Điều tiết sự phát triển của xã hội bằng sức mạnh văn hóa
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tư tưởng, đạo đức và lối sống – lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực.
Song trên thực tế, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh vẫn còn nhiều phức tạp, đòi hỏi sự chung tay và nỗ lực của toàn xã hội.
Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy (ảnh) xung quanh những vấn đề này.
Phóng viên: Là một trong những ngành giữ vai trò chủ chốt trong việc đưa Nghị quyết 33 gần hơn với cuộc sống, Thứ trưởng cho biết kết quả đạt được trong 5 năm qua như thế nào?
Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tư tưởng, đạo đức và lối sống – lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều phong trào được triển khai sâu rộng và bước đầu nhận được một số kết quả khả quan như các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng danh hiệu Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa… đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đề cao giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, làng bản, khu phố văn hóa của Việt Nam, loại bỏ dần những tập tục lỗi thời, lạc hậu. Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển rộng rãi, thể hiện ở sự gia tăng số lượng người tập thường xuyên, góp phần phòng ngừa bệnh tật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng lối sống lành mạnh, hình thành, bồi dưỡng các phẩm chất, nhân cách con người. Lực lượng văn nghệ sĩ và văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số có bước phát triển. Sự xuất hiện của lực lượng sáng tác trẻ với những khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách là dấu hiệu mới đáng trân trọng.
Video đang HOT
Hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị, trong đó, đặc biệt là các di sản được UNESCO ghi danh. Hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch trở thành một trong những kênh quan trọng trong công tác đối ngoại của nhà nước, nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa nghệ thuật các dân tộc Việt Nam ra thế giới…
Nhiều thành tích được ghi nhận, song thực tế vẫn còn không ít hạn chế như sức ảnh hưởng của nhiều phong trào văn hóa suy giảm; nhiều nghệ thuật truyền thống bị mai một, biến tướng; nạn bạo hành gia đình vẫn còn không ít… Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Ngành VH-TT-DL cũng nhận thấy vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, khó khăn. Trước hết là sự xuống cấp về đạo đức, suy vi về lối sống có chiều hướng lan rộng. Văn hóa ứng xử có nhiều biểu hiện tiêu cực: trong gia đình là nạn bạo hành phụ nữ, trẻ em; trong nhà trường là vấn nạn bạo lực học đường; trong xã hội là các hành vi phản cảm, “lệch chuẩn” nơi công cộng hoặc trong các mối quan hệ xã hội… Đẩy lùi những hiện tượng phản cảm, những hành vi lệch chuẩn, định hướng xây dựng những giá trị chuẩn mực trong văn hóa ứng xử là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà ngành đang đặt ra hiện nay.
Bộ VH-TT-DL đã có những nghiên cứu nghiêm túc để xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xác định các tiêu chí văn hóa ứng xử trong gia đình; tiêu chí ứng xử trong hoạt động du lịch, trong hoạt động thể dục thể thao… Các cơ quan truyền thông của ngành, các viện nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, tác phẩm văn học nghệ thuật; các chương trình biểu diễn, các hoạt động văn hóa đều cố gắng tôn vinh, đề cao cái tốt, cái thiện, ca ngợi những tấm gương người tốt, việc tốt, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội; đồng thời lên án, đấu tranh với các xấu, cái ác, những biểu hiện tiêu cực, vô văn hóa, phản giá trị. Tuy nhiên, công việc này sẽ không phải là riêng của ngành văn hóa, mà rất cần tới sự phối hợp, tham gia của các bộ, ngành khác cũng như các bậc làm cha mẹ, các thầy cô giáo và toàn thể xã hội.
Trong bối cảnh đương đại, các loại hình nghệ thuật truyền thống đang rất khó khăn để trụ vững và phát triển. Các nhà hát, đoàn nghệ thuật truyền thống của ngành như tuồng, chèo, cải lương, diễn xướng Dù kê, múa Rô băm (Khmer Nam bộ)… đang rất vất vả để tồn tại trong cơ chế kinh tế thị trường; các sinh hoạt dân ca, dân vũ trong nhân dân cũng đứng trước nguy cơ mai một rất cao. Thậm chí, các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh như ca trù, cồng chiêng Tây Nguyên cũng gặp rất nhiều thách thức trong bảo tồn và phát huy. Vì thế, đối với các hình thức nghệ thuật truyền thống, ngành vẫn chủ trương bên cạnh nỗ lực tự chủ của các đơn vị rất cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự chung tay bảo vệ văn hóa truyền thống của người dân, và đặc biệt Nhà nước phải có sự hỗ trợ, bảo trợ, đầu tư kinh phí như bài học từ nhiều quốc gia.
