Điều tra bàn tay trái ông Nguyễn Hữu Linh làm gì trong thang máy
Cơ quan CSĐT Công an quận 4 – TP HCM đang điều tra bổ sung vụ án ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy và trưng cầu giám định lại camera.
Sáng 6-7, một nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết Cơ quan CSĐT Công an quận 4 – TP HCM đang điều tra bổ sung vụ án “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” đối với ông Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng) theo yêu cầu của TAND cùng cấp.
“Công an quận 4 đang điều tra bổ sung theo Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 05/2019/HSST-QĐ của TAND quận 4. Đồng thời, cơ quan điều tra đang yêu cầu cơ quan giám định có thẩm quyền thực hiện giám định lại đoạn camera ghi hình ảnh trong thang máy từ thời điểm 21 giờ 10 phút 6 giây đến 21 giờ 10 phút 31 giây”, một lãnh đạo Công an quận 4 nói.
Ông Nguyễn Hữu Linh tại TAND quận 4 – TP HCM
Nội dung Công an quận 4 điều tra lại theo yêu cầu của tòa án gồm: Lời khai tại Công an quận 4 cũng như tại Biên bản kết luận điều tra, Biên bản hỏi cung bị can và Biên bản giao cáo trạng; ông Nguyễn Hữu Linh chỉ thừa nhận hành vi ôm, hôn bé gái ở thang máy chung cư Galaxy 9 tổng cộng 3 lần. Ông Linh thừa nhận là sai nhưng không nhận tội dâm ô vì chưa đủ yếu tố cấu thành phạm tội dâm ô theo Điều 147 BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, tại phần kết luận cáo trạng của VKSND quận 4 thì không mô tả hành vi khách quan của tội phạm mà bị can Linh đã thực hiện, theo TAND quận 4, là thiếu sót.
Nếu dựa trên cơ sở kết quả điều tra đã xác định được thì tại trang 3 của cáo trạng ghi rõ kết luận của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP HCM xác nhận: “Hình ảnh trong tập tin video cần giám định là hình ảnh thật, không tìm thấy dấu hiệu bị can thiệp, cắt ghép hình ảnh tập tin video cần giám định”.
TAND quận 4 yêu cầu cần làm rõ giám định trên là lúc 21 giờ 10 phút 11 giây bàn tay trái của ông Nguyễn Hữu Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước của bị hại C. hay không? Bởi vì, trong công văn của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP HCM chỉ giải thích rất có thể bàn tay trái của ông Linh đã chạm vào phần cơ thể phía trước của bị hại là chủ quan, chưa rõ ràng.
Trước đó, ngày 25-6, TAND quận 4 mở phiên sơ thẩm đối với ông Nguyễn Hữu Linh; tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Hải Nam – Phó Chánh án TAND quận 4, đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ một số tình tiết của vụ án.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Hữu Linh bị VKSND quận 4 truy tố tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Theo cáo trạng của VKSND quận 4, vào chiều 2-4, Cơ quan CSĐT Công an quận 4 nhận được thông tin trên mạng xã hội có đoạn clip thời gian khoảng 58 giây về một người đàn ông ôm hôn bé gái trong thang máy của chung cư Galaxy9.
Đến tối cùng ngày, Công an phường 1, quận 4 nhận được đơn tố giác của bà B.T. (Trưởng Ban quản lý chung cư Galaxy9) về việc người đàn ông ôm bé gái trong thang máy.
Quá trình điều tra xác định vào khoảng 21 giờ ngày 1-4, cháu C. (8 tuổi) xuống siêu thị của chung cư mua đồ cho mẹ. Sau đó, cháu C. đi thang máy lên nhà và nhờ bảo vệ chung cư quẹt thẻ thang máy. Lúc này, trong thang máy cũng có người đàn ông (sau xác minh là ông Nguyễn Hữu Linh) đi lên chung. Khi thang máy di chuyển thì cháu C. bị ông Linh ôm từ phía trước mặt, tay ông Linh vịn vào bụng, tay phải choàng qua đầu, vai và dùng miệng hôn vào má trái của cháu.
Cháu C. hoảng sợ đứng gần cửa thang máy thì ông Linh tiếp tục ôm từ phía sau kéo cháu lại gần khiến phần lưng cháu dựa vào trước người của ông. Khi thang máy mở cửa thì ông Linh buông cháu C. ra, cháu C. về nhà kể sự tình cho mẹ nghe.
Sau đó, cha cháu C. xuống báo Ban quản lý chung cư. Trích xuất camera, Ban quản lý chung cư mời ông Linh xuống làm việc. Lúc này, ông Linh thừa nhận ông chính là người đàn ông trong clip và khai tên giả là Nguyễn Văn Hưng, CMND số 2003347 cấp vào tháng 10-2007 tại Quảng Nam. Qua làm việc, mẹ cháu C. đồng ý bỏ qua vụ việc và ông Linh bay về Đà Nẵng vào chiều hôm sau.
Sau khi đoạn clip 58 giây bị phát tán trên mạng, chiều 3-4, ông Linh đến Công an quận 4 trình diện và khai nhận vào ngày 1-4, ông có đến căn hộ của con trai ở chung cư Galaxy 9 để lưu trú. Đến chiều 1-4, ông cùng với một số người bạn uống bia và đi taxi về lại chung cư.
Theo Phạm Dũng (Người lao động)
Vụ ông Nguyễn Hữu Linh bị truyền thông "săn đuổi": Lấy cái sai để lên án cái sai?
Không thể nhân danh bảo vệ công lý để lấy cái sai này lên án cái sai khác. Và, cũng không thể vì muốn dẹp bỏ cái xấu này mà tạo ra cái xấu khác.
Ngày 25/6/2019, TAND quận 4, TP HCM đã đưa bị cáo Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng, ra xét xử về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi". Sau hơn 2 giờ xét xử kín, TAND quận 4 quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Thế nhưng, dường như ông Linh đã phải nhận một bản án vô cùng khắc nghiệt từ những "quan tòa online", từ báo chí, từ dư luận. Ngay từ 7h sáng, hình ảnh ông bị vây kín giữa "rừng" ống kính đã được đăng tải tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Khoảng chừng một tiếng sau, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh ông Linh bị "săn đuổi" từ sân Tòa, qua 4 nhịp cầu thang rồi vào tận... toillet.
Phía dưới các bài viết, hình ảnh và clip ấy là hàng trăm hàng ngàn ý kiến bày tỏ sự hả hê, khoái trá và phấn khích.
Lên án, đấu tranh, không thỏa hiệp với cái sai để xã hội tốt hơn, công bằng hơn là điều nên làm, nhưng không thể nhân danh bảo vệ công lý để lấy cái sai này lên án cái sai khác. Và, cũng không thể nhân danh dẹp cái xấu bằng cách làm ra cái xấu khác.
Với một vụ án được dư luận quan tâm như vụ ông Linh thì việc có nhiều người chờ đợi theo dõi thông tin cũng là điều dễ hiểu. Song, cái cách báo chí, truyền thông "săn lùng" và sử dụng hình ảnh ông Linh một cách bừa bãi, tùy tiện như thế không chỉ phản cảm, bất nhẫn mà còn vi phạm về quyền nhân thân, hình ảnh của bị can, bị cáo.
Bởi, theo quy định, bị can, bị cáo chỉ bị hạn chế hoặc bị tước bỏ một số quyền dân sự, nhưng không hề có quy định nào tước bỏ quyền về hình ảnh cá nhân. Như vậy, việc sử dụng hình ảnh của bị cáo trước phiên tòa, hay tại thời điểm Tòa đang xét xử cần được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
"Theo pháp luật dân sự hiện nay, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; không ai được phép đăng tải, phát tán hình ảnh của cá nhân khi không được sự đồng ý của họ. Còn việc chụp hình, ghi hình bị cáo trong lúc Tòa án đang xét xử, thì phải có sự cho phép của Chủ tọa phiên tòa, theo đúng hướng dẫn của Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC, ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Chánh án TANDTC. Tuy nhiên, nhà báo cũng phải chịu trách nhiệm về bài viết, nội dung, hình ảnh nếu ảnh hưởng tới các bị cáo", Luật sư Nguyễn Tiến Sâm, Đoàn Luật sư Hà Nội, chia sẻ.
Cũng theo Luật sư Sâm, dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật".
