Điều đáng lo ngại đằng sau cột mốc 1 tỷ liều vaccine COVID-19 của Ấn Độ
Ấn Độ sẽ sớm cung cấp 1 tỷ liều vaccine COVID-19 cho người dân. Tuy nhiên, dấu mốc quan trọng này được cảnh báo ẩn chứa sự chênh lệch đáng lo ngại giữa người đã tiêm chủng đầy đủ và những người chỉ tiêm 1 mũi.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 cho người dân tại một điểm tiêm chủng. Ảnh: Bloomberg
Theo trang Bloomberg, mặc dù có khả năng đạt mốc 1 tỉ liều vaccine COVID-19 trong tuần này, Ấn Độ mới chỉ tiêm 2 mũi vaccine cho 20% trong tổng số dân 1,4 tỉ người. Trong khi đó, 51% dân số đã được tiêm một mũi. Điều này đã khiến Ấn Độ trở thành quốc gia có tỉ lệ chênh lệch tiêm chủng lớn nhất trên toàn cầu.
Để so sánh, có thể nhìn vào tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine tại nước láng giềng Trung Quốc, quốc gia duy nhất có tỉ lệ tiêm chủng cao hơn Ấn Độ. Trung Quốc đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine cho khoảng 1,05 tỉ dân, chiếm 75% dân số, tính đến cuối tháng 9.
Các chuyên gia y tế nhận định nguyên nhân gây ra tình trạng chênh lệch này do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Từng là quốc gia hứng chịu đợt bùng phát COVID-19 tàn khốc nhất thế giới vào đầu năm nay, quốc gia Nam Á đang chứng kiến xu hướng các ca mắc giảm đáng kể trong vài tháng gần đây. Điều này đã làm giảm mức độ khẩn cấp của việc tiêm chủng, khiến nhiều người nghĩ rằng tiêm vaccine không còn là điều cần thiết.
Tình trạng chần chừ tiêm chủng xảy ra phổ biến ở vùng nông thôn của Ấn Độ, nơi có khoảng 2/3 dân số có khả năng tiếp cận các cơ sở y tế được tài trợ còn hạn chế. Tại những khu vực này, chính phủ đã kết hợp chương trình phúc lợi với việc tiêm vaccine. Tuy nhiên, phúc lợi của chính phủ chỉ mang lại mũi vaccine đầu tiên khiến một số người phải đi quãng đường rất dài để có thể tiêm tiếp mũi thứ 2.
Video đang HOT
Phòng theo dõi sau tiêm tại một điểm tiêm phòng COVID-19 ở New Delhi. Ảnh: Getty Images
Nhiều chính quyền tiểu bang cũng coi giấy chứng nhận tiêm phòng mũi 1 là điều kiện để tiếp cận các chương trình phúc lợi khác, bao gồm hệ thống trợ cấp lương thực mà nhiều gia đình nghèo và nông thôn đang phải phụ thuộc. Trong khi đó, không có yêu cầu tương tự nào kèm theo khi tiêm mũi thứ 2.
Điều này khiến giới chức khó thúc đẩy người dân trở lại tiêm mũi thứ 2 hay thuyết phục những người còn do dự đi tiêm chủng. Nhận định về vấn đề này, ông Brian Wahl, chuyên gia dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins, cho biết: “Càng đạt được nhiều tiến bộ, thì càng có nhiều thách thức để đạt được mức độ bao phủ vaccine ngày càng cao”.
Ngoài ra, số lượng lớn lớn trẻ em chưa đủ tuổi tiêm vaccine cũng góp phần tạo ra sự chênh lệch lớn trong chương trình tiêm chủng ở quốc gia này. Tại Ấn Độ, các cơ quan y tế khuyến nghị khoảng cách giữa 2 mũi vaccine AstraZeneca, loại vaccine được phân phối rộng rãi ở nước này, là 3 tháng. Song các chuyên gia cho rằng khoảng cách này tương đối dài.
Bhramar Mukherjee, Giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Michigan cho biết: “Sự tuân thủ khoảng cách giữa 2 liều đã trở thành vấn đề đáng chú ý trong tất cả các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở Ấn Độ”.
Sự chênh lệch này rất đáng lo ngại vì trong khi các ca nhiễm đã giảm xuống mức thấp nhất vào đầu tháng 5, Ấn Độ vẫn ghi nhận trên 13.000 ca mắc mới mỗi ngày và hàng trăm trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong tổng thể của nước này chỉ đứng sau Mỹ trên toàn cầu.
