Diệu kế sống chung với lũ từ hình ảnh trẻ con đi trên nóc nhà
“Trẻ con sống trong lũ còn khôn ngoan, biết trèo lên mái nhà để đỡ ướt chân. Bản năng sinh tồn của trẻ con rất mạnh, người lớn cũng nên “bắt chước” sự khôn ngoan và trí tuệ của thế hệ trẻ để chủ động sống chung với lũ”.
Trước câu hỏi về những biện pháp khả thi thoát lũ, KTS Trần Huy Ánh cho rằng: “Theo tôi, thoát lũ có hai cách, thứ nhất là dùng hệ thống thủy lợi đê điều bơm nước ra các dòng sông.
Thứ hai là mở rộng các vùng bán ngập để giảm áp lực của nước. Nhưng việc dùng máy bơm chỉ là việc làm tình thế, bơm nước vòng quanh thì vô ích. Còn mở rộng vùng bán ngập, nuôi trồng thủy sản kết hợp với cây trồng khả thi hơn”.
Trẻ em trèo qua các mái nhà để đến trường mùa lũ. Ảnh: tintuc.vn.
Về biện pháp lâu dài cho cư dân vùng lũ, KTS Huy Ánh đưa ra giải pháp nên tái thiết không gian sống thích ứng với 2 mùa lũ/cạn; coi nước là tài nguyên thay vì thảm họa. Lấy trữ nước chủ động thay vì thoát nước bị động.
Từ đó từng bước tổ chức giao thông thủy mùa lũ kết hợp giao thông bộ mùa cạn một cách chủ động, an toàn. Làm nhà cộng đồng, trường học, kho tàng, trạm điện cao, nổi trên mặt nước, kết hợp hành lang đi bộ an toàn trên cao kết nối các khu dân cư.
“Tôi nghĩ thiết thực nhất bây giờ là làm nhà cao lên, tầng 1 để nước lưu thông. Khi nước đến thì rút lên tầng 2 ở. Hình ảnh trẻ con trèo lên những mái nhà để đến trường có lẽ là chính là câu trả lời hoàn hảo cho giải pháp mùa lũ.
Trẻ con còn khôn ngoan, trèo lên mái nhà để đỡ ướt chân. Bản năng sinh tồn của trẻ con rất mạnh, người lớn cũng nên “bắt chước” sự khôn ngoan của trẻ con. Nhưng trẻ con leo qua mái nhà cũng khá nguy hiểm, người lớn nên giúp sức bằng việc làm các cầu nối chắc chắn để nối các mái nhà lại với nhau. Mùa lũ đi không ướt chân đến trường an toàn” – KTS Huy Ánh bày tỏ quan điểm.
Video đang HOT
Đồng thời, KTS Huy Ánh phân tích dù khó khăn nhưng một năm chỉ có vài tuần mưa lũ nên bây giờ hãy hướng đến những giải pháp để định cư tại chỗ và sống chung với hoàn cảnh thiên tai. Đối mặt với thiên tai chứ không thể trốn chạy, đó là thái độ sống chủ động và thông minh nhất trong thời điểm hiện tại.
Đồng quan điểm đó, KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích: “Nhà chống lũ thường làm ở những vùng thường xuyên xảy ra lũ. Còn với trường hợp Chương Mỹ, các gia đình nên làm sàn chống lũ vượt cao độ, kiên cố, để có thể thích ứng với thiên tai thì hơn”.
Tuy nhiên, theo KTS Quốc Thông, việc làm có hiệu quả nhất là thiết kế một không gian công cộng an toàn hơn là thiết kế những căn nhà đơn lập.
Khi thiết kế phải tính đến khả năng chứa được đông người trong trường hợp có thiên tai. Đó có thể là một trường học hoặc sử dụng cảnh quan như công viên có điểm cao. Khi có sự cố, dân sẽ ra ở đó trong những ngày lũ.
Theo Thảo Anh (Báo Lao Động)
Lý giải nguyên nhân đợt mưa lũ vừa qua ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ kéo dài liên miên
Miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ đang trải qua đợt mưa lũ liên miên gây ra những thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản.
Miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ đang trải qua đợt mưa lũ triền miền. Ảnh Đinh Cương Thi
Đợt mưa lũ kéo dài nhất từ đầu mùa
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ đang trải qua một đợt mưa lũ phức tạp và kéo dài nhất từ đầu mùa mưa tới nay.
Từ ngày 13/7, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp cao cận nhiệt đới đang lấn mạnh về phía tây nên ở khu vực ven biển Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông; riêng khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to.
Tiếp đến, ngày 16/7, một áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở khu vực vịnh Bắc Bộ và đã gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Ngay sau đó, một áp thấp nhiệt đới khác trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 3 (Sơn Tinh). Cơn bão này đã đổ bộ đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vào đêm 18 rạng sáng 19/7. Hoàn lưu bão số 3 có bán kính ảnh hưởng khoảng 100km nên khắp các tỉnh từ Hải Phòng đến Quảng Bình đã có mưa lớn.
Đặc biệt, sau khi đổ bộ đất liền nước ta, bão số 3 không tan hẳn mà đĩa mây hoàn lưu của bão đã kết hợp với rãnh áp thấp đi qua Bắc Trung Bộ nên hình thành một xoáy thấp hoạt động tại các tỉnh phía tây Bắc Bộ và tiếp tục gây mưa lớn suốt từ ngày 20/7 đến nay.
Hôm qua (21/7), vùng xoáy này đang có xu hướng dịch chuyển dần từ đất liền ra phía đông do bị "hút" bởi một cơn bão lớn có tên Ampil. Cơn bão này được hình thành ở ngay phía đông Philippines cách đây vài ngày, hiện đang di chuyển lên phía giữa Đài Loan và Nhật Bản, có thể đổ bộ vào phía đông Trung Quốc.
Trên đường đi của mình, vùng xoáy thấp đã gây mưa lớn cho các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, ven biển và Nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và cả Hà Nội. Lượng mưa phổ biến 10-25mm; có nơi trên 30mm như: Lạc Sơn (Hòa Bình) 59mm, Kim Bôi (Hòa Bình) 41mm, Đông Hà (Quảng Trị) 34mm, Khe Sanh (Thừa Thiên-Huế) 55mm...
Áp thấp khả năng quay lại gây mưa lớn tiếp tục cho các tỉnh Bắc Bộ. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Mưa lớn sắp quay lại Bắc Bộ gây lũ quét, sạt lở đất?
Theo ông Hoàng Phúc Lâm - Trưởng Phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia), tối qua (22/7), áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc Bộ đã đi vào Hải Nam (Trung Quốc) và đang suy yếu. Chính vì vậy, hôm nay (23/7), mưa ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã giảm nhiều nơi.
Tại Thủ đô Hà Nội hôm nay có mưa vài nơi, ngày nắng, nhiệt độ cao nhất lên tới 35 độ C.
Tuy nhiên, từ khoảng ngày 24/7, khả năng mưa to vẫn có thể xảy ra do hoàn lưu của vùng áp thấp có thể quay lại, gây thời tiết xấu cho tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, từ ngày 25/7 mưa sẽ mở rộng, ảnh hưởng tới các tỉnh vùng Việt Bắc và Tây Bắc Bộ.
"Đợt mưa tiếp theo có khả năng gây ra một đợt lũ nữa ở Bắc Bộ từ khoảng sau ngày 24/7. Cần lưu ý mưa to sẽ có khả năng gây lũ quét và sạt lở đất đá ở vùng núi phía Bắc bởi khu vực này sẽ là trọng tâm của đợt mưa tới", ông Lâm cảnh báo.
Với Bắc Trung Bộ, lũ đang xuống chậm. Ông Lâm đánh giá, mùa lũ năm 2018 trên các sông Trung Bộ chưa có dấu hiệu bất thường và khả năng sẽ thấp hơn năm 2017.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm); trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.
Theo Danviet
Ảnh: Đêm ở rốn lũ Chương Mỹ, nơi hàng trăm người thức canh gà, lợn Tại huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao tràn vào ngập toàn khu Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai) khiến nhiều ngày này người dân phải sống chung với nước lũ cả ngày lẫn đêm Tại huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao...