Điều tưởng bình thường nhưng chết người từ bữa ăn
Bệnh viện Thống Nhất đã liên tục tiếp nhận 4 ca hít sặc thức ăn ở người cao tuổi trong tháng vừa qua và chỉ có 1 người sống sót.
Sáng 5-5, Bệnh viện Thống Nhất cho biết nữ bệnh nhân duy nhất sống sót, hiện vẫn đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc (ICU) của bệnh viện.
Trong tháng qua, bà và 3 bệnh nhân nam khác (từ 82 đến 88 tuổi) đã lần lượt nhập viện tại đây vì hít phải thức ăn trong quá trình ăn, gây sặc. Vấn đề tưởng đơn giản nhưng đã khiến các cụ ông, cụ bà này rơi vào trạng thái suy hô hấp, nguy kịch. Kết quả nội soi cho thấy trong đường hô hấp của họ có dịch dạ dày, lợn cợn sữa, chả, trứng… Những thức ăn này dẫn đến viêm phổi nghiêm trọng.
Video đang HOT
Nữ bệnh nhân sống sót duy nhất vẫn đang được điều trị tích cực tại ICU (ẢNH DO BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT CUNG CẤP)
Theo bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng khoa ICU, ước tính có tới 10-15% số ca viêm phổi cộng đồng là do hít sặc. Hít sặc gây viêm phổi cũng là nguyên nhân tử vong chủ yếu ở những bệnh nhân có vấn đề về khả năng nuốt (nuốt khó do vấn đề thần kinh, thường gặp ở người cao tuổi). Một đặc điểm đáng chú ý là người hồi phục sau đột quỵ khi đã lớn tuổi rất dễ gặp rối loạn nuốt: 52% sau đột quỵ cấp; 30% sau 1 tuần và 10-50% xuất hiện sau 6 tháng.
Để đề phòng nguy cơ hít sặc chết người này, thân nhân cần nhận biết rối loạn nuốt ở người lớn tuổi bằng cách quan sát khi họ ăn. Các yếu tố nghi ngờ là: hay rơi đồ ăn ra ngoài, chảy nước bọt, đàm nhớt nhiều, khó khăn khi nhai – cắn, ho sặc khi nuốt – nhai, thay đổi giọng nói hay tốc độ nói sau ăn, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần…
Bệnh nhân cần được đưa đi khám khi có những biểu hiện vừa nói trên, để tránh những nguy cơ này cần cho người bệnh ăn thức ăn mềm, tránh loại thức ăn xơ dính hay bị xay nhỏ, nhất thiết phải ngồi hoặc nửa ngồi và còn đủ tỉnh táo khi ăn.
Nguy hiểm khi đi đường bị tăng nhiệt độ, huyết áp
Bạn đọc Trần Văn Trung (60 tuổi; quận Tân Bình, TP HCM) hỏi: Thời gian vừa qua, chung cư nơi tôi ở có đo nhiệt độ, tôi phát hiện mỗi khi đi nắng về thân nhiệt có tăng chút ít, ngồi một hồi cũng không giảm nhưng khi uống một ít nước và hít thở sâu thì lại giảm. Xin cho hỏi tăng nhiệt độ, huyết áp khi trời nóng như vậy có nguy hiểm không? Hiện tôi có dùng thuốc chữa cao huyết áp.
Ảnh minh họa
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ , Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, trả lời: Khi vận động tế bào của các hệ cơ quan trong cơ thể sẽ tăng hoạt động chuyển hóa, để cung cấp năng lượng cho sự vận động của cơ thể. Hiện tượng này phát sinh nhiệt làm tăng nhẹ thân nhiệt (từ 37 đến 37, 5 độ C).
Để vận chuyển cung cấp đủ ôxy cho tế bào, tim sẽ đập nhanh hơn và huyết áp cũng tăng nhẹ. Hiện tượng này nhận thấy rõ hơn khi trời nóng. Thân nhiệt và huyết áp sẽ trở về bình thường khi nghỉ ngơi và uống đủ nước. Đây là hiện tượng bình thường của cơ thể.
Do ông bị tăng huyết áp và đang dùng thuốc điều trị nên ông cần phải theo dõi huyết áp, tái khám đều và uống thuốc kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, ông nên đều đặn tập thể dục vừa sức, tăng cường vận động. Hạn chế ra ngoài khi trời nắng nóng.
Ông nên mang theo nước khi đi ra ngoài để bảo đảm bổ sung nước thường xuyên, vì mất nước có thể làm giảm thể tích tuần hoàn, gây mệt mỏi, choáng, trụy mạch; với người cao tuổi, lại có bệnh cao huyết áp thì sẽ có nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não.
Thu Anh ghi
Sáng tạo phòng chống dịch tại cơ sở y tế Dù được xem là "tuyến đầu" trong nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 nhưng các bệnh viện cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch, khi mỗi ngày có hàng ngàn lượt người bệnh, thân nhân, nhân viên y tế... đến và đi. Để ngăn ngừa nguy cơ dịch bùng phát và lây lan, một số cơ sở y tế trên...