Đỉnh Bromo, nơi phàm – thiêng một cõi
Trong khoảng 1.500 núi lửa đang hoạt động trên Trái đất, Bromo thuộc số ít có thể rong chơi ngay miệng núi lửa mà vẫn bình an trở về.
Chinh phục Bromo, một hành trình đủ dài về mặt khoảng cách, đủ ‘phê’ bởi cảm giác mạnh, và quá dư kỷ niệm để nhớ về.
Ở xứ vạn đảo Indonesia, núi Bromo nằm ở miền đông Java, chỉ cao 2.392m, trơ trụi, trọc lóc, bụi mù mỗi khi gió lùa, xấu toàn diện, nhưng nổi tiếng hàng đầu trong tổng số 27.886 ngọn núi (đã được đặt tên) trên toàn cõi Indonesia. Và ở Indonesia, hình ảnh Bromo di chuyển khắp nơi, bởi nó được in trên tờ tiền mệnh giá 5.000 Rupiah.
Ở góc tiếp cận khác, trong tín ngưỡng Hindu giáo tại Indonesia, Bromo là đỉnh núi được lấy tên theo một trong tam thần cao cả nhất của tôn giáo này, đó là vị thần sáng tạo Brahma (hai vị còn lại là Shiva – thần hủy diệt và Vishnu – thần bảo hộ). Đỉnh núi Bromo được người Hindu giáo ở Indonesia, đặc biệt là 9 ngôi làng quanh ngọn Bromo thuộc tộc người Tengger xem là ngọn núi thiêng, là ngôi nhà thần Brahma ngự trị.
Về chốn thiêng
Trong huyền tích Hindu giáo, núi Meru là trung tâm của vũ trụ, là nơi các vị thần tối cao ngự trị, đỉnh núi cao nhất ở Java tên là Semeru với 3.676m được cho có nguồn gốc từ núi thiêng Meru mà đặt thành. Hướng về núi thiêng Semeru ở miền đông Java, cũng là cung đường đến Bromo, đích đến cho chuyến du ngoạn tìm về ngôi nhà vị thần Brahma huyền thoại.
Toàn cảnh núi lửa Bromo (lòng chảo bốc khói trắng) nhìn từ đỉnh Penanjakan, đỉnh Semeru cao nhất ở phía xa.
Đường đến Bromo còn được mệnh danh là cung đường hành hương của những người theo Hindu giáo. Và ở bất kỳ cung đường hành hương nào còn tồn tại trên thế giới, không bao giờ là một hành trình đơn giản. Bromo cũng vậy, sức hấp dẫn khiến người tìm về Bromo mê mẩn, ấy là diện kiến dung nhan đen nhẻm bụi cát của ngọn núi này khi bình minh lên.
Để đến Bromo cho kịp Mặt trời ló dạng, hành trình bắt đầu khoảng 12 giờ khuya từ Surabaya – thành phố lớn thứ hai ở đất nước vạn đảo, sau gần 5 giờ xe chạy là chạm đến Vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru với tổng diện tích lên đến 5.250 hecta, nơi có quần thể núi lửa bao gồm Bromo, Kursi, Watangan, Widodaren, Semeru… bốn hồ nước và 50 dòng sông, cùng một biển cát đen kỳ lạ được hình thành sau các đợt phun trào núi lửa. Để diện kiến Bromo, khách lữ hành phải băng qua biển cát đen bằng những con xe Zeep địa hình lên đỉnh Penanjakan (2.770m).
Vùng bình nguyên đẹp ngoạn mục với cánh đồng cát đen do nham thạch phun trào từ núi lửa Bromo.
Đường lên núi cao dần, cũng là lúc nhiệt độ xuống thấp, cái lạnh cùng gió núi ngấm buốt thấu xương khiến cho người co quắp trong khi hai hàm răng lộc cộc khua bộ gõ; lại thêm những bơ phờ, ngơ ngác vì mất ngủ làm cho những gương mặt gặp gỡ trên hành trình du ngoạn Bromo không một chút háo hức hay tí gì sáng sủa. Hơn 5 giờ sáng, hàng trăm con người chen chúc nhau nhìn về vầng hồng le lói phía chân trời nơi hướng núi Bromo để chờ đợi điều kỳ diệu xảy đến, ấy là toàn cảnh Bromo cách đó gần 4km theo đường chim bay.
