Điều gì biến ‘giấc mơ Trung Hoa’ thành ‘ác mộng’?
Quốc tế hóa Biển Đông và sự trỗi dậy của Nhật Bản đã hình thành nên một cấu trúc an ninh mới trên khu vực Châu Á-TBD.
Bắt đầu từ năm 2010, khu vực Châu Á-TBD đánh dấu sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng việc GDP của Trung Quốc vượt Nhật Bản đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Cùng với tăng trưởng GDP là sự tăng sức mạnh quân sự với chi tiêu quốc phòng hàng năm 2 con số.
Đương nhiên, khi có tiền và sức mạnh là chủ nghĩa dân tộc đại Hán, sô vanh nước lớn, mộng bá quyền trỗi dậy.
“Giấc mơ Trung Hoa là ác mộng cho lân bang” luôn là một mệnh đề đúng trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Giấc mơ Trung Hoa thực chất là biến Trung Quốc thành một cường quốc biển, hất lực lượng Hải quân Mỹ và ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi vùng Hoa Đông, Biển Đôngđến tận Guam, chia sẻ quyền lực với Mỹ trên Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.
Trong giấc mơ đó thì thống trị Biển Đông hay chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông như bản đồ đường “lưỡi bò” đã đưa ra là then chốt, là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Trung Quốc và được coi như là “giấc mộng vàng”.
Tuy nhiên, có 2 vấn đề mà Trung Quốc không bao giờ muốn nó xảy ra và đang cố hết sức để ngăn cản nó xảy ra, bởi nếu nó xảy ra thì “giấc mơ” không thành và không cẩn thận sẽ biến thành cơn “ác mộng”. Đáng tiếc là câu ngạn ngữ “Nghĩ nhiều đến quỷ thì quỷ sẽ xuất hiện” là không sai đối với Trung Quốc. Vậy 2 vấn đề đó đang xảy ra là gì mà khiến Trung Quốc hoảng sợ?
1-Quốc tế hóa Biển Đông
Xung quanh Biển Đông chỉ có 5 quốc gia gồm Việt Nam, Philipines, Malaysia, Indonesia và Brunei. Trung Quốc nghĩ rằng với sức mạnh về kinh tế, quân sự của mình thì việc biến Biển Đông thành “ao nhà” là không có gì khó khăn nếu như vượt qua được cửa ải duy nhất và đầu tiên là Việt Nam. Vì thế chiến lược, đối sách, trên Biển Đông hiện nay của Trung Quốc và sự căng thẳng leo thang mà Trung Quốc là nguyên nhân đều nhằm vào Việt Nam và với Việt Nam là chủ yếu.
Video đang HOT
Bằng một loạt sách lược để “biến từ không thành có” như biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, đàm phán song phương, kết hợp các biện pháp khẳng định chủ quyền bằng lệnh cấm đánh bắt, chiến thuật tàu cá…trên cơ sở cậy mạnh, lấy thịt đè người, đe dọa sử dụng vũ lực, áp lực kinh tế…
Chiến lược chiếm Biển Đông của Trung Quốc đến giai đoạn hiện nay đã chuyển sách lược tranh chấp bằng đàm phán sang sách lược mới có thể nói là hung hăng, ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế đó là tranh chấp thực địa, thực tế, bằng sức mạnh. Sẵn sàng sử dụng vũ lực đánh chiếm các đảo hoặc quần đảo trong điều kiện có lợi nhất với thời gian nhanh nhất.
Rất may cho Việt Nam là thứ nhất, nếu Biển Đông rơi vào tay Trung Quốc thì các quốc gia có tuyến đường hàng hải quan trọng, sống còn, như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Mỹ…sẽ bị Trung Quốc “bắt làm con tin”. Mỹ sẽ bị hất ra khỏi khu vực ĐNA, một địa bàn then chốt của chiến lược Châu Á-TBD của Mỹ…cho nên, các quốc gia có liên can buộc phải hành động để ngăn cản hoặc chống lại Trung Quốc.
