Điều tra về rau sạch dỏm: ‘Hô biến’ rau chợ thành rau 3 sạch!
Tại Công ty TNHH nông sản sạch Hugofarm ( quận Bình Thạnh, TP.HCM), việc mua gom rau ở chợ, “hô biến” thành rau “sạch, chuẩn VietGAP”, rồi cung cấp cho các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi diễn ra hằng ngày.
Người phụ nữ này là nhân viên Công ty Hugofarm mua hàng tại chợ đầu mối Hóc Môn ( huyện Hóc Môn, TP.HCM) – Ảnh cắt clip: THẢO THƯƠNG – Ảnh nhỏ: Người tiêu dùng mua rau ở cửa hàng 3 Sạch – Ảnh: THẢO THƯƠNG
Cắt gọt lá vàng, lá bị sâu, loại bỏ những củ quả mềm, xấu xí rồi cho vào bịch đóng gói, dán nhãn VietGAP, nhãn rau siêu sạch… là đã hoàn thành khâu biến rau thường thành rau sạch.
Bỏ lá úa, sâu thành rau “tuyển”
Đầu tháng 8-2022, với lý do tìm việc, phóng viên Tuổi Trẻ dễ dàng được tuyển đúng vị trí là công nhân chế biến rau củ quả tại Công ty TNHH nông sản sạch Hugofarm (số nhà 21 đường Tăng Bạt Hổ, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Lương ban đầu là 3 triệu đồng/tháng, làm việc ca từ 16h – 22h, kể cả thứ bảy, chủ nhật.
Trên mạng, công ty này giới thiệu: “Hugofarm cung cấp thực phẩm tươi – xanh – sạch và an toàn đến mọi gia đình. Không lấy hàng trung gian ở bất kỳ đâu”.
Công ty còn đưa thông tin là tự trồng với hệ thống khép kín, có nông trại ở tỉnh Tiền Giang, đồng thời liên kết các nông trại uy tín tại Đà Lạt trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ, có bảo hiểm sản phẩm…
Chúng tôi làm công nhân ở ngôi nhà bốn tầng, diện tích khoảng 7m 2. Chị T., hướng dẫn tôi, cầm cọng mồng tơi lên nói: “Đây, em nhặt bỏ hết những lá úa, vàng, sâu và bị giập… Những lá bỏ đi, em gom bỏ rác, hoặc thấy tiếc thì xin về nhà ăn”.
Gần 100 bó rau mồng tơi được xếp ngay trên bàn nhôm, được cho là rau sạch từ tỉnh Tiền Giang chuyển lên lúc trưa, phải nhặt sạch để thành rau “tuyển”. Chị T. tay thoăn thoắt xếp rau cho vào túi ni lông, vừa dán nhãn vừa nói: “Chủ ở đây có vườn rau sạch tại Tiền Giang.
Mỗi ngày ở đây đóng gói mấy trăm ký rau để bỏ cho các siêu thị, các cửa hàng ở chung cư. Nhưng số mồng tơi này không đủ đâu. Lát nữa phải đi chợ đầu mối ở huyện Hóc Môn mua thêm”.
Công ty TNHH nông sản sạch Hugofarm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) mua rau ở chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) về sơ chế sạch sẽ, gắn mác “Chuẩn VietGAP” – Ảnh: T.THƯƠNG
Chủ yếu mua ở chợ
Chúng tôi đã theo chân nhân viên Công ty TNHH nông sản sạch Hugofarm đi chợ đầu mối Hóc Môn để chứng kiến cảnh gom rau củ quả các loại của công ty này về để “biến hóa”.
18h20 ngày 16-8, một người phụ nữ lái xe tay ga màu đỏ, biển số 59V1-569… xuất phát tại số 21 Tăng Bạt Hổ. Đến chợ đầu mối Hóc Môn, người phụ nữ dừng lại gọi điện thoại.
Khoảng 10 phút sau, một người phụ nữ mặc quần short hồng, áo khoác màu mận đào, chạy xe tay ga màu đỏ đến. Hai người phụ nữ bắt đầu gom hàng theo đơn mà công ty đang thiếu.
Video đang HOT
Sau đó, lần lượt từng người chở rau về lại địa chỉ 21 Tăng Bạt Hổ. Vào 21h05 ngày 16-8, họ về tới nơi.
Vừa thấy người phụ nữ mặc áo khoác đỏ chở hàng chục túi rau củ chất cao và treo lỉnh kỉnh khắp xe máy về tới, nhiều người lập tức chạy ra phụ dỡ hàng xuống, nhanh chóng xách hàng chục túi rau củ nặng trĩu vào bên trong cơ sở.
Mỗi gian phòng chế biến nông sản có bốn công nhân. Hai người làm sạch rau ở chợ, nhặt bỏ lá vàng úa, sâu bọ, chọn cành, rau lá non mượt; hai người cho vào túi ni lông đóng gói, dán nhãn nơi chế biến, sản xuất cùng logo chuẩn VietGAP.
Đôi tay thoăn thoắt, không chuyện trò, các gói hàng rau mồng tơi, rau thơm, rau muống, rau dền, cải ngồng… được làm sạch “như mới”, được cân đúng trọng lượng như 500g, 300g, 50g tùy theo loại… và chất thành những đống riêng.
Cũng làm sạch rau mua ở chợ, một công nhân đang vào rau cải ngồng, có trọng lượng 300g. Logo của Hugofarm cho loại cải ngồng có nền xanh, viền trắng và có chữ “Chuẩn VietGAP”. Bên trên logo có dòng chữ nhỏ: “Hugofarm là nông trại chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình khép kín, sử dụng phân hữu cơ, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản. Đưa sản phẩm trực tiếp từ vườn đến người tiêu dùng”… Chúng được công nhân dán vào rau vừa gom ở chợ về, không rõ nguồn gốc.
Tất cả các gói rau ở đây được gắn logo có nền xanh viền trắng. Trên logo các gói rau, ngày đóng gói được in lùi so với ngày thực đóng gói một ngày.
Ngày 17-8, chúng tôi lại theo chân hai phụ nữ này từ công ty tới chợ đầu mối Hóc Môn. Vẫn như cũ, rau được mua gom tại chợ, chở thẳng về công ty. Bên trong bộ phận sơ chế loại rau úa, hỏng và đưa thẳng vào bao bì rau VietGAP.
Chỉ trong vòng chưa đến 30 phút, tất cả các đơn hàng cho gần 20 rổ nhựa màu xanh đã xong. Bên trong mỗi rổ có đơn giao hàng bằng khổ giấy A4. Chẳng hạn ngày 11-8, đơn giao hàng có in dòng chữ đơn vị nhận hàng là công ty, là chuỗi siêu thị bán thực phẩm, có kho tổng tại một trung tâm thương mại ở quận 8, TP.HCM.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Rau “VietGAP” dỏm vào siêu thị cao cấp
Sau nhiều ngày theo dõi hoạt động của “doanh nghiệp chế biến rau sạch” Hugofarm, chúng tôi đã có được địa chỉ đến của những thành phẩm cũng như thời gian đi giao hàng.
Tuy nhiên để khẳng định chính xác “rau sạch” sẽ đến đúng địa chỉ như trong thông tin thu thập được, chúng tôi quyết định sẽ đi theo xe giao hàng đến tận siêu thị.
Khoảng 6h sáng 12-8, một chiếc xe máy với giỏ nhựa chở hàng loại lớn dừng trước cửa nhà số 21. Người đàn ông đi xe bình thản vào nhà mang từng túi rau lớn chất lên giỏ hàng.
Khoảng hơn 7h, tài xế bắt đầu xuất phát đi giao hàng. Chúng tôi bám sát tài xế trên cung đường từ Tăng Bạt Hổ – Phan Văn Trị – Bùi Đình Túy – Nguyễn Thiện Thuật – Phan Chu Trinh… Điểm dừng chân đầu tiên của chuyến hàng chính là cửa hàng 3 Sạch Food Gourmet Market trên đường Trần Não (phường An Khánh, TP Thủ Đức).
Tài xế dừng xe sát một bên trong cửa hàng và ung dung xách từng hai túi rau lớn vào bên trong… Quá trình giao hàng cho điểm cửa hàng 3 Sạch Food này diễn ra trong gần 20 phút. Việc giao hàng hoàn toàn tự nhiên, trước mắt người mua hàng.
Sau khi hoàn thành, tài xế tiếp tục lên đường đến điểm giao hàng thứ hai là cửa hàng 3 Sạch Food Gourmet Market tại tháp 2, khu căn hộ The Sun Avenue trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức. Toàn bộ số rau còn lại được giao vào bên trong.
Sản phẩm của Công ty TNHH nông sản sạch Hugofarm có dán nhãn mác VietGAP, nhãn tem tròn 3 Sạch, mã vạch được bày biện lên kệ, với mức giá cao hơn rất nhiều so với mua ngoài chợ.
Sơ chế, gắn mác “Chuẩn VietGAP”, giá rau đã tăng lên gấp nhiều lần – Ảnh: T.THƯƠNG
Tiểu thương chợ đầu mối: không có chứng nhận VietGAP
Sau khi tận mắt chứng kiến những “phù phép” rau sạch, chúng tôi quay ngược lại gian hàng rau củ quả mà hai người phụ nữ Công ty TNHH nông sản HugoFarm mua ở chợ đầu mối Hóc Môn; để hỏi về giấy tờ, truy xuất vùng trồng cũng như các điều kiện khác để đảm bảo đây là nguồn rau sạch đúng nghĩa.
Chủ gian hàng tên Hồng trả lời: “Rau ở đây nguồn gốc từ vườn trồng ra. Không có giấy VietGAP. Chỗ nào đòi điều kiện này là bó tay. Cả chợ không có giấy… Mấy người làm siêu thị là “chạy” giấy tờ ở ngoài thôi. Tôi có cháu chồng có thể chạy giấy”.
Người dân mua vì tin tưởng rau sạch
Trên kệ của 3 Sạch (tháp 2, The Sun Avenue) có rất nhiều sản phẩm rau củ quả có nhãn mác VietGAP, 3 Sạch, tem, mã vạch… của nhiều nhà cung cấp khác nhau, trong đó có sản phẩm có dán nhãn của Công ty TNHH nông sản Hugofarm, đúng loại nhãn chúng tôi đã tận mắt chứng kiến việc tự ý dán vào rau mua tại chợ đầu mối khi nhập vai tại cơ sở chế biến này.
Là người sống ở tháp 2 của chung cư, anh Vũ Đình Kiên (41 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết hay mua rau củ tại cửa hàng 3 Sạch ngay tại đây vì tiện lợi.
Quan trọng nữa là rau củ ở đây có nhãn mác, có chuẩn VietGAP, có tem 3 Sạch và toàn rau xanh tươi. Mặc dù đắt hơn ở chợ nhưng nghĩ sạch, ngon nên anh Kiên cho hay chọn mua rau ở những cửa hàng uy tín.
Nhưng khi hỏi về việc có tin những nhãn mác chỉ là “ngụy trang”, anh Kiên công nhận: “Nếu đó là rau trà trộn, đánh lừa dựa vào niềm tin của người tiêu dùng thì… tôi cũng chịu thôi. Nếu thế thì cửa hàng rau củ quả nào cũng như nhau”.
“Yêu cầu loại nào cũng có”
Trong đêm, chị Hằng (sinh năm 1985, quê miền Tây) làm ở Hugofarm tháo bịch ngò rí mua ở chợ đầu mối về, làm sạch gốc, cho lên cân đúng 100g, nghiêng về phía tôi làm mẫu cách dán tem và nói: “Em chuẩn bị cái tem tròn. Cái này em không cần quấn mành (một miếng bao hình vuông, làm vật đỡ được cuộn bên ngoài rau, để rau dễ đưa vào túi ni lông – PV), em cầm rau và đút thẳng tay vào túi và dán mã vạch…”.
Xong những gói rau ngò rí dán tem tròn và mã vạch, chị Hằng tiếp tục hướng dẫn tôi làm tương tự những gói ngò rí nhưng dán tem thường, là những tem có chữ “Chuẩn VietGAP”.
Tem tròn, mã vạch ở đây được để riêng tại một góc, được in sẵn mọi thông tin. Các loại rau củ quả, muống bào, bắp chuối bào… được mua ở chợ về, làm sạch đóng gói và dán tem theo hai loại khác nhau.
Thắc mắc tại sao một gói rau như nhau mà dán đến hai tem khác nhau, chị Hằng giải thích: các nơi mình bỏ hàng yêu cầu từng loại rau khác nhau, yêu cầu loại nào thì dán tem loại đó.
Tem tròn cũng có hai màu nền chính là xanh, trắng. Có dòng chữ “3S, 3SACH FOOD, Fresh & Healthy; from Farm to Table” (thực phẩm sạch, tươi và sức khỏe; từ nông trại đến bàn ăn); có in địa chỉ Fanpage: 3 Sach Food Gourmet Market.
Các thông tin để lấy sự tin tưởng của khách hàng cũng rất đầy đủ, từ website: www.3sachfood.vn; hotline: 1800 6034. Mã vạch còn in những con số dưới vạch, tên sản phẩm, trọng lượng, nơi cung cấp là Công ty TNHH nông sản sạch Hugofarm.
Dữ liệu: THẢO THƯƠNG
Doanh nghiệp nói gì?
Những giỏ rau đã được Công ty TNHH nông sản sạch Hugofarm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) “mông má” lại thành “rau an toàn” để đi giao cho các cửa hàng, siêu thị – Ảnh: T.THƯƠNG
Sau khi hoàn thành xong phần nhập vai, phóng viên khác trong vai đối tác cần mua rau để bán tại siêu thị đã liên hệ theo số điện thoại trên website của Hugofarm để gặp đại diện công ty này.
Được hẹn gặp bà Tuyền ở 21 Tăng Bạt Hổ (Q.Bình Thạnh). Ngồi trao đổi trên tầng 4, bà Tuyền nói nhân viên in cho chúng tôi xem bảng giá của 92 loại rau củ bên cơ sở bà có thể cung cấp bán vào siêu thị. 1/3 trong số đó đạt chứng nhận VietGAP, chủ yếu là rau ăn lá (cải, mồng tơi, muống, ngót, dền…), tất cả được trồng ở Tiền Giang.
Đa số các loại củ quả còn lại như ớt, gừng, tỏi, hành tây, susu… không có VietGAP. Theo bà Tuyền, khi giao hàng, rau có chứng nhận VietGAP thì sẽ được thể hiện trên tem, còn lại không ghi VietGAP.
Khi đặt vấn đề liệu có trường hợp trong ruột không phải hàng VietGAP, nhưng bên ngoài lại tem VietGAP, bà Tuyền khẳng định: “Cái gói rau đó dán tem của chị, chị chịu trách nhiệm cho sản phẩm đó”.
Chúng tôi hỏi nếu cơ quan chức năng phát hiện trong rau củ có dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn ngưỡng cho phép thì sẽ giải quyết như thế nào, bà Tuyền cho biết hai bên sẽ hỗ trợ, cùng thương lượng để giải quyết.
Hà Nội tập huấn kỹ năng quảng bá sản phẩm OCOP trên TikTok
Ngày 19/9, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp TikTok cùng các đối tác mở lớp tập huấn và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho chủ thể OCOP trên nền tảng TikTok.
Chuyên gia hướng dẫn kỹ năng xây dựng nội dung, kỹ năng bán sản phâm OCOP trên nền tảng số.
Lớp tập huấn có sự tham gia trực tiếp của 50 chủ thể OCOP và nông sản thực phẩm an toàn, cùng hàng trăm chủ thể khác theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu các quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, chương trình còn có sự quan tâm, theo dõi thông qua hình thức online của đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn và nhiều chủ thể trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, người tiêu dùng luôn mong muốn được dùng sản phẩm đúng nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Trong khi đó, sản phẩm OCOP đảm bảo đủ các tiêu chuẩn trên nên việc đưa sản phẩm OCOP của Hà Nội để quảng bá, giới thiệu trên nền tảng TikTok rất phù hợp. Các giải pháp sáng tạo trên nền tảng giải trí số 1 hiện nay cũng có thể hỗ trợ đắc lực để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.
"TikTok sẽ cùng Hà Nội xây dựng được nền tảng số vững chắc cho Chương trình OCOP, bắt đầu từ việc nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho các cá nhân, tổ chức thông qua lớp tập huấn...", ông Nguyễn Lâm Thanh chia sẻ.
Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, lớp tập huấn là hoạt động đầu tiên, cụ thể hoá chương trình hợp tác giữa Văn phòng và TikTok Việt Nam, nhằm thúc đẩy hợp tác chiến lược trong việc nâng cao năng lực số và quảng bá cho sản phẩm OCOP.
Thông qua các lớp tập huấn, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội kỳ vọng sẽ giúp chủ thể có thêm kênh tiếp cận với người tiêu dùng. Đặc biệt là hỗ trợ các chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố chủ động đầu ra, tiến tới xây dựng được chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm OCOP.
Kết nối cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế 2 nước Việt - Lào và khu vực Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (05/09/1962 - 05/09-2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (18/07/1977-18/07/2022), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào, ông Khamjane Vongphosy đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Lào về kết quả hợp tác đầu...