Điều gì xảy ra nếu Triều Tiên thử hạt nhân?
Nếu Bình Nhưỡng quyết thử hạt nhân lần thứ 6, Mỹ sẽ phải áp dụng một loạt biện pháp đối phó, trong đó tấn công quân sự chỉ là giải pháp cuối cùng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm cơ sở hạt nhân của nước này. Ảnh: KCNA
Dư luận thế giới cuối tuần qua thở phào khi Triều Tiên quyết định không tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, nguy cơ về một cuộc xung đột vẫn đang ám ảnh khu vực, khi Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng thử hạt nhân bất cứ lúc nào.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và cả Phó tổng thống Mike Pence gần đây tuyên bố Mỹ đã hết “kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên, đe dọa sẽ có những biện pháp quyết liệt, kể cả tấn công phủ đầu, nếu Triều Tiên quyết định kích nổ thiết bị hạt nhân tiếp theo.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với ABC News, Robert Kelly, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Pusan Hàn Quốc, cho rằng nếu Triều Tiên vẫn quyết tâm thử hạt nhân và Mỹ quyết đáp trả bằng đòn tấn công quân sự, một cuộc xung đột toàn diện mang tính hủy diệt có thể sẽ xảy ra ở Đông Á, với sự tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc.
“Kịch bản tồi tệ nhất là cuộc chiến giữa hai miền Triều Tiên với Trung Quốc và Mỹ bị lôi kéo vào hai phe, sau đó vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng”, Kelly nói.
Theo giáo sư Greg Barton thuộc Đại học Deakin, trong trường hợp bị Mỹ tấn công phủ đầu, Triều Tiên sẽ trả đũa bằng cách “dội bão lửa địa ngục” xuống Hàn Quốc. “Vấn đề là Mỹ dường như không có kế hoạch đối phó hiệu quả với Triều Tiên ngoài một cuộc không kích mang tính biểu tượng. Nếu họ tìm cách phá hủy các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể tức nước vỡ bờ, và thủ đô Seoul của Hàn Quốc sẽ bị hủy diệt”, Barton nói.
Các chuyên gia phân tích tin rằng kịch bản thảm họa đó sẽ không xảy ra, ngay cả khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6. “Một cuộc tấn công phủ đầu là động thái rất nguy hiểm, bởi Triều Tiên có hàng nghìn khẩu pháo đang chĩa vào Seoul, nơi có 10 triệu người Hàn Quốc, 100.000 công dân và 27.500 binh sĩ Mỹ”, Victor Cha, giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á tại Đại học Georgetown, nhận định.
Video đang HOT
H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tuần trước cho biết sử dụng sức mạnh quân sự chỉ là biện pháp cuối cùng của Mỹ để đối phó với Triều Tiên. “Đã đến lúc chúng tôi cần đưa ra mọi hành động khả dĩ, chưa cần đến biện pháp quân sự, để tìm cách giải quyết vấn đề này một cách hòa bình”, ông McMaster nói.
Phó tổng thống Mỹ Pence mới đây cũng tuyên bố Washington chưa vạch ra bất cứ “giới hạn đỏ” nào đối với Bình Nhưỡng. Giới phân tích cho rằng điều này ám chỉ việc Mỹ sẽ không xem xét sử dụng biện pháp quân sự ngay cả khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6.
Ông Pence tại khu phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Theo giới phân tích, ngoài việc sử dụng biện pháp quân sự, Mỹ còn một số lựa chọn khác để đối phó với Triều Tiên mà không châm ngòi cho một cuộc chiến quy mô lớn. Tình báo Mỹ có thể thực hiện các cuộc tấn công mạng nhắm vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên để phá hủy các lò phản ứng, đầu đạn hạt nhân từ bên trong.
Theo Reuters, Mỹ đã từng tìm cách cài virus Stuxnet để tấn công chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên trong giai đoạn 2009-2010 nhưng chưa thành công. Đây chính là loại virus mà tình báo Mỹ và Israel đã sử dụng để phá hủy hàng nghìn máy ly tâm trong các cơ sở làm giàu urani của Iran.
Một hoạt động ngầm khác mà Mỹ có thể tiến hành là phát động các cuộc tấn công mạng hay tác chiến điện tử để vô hiệu hóa tên lửa Triều Tiên ngay sau khi phóng. Các chuyên gia quân sự nghi ngờ rằng việc tên lửa Triều Tiên liên tiếp phát nổ chỉ vài giây sau khi rời bệ phóng có thể là dấu hiệu cho thấy Mỹ đã bắt đầu thực hiện chương trình này.
Vai trò của Trung Quốc
Sung-Yoon Lee, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Tufts, cho rằng những biện pháp trên chỉ là “hạ sách” mang tính nhất thời để đối phó với chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Về lâu dài, ông cho rằng Mỹ cần áp dụng thượng sách là gia tăng sức ép tài chính lên Triều Tiên, cắt Bình Nhưỡng khỏi hệ thống đồng tiền USD, vốn là xương sống của nền tài chính toàn cầu.