Và, thứ hai là không những thế, tuyến hàng hải trên Biển Đông cũng còn là “đường sinh mạng” của Trung Quốc lại luôn trong tầm khống chế của Việt Nam, cho nên, nếu Trung Quốc gây xung đột thì Việt Nam có nhiều phương án tác chiến để buộc Trung Quốc phải trả giá.
Vậy, quốc tế hóa Biển Đông là gì? Thực chất là các quốc gia có nguy cơ bị Trung Quốc “bắt làm con tin” sẽ không để yên cho Trung Quốc chiếm hết Biển Đông trong đó có lợi ích quốc gia của họ, thế thôi.
Vậy, điều gì xảy ra khi Biển Đông được quốc tế hóa? Trước hết vì Biển Đông có “mối quan tâm chung”, cho nên, tất cả mọi chuyện tranh chấp phải giải quyết bằng luật pháp quốc tế. Không ai được quyền dùng sức mạnh để chiếm đoạt hay thay đổi hiện trạng. Nếu Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đoạt thì Việt Nam sẽ được Mỹ, Nhật Bản, Úc…ủng hộ bằng quân sự như chia xẻ tin tức tình báo, viện trợ vũ khí trang bị, huấn luyện binh sỹ…hoặc mức độ cao hơn có thể sẽ phải đối đầu với một liên minh quân sự.
Quốc tế hóa Biển Đông thì Trung Quốc chỉ là một con rồng trong vũng nước nhỏ hoặc là thành “Ác mộng Trung Hoa” nếu bất chấp sắn sàng đối đầu.
Quốc tế hóa Biển Đông đã, đang diễn ra và trở thành một thực tế không thể nghi ngờ khi tại Diến đàn an ninh khu vực Shangri-La vừa rồi, Mỹ tuyên bố: “Biển Đông là “trái tim” của Châu Á-TBD và là giao lộ của nền kinh tế thế giới” đã nói lên tất cả.
Tướng Trung Quốc la lối buộc tội Mỹ, Nhật Bản “kết bè phái” thách thức Trung Quốc tại Shingri-La
Sự trỗi dậy của Nhật Bản
Cũng như Việt Nam, mối quan hệ Trung-Nhật mang đậm dấu ấn và sự chi phối của mối thù hận khó phai trong lịch sử. Trước thế chiến thứ 2, Trung Quốc có 2 cơ hội để vươn lên ngang tầm những cường quốc đương thời trên thế giới thì cả 2 lần đều bị Nhật Bản biến thành cơn “ác mộng”.
Phong trào Dương Vụ đời nhà Thanh sau 33 năm thu được thành tựu to lớn, riêng về Hải quân họ được coi là mạnh nhất châu Á, nhưng chỉ sau vài tháng đụng độ với Nhật Bản (chiến tranh Giáp ngọ), quân Thanh bị đánh tơi tả khiến cho nền kinh tế, quân sự trở về số không. Lại phải vật vã 30 năm và bắt đầu một thập kỷ (từ năm 1928-1937) xây dựng, đã đưa đến cho Trung Quốc một cơ hội, một tiềm năng rất lớn để hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ và Trung Quốc bị ra sao với phát xít Nhật thì ta đã biết.
Từ năm 1979 đến nay, thời điểm Trung Quốc mở màn thanh toán món nợ 100 năm với Nhật Bản vào năm 2012 là 33 năm, Trung Quốc đã hiện đại hóa đất nước, tạo ra một nền kinh tế phát triển thần kỳ chiếm ngôi kinh tế của Nhật Bản.
Có thể nói Trung Quốc hiện nay có một nền kinh tế có GDP lớn hơn Nhật Bản, đặc biệt nền quân sự hùng hậu hơn nhiều lần. Trong khi đó Nhật Bản nước bị bại trong chiến tranh đang bị trói buộc bởi hiến pháp hòa bình…không có quân đội, không được phòng vệ tập thể, sống nhờ ô hạt nhân và liên minh quân sự với Mỹ.
Với tình thế Nhật Bản như vậy thì Trung Quốc có thể rửa hận bất cứ lúc nào và đã bắt đầu bằng hành động cơ bắp gây căng thẳng trên biển Hoa Đông xung quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Hơn ai hết, Nhật Bản đã nhận thức được sự nguy hiểm đến từ Trung Quốc nên buộc phải trỗi dậy đối phó. Sự trỗi dậy của Nhật Bản thực chất là biến Nhật Bản thành một quốc gia bình thường, nghĩa là Nhật Bản có quân đội, có quyền tấn công, phòng thủ có quyền chế tạo sản xuất vũ khí bán cho các quốc gia không phải là kẻ thù…nói chung là Trung Quốc như thế nào thì Nhật Bản như thế ấy.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính thức tuyên chiến với sự bành trướng của Trung Quốc tại Shingri-La
Đến nay, 2 điểm then chốt nhất là quyền phòng vệ tập thể và quyền xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản đã được phục hồi đã khiến Trung Quốc như ngồi trên đống lửa và lo lắng.
Không lo lắng sao được khi thực lực quân sự Trung Quốc chỉ hơn Nhật Bản về lượng. Nhật Bản lại có một nền tảng công nghiệp hiện đại, kỹ thuật công nghệ cao thuộc diện hàng đầu thế giới, vượt xa Trung Quốc. Khác với Trung Quốc còn phải mua nhiều thiết bị quân sự vì không chế tạo được thì Nhật Bản muốn là có và khi đã có quyền xuất khẩu vũ khí thì các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản sẽ cạnh tranh đáng gờm với cả Mỹ và Nga trên thị trường vũ khí.
Nhật Bản không chỉ là cường quốc kinh tế mà thực thụ là một cường quốc quân sự, chính trị trên khu vực Châu Á-TBD, là đối thủ đáng gờm và luôn là “khắc tinh” với Trung Quốc.
Khi sức mạnh quân sự-khả năng giải quyết các vấn đề địa chính trị đã cân bằng với Trung Quốc, ít nhất là vũ khí thông thường thì giấc mơ Đại động Á trước đây sẽ quay trở lại với những thị trường rộng lớn nhất mà Nhật Bản có thể phát triển được trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, vũ khí trang bị quốc phòng, truyền thông viễn thám…những lĩnh vực nhạy cảm về địa chính trị mà Mỹ, Nga và Trung Quốc đang làm mưa làm gió, còn Nhật Bản vẫn đứng vị trí nhà thầu thứ cấp.
Những tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản tại Shangri-La về vai trò, trách nhiệm của Nhật Bản trước hành động khiêu khích nguy hiểm, gây hấn trên Biển Đông và Hoa Đông, sự ủng hộ giúp đỡ cho các nước trong khu vực chống lại sự bành trướng, thay đổi hiện trạng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã chứng tỏ Nhật Bản đã hiên ngang bước lên tuyến đầu chống Trung Quốc hung hăng, ngang ngược.
Quốc tế hóa Biển Đông và sự trỗi dậy của Nhật Bản đã hình thành nên một cấu trúc an ninh mới trên khu vực Châu Á-TBD, một cấu trúc an ninh có lợi cho Việt Nam.
Quốc tế hóa Biển Đông và sự trỗi dậy của Nhật Bản là 2 vấn đề mà khiến Trung Quốc nơm nớp lo sợ nhất trong “giấc mơ Trung Hoa”.
Đáng tiếc cho Trung Quốc là 2 vấn đề này nó đã hiện hữu ngày một lớn hơn theo sự hung hăng ngang ngược của chính mình.
Nếu như Trung Quốc được mệnh danh như một con Rồng lớn thì Quốc tế hóa Biển Đông và sự trỗi dậy của Nhật Bản hoặc là như sợi xích và chiếc khóa định vị con Rồng đó trong một vũng nước, hoặc là cơn “ác mộng Trung Hoa”.
Theo Báo Đất Việt