Sắp tới ngành văn hóa triển khai nhiệm vụ như thế nào để xác lập được “ quyền lực mềm quốc gia bằng văn hóa”
Trước hết, ngành sẽ đẩy mạnh khai thác các tiềm năng, thế mạnh của văn hóa Việt Nam, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, biến văn hóa thành quyền lực mềm để điều tiết sự phát triển của xã hội, nhất là đẩy mạnh khía cạnh nhân văn trong sự phát triển nóng về kinh tế – xã hội hiện nay. Sức mạnh mềm văn hóa cũng góp phần tạo sức đề kháng trước sự tấn công của văn hóa bên ngoài cũng như vươn ra khẳng định vị thế của văn hóa dân tộc trên bản đồ văn hóa thế giới.
Cụ thể, sẽ tập trung phát triển một số lĩnh vực mũi nhọn, có các giá trị đặc sắc, có lợi thế cạnh tranh để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như: di sản văn hóa, du lịch, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, ẩm thực… Bên cạnh đó, có một kênh không kém quan trọng để quảng bá sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là văn hóa đối ngoại và ngoại giao văn hóa. Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa thông qua trao đổi các đoàn nghệ thuật biểu diễn, các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, mỹ nghệ, nghề thủ công. Đa dạng hóa các sản phẩm, hình thức truyền thông bằng tiếng nước ngoài; tăng cường vai trò cầu nối của cộng đồng các văn nghệ sĩ, trí thức người Việt ở nước ngoài…
MAI AN (thực hiện)
Theo SGGP
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL bị mắng vì dừng chờ đèn đỏ
Thứ trưởng Văn hóa nhìn nhận Bộ có một phần trách nhiệm trong việc cụ thể hóa bộ tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ.
Tại hội nghị 5 năm thực hiện tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ sáng 24.12, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chia sẻ, có lần bà đi xe máy và đường khá vắng. Gặp đèn đỏ bà dừng xe, nhưng có người đi đằng sau không dừng. "Họ đi ngang qua và mắng tôi là Con nhà quê, có ai đâu mà phải dừng", bà Thủy kể.
Thứ trưởng Văn hóa cho rằng trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải làm thế nào để người dân chấp hành luật giao thông cảm thấy tự hào, người không chấp hành thấy xấu hổ thì mới thành văn hóa ứng xử trong giao thông. "Không ở đâu như Việt Nam, cứ mạnh ai người nấy đi, đặc biệt là ở đô thị vào giờ cao điểm. Ùn tắc nảy sinh nhiều hệ lụy khiến người dân không còn quan tâm đến trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật nữa", bà Thủy nhấn mạnh.
Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy. Ảnh: Trần Duy.
Theo Thứ trưởng Thủy, năm 2013 Bộ Văn hóa đã phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông ban hành bộ tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ. Qua 5 năm, nhận thức và ý thức văn hóa giao thông của người dần được nâng lên, nhất là đối với thế hệ trẻ, nhưng vẫn còn tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn. Nguyên nhân là các cơ quan chưa sâu sát để cụ thể hóa thành hành động. "Cái này cũng một phần lỗi ở cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Văn hóa", bà Thủy nói.
Năm 2018, tai nạn giao thông đường bộ giảm nhưng mục tiêu giảm số người chết 5% theo Nghị quyết của Quốc hội sẽ ngày càng khó khăn. Nguyên nhân, theo Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đỗ Thanh Bình, là ý thức của người tham gia giao thông chưa tương xứng với tốc độ phát triển của phương tiện. Tại các nút đèn đỏ phải có cảnh sát giao thông thì người dân mới chấp hành.
Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cũng cho rằng trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông thì thiếu văn hóa giao thông, ý thức kém chiếm tới 90%.
Theo Anh Duy (VnExpress)
"Cô Ba Sài Gòn" dự sơ tuyển giải Oscar 2019 Nhận thư mời của Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ - AMPAS, mời các nước gửi phim tham dự vòng sơ tuyển giải thưởng Oscar lần thứ 91 dành cho "Phim nói tiếng nước ngoài", Hội đồng tuyển chọn phim Viêt Nam tham dư Oscar của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy làm Chủ tịch Hội đồng đã...