“Những biện pháp cấm vận tài chính như vậy đã phát huy hiệu quả với Iran, Myanmar, Ukraine, Congo…, vì đối tượng hứng chịu lệnh cấm vận bị cô lập khỏi trật tự tài chính quốc tế, khiến các đối tác của họ phải lựa chọn giữa quốc gia bị cấm vận hay hệ thống tài chính Mỹ”, ông Lee nói.
“Điều đáng chú ý là những biện pháp cấm vận tài chính như vậy chưa bao giờ được áp dụng triệt để đối với Triều Tiên”, ông cảnh báo. Triều Tiên vẫn có thể thu về hàng tỷ USD nhờ các mối quan hệ giao thương với Trung Quốc, đồng minh duy nhất và là quốc gia bảo trợ của họ, theo Lee.
Giáo sư Kelly cho biết từ trước tới nay Trung Quốc luôn thể hiện sự ngần ngại trong việc cắt hoàn toàn Triều Tiên ra khỏi nền kinh tế toàn cầu. “Nếu bất ổn xảy ra bên trong Triều Tiên, một làn sóng người tị nạn sẽ tràn sang Trung Quốc, Hàn Quốc, thậm chí là Nhật Bản”, Kelly giải thích.
Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton hôm qua cho biết Mỹ hy vọng Trung Quốc có thể gia tăng sức ép lên Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
“Tổng thống Trump rất hy vọng rằng Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng đáng kể của mình đối với mạch máu của nền kinh tế Triều Tiên nhằm phục vụ nỗ lực này”, bà Thornton nói. “Trung Quốc cho thấy họ đã nhận ra tính cấp bách của nguy cơ, nhu cầu cần có một liên minh quốc tế và sự cần thiết phải nỗ lực hơn nữa để tăng áp lực lên Triều Tiên”.
Các nhà phân tích cho rằng trong trường hợp Triều Tiên tiếp tục thực hiện tham vọng hạt nhân của mình, giải pháp quân sự sẽ không phải là điều mà Mỹ sẽ áp dụng, bởi hy vọng lớn nhất của Washington chính là quyết tâm can thiệp của Bắc Kinh nhằm chế ngự Bình Nhưỡng. “Phó tổng thống Pence đã đúng khi hướng tới Trung Quốc và nói rằng hy vọng nằm ở sự giúp đỡ của họ. Đó là hy vọng duy nhất mà chúng ta có”, giáo sư Barton nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Phó tổng thống Mỹ: 'Thời kỳ kiên nhẫn với Triều Tiên đã hết'
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tái khẳng định bảo vệ Hàn Quốc và tuyên bố thời kỳ "kiên nhẫn chiến lược" của chính quyền cũ với Triều Tiên đã qua.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nhìn về phía bắc tại đài quan sát ở khu phi quân sự chia cắt bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters
"Có một thời kỳ kiên nhẫn chiến lược nhưng thời đại đó đã qua", Reuters hôm nay dẫn lại lời ông Pence nói đến Triều Tiên, khi tới Khu Phi quân sự (DMZ) ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc.
Phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh tất cả các phương án đều được đưa ra thảo luận, nhằm đạt được các mục tiêu và bảo đảm sự ổn định của người dân Hàn Quốc. Mỹ sẽ duy trì mối liên minh vững chắc với Hàn Quốc và gìn giữ hòa bình thông qua sức mạnh.
Tuy nhiên, ông Pence cũng nói thêm rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm rõ sẽ không bàn về chiến thuật quân sự cụ thể.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster hôm 15/4 cho biết ông Trump không cân nhắc hành động quân sự với Triều Tiên lúc này, thậm chí khi Washington đã điều tàu sân bay USS Carl Vinson cùng các tàu hộ tống đến gần bán đảo Triều Tiên.
Chuyến thăm Hàn Quốc của ông Pence diễn ra sau khi Triều Tiên tổ chức duyệt binh được cho là lớn nhất lịch sử và thử tên lửa nhưng bất thành.
Hoạt động này của Bình Nhưỡng nhằm kỷ niệm 105 năm ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành nhưng giới phân tích đánh giá là hành động phô trương sức mạnh quân sự trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng.
Khánh Lynh
Theo VNE
Phó tổng thống Mỹ sắp đến Hàn Quốc để bàn về Triều Tiên Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày mai lên đường đến quốc gia đồng minh thân cận, trong bối cảnh Triều Tiên có thể thử hạt nhân lần thứ 6. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: CanadaInquier Hàn Quốc là điểm dừng chân đầu tiên của ông Pence trong chuyến thăm châu Á kéo dài 11 ngày, bắt đầu từ 15/4, CBS...