Điều hành tỷ giá linh hoạt để tránh “bẫy thao túng tiền tệ”
Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu với DĐDN sau khi Mỹ lại tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách giám sát “thao túng tiền tệ”.
- Sau khi Bộ Tài chính Mỹ ban hành Báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó đưa Việt Nam vào danh sách 10 nước bị giám sát thao túng tiền tệ, đã xuất hiện một số cảnh báo rủi ro đối với Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đúng là báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ có xác định rất rõ 10 quốc gia vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ. Trong số 3 tiêu chí mà Mỹ đưa ra, thì Việt Nam vượt tiêu chí về thặng dư thương mại song phương (Thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Việt Nam với Mỹ ở mức 47 tỷ USD, trong khi tiêu chí của Mỹ là ít nhất 20 tỷ USD). Mặc dù Việt Nam chưa bị gọi là thao túng tiền tệ, nhưng Mỹ vẫn đặt vào tầm ngắm theo dõi.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Đây trước hết là câu chuyện có liên quan cụ thể đến chính sách đối ngoại của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta thấy rằng trong chặng cuối nhiệm kỳ đương nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang duy trì chính sách “tấn công” các đối tác có thặng dư thương mại song phương lớn nhất với thị trường Mỹ. Các quốc gia này cũng bị Mỹ đưa vào tầm ngắm và “hứa hẹn” sẽ phải nhận các yêu cầu, rào cản hoặc biện pháp siết lại. Việt Nam có tên trong danh sách các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ khi Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, nhìn từ phía Mỹ thì đó là nhập siêu. Song việc ở trong danh sách là quốc gia có thặng dư lớn với Mỹ, theo quan điểm của tôi, không gây ra rủi ro hay nguy cơ nào đối với kinh tế Việt Nam, đặc biệt nếu chúng ta kiểm soát, đáp ứng được một số yêu cầu, tuân thủ theo đúng quy định phòng vệ mà Mỹ đưa ra. Bởi vì, so với các quốc gia khác, Việt Nam vẫn còn có thặng dư thương mại với Mỹ khá nhỏ, hay nói cách khác là vai trò của Việt Nam đối với ngoại thương của Mỹ không thực sự quá lớn.
Ở khía cạnh khác, như khẳng định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra ngay sau khi báo cáo từ Mỹ ban hành rằng: “Ngân hàng Nhà nước không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Việt Nam không thao túng tiền tệ”.
Có thể nói trong năm 2019, Việt Nam đã có chính sách ngoại hối và tỷ giá linh hoạt, hỗ trợ cho các biến số vĩ mô của nền kinh tế nhưng đồng thời không lấy đó làm cơ sở điều chỉnh để tăng lợi thế thương mại. Tôi cho rằng 2 bên (Mỹ và Việt Nam) sẽ có sự phối hợp để có được tiếng nói chung cần thiết khi nhìn nhận vấn đề này.
- Vậy năm 2020 có thể là một năm Việt Nam cần thận trọng hơn nữa trong điều hành tỷ giá, khi một quốc gia vào danh sách giám sát sẽ tiếp tục được theo dõi trong hai kỳ báo cáo tiếp theo, thưa ông?
Video đang HOT
Hiện nay, Mỹ đang có một số vấn đề nội bộ cần giải quyết. Trong đó, cuộc thương chiến Mỹ- Trung kéo dài cả năm qua có thể sẽ đạt được những thỏa thuận cụ thể hơn và dấy lên hy vọng thay đổi cuộc chiến. Song Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ và tôi cho rằng ông sẽ tiếp tục giữ chiến lược nhắm vào Trung Quốc trong cuộc tranh cử tới. Theo đó, mọi thỏa thuận ban đầu không có nghĩa sẽ giải quyết được thương chiến. Và điều đó sẽ tiếp tục tác động trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam.
Để đảm bảo hàng Việt Nam vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như kinh tế Việt Nam tiếp tục thu hút FDI, FII, một chính sách linh hoạt “phá giá” đồng Việt Nam ở mức 1-3% là có thể xảy ra. Việt Nam sẽ phải đứng trước 2 lựa chọn với tác động 2 chiều nhưng đây là mức tăng ở biên độ chấp nhận được. Và việc thay đổi tỷ giá ở biên độ hẹp này là cần thiết, không đẩy Việt Nam vướng vào chuyện dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại hay can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
- Thưa ông, Cơ quan quản lý nên làm gì để Việt Nam không bị gắn mác giám sát thao túng tiền tệ?
Thứ nhất, năm nay, Việt Nam vẫn được dự báo có nhiều yếu tố hỗ trợ để tiếp tục giữ được tỷ giá trong biên độ chủ động và có thể giữ được đà tăng vững của dự trữ ngoại hối quốc gia.
Thứ hai, việc giữ vững tỷ giá được xem là một điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư FDI. Tỷ trọng rất lớn của kim ngạch xuất khẩu Việt Nam lẫn tăng trưởng GDP Việt Nam thuộc về nhóm này. Nếu tỷ giá biến động thì nhà đầu tư xem xét lại thị trường. Do đó, khả năng cơ quan điều hành lựa chọn phá giá mạnh VND để tăng lợi thế thương mại của doanh nghiệp nội địa càng không lớn.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần điều hành linh hoạt tỷ giá để hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và tránh “bẫy thao túng tiền tệ”. Bên cạnh đó, việc theo dõi và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Mỹ để họ nắm bắt đầy đủ các thông tin về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam là cần được ưu tiên nhằm giảm thiểu các rủi ro bị gắn mác thao túng tiền tệ từ phía Mỹ.
