Điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng người nhiễm nCoV
Ngày 8-2, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, toàn bộ hệ thống chính trị đều đã vào cuộc để phòng chống dịch.
Ảnh minh họa
Trong khi các cơ quan cấp bộ tăng cường, gấp rút hoàn tất những công tác đảm bảo ngăn ngừa dịch và duy trì hoạt động kinh tế – xã hội thì ở các địa phương, những hoạt động nhằm ngăn dịch, ổn định đời sống xã hội cũng được đẩy mạnh.
Ngày 8-2, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 700 điểm cầu trong cả nước hướng dẫn điều trị và phòng chống dịch nCoV gây ra. Tại hội nghị, các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế đã hướng dẫn trực tuyến y, bác sĩ tại các bệnh viện về chẩn đoán và điều trị dịch nCoV; xử trí một số hội chứng suy hô hấp, sốc nhiễm trùng ở người lớn, bệnh nhi; phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV; cách lấy mẫu, đóng gói và vận chuyển bệnh phẩm; giám sát và phòng chống dịch nCoV.
Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện dịch nCoV chưa có thuốc đặc hiệu và vaccine phòng bệnh nên trong công tác điều trị quan trọng nhất là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng người bệnh, đồng thời trong quá trình điều trị cần tập trung điều trị cả bệnh do virus và các bệnh nền gây ra.
Đối với việc phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm nCoV thì việc thông khí tại buồng bệnh cách ly rất quan trọng. Đồng thời cần thực hiện rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, làm thông thoáng nơi ở, tránh tụ tập đông người và đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.
Video đang HOT
Đáng chú ý, các nghiên cứu khoa học cũng đã làm rõ 3 đường lây cơ bản của nCoV là đường tiếp xúc (tiếp xúc với bệnh nhân, với bề mặt có dịch tiết nhiễm virus), qua các giọt bắn và ít hơn là lây qua không khí. Cách phòng bệnh chủ yếu là ngăn ngừa nguồn lây thông qua việc vệ sinh bề mặt, thường xuyên rửa tay, ngăn giọt bắn bằng khẩu trang. Các loại khẩu trang vải được giặt sạch, khẩu trang y tế đều có tác dụng ngăn ngừa giọt bắn.
Cùng ngày, Bộ Y tế chính thức ra mắt Trang tin về dịch nCoV trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế có tên miền https://ncov.moh.gov.vn và App thông tin về dịch nCoV có tên là Sức khỏe Việt Nam. Trang tin và ứng dụng App Sức khỏe Việt Nam ra mắt nhằm giúp người dân nắm bắt tình hình dịch bệnh và tự trang bị kiến thức phòng chống dịch thông qua các hướng dẫn, khuyến cáo từ cơ quan y tế có chuyên môn để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Đặc biệt việc ra mắt trang tin điện tử và App thông tin chính thức về dịch nCoV góp phần đem lại nguồn thông tin chính xác, tổng hợp, đa dạng và trợ giúp cho người dân cũng như đội ngũ cán bộ y bác sĩ và nhân viên y tế có thể chủ động ứng phó với các tình huống dịch bệnh, đẩy lùi các thông tin giả mạo, tin đồn không có cơ sở gây hoang mang, lo lắng trong dư luận.
Cùng ngày, thông tin từ Bộ Công thương cho biết, việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch nCoV gây ra đã giúp Việt Nam nằm ở nhóm nước có số người bị nhiễm ở mức độ thấp. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp tại các cửa khẩu biên giới cũng đã và đang gây ra ảnh hưởng nhất định, đôi khi quá mức cần thiết, tới hoạt động xuất nhập khẩu.
Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo đó việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục được thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng chống dịch nhưng không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã góp phần tháo gỡ những lo ngại của các doanh nghiệp.
Do đó, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế xây dựng một quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đối với người và phương tiện vận tải trực tiếp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới phía Bắc. Tại văn bản này, Bộ Công thương đã đề xuất mô hình để Bộ Y tế xem xét và chấp thuận áp dụng đối với hàng hóa, phương tiện, người lái xe, nhân viên bốc dỡ… của hai nước Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu theo phương châm bảo đảm hiệu quả phòng chống dịch nhưng không gây ảnh hưởng quá mức đến hoạt động thông quan hàng hóa.
Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Bộ Công thương. Theo ông Cường, Bộ Y tế sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để sớm đưa ra quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đối với người và phương tiện hoạt động tại khu vực cửa khẩu.
Liên quan tới diễn biến của dịch nCoV, Bộ Y tế cho biết, tới cuối giờ chiều 8-2, số người dương tính với nCoV được ghi nhận tại Việt Nam là 13 trường hợp, trong đó 3 ca đã khỏi bệnh và ra viện. Số trường hợp nghi nhiễm là 83 người (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ trong các cơ sở y tế. Cùng với đó là hơn 390 người có sức khỏe bình thường nhưng vẫn được cách ly, theo dõi vì tiếp xúc gần với người nghi nhiễm.
Tính đến chiều 8-2, 63 tỉnh/thành phố báo cáo Bộ GD-ĐT về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh để phòng chống dịch nCoV. Hầu hết các tỉnh/thành phố tiếp tục cho học sinh nghỉ học từ 10 đến 16-2. Riêng tỉnh Yên Bái cho nghỉ học từ 10-2 đến khi có thông báo đi học trở lại.
Theo SGGP
Việt Nam tự tin có kỹ thuật, năng lực để chẩn đoán virus corona
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam tự tin có kỹ thuật, năng lực, sinh phẩm để chẩn đoán bệnh do virus corona gây ra.
Sáng 8/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị về triển khai công tác hướng dẫn điều trị, phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 700 điểm cầu tại các huyện, tỉnh, thành phố trên cả nước và 23 điểm cầu tại các bệnh viện phục vụ công tác phòng chống bệnh do virus corona gây ra.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng trao đổi và thảo luận về tình hình dịch bệnh viên đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra trên thế giới và Việt Nam; kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh; Công tác phân tuyến điều trị đáp ứng dịch bệnh, công tác chỉ đạo và quản lý điều trị; Cập nhập tình hình toàn cầu và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Đồng thời, cùng đưa ra những hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh; hướng dẫn xử lý một số hội chứng suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, thường gặp ở người lớn và bệnh nhi. Những hướng dẫn về công tác phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong việc chăm sóc người bệnh cũng như việc lấy mẫu máu, đóng gói và vận chuyển bệnh phẩm và việc đẩy mạnh giám sát, phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấ do virus corona (nCoV) gây ra... Qua đó, nhằm kiểm soát bệnh dịch và hạn chế tối đa việc lây lan ra cộng đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, dịch bệnh lần này là một trong những lần chúng ta huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, các lực lượng tham gia công tác phòng chống và chữa bệnh. Hiện, Việt Nam đã đang và triển khai đồng bộ tất cả biện pháp phòng chống, kể cả những biện pháp mạnh nhất đối với bệnh truyền nhiễm. Cụ thể như, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giám sát triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch một cách chặt chẽ, khoa học, đồng thời nêu rõ, chúng ta tự tin có kỹ thuật, năng lực, sinh phẩm để chuẩn đoán bệnh.
Ngành y tế đã thực hiện triệt để việc cách ly tại cộng đồng, ngăn chặn ngay các ca nhiễm ở cộng đồng và tạo ra nhiều vòng cách ly đối với những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh cũng như những người từ vùng dịch trở về. Đối với việc điều trị bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã triển khai các phương án điều trị, trong đó có cả phương án nhiều người bị mắc.
"Chúng ta có đủ năng lực để điều trị bệnh, về cơ sở vật chất chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ phương án với những tình huống ở mức độ cao hơn và những tình huống nặng nề hơn thì chúng ta đều có kịch bản để chúng ta ứng phó. Một điều rất mừng trong 13 bệnh nhân hiện nay thì chúng ta đã có phương án điều trị rất tích cực và một thông tin là chúng ta tự tin cách ly và điều trị người nhiễm bệnh ở ngay tại tuyến huyện"- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, trước đại dịch do bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, vào ngày 31/1 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với chủng mới của virus corona. Đây là lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới tới tất cả các quốc gia thành viên trên toàn cầu để cùng nhau đưa ra những biện pháp đáp ứng một cách quyết liệt nhất để dự phòng và ngăn cản sự lây lan của virus corona. Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận sự chủ động, tích cực của Chính phủ Việt Nam cũng như ngành y tế Việt Nam trong công tác chuẩn bị để đối phó với dịch bệnh.
"Việt Nam đã phát hiện sớm các ca bệnh đồng thời làm công tác cách ly và quản lý ca bệnh rất tốt, đặc biệt công tác cách ly, chúng tôi ghi nhận về nỗ lực hết từ Trung ương tới địa phương và sự phối hợp giữa các cơ sở y tế và y tế dự phòng để làm tốt công việc đó. Ngày 7/2, Việt Nam đã thành công trong việc nuôi cấy phân lập virus từ bệnh nhân Việt Nam đây là tín hiệu tốt và vô cùng khả quan cho việc nghiên cứu tiếp theo của Việt Nam đối với vaccine và các biện pháp chữa trị"- TS Kidong Park cho biết.
Hiện Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội ra mắt hai ứng dụng về website chuyên biệt về bệnh corona tại địa chỉ: https://ncov.moh.gov.vn/ nhằm giúp người dùng nắm bắt những thông tin cần thiết dịch bệnh. Thứ 2 là ứng dụng trên điện thoại di động (App), cung cấp thông tin và hướng dẫn người dân cách phòng chống bệnh một cách nhanh nhất và cập nhật nhất. Qua đó, để người dân tự đánh giá được khả năng và nguy cơ nhiễm bệnh và có biện pháp phòng tránh bệnh tốt nhất./.
Theo VOV
Vụ kíp trực Khoa Hồi sức Bệnh viện Cà Mau bị "tố" tắc trách: Nhân viên y tế không giải thích đầy đủ mức độ bệnh của bệnh nhân Theo Sở Y tế Cà Mau, ngày 17/8, bệnh nhân H. từ tuyến trên chuyển về Khoa Cấp cứu, sau đó vào Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của Bệnh viện đa khoa Cà Mau, được chẩn đoán bị viêm phổi tác nhân đa kháng/suy kiệt. Liên quan đến vụ kíp trực Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của...