Nhân viên y tế ở New Delhi tiêm vaccine COVID-19 cho người dân hôm 16/10. Anh: Getty Images
Tuy nhiên, ông Wahl hy vọng khoảng cách này sẽ thu hẹp trong những tuần tới. Nhiều người Ấn Độ dự kiến sẽ tiêm mũi AstraZeneca thứ 2 sau một thời gian dài chờ đợi trong bối cảnh nhà sản xuất vaccine địa phương – Viện Huyết thanh Ấn Độ – bắt đầu thúc đẩy đáng kể việc sản xuất.
Dù hiện tại Ấn Độ vẫn chưa triển khai tiêm chủng bất kỳ loại vaccine nào cho trẻ em dưới 18 tuổi, nhóm chiếm khoảng 40% dân số nước này, song điều này có thể sớm được điều chỉnh. Một loại vaccine COVID-19 nội địa đã được Ấn Độ phê duyệt cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, nhưng vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Cơ quan quản lý dược phẩm của nước này hiện cũng đang xem xét một loại vaccine khác dành cho những đối tượng trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho dân số trưởng thành của Ấn Độ vào cuối năm. Cho đến thời điểm đó, cơ quan y tế hy vọng hiệu quả của loại vaccine đã được triển khai, cũng như khả năng miễn dịch cộng đồng, ước tính khoảng 2/3 dân số, sẽ được duy trì.
Nhưng rủi ro vẫn luôn hiện hữu. Chuyên gia Wahl cảnh báo: “Ở những nơi mà mức độ tiêm chủng có sự chênh lệch lớn, một hậu quả dễ thấy là những đợt bùng phát nhỏ lẻ vẫn liên tục diễn ra do khả năng miễn dịch suy giảm dần theo thời gian. Do đó, việc tiếp tục thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng là điều quan trọng”.
Ấn Độ là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Quốc gia này mới đây đã nối lại việc xuất khẩu một lượng nhỏ vaccine COVID-19 và sẽ gia tăng đáng kể hoạt động xuất khẩu trong vài tháng tới khi nguồn dự trữ trong nước tăng lên. Các chuyên gia nhận định nước này sẽ vượt mốc tiêm 1 tỷ liều vaccine COVID-19 trong những ngày tới. Tuy nhiên, Ấn Độ không có kế hoạch tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường cho dù nguồn cung trong nước đang gia tăng.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Lào, Ấn Độ tiếp tục giảm
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Bộ Y tế Lào ngày 18/10 cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tiếp tục giảm, với 285 ca mắc mới trong 24 giờ qua.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Trong số các ca mắc mới có 280 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 5 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đặc biệt, thủ đô Viêng Chăn, sau nhiều ngày là điểm nóng về dịch bệnh, ngày 18/10 đã ghi nhận số ca mắc mới giảm xuống 2 con số với 85 ca, trong đó có 83 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 2 ca nhập cảnh. Đáng chú ý, Luang Prabang, một trong những tỉnh ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao trong thời gian qua, ngày 18/10 lại đứng đầu cả nước khi ghi nhận 101 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 32.314 ca, trong đó có 40 ca tử vong.
Bộ Y tế Lào cho biết, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều quảng cáo các sản phẩm liên quan đến các thiết bị chẩn đoán và phòng ngừa COVID-19 như thiết bị xét nghiệm nhanh COVID-19, các loại thuốc y học cổ truyền điều trị COVID-19... mà không rõ nguồn gốc, chất lượng. Vì vậy, Bộ Y tế Lào khuyến cáo người dân không nên tự ý mua bộ kít xét nghiệm nhanh để sử dụng bởi vì nếu thiết bị này không đảm bảo chất lượng và sử dụng không đúng cách sẽ gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh. Việc sử dụng các thiết bị này phải có sự hướng dẫn, giám sát, kiểm tra của các cán bộ y tế.
Ngoài ra, Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người cao tuổi, người có bệnh lý nền, đặc biệt là phụ nữ mang thai trên 3 tháng và người đang nuôi con nhỏ cần sớm đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 để tăng cường kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
* Cùng ngày, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo nước này ghi nhận thêm 13.596 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức trong ngày thấp nhất trong 230 ngày qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Nam Á này lên 34.081.315 ca.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 166 ca tử vong mới do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong đến nay lên 452.290 ca. Đến nay, tổng cộng 33.439.331 bệnh nhân ở Ấn Độ đã phục hồi và được điều trị khỏi bệnh.
Kêu gọi quyền tiếp cận bình đẳng thuốc điều trị COVID-19 của Merck & Co (Mỹ) Theo các nhóm y tế quốc tế, việc hãng dược phẩm Merck & Co của Mỹ công bố loại thuốc kháng virus được cho là hiệu quả trong điều trị COVID-19 đang có nguy cơ làm lặp lại tình trạng bất bình đẳng giống như trong việc phân phối vaccine, theo đó các nước thu nhập thấp và trung bình khó có thể...