Thế nhưng miền thiêng Bromo ít khi chiều lòng người, khi thì mây mù mịt, lúc chỉ he hé mở, hiếm hoi mới có những ngày đẹp để dung nham Bromo tỏ hiện một cách hoàn hảo. Âu cũng là trải nghiệm thú vị, để mỗi người khi đón bình minh với Bromo, dẫu có quay trở lại, chẳng bao giờ gặp khung cảnh cũ.
Kề miệng tử thần
Đổi lấy hành trình nhọc nhằn, vất vả, thời khắc đón bình minh với Bromo chỉ kéo dài vài phút, rồi lữ khách ai nấy lại lục tục xuống núi, băng ngược trở lại biển cát đen đến chân núi Bromo để làm chuyến chinh phục mới. Trời đã tỏ, mới thấy hành trình đêm qua vào miền bình nguyên đẹp ngoạn mục. Từng chiếc xe Zeep địa hình vun vút lao vào biển cát, tung bụi mờ, với tiền cảnh là đỉnh Batok 2.470m sừng sững, sườn núi tạo thành các nếp dọc phủ đầy mảng xanh nổi bật trên biển cát Tengger – được bảo vệ từ 1919 (trong khi Vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru hình thành từ 1982).
Du khách ngược xuôi trên đường lên đỉnh Bromo.
Video đang HOT
Biển cát đen dẫn lối đến chân núi Bromo, nơi tụ tập đông người bản xứ làm dịch vụ cho thuê ngựa đưa người lên miệng núi lửa. Người bản địa ở đây là người Tengger, tín ngưỡng là Hindu giáo, họ sống gắn bó với Bromo mà không hề sợ dù biết rằng núi lửa vẫn đang hoạt động, bởi niềm tin thần Brahma sẽ che chở cho cuộc sống bình an.
Ở góc độ khác, những lớp tro bụi của nham thạch qua các lần phun trào lại là nguồn dinh dưỡng tốt cho đất đai để người Tengger phát triển nông nghiệp, đặc biệt là gieo trồng các loại rau củ quả. Thế nên từ bao đời, người Tengger sống dựa vào Bromo, và khi du lịch ngày càng phát triển, sức hấp dẫn của Bromo là nguồn thu đáng kể cho người Tengger làm du lịch, cung cấp dịch vụ vận chuyển, ăn ở.
Miệng núi lửa Bromo vẫn thầm thì nhả khói.
Càng đến sát chân núi Bromo, khung cảnh thật ấn tượng, những vết nứt gãy, những hố sâu trồi sụt liên hoàn, tất cả được phủ một màu đen của cát, thoảng trong không khí là mùi hăng hắc của lưu huỳnh bốc lên từ lòng núi lửa, cảm giác như đang đi về một miền đất chết hơn là chốn thiêng phàm trần.
Nấc thang dài với 250 bậc nối lên đỉnh núi ở đoạn dốc nhất khiến cho hành trình đến miệng Bromo thêm dễ dàng. Từ trên đỉnh Bromo, một vùng cảnh quan ngoạn mục mở ra, với miệng núi lửa khổng lồ như cái phễu, đáy là một lỗ đen hun hút, phả lên từng đụn khói trắng cùng chút hơi nóng ùa về. Đứng kề miệng núi lửa, chỗ có che chắn, chỗ không, lớp cát dưới chân cảm giác như lao xao, không độ bám, khiến gối chùn như muốn chôn chân tại chỗ.
Du khách tụ tập trên đỉnh Penanjakan cao 2.770m để đón bình minh trên đỉnh núi Bromo.
Nếu hành trình lên đỉnh Penanjakan để ngoạn cảnh toàn Bromo lúc bình minh mang lại cảm giác của vẻ đẹp kỳ quan thiên nhiên, thì khi đứng trước miệng Bromo, cảm giác của sợ hãi, của xám xịt màu chết chóc xâm chiếm, con người trở nên thực sự bé nhỏ. Đường mòn độc đạo quanh miệng núi lửa chỉ có rào chắn một đoạn ngắn, càng đi xa, đường nhỏ dần, lữ khách cũng thưa vắng.