Việc Mỹ-Trung kết thúc đàm phán giai đoạn 1 với các điều khoản thỏa thuận được ký kết, đồng thời 2 bên sẽ tiến hành đàm phán giai đoạn 2, là tín hiệu tốt cho thương chiến Mỹ-Trung. Nhưng điều đó chưa nói lên tất cả.
Trên thực tế, cơ quan quản lý đã công bố kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
-Xin cảm ơn!
Tháng 5/2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành 1 trong 9 quốc gia nằm trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ do đáp ứng hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai.
Tại kỳ báo cáo tháng 1/2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách giám sát dù chỉ đáp ứng một tiêu chí về thặng dư thương mại song phương: thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ở mức 47 tỷ USD. Thặng dư cán cân vãng lai tương đương 1,7% GDP. Can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP.
Việc Mỹ gắn Việt Nam trong danh sách giám sát ở 2 kỳ báo cáo hàm nghĩa trong danh sách giám sát các quốc gia sử dụng công cụ thay đổi tỷ giá hối đoái để có lợi cho các nhà xuất khẩu của quốc gia mình và làm cho các nhà nhập khẩu nước khác phải tiêu tốn nhiều hơn trong trao đổi thương mại. Nếu Việt Nam từ danh sách giám sát bị đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, các biện pháp đối phó có thể bị đưa ra.
Khẳng định kịp thời, cần thiết của Ngân hàng Nhà nước cùng chinh sách điều hành tỷ giá ngày càng linh hoạt và minh bạch của Việt Nam là bằng chứng quan trọng cho thấy quan hệ hợp tác kinh tế -thương mại song phương tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam.
Lê Mỹ
Theo Enternews.vn
Trễ lịch công bố Mỹ kết luận Việt Nam "thao túng tiền tệ" hay không
Lẽ ra thời điểm này bản báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" đã được Bộ Tài chính Mỹ công bố.
Một tiêu chí Việt Nam bị thỏa mãn kỳ đánh giá này là về thặng dư thương mại.
Với bản báo cáo đó, cho kỳ đánh giá vừa qua, việc Mỹ gắn mác "thao túng tiền tệ" đối với Việt Nam hay không sẽ có kết quả cuối cùng.
Theo thông lệ, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo này thường vào ngày 17 hoặc 18/10, hoặc trước thời điểm 21/10. Nhưng năm nay và đến thời điểm này lịch công bố đó bị trễ, chưa có kết quả cuối cùng.
Trao đổi với BizLIVE, một người am hiểu lĩnh vực này cho rằng, có thể trong quá trình đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng, có phát sinh nào đó với một trường hợp/quốc gia nào đó khiến thời điểm công bố được lùi lại.
"Theo tôi tìm hiểu thì phía Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, đã hoàn tất việc trao đổi các thông tin và dữ liệu cần thiết cho việc đánh giá. Còn lại là kết luận từ phía Mỹ. Việc chưa công bố có thể có phát sinh nào đó, mà đây là đánh giá với nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng Việt Nam", người am hiểu trên cho biết.
Cũng theo nguồn tin này, kỳ đánh giá vừa qua thuộc giai đoạn từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2019. Ở kỳ này, Việt Nam bị thỏa mãn một trong ba tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ xem xét là về thặng dư thương mại.
Dù vậy, theo tìm hiểu của BizLIVE ở một số kênh liên quan, nhiều khả năng Bộ Tài chính Mỹ sẽ chưa đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia "thao túng tiền tệ", dựa trên cơ sở trao đổi và phối hợp đánh giá giữa hai bên vừa qua. Tuy nhiên, ở kỳ đánh giá tiếp theo với kỳ báo cáo dự kiến vào tháng 4/2020 thì vẫn khó nói trước.
Trước đó, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá với các nước là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tại báo cáo này Bộ Tài chính Mỹ đưa ra danh sách 9 quốc gia cần theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam.
Trả lời trước Quốc hội sáng 6/6/2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng đã thông tin cụ thể về sự kiện này.
Ba tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ đưa các nước vào báo cáo hồi tháng 5 vừa qua, gồm thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và can thiệp ngoại hối một chiều (mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục) 2% GDP. Trong đó, Việt Nam thoả mãn 2 tiêu chí, là thặng dư thương mại và cán cân vãng lai. Còn tiêu chí về can thiệp ngoại hối một chiều thấp hơn ngưỡng Mỹ đưa ra.
MINH ĐỨC
Theo Bizlive.vn
Áp lực tỷ giá Tỷ giá năm 2020 có khả năng sẽ chịu áp lực từ xu hướng tiếp tục yếu đi của đồng nhân dân tệ (CNY) và đồng tiền của các thị trường mới nổi khác, làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Áp lực này đòi hỏi nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý...