[ĐIỀU TRA] – Lao động Việt kêu cứu từ đất khách
KỲ 1: Bằng nhiều thủ đoạn, giám đốc một công ty tại TP HCM dù không có chức năng phái cử lao động sang Nhật Bản nhưng đã dụ dỗ nhiều người đóng tiền rồi đưa sang nước này cư trú bất hợp pháp
Cuối tháng 6-2018, Báo Người Lao Động nhận được đơn cầu cứu của anh Nguyễn Công Trãi từ tỉnh Ibaraki – Nhật Bản. Anh Trãi kể lại câu chuyện của mình rằng từ tháng 10-2016, anh biết Công ty Youko, do bà Trần Thị Hoàng Phương làm giám đốc, có khả năng đưa lao động sang Nhật Bản làm việc lâu dài theo diện kỹ sư.
Xuất khẩu lao động bằng… visa du lịch
Đang có nhu cầu sang Nhật Bản làm việc, anh Trãi tìm đến Công ty Youko – tại số 2A4-2A5 Phạm Văn Bạch (nay đổi tên thành đường số 37), phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP HCM – để tìm hiểu. Tại đây, bà Trần Thị Hoàng Phương cho biết mình có nhiều mối quan hệ tại Nhật Bản nên dễ dàng đưa được lao động Việt Nam sang đây dưới diện kỹ sư để hưởng mức lương cao và cơ hội định cư lâu dài. Sau những lời hứa hẹn sẽ giúp sang Nhật Bản là hợp đồng tư vấn được bà Phương đưa ra để anh Trãi ký. Theo nội dung ghi trong hợp đồng, Công ty Youko sẽ thu mức phí trọn gói 8.000 USD để dạy tiếng Nhật, lo thủ tục xin visa lao động diện kỹ sư, vé máy bay…
Anh Nguyễn Công Trãi cùng lời cầu cứu và công việc sống qua ngày ở Nhật Bản
Sau khi anh Trãi đóng đủ tiền, bà Phương gọi điện thông báo sẽ đưa anh và một số người nữa sang Nhật Bản cho các công ty nhận kỹ sư phỏng vấn trong 3 ngày. Cả nhóm đã bay sang Nhật từ ngày 23 đến 26-1-2017 để phỏng vấn nhưng thực chất chỉ có một người Nhật đến hỏi thăm vài câu qua loa chứ không phải giám đốc các công ty tuyển dụng đến phỏng vấn như bà Phương nói. Sau đó, cả nhóm trở về Việt Nam, bà Phương nói rằng sẽ mất khoảng 3-6 tháng nữa để làm hồ sơ xuất cảnh chính thức sang Nhật Bản làm việc.
Đến cuối tháng 5-2017, bà Phương thông báo có lịch bay, mọi người tập trung để làm thủ tục. Cả nhóm của anh Trãi gồm 12 người nhanh chóng có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất theo lịch hẹn thì bà Phương cho biết có trục trặc vé máy bay nên mọi người thuê khách sạn ở tạm vài ngày, chi phí sẽ do Công ty Youko chi trả.
Video đang HOT
Liên tục sau đó, bà Phương lấy lý do trục trặc vé máy bay, visa nên chưa thể sang Nhật Bản được. Cứ lần này đến lần khác với đủ lý do nên cả nhóm của anh Trãi phải ở trong khách sạn hơn 2 tháng trời và tự lo mọi chi phí, Công ty Youko không hề hỗ trợ như cam kết. Thêm nữa, những lần “vé máy bay trục trặc” là bà Phương buộc mọi người phải đóng thêm tiền mua vé. “Dù rất sốt ruột, lo lắng và nghi ngờ nhưng cả nhóm phải nghe lời bà Phương bởi không còn sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi cứ hy vọng được sang Nhật Bản chứ không thể quay về nhà vì không biết giải thích sao với gia đình, bạn bè” – anh Trãi bức xúc.
Đến tháng 7-2017, bà Phương gọi cho cả nhóm thông báo giữa tháng 7 sẽ sang Nhật Bản. Nhóm 12 người được chia làm 2 đợt, anh Trãi và 4 người nữa nằm trong đợt 2, bay ngày 17-7-2017. Trước ngày bay, lấy lý do cần thêm chi phí để qua Nhật Bản lo hồ sơ thủ tục cho nhanh, bà Phương yêu cầu mọi người đóng thêm 2.000 USD. Không còn cách nào khác, cả nhóm gọi về gia đình nhờ vay mượn tiền đóng cho bà Phương.
Riêng anh Trãi đã nộp cho bà Phương tổng cộng gần 280 triệu đồng, trong đó có 15 triệu đồng để “lo” bằng kỹ sư.
Anh Trãi kể khi ra đến sân bay, mọi người mới được bà Phương đưa visa để làm thủ tục sang Nhật Bản. Cầm visa trên tay, cả nhóm tá hỏa khi phát hiện không phải là visa đi lao động mà là visa du lịch. Mọi người thắc mắc thì được bà Phương trấn an là sang Nhật Bản sẽ đổi lại.
Sau khi sang Nhật Bản, bà Phương thuê một căn phòng cho cả nhóm ở chung. Visa du lịch chỉ có thời hạn lưu trú 15 ngày nên mọi người tìm cách liên lạc với bà Phương bởi chẳng thấy đả động gì đến chuyện nhận việc ở đâu, làm cho công ty nào cả. “Thật bất ngờ, bà Phương chuẩn bị sẵn đơn xin tị nạn và yêu cầu chúng tôi điền vào. Mọi người phản ứng thì bà Phương nói cứ làm như vậy rồi sẽ lo cho có việc làm ổn định và lưu trú lâu dài tại Nhật Bản” – anh Trãi trình bày.
Bị đuổi và xù lương
Qua thông tin từ anh Trãi, chúng tôi liên lạc với 6 nạn nhân trong nhóm được bà Phương đưa sang Nhật Bản vào tháng 7-2017, gồm: Nguyễn Văn Sửa, Đặng Công Văn, Võ Văn Tuấn (ngụ tỉnh Tây Ninh); Nguyễn Duy Minh, Lê Thanh Tuyền (ngụ TP HCM) và Phạm Minh Trí (ngụ tỉnh Long An). Tổng số tiền mà 6 nạn nhân này đã đóng cho bà Phương là 1,727 tỉ đồng, đến giờ chưa ai đòi lại được đồng nào.
Khi sang Nhật Bản, anh Nguyễn Duy Minh phải sống bất hợp pháp, đi làm việc bằng tên giả. “Tôi luôn sống trong nỗi sợ bị bắt, bị đánh. Đi làm việc bằng tên giả nên khi công ty phát hiện, họ đuổi và không trả lương. Tôi phải vay mượn tiền của bạn bè để cầm cự qua ngày. Thời gian sống chui sống nhủi bên Nhật Bản, tôi chấp nhận làm đủ mọi thứ nhưng đều thất bại vì giấy tờ không hợp lệ. Quá nhục nhã, tôi phải tìm cách về Việt Nam để tố cáo bà Phương” – anh Minh nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm đó, để sang Nhật Bản theo diện kỹ sư không hề đơn giản bởi những quy định khắt khe như trình độ tiếng Nhật, phải tốt nghiệp các ngành kỹ thuật được đào tạo bởi các trường uy tín, sức khỏe bảo đảm… Nhưng với Công ty Youko của bà Phương, chưa tốt nghiệp THPT vẫn có thể sang Nhật Bản theo diện kỹ sư.
Nhằm hợp thức hóa hồ sơ, những ai chưa có bằng kỹ sư phải đóng thêm từ 10-30 triệu đồng để bà Phương làm bằng kỹ sư giả cho đủ điều kiện.
Theo trình báo của các nạn nhân, sau khi bị lừa, họ đã tìm mọi cách liên lạc với Công ty Youko và giám đốc Trần Thị Hoàng Phương nhưng thất bại. Công ty Youko đã đóng cửa, điện thoại của bà Phương cũng ngoài vùng phủ sóng. Không còn cách nào khác, họ gửi đơn trình báo đến cơ quan công an và báo chí nhằm lấy lại số tiền đã bị lừa, đồng thời kêu gọi pháp luật nghiêm trị kẻ lừa đảo.
Sống dở chết dở
Anh Nguyễn Công Trãi cho biết sau khi bị bỏ rơi ở Nhật Bản, anh và những người trong nhóm tự liên lạc bạn bè để có chỗ tá túc, kiếm việc làm. Không có giấy tờ hợp pháp nên cả nhóm sống chui nhủi vì sợ bị bắt, ai kêu gì cũng làm để kiếm cái ăn qua ngày. “Mấy lần tôi được “cò” lao động giới thiệu việc làm nhưng do không có giấy tờ hợp pháp nên chỉ một thời gian thì chủ phát hiện và đuổi, không thanh toán lương. Giờ chúng tôi sống dở chết dở, lo bị bắt và phạt tù bất cứ lúc nào” – anh Trãi trình bày.
Cũng theo anh Trãi, bà Phương còn đưa rất nhiều người sang Nhật Bản bằng visa du lịch rồi bỏ bơ vơ nơi đất khách, đối diện nhiều rủi ro.
Bài và ảnh: Giang Nam
Theo nld.com.vn
Tìm kiếm tàu cá cùng 5 lao động bị mất liên lạc trên biển
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo vụ việc tàu cá BTh 96769 TS cùng 5 lao động bị mất liên lạc trên biển, đồng thời kêu gọi các tàu cá hoạt động trên biển hỗ trợ tìm kiếm tàu cá này.
Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, tàu cá BTh 96769 TS có công suất 295 CV, trên tàu có 5 lao động, hành nghề câu khơi, tần số liên lạc 76252 USB, do ông Trần Nhật Trường (sinh năm 1977, trú tại khu phố 8, phường Phước Lộc, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) làm thuyền trưởng.
Tàu cá BTh 96769 TS xuất bến tại cảng cá La Gi ngày 23/7/2018 đi hành nghề ở khu vực quần đảo Trường Sa, từ khi xuất bến đến nay gia đình không liên lạc được với các lao động trên tàu.
Sau khi tiếp nhận tin báo của gia đình chủ tàu (ngày 1/8), Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị thông qua hệ thống thông tin liên lạc thông báo cho tàu thuyền, ngư dân hoạt động trên biển biết, tăng cường quan sát hỗ trợ tìm kiếm.
Tuy nhiên, từ ngày 1-17/8, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận chưa tiếp nhận thông tin nào liên quan đến tàu cá BTh 96769 TS. Theo nhận định ban đầu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, nhiều khả năng tàu cá BTh 96769 TS bị hỏng máy trôi dạt, bị sóng đánh chìm hoặc đã vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Đài Thông tin Duyên hải Phan Thiết phát thông tin tìm kiếm cứu nạn để các tàu thuyền hoạt động trên biển hoặc đi ngang qua khu vực quần đảo Trường Sa, nếu phát hiện hay có tin tức về tàu cá BTh 96769 TS thì thông báo cho cơ quan chức năng biết, hỗ trợ tìm kiếm.
Đề nghị UBND thị xã La Gi huy động các tàu cá trong Tổ đoàn kết trên biển, các tàu hiện đang hoạt động trên biển biết thông tin, hỗ trợ tìm kiếm, nếu phát hiện thì thông báo về địa phương, Đồn Biên phòng Phước Lộc biết để hỗ trợ xử lý./.
Theo Nguyễn Thanh/TTXVN
BẢN TIN TÌNH NGUYỆN: Hàng trăm thanh niên lao động giúp bản nghèo Ngày 10/8, hàng trăm đoàn viên, thanh niên huyện Anh Sơn đã tổ chức lao động khai hoang giúp người dân bản nghèo ở xã Phúc Sơn mở rộng diện tích sản xuất. Bản Vều 4 là bản khó khăn nhất trong 4 bản Vều thuộc vùng Bọp, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn. Bản có hơn 100 hộ dân, chủ yếu là...