Lối đi ngăn cách đôi bờ, bên là dốc xuống chân núi với người ngựa xe nườm nượp cõi phàm trần, bên là vực sâu dẫn lối vào lỗ đen núi lửa của cõi thiêng – ngôi nhà thần Brahma, khiến từng bước chân trên con đường mong manh ấy kéo theo đủ trải nghiệm của run sợ, của nhỏ bé kiếp người, của những dòng suy nghĩ đan xen, của sự tập trung cao độ, bởi chỉ một sơ sểnh lọt xuống cõi phàm hay trượt chân vào miền thiêng thánh, đời sẽ sang trang.
Rồi cũng đến lúc trở về chân núi, đứng nhìn lại đỉnh Bromo đằng xa, hít căng lồng ngực làn gió mát rượi, một cảm giác thanh thản, nhẹ nhõm, kèm chút tự hào sau những phút giây đầy xúc cảm khi chinh phục Bromo ùa về, lòng thầm nhủ: Bromo, sẽ có ngày trở lại!
Hành trình chinh phục núi lửa Rinjani Indonesia của chàng trai người Việt
Đường leo núi lửa Rinjani đi qua vực sâu thăm thẳm khiến lòng người cảm giác sờn gai ốc nhưng là sự trải nghiệm tuyệt vời.
Travel boggler Tài Phạm với trang fanpage "Tôi tới đây" đã có chuyến trekking chinh phục công viên quốc gia núi Rinjani trên đảo Lombok, đây là ngọn núi lửa cao thứ 2 ở Indonesia.
Núi Rinjani nổi tiếng với cảnh quan tuyệt đẹp và có tầm quan trọng về văn hóa và địa chất, với độ cao là 3726 m.
Theo travel boggler này, trekking chinh phục núi Rinjani là một nơi đáng để trải nghiệm với địa hình đủ đầy: đồng cỏ, rừng cây, đá, dốc cát, mây, đặc biệt là có hồ ở giữa là ngọn núi lửa đang hoạt động.
Tài Phạm bày tỏ cảm xúc: "Chuyến leo núi này tôi cảm thấy mình đã bứt phá hơn rất là nhiều. Đó là cảm giác hiếm có khi được leo cùng với nhiều bạn ở trên khắp thế giới, được ngắm vẻ đẹp gần như hoàn hảo nhất."
Chặng đường đến với đảo Lombok
Từ Việt Nam bay sang Bali sau đó di chuyển về Padang Bai (Padang là thành phố thủ phủ tỉnh Tây Sumatera, vùng Sumatra, Indonesia), bạn nên chọn đi tàu.
Theo travel boggler này chia sẻ: Bạn có thể chọn tàu EKA JAYA sang Lombok (là một hòn đảo ở tỉnh West Nusa Tenggara của Indonesia), sau đó di chuyển về làng Senaru để nghỉ chân qua đêm. Tại đây bạn có thể check-in thác Tiu Kelep.
Nếu ở Bali, du khách chỉ có việc mua vé tới đảo Lombok. "Di chuyển về gần chỗ leo núi có rất nhiều nơi bán tour để cho bạn leo. Còn nếu bạn muốn đặt trước rồi chỉ việc đến, để leo"- Tài Phạm nói.
Giá leo núi sẽ khác nhau vì bạn muốn trải nghiệm như thế nào, có nhiều tour cho bạn lựa chọn từ tour 2 ngày 1 đêm, 3 ngày 2 đêm và 4 ngày 3 đêm.
"Mình thì đi tour 2 ngày 1 đêm với giá là 1500.000 IDR (tương đương khoảng 2,3 triệu đồng Việt Nam). Nhưng mình nghĩ nếu bạn có thời gian thì nên chinh phục 3 ngày 2 đêm là chuẩn nhất" - Phạm Tài chia sẻ.
Có phải bỏ tiền ra hành xác bản thân?
7 giờ sáng, Tài Phạm cùng đoàn bắt đầu di chuyển qua làng Sembalun. Việc đầu tiên là bạn sẽ kiểm tra y tế, sau khi hoàn tất thì mình vào điểm bắt đầu trekking.
Từ Pos (chặng) số 1 cho đến Pos số 3 Tài Phạm cảm thấy khá ổn. Bắt đầu Pos số 3, Tài Phạm cảm thấy chuyến đi như một cực hình.
Trong đầu lúc nào cũng nghĩ sao mình lại bỏ tiền ra để hành xác bản thân vậy, sao không ở Bali hay Gili chơi cho sướng leo chi cực vậy trời!
Đó là những con dốc dựng đứng, hai bên là cây rừng già, mọc dày. Những vạt rừng bị che phủ bằng sương mù.
Leo đến điểm camping tầm khoảng 16 giờ thì trong lòng vui sướng không thể tả nổi. "Vui vì đã đến điểm camping (cắm trại), vui vì mình không phải mệt nữa, vui vì đã hoàn thành được chặng đường của ngày hôm nay" - Tài Phạm nói.
Độ khó của game lên đỉnh điểm
Vào lúc 1 giờ 30 sáng ngày hôm sau, cả đoàn phải thức dậy và bắt đầu leo tiếp đoạn đường còn lại. Chính lúc này, travel boggler mới cảm nhận được độ khó của game thật sự.
Tài Phạm kể: Mình sẽ phải di chuyển khi ngoài trời đang rất là lạnh, khi mà mình còn đang muốn ngủ và đoạn đường khó gấp 2 hoặc gấp 3 chặng của ngày hôm qua.
Càng đi thì càng dốc, đoạn đường cát đá khiến Tài mất sức rất là nhiều và đã có nhiều người phải quay lại lều.
"Nhưng được sự động viên của những người bạn trong team và các bạn khác nên động lực giúp mình bước tiếp. Có những lúc mình chỉ bước được 4, 5 bước chân là phải dừng lại thở vì quá mệt" - Tài Phạm kể lại.
Đến 5 giờ 45 phút, cả đoàn đã đặt chân đến ngọn núi Rinjani.
"Niềm vui như vỡ òa, vui vì mình đã chinh phục được 3.726 m. Một con số khá là ấn tượng với người leo núi không chuyên như mình" - Tài Phạm vui mừng nói.
Một sức khỏe dẻo dai cho chuyến chinh phục núi lửa
Suốt hành trình trong ba lô, bạn nên chuẩn bị chuẩn bị thêm đồ ăn khô, kẹo ngọt, Vitamin C sủi để bù năng lượng khi cần. Với tour này đa phần du khách sẽ ăn cơm và mì gói.
Theo Tài, ăn như vậy khá là ổn. Khi mình đói ăn được nhiều hơn và mình ăn gì cũng cảm thấy ngon hết.
Điều mà khó khăn nhất trong chuyến hành trình, Tài Phạm cho rằng: Chính là sức khoẻ vì trước khi đi mình đã không rèn luyện sức khoẻ nhiều nên việc leo gặp đôi chút khó khăn. Vì vậy, để chinh phục được ngọn núi lửa này theo mình quan trọng nhất là sức khoẻ; sự dẻo dai và có kinh nghiệm leo núi thì càng tốt.
Tài Phạm khuyên: "Nếu bạn đã sẵn sàng cho chuyến leo núi này thì cần tập thể lực trước 2 đến 3 tuần để đủ thể lực. Khi leo núi không nên mang gì nặng vì leo rất mệt và mang theo đồ giữ nhiệt vì trên đỉnh sẽ lạnh".
Phần thưởng cho người lên tới đỉnh núi sẽ là một hồ Segara Anak tạo thành từ miệng núi lửa. Nếu không lên tới đỉnh, một chuyến đi bộ ngắn quanh khu trại trên núi cũng sẽ dẫn tới những ngọn đồi và thác nước đẹp như tranh vẽ.
Lý do đặc biệt sau hành trình chinh phục hơn 200 ngọn núi của cụ ông 81 tuổi Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ ông Nick Gardner ở Scotland vẫn chinh phục hơn 200 ngọn núi vì một lý do vô cùng đặc biệt. Sau hơn 30 năm chung sống hạnh phúc, người vợ của ông Nick Gardner bất ngờ được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer vào năm 2018. Thời điểm đó, người đàn ông tưởng như đã trải...