"Đến giờ này, ông Linh vẫn chưa bị xác định là có tội. Cộng đồng mạng không thể vì bất cứ lý do để nhân danh công lý, nhân danh đám đông đăng tải hình ảnh, kết tội ông ta khi chưa bị Tòa kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Việc kết án là quyền của Tòa án chứ không phải của đám đông và mạng xã hội", Luật sư Sâm khẳng định.
Còn Luật sư Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội, khẳng định: "Tôi tin rằng, nếu hành vi của ông Linh là trái pháp luật thì sẽ được Tòa phán quyết và ông ta phải trả giá cho những hành vi trái pháp luật của mình. Pháp luật luôn công bằng và không có vùng cấm cho bất cứ ai. Nhưng pháp luật cũng quy định, chỉ Tòa án - nơi những người được trao quyền nhân danh nhà nước mới có quyền phán xét hành vi nào có tội. Xử sự với tội phạm như cái cách nhiều người đang làm, không phải là một lối hành xử văn minh, nhân văn mà ngược lại, nó gây ra sự phản cảm".
Theo chị Kim Anh, mỗi người cũng cần thận trọng trong cách bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình, bởi không cẩn thận rất có thể phạm vào tội Làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018.
Ông Linh bị "săn đuổi" khi đến Tòa vào sáng 25/6
"Không chỉ riêng ở vụ ông Linh, mà trong các vụ án khác, báo chí, truyền thông cần tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Việc pháp luật quy định bảo vệ quyền hình ảnh cho các bị cáo cũng là có lý do, bởi lẽ việc bị cáo bị truy tố xét xử hôm nay chưa hẳn là có tội. Nếu báo chí, truyền thông đăng tải hình ảnh của họ một cách bừa bãi thì ngay cả khi được Tòa tuyên vô tội, bị cáo cũng sẽ bị tổn hại đến danh dự, nhân phẩm và uy tín ít nhiều", Luật sư Kim Anh lập luận.
Đất nước thượng tôn pháp luật, bất cứ hành vi sai quấy của cá nhân nào sớm muộn cũng bị trừng phạt. Song, đằng sau mỗi bị can, bị cáo còn có người thân, ruột ràng máu mủ. Những người đó, họ đâu có tội tình gì?
Như trong vụ án nói trên, hình ảnh ông Linh thất thần hoảng hốt, cắm cúi chạy trốn truyền thông có lẽ là "bản án" đau xót nhất mà cha mẹ, vợ con ông phải nhận.
Thế nên, đối với những phóng viên pháp đình, không chỉ đơn thuần là đưa tin, tường thuật vụ án, lên án cái xấu, cái ác, điều quan trọng là giúp độc giả có cái nhìn đa chiều và khơi gợi ở họ niềm tin vào công lý. Làm sao để đằng sau mỗi con chữ, mỗi tấm hình đều thắp lên ít nhiều ngọn lửa của lòng nhân và điều thiện, thắp lên tình yêu thương giữa con người với con người.
Tiếc là, vì chạy theo sự tò mò, hiếu kỳ của đám đông, muốn tạo ra sự chú ý, nhiều phóng viên pháp đình, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đang ngày càng lạm dụng, sa đà vào việc khai thác đời tư của các bị can, bị cáo, chưa thực sự xem trọng vấn đề quyền con người, quyền riêng tư của nhân vật trong khi tác nghiệp. Thậm chí người ta còn phơi hết thảy "thâm cung bí sử" của thân nhân người phạm tội lên mặt báo.
Lấy đời tư người khác làm mồi nhử, câu view, tức là "anh tuyên truyền pháp luật lại đi phạm luật". Cách khai thác thông tin như thế không chỉ tạo ra những hiệu ứng tiêu cực trong cộng đồng, mà nó còn khơi xoáy thêm nỗi đau của nhiều người vô tội khác và góp phần làm sai lệch thẩm mỹ, tư duy trong công chúng.
N.Hoàng
Theo conglyxahoi
Tòa sẽ xử thế nào nếu người nhà bé gái nói Nguyễn Hữu Linh không dâm ô? Trong trường hợp, người nhà bé gái một mực khai tại tòa Nguyễn Hữu Linh không có hành vi dâm ô, mà chỉ ôm hôn vì quý cháu bé. Luật sư cho rằng điều này không ảnh hưởng đến việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Gia đình bé gái nói Nguyễn Hữu Linh 'quý cháu nên ôm hôn'? Hôm qua...