị tôi (bà Sự) ở chân cầu Vĩnh An. Song không biết vì sao tôi lại xuất hiện trong hồ sơ vụ án và khoảng 1 năm sau bất ngờ nhận quyết định phạt hành chính 750.000 đồng", bà Nước bức xúc.
Bà Lý Thị Nước quả quyết bà không tham gia và cũng không hay biết việc chị của mình là bà Sự xô xát với bà Ngân tại chợ Vĩnh Anh cũng như tại chân cầu Vĩnh An ngày 17-3-2017
Tại bản án phúc thẩm ngày 16-5-2019, HĐXX do thẩm phán Bùi Anh Tuấn làm chủ toạ, nhận định trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Cụ thể, bản án nhận định quyết định khởi tố bị can ngày 20-11-2017 đối với Nguyễn Tấn Anh được căn cứ vào quyết định khởi tố vụ án ngày 30-11-2017, tức là khởi tố bị can trước khi khởi tố vụ án; hay Biên bản khám nghiệm hiện trường tại thành phần tham gia không có kiểm sát viên nhưng khi kết thúc việc khám nghiệm lại có kiểm sát viên ký tên vào biên bản.
Cũng theo bản án, điều tra viên (ĐTV) tiến hành lập biên bản xác lập bản ảnh nhận dạng người vào lúc 14 giờ ngày 6-12-2017 và kết thúc vào lúc 15 giờ cùng ngày, song ĐTV lại cho nhân chứng Trịnh Thị Hồi nhận dạng ảnh vào lúc 9 giờ ngày 6-12-2017, tức trước khi có bản ảnh 5 giờ. Trước đó 1 ngày (5-12-2017), ĐTV cũng cho người làm chứng Nguyễn Thị Tuyến, Võ Thị Thanh Loan, Võ Thị Tuyết Nga nhận dạng bản ảnh được xác lập lúc 14 giờ ngày 6-12-2017. Ngoài ra, biên bản ghi lời khai nhân chứng Ngụy Tăng Kia được lập ngày 17-2-2017; biên bản ghi lời khai nhân chứng Nguyễn Thị Bạch Tuyết và Nguyễn Thị Quyên được lập cùng ngày 4-3-2017. Trong khi đến ngày 17-3-2017 thì vụ án mới xảy ra.
Một sai sót nghiêm trọng nữa trong quá trình tố tụng của vụ án là Bản kết luận điều tra số 43 ngày 29-3-2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Bạc Liêu đề nghị truy tố các bị cáo Sự, Nhị và Tấn Anh về tội "Cố ý gây thương tích" nhưng Cáo trạng của VKSND TP Bạc Liêu lại căn cứ vào Bản kết luận điều tra số 25 ngày 30-1-2018 để truy tố các bị cáo. Điều đáng nói là Bản kết luận điều tra số 25 không hề liên quan đến vụ án này.
Được đình chỉ vụ án vẫn kháng cáo kêu oan
Ngày 28-9-2020 TAND TP Bạc Liêu xét xử lại vụ án đã rút lại hành vi "mang tính chất côn đồ" đối với bị cáo Lý Thị Sự, đồng thời tuyên phạt 9 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích". Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Tấn Anh bị tuyên 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Riêng bị cáo Châu Thị Nhị được đình chỉ vụ án vì phía bị hại chủ động rút yêu cầu khởi tố nhưng bà Nhị vẫn kháng cáo kêu oan.
Trong lúc bà Sự vẫn không ngừng kêu oan và thậm chí đã làm đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ của cơ quan điều tra, VKS... nhưng tại bản án sơ thẩm, HĐXX do thẩm phán Lê Phan Công Trí làm chủ tọa vẫn một mực "khen" bị cáo đã thật thà thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng...
Đang điều tra việc người đàn ông bỗng nhiên bị đánh hội đồng Người đàn ông 44 tuổi bị một nhóm người đánh hội đồng, chấn thương đốt sống cổ, bị vu vạ "ăn không chịu trả tiền", bị ép phải quỳ xuống xin lỗi. Vụ việc xảy ra vào tối ngày 17/11. Nạn nhân là anh Đặng Hoàng Hiệp, (SN 1977, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Anh Hiệp